Đời thuở nhà ai đến được nhà thờ Đức Bà, lượn sông Seine, ngửa cổ ngắm tháp Eiffel và ngồi dưới chân cột của điện Panthéon rồi, vậy mà cô bạn lần đầu đi Paris cùng tôi tổng kết: “Cả chuyến đi em thấy được mỗi bát phở quận 13, đúng vị phở Bắc”. Cái vị phở ấy, chủ yếu ngọt mì chính.
Một lễ hội ẩm thực của người Việt ở Hà Lan
Từ chuyện du lịch
Đời người là những chuyến đi. Ai chẳng biết. Nhưng mà đi thế nào? Thực ra, lúc từ vườn Luxembourg ra điện Panthéon, tôi – ba lần đi Paris – đã bảo cô bạn lần đầu đến đây rằng: “Mua vé vào nhé?”, “Trong ấy có gì?”, “Mộ người nổi tiếng”, “Thôi, em ngồi ngoài”. Chắc cô chỉ thích du lịch kiểu điểm danh. Tôi lờ bảo tàng Louvre đi. Chính tôi cũng chưa vào được nơi này, nghe nói phải dành ra ít nhất vài ngày cho Louvre, chứ nói gì vài giờ. Qua loa cho gọi là có thì không nên, để dịp khác thảnh thơi hơn. Cô lại nhắc: “Bác ơi, còn chỗ gì có kim tự tháp nữa, cho mẹ con em đi nốt”.
Cũng sáng sớm hôm ấy, mắt nhắm mắt mở vào bếp đun nước pha cà phê đã thấy Thắng (đang du học Thụy Điển) thuê chung căn hộ du lịch Paris với chúng tôi quần áo tươm tất, xụp xoạt húp mì ăn liền: “Em đi Louvre đây”. Ghen với Thắng. Chắc giờ này xem được kha khá tranh tượng rồi. Còn tôi và cô bạn, đang ngồi ngoài xem bọn trẻ con chạy nhảy trước mấy kim tự tháp bằng kính vừa sáng đèn, nghĩ cách làm sao tiến vào được nốt cửa ô Choisy và Ivry. Nơi ấy có phố Tàu, có siêu thị Tang Frères thần thánh để hoàn thành nhiệm vụ mấy bà chị gốc Việt sống ở Bỉ giao phó: “Mua giúp dăm cân nhãn và mấy quả sầu riêng”.
“Mùa thu Paris/ Tràn dâng đôi mi/ Người em gác trọ/ Sang anh, gót nhỏ thầm thì…” (Mùa thu Paris, thơ Cung Trầm Tưởng).
Lễ hội Tết Việt ở Brussels, Bỉ
Cũng có người em gác trọ gõ cửa phòng tôi sáng hôm ấy, giọng thầm thì: “Bên chị còn giấy vệ sinh không, viện trợ bên em một cuộn”. Ấy là chuyện xảy ra trong những ngày tôi thuê phòng trọ của người Việt tại Paris. Dạo này người Việt ở châu Âu mở dịch vụ cho thuê phòng trọ, chủ yếu phục vụ khách Việt Nam sang, khá rôm rả. Cũng nên ở thử cho biết bà con mình tham gia làm airb&b như thế nào. Chẳng quan trọng giường ấm nệm êm, nước tắm nóng lạnh ra sao, miễn giá rẻ và được nấu nướng, giặt giũ. Máy giặt có máy sấy lại không, khô vào đâu? Đầu giường cánh tủ mở ra làm dây phơi. Bếp thì có mà bàn ăn thì không. Ăn đứng cho năng suất.
Lần ấy tôi chọn thuê chung căn hộ ở gần quận 13, nhưng riêng phòng và khu vệ sinh khép kín. Vào đến nơi, thấy bồn cầu đậy kín nắp, dán chéo hai miếng băng dính to “Không dùng bồn cầu này”. Có vẻ tắc lâu rồi. Nhóm chúng tôi và nhóm du học sinh từ Thụy Điển sang, cả thảy bảy người lớn và năm trẻ em được chủ nhà nhét chung vào căn hộ này, chung một bồn cầu, hết giấy vệ sinh vì thế. Người Việt được cái xuề xòa, dễ thông cảm, mới gặp đã như quen từ lâu lắm. Không thông cảm cũng không được, sổ ghi nhận xét – góp ý của khách trọ còn chẳng có, nói gì đến các loại sách hướng dẫn, tờ rơi, bản đồ du lịch Paris.
Tôi bỗng nhớ Pietro – chủ nhân căn hộ Nice Livings Gioia ở Milan quá. Sạch sẽ, tươm tất. Ba ngày trọ nhà anh, tôi chưa một lần gặp mặt. Nhưng cái gì Pietro cũng chuẩn bị hết rồi. “Chỉ đi bộ 5-10 phút từ ga tàu là đến căn hộ. Chị cũng có thể bắt tàu điện ngầm và dừng ở bến Sondrio. Đi xe buýt thì lấy số 81 nhé. Hình ảnh, thông tin và mọi chỉ dẫn các điểm tham quan ở Milan đều in sẵn, kẹp trong bìa nhựa để ngăn kéo bàn ăn. Cả cách lấy xe buýt và tàu điện ngầm đến từng điểm. Siêu thị cách đây khoảng hơn một cây số, xuống nhà rẽ trái là đến”. Dĩ nhiên, Pietro sòng phẳng tính trước cả phí dịch vụ vệ sinh mười lăm Euro mỗi ngày. Còn chủ căn hộ gốc Việt không thu thêm gì, còn gọi giúp Uber và trả trước hộ tôi một cuốc taxi gấp lúc loay hoay giữa đêm hôm Paris khuya khoắt, hết tàu. Tôi nhắn tin: “Cho chị số tài khoản để chuyển tiền taxi?”, chủ nhà trọ nhắn lại: “Ôi, người Việt với nhau cả, lo gì. Chị cứ để tiền vào góc tủ cao nhất cho em”.
Đang ngồi ăn lẩu dê trong nhà hàng Việt gần căn hộ trọ tại Paris thì một phụ nữ chừng sáu mươi tuổi tiến lại phía tôi: “Làm thế nào các cô biết mà thuê căn hộ của chú ấy? Giá bao nhiêu?” Tôi ngừng ăn: “Hai người lớn và hai trẻ em giá dao động 50-75 Euro/đêm, tùy mùa. Lên mạng ra hết, chị ơi”. Người phụ nữ mắt sáng bừng: “Nhà chị ba phòng ngủ, con cái ra ở riêng cả rồi. Chị cũng muốn cho thuê phòng”, “Để em chỉ cách vào mạng đăng ký dịch vụ cho thuê”, “Thôi, chị già rồi, mạng miếc nét niếc phức tạp lắm. Đây, chị ghi điện thoại ra giấy, ai có nhu cầu du lịch Paris em mách họ giúp nhé”. Thêm một người Việt nữa làm airb&b.
… Đến làm hàng Tết
Người Việt ở châu Âu bán hàng Tết
Tưởng đã sang châu Âu rồi, chuyện ba ngày Tết phải giản tiện đi nhiều. Hóa ra cũng còn lắm nhiêu khê. Như người bạn đi Paris cùng tôi đấy thôi, chửa vượt mặt rồi còn làm tươm tất mâm cỗ cúng tất niên, luộc xong mẻ bánh chưng thứ hai cất vào tủ đá dự trữ mới yên tâm vào viện sinh con. “Bên này làm gì có ai phục vụ gái đẻ đâu. Bánh chưng để sẵn đấy, đói cắt ra rán ăn dần, đỡ phải nấu nướng lúc nằm ổ”.
Tính tôi ngại bếp núc. Món gì cầu kỳ quá, thèm ăn dịp Tết quá thì đặt người làm cho. Thực đơn năm nay: nửa cân chả sụn, một cân nem chua, hai cân chả cá. Tưởng đặt được là nhẹ rồi, trả tiền lấy hàng là xong. Cô bạn kia lại nhắc: “Phải cân kiểm tra nhé. Em vừa lấy hàng của con bé ấy về, cầm thấy nhẹ tay quá. Cho lên cân hóa ra cái nem chua bảo hai trăm gram nhưng được có một trăm ba mươi sáu gram, bánh phở tươi có một cân và già một lạng mà tính tiền cân rưỡi. Em nói thẳng vào mặt luôn rồi đấy, điêu thế không bền. Nó cứ cãi quanh co, sau lại bảo chắc em đưa nhầm hàng. Nhầm là nhầm thế nào, tên em nó ghi to đùng ngoài túi còn gì. Mình nói chính là để giúp nó con đường làm ăn lâu dài, lấy uy tín và chất lượng làm trọng”.
Quán ăn người Việt ở Hà Lan sáng đèn đêm giao thừa
Tôi đem chuyện này kể với một người chuyên tổ chức sự kiện và kinh doanh thực phẩm phục vụ cộng đồng người Việt ở Hà Lan. Chị xả ra một tràng bực tức: “Ôi, tôi ớn mấy người bán hàng kiểu này từ lâu rồi cô ơi. Không chỉ cân điêu mà còn tự dưng thọt ra bán giá điên điên làm ảnh hưởng những người làm hàng dịp lễ Tết lâu năm, có uy tín và trách nhiệm. Ai đời mình bán mười ba Euro một cân giò thủ mà các mẹ ấy ra giá chỉ chín Euro. Điên à? Lỗ tai tươi lấy từ lò trên quê bèo nhất đã hai Euro/cân, tai lủng lỗ chỗ nhưng sạch. Ừ, cứ cho là họ xin được tai heo miễn phí đi. Nhưng thử hỏi xắt một kí tai heo muốn nhừ tay xong rồi còn thêm đủ thứ gia vị, xào nấu hôi hám nhà cửa, mà đem bán chỉ chín Euro, liệu có lời được hai Euro không? Có người bạn tôi đây, làm giò thủ lâu năm, mỗi dịp Tết thường bán đến hai mươi Euro một cân. Vì phải tính lãi ít nhất tám EUR/cân mới bằng một giờ công lao động bên này chứ, chưa kể thời gian đi chợ. Giò của cô ấy rất ngon, nhưng cũng phải ngừng làm rồi, vì quá tốn công sức. Buôn có bạn bán có phường. Các mẹ nội trợ bây giờ muốn tham gia làm ăn cũng nên bán đúng giá hoặc chênh nhau một chút xíu thôi. Chờ khách ăn coi ngon dở thế nào rồi tự khách quyết chứ. Muốn kéo khách thì tặng thêm cái nọ cái kia đi, chứ kéo giá xuống thế này là phá giá của người khác. Chỉ trong tháng Tết thôi cũng làm giảm thu nhập của người khác nhiều à”.
Tính ngại va chạm nên tôi lẳng lặng đến lấy hàng Tết mang về, quẳng luôn vào tủ đá, không cân. Có cảm giác nhiều hơn bình thường. Lát sau, người làm hàng nhắn tin: “Chị ơi, chồng em bảo hình như chỗ nem chua trong hộp không đủ mười lăm cái, chị đếm lại hộ em với. Nếu thiếu em sẽ bù lần sau”. Tôi không đếm lại nem chua, nhưng đọc đi đọc lại tin nhắn. Cảm giác thật dễ chịu, vui vẻ biết bao trước sự hướng thiện của con người.