Với đa số người tiêu dùng Việt Nam và trên thế giới, việc thưởng thức một tách cà phê vào mỗi buổi sáng đã trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Việt Nam may mắn là nước trồng và xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 trên thế giới. Sản phẩm cà phê không chỉ là thức uống cho người Việt mà thật sự đang mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho người nông trồng cà phê và các nhà máy sản xuất chế biến cà phê.
XUẤT KHẨU TỐT NHỜ CHẤT LƯỢNG CÀ PHÊ ĐƯỢC CẢI THIỆN
Xuất khẩu cà phê từng bước được cải thiện, giá xuất cà phê nhân tăng mạnh và cà phê chế biến tinh cũng được xuất khẩu vào nhiều thị trường với số lượng lớn. Có thể thấy, vùng trồng cà phê vối nước ta được trồng tập trung chủ yếu ở độ cao từ 500 – 600 m so với mực nước biển, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, giúp cho cà phê Việt Nam có hương vị thơm ngon so với cà phê cùng loại ở các nước khác trên thế giới.
Trước đây cà phê nhân chủ yếu xuất xô nên giá thấp, còn những năm gần đây chất lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam được cải thiện nhờ diện tích mới trồng sử dụng giống mới, canh tác theo quy trình nông nghiệp tốt, truy nguyên nguồn gốc được mở rộng… Đến nay, Việt Nam đã có trên 200 ngàn ha với sản lượng khoảng 600 ngàn tấn cà phê nhân được chứng nhận sản xuất theo qui trình chất lượng cao.
EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn là các thị trường truyền thống của Việt Nam, chiếm tới 1/2 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê. Trong những năm gần đây, các thị trường này có nhu cầu tiêu dùng cà phê tiếp tục tăng nhưng lại yêu cầu khá khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm. Theo định hướng của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để củng cố thị trường tiêu thụ truyền thống này, cần tập trung vào xây dựng hệ thống thông tin về sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thông tin từ vùng sản xuất (được chứng nhận xuất xứ theo tiêu chuẩn quốc tế như 4C, Rainforest Alliance, UTZ Certificated,…) đến sản phẩm tiêu thụ cuối cùng (bao bì, đóng gói,…) để người tiêu dùng có thể truy nguyên nguồn gốc.
Đối với thị trường các nước ASEAN và Trung Quốc, Cục Trồng trọt thiết lập quan hệ giữa các doanh nghiệp (B2B), xây dựng chuỗi giá trị kết nối trực tiếp sản xuất – tiêu thụ; xúc tiến đàm phán xây dựng các hệ thống bán lẻ cho cà phê Việt Nam tại các quốc gia này…
HƯỚNG ĐẾN MÔ HÌNH CÀ PHÊ SẠCH VÀ BỀN VỮNG
Tuy vậy, nhiều nơi người trồng cà phê vẫn chưa quen với các chỉ tiêu kỹ thuật trong qui trình khiến các lô hàng xuất khẩu bị khách đánh giá thấp. Dưới sự bảo trợ của chương trình “Much more coffee-MMC” của Công ty Bayer Việt Nam, nhiều nông dân đang được triển khai những kỹ thuật mới đảm bảo chất lượng xuất khẩu tốt. Ông Trần Hoàng Trung ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, người đã thực hiện thành công mô hình MMC từ 2015 đến nay.
“Với sự hỗ trợ của cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Cục Bảo vệ Thực vật địa phương, Công ty Bayer Việt Nam, bà con nông dân không chỉ được tập huấn mô hình MMC mà còn được huấn luyện tổng hợp giải pháp từ giống cây trồng, phân bón, tưới tiêu, phương pháp quản lý cỏ dại, sâu bệnh hại giúp bà con canh tác cà phê bền vững”, ông Trung chia sẻ.
Còn ông Thạch Văn Kiên (xã B’lá, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Trước đây bà con dùng các sản phẩm thuốc diệt cỏ có gốc Glyphosate và phải phun thuốc quản lý cỏ dại từ 3 đến 4 lần/năm, tốn khá nhiều tiền và nhân công, trong khi lao động thì ngày càng khan hiếm. Hiện nay, nhờ áp dụng mô hình MMC, bà con được sử dụng sản phẩm quản lý cỏ dại an toàn và hiệu quả, chỉ cần phun thuốc một lần là an toàn cho cả năm và giúp tiết kiệm công lao động.”
“Ngoài ra, mô hình này còn giúp bà con quản lý sâu bệnh hại suốt cả vụ, giúp bảo vệ cây trồng và tăng năng suất lên trung bình khoảng hơn 23% và tăng lợi nhuận hơn 27%. Đặc biệt, khi áp dụng mô hình MMC, sau thu hoạch, cây trồng khỏe hơn, giúp ổn định năng suất và khả năng phòng bệnh trong giai đoạn tiếp theo”, ông Kiên chia sẻ thêm.
Ông Trần Hữu Ngà (Thôn Hiệp Thắng, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đề xuất: “Mô hình này giúp bà con nông dân tăng năng suất – tăng chất lượng – tăng lợi nhuận và hiệu quả cao, tạo qui trình sản xuất cà phê bền vững nên cần được nhân rộng cho bà con trồng cà phê cả nước, giúp bà con trồng cà phê tốt hơn trong điều kiện thời tiết biến đổi ngày càng phức tạp.”
Với những hiệu quả được ghi nhận từ năm 2015 đến nay đã chứng tỏ mô hình MMC và CLB MMC là giải pháp phù hợp hỗ trợ bà con trồng cà phê vùng Tây Nguyên cũng như bà con trồng cà phê trên cả nước. Mô hình này bảo vệ cây cà phê một cách có hiệu quả cũng như đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu.
Theo ông Kohei Sakata, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam, trong thời gian tới, Bayer Việt Nam sẽ nâng cấp mô hình MMC bằng cách đưa ra các sản phẩm mới để phát triển đầy đủ giải pháp trên cũng như phát triển thành viên CLB giúp nông dân biết và áp dụng các giải pháp MMC hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Bayer cũng làm việc với các đối tác để đưa công nghệ tưới nhỏ giọt giúp bà con quản lý nguồn tài nguyên nước tốt hơn. Đồng thời, Bayer cũng kết nối sự hợp tác với các đối tác thu mua – sản xuất – xuất khẩu cà phê giúp nông dân sản xuất đúng tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu với giá thành ổn định.
Với sự cải thiện và phát triển về chất lượng, thị trường tiêu thụ, cũng như xây dựng mô hình cà phê sạch và bền vững như trên, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng và tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, các sản phẩm cà phê của Việt Nam sẽ ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận với thương hiệu cà phê Việt Nam.
NGÔ XUÂN CHINH