Đòn kép từ Covid-19 và Nghị định 100 khiến kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp đầu ngành đồ uồng giảm 40-50%.
Là doanh nghiệp bia có thị phần cao nhất, Sabeco năm nay đặt kế hoạch doanh thu thấp nhất kể từ năm 2012, giảm 37% so với năm trước còn 23.800 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước tính giảm 39% xuống 3.252 tỷ đồng.
Tương tự, Habeco – doanh nghiệp giữ thị phần bia đứng đầu miền Bắc – cũng đặt kế hoạch kinh doanh giảm sâu, doanh thu tiêu thụ sản phẩm năm nay chỉ hơn 4.200 tỷ, thấp hơn 45% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận dự kiến cũng giảm một nửa xuống 313 tỷ đồng.
Sá xị Chương Dương – doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sau hơn một năm về tay người Thái – cũng đặt mục tiêu thấp, thậm chí lợi nhuận giảm hai chữ số. Doanh thu và lợi nhuận dự kiến đạt lần lượt 259 tỷ và 12 tỷ đồng, giảm 3% và 26% năm trước.
Điểm chung trong giải thích của các doanh nghiệp này là tác động của Covid-19, thêm vào đó là ảnh hưởng từ Nghị định 100 với các doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn.
“Ở giai đoạn này, không thể xem nhẹ những hệ lụy với nền kinh tế do ảnh hưởng từ Covid-19”, ban lãnh đạo của Sá xị Chương Dương giải thích.
Trong khi đó, ban lãnh đạo Habeco lập luận, ngay từ đầu năm, ngành đồ uống nói chung và Habeco nói riêng đã chịu tác động kép bởi Nghị định 100 và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Những diễn biến này khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bia giảm mạnh.
Trong 4 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Habeco giảm 93% cùng kỳ, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách chỉ đạt 44-50%. “Đây là một biến động lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty”, báo cáo của Habeco gửi cổ đông cho biết.
Những giải thích này cũng xuất hiện trong báo cáo của Sabeco dự kiến trình cổ đông trong phiên họp thường niên sắp tới.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bia tại Việt Nam lo ngại tác động của đại dịch đến hoạt động kinh doanh khi các quán bia rượu, karaoke và câu lạc bộ đêm phải đóng cửa thời gian dài. Sự cạnh tranh thị phần cũng gay gắt hơn dù xu hướng tiêu thụ các dòng bia cao cấp có thể tăng nhờ thu nhập người dân được cải thiện.
Kể cả trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, những nhà sản xuất này cũng đánh giá đà phục hồi có thể không diễn ra quá nhanh. Nguyên nhân là tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập người lao động giảm khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ uống khó phục hồi như cùng kỳ năm trước.
Kết thúc quý I, Habeco lần đầu báo lỗ sau hơn chục năm còn Sabeco ghi nhận lợi nhuận thấp nhất 7 năm. Trong báo cáo khi dịch Covid-19 vừa bùng phát, SSI Research cũng hạ đánh giá về nhóm doanh nghiệp ngành bia từ “trung lập” xuống “tiêu cực” do người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài.
Theo Vnexpress