Bạn không thể đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó – người xưa đã nói vậy. Nhưng với các chính trị gia thì sao? Bạn có biết, chỉ cần nhìn vẻ bề ngoài một người là biết ông/bà ấy có phù hợp để điều hành đất nước hay không!
Mặc để thành công
Vẻ ngoài có thể đánh lừa chúng ta bởi thực tế nó chẳng nói lên điều gì về phẩm chất của một người, nhận thức tất nhiên mới có vai trò quan trọng trong các chiến dịch bầu cử. Tuy nhiên, ấn tượng của vẻ ngoài là điều mà các chính trị gia Mỹ đều biết và tận dụng để đạt được lợi thế từ khi truyền hình ra đời. John F. Kennedy được cho là đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1960 vì phần thể hiện bình tĩnh tại một trong những cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên, trong khi Richard Nixon thì vã mồ hôi. Cùng lúc Kennedy xuất hiện với màu da rám nắng, tự tin, thì Nixon lại nhợt nhạt, yếu ớt do vừa phải nằm viện.
Những người có sức hấp dẫn dường như được tin tưởng rằng sẽ là nhà lãnh đạo tốt – chuyên gia luật của Trường ĐH Stanford Deborah Rhode đã viết như vậy trong cuốn The Beauty Bias (Định kiến vẻ đẹp). Theo nghiên cứu của Deborah Rhode, các chính trị gia có ngoại hình ưa nhìn – như Kennedy – giành được nhiều phiếu bầu hơn.
Sau khi vẻ ngoài hấp dẫn, quyến rũ, trẻ trung của JFK đã giúp ông vào được Nhà Trắng, các chính trị gia Mỹ bắt đầu chú ý hơn đến không chỉ diện mạo mà còn cả trang phục và ngôn ngữ hình thể. Râu bị “trục xuất”. Cà vạt thì màu đỏ hoặc xanh dương. Bộ vest là trang phục phải có. Năm 1975, lý thuyết “quần áo làm nên con người (phụ nữ)” gắn liền với cuốn sách tư vấn của John T. Molloy, Dress for Success (Ăn mặc để thành công), đã khởi đầu cho xu hướng power dressing (sức mạnh thời trang, xu hướng thời trang thập niên 1980, nổi bật với những đường cắt áo vét, cầu vai bản lớn từ lụa, gấm cho tới chất nhung màu đỏ bordeaux sang trọng của Lavin).
Ăn mặc cho công việc bạn muốn, không phải cho công việc bạn có, trở thành điều gì đó giống như khẩu hiệu vào những năm 1980, khi những bộ power suit vai to (một loại vét công sở) lên ngôi, là một phần trong tủ quần áo của những người thành công. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ, những người được khuyến khích nam tính hóa bề ngoài của mình để lãnh đạo. Theo Robb Young, tác giả cuốn sách Power Dressing: First Ladies, Women Politicians, and Fashion (Ăn mặc quyền lực: Đệ nhất phu nhân, Nữ chính trị gia, và Thời trang, 2011), nhiều người đã đi theo xu hướng lựa chọn quần áo này. Young viết: “Quyền lực của ăn mặc trở nên hấp dẫn hơn khi được khảo sát qua ba góc độ trái ngược nhau: ý định, nhận thức và xúi giục. Nói cách khác, các chính trị gia muốn truyền tải điều gì thông qua vẻ ngoài; đồng nghiệp và công chúng nắm bắt điều đó như thế nào; và những gì ảnh hưởng lên việc nắm quyền lực, duy trì quyền lực và thống trị trong suốt quá trình nắm quyền của chính trị gia”.
Phá vỡ truyền thống
Có lẽ một trong những ví dụ rõ ràng nhất về “ngã ba” đó (ý định – nhận thức – xúi giục) có thể được tìm thấy trong trường hợp của Joschka Fischer, một trong những thành viên sáng lập Đảng Xanh của Đức. Năm 1982, Fischer gần như đã gây ra bê bối khi trong lễ tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Môi trường bang Hesse đã mặc quần jean xanh và đi giày tennis. Vẻ ngoài này đại diện cho quan điểm anti-establishment (chống lại các nguyên tắc truyền thống của xã hội), pro-environment (thân thiện với môi trường) của những người người Đảng Xanh yêu chuộng hòa bình, đối nghịch với cách ăn mặc kín đáo, blazer đen – sơ mi trắng, mà người Đức thường thấy ở các chính trị gia của mình.
Việc Fischer nắm giữ các trọng trách cao nhất của Đức như phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao, cho thấy không phải tất cả người Đức phản đối phong cách ăn mặc không trịnh trọng của ông. Điều đó đã “mở cửa” cho chính trị gia Helmut Kohl thu hút sự chú ý vào năm 1990 khi mặc cardigan (loại áo len dệt hở phía trước ngực, thường có nút cài áo ở phía trước, phù hợp với mọi giới tính) cổ V màu xanh da trời trong chuyến thăm Moscow (Nga). Chiếc áo đang được treo trong Bảo tàng Lịch sử Đức Haus der Geschichte của Bonn.
Nhà lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev, cũng từng mặc một chiếc áo len thoải mái chứ không phải là vét, đã mời Kohl đến nhà nghỉ của ông để thảo luận về việc thống nhất nước Đức. Cách mặc và gặp gỡ bình dị này biểu tượng cho hòa bình.
Không có chỗ cho sặc sỡ
Cách ăn mặc của Fischer và Kohl đã đánh dấu một bước đột phá từ phong cách kín đáo của các chính trị gia khi đi vận động chính trị thường thấy ở Đức. Giống như các chính trị gia Mỹ, chính trị gia Đức cũng gắn bó với những màu sắc trung tính trong nhiều thập kỷ – những bộ vét vừa người, màu đen hay xanh da trời, không quá lấp lánh hay xa xỉ. Một người đàn ông có thể nới lỏng cravat hay cởi áo khoác ngoài khi xuất hiện hoặc không mang cả hai thứ này, nhưng nhìn vẫn phải hài hòa.
Tuy nhiên, Tina Brown, được biết đến như một biểu tượng của ngành báo chí thời trang, gần đây đã có bài viết trên nhật báo The Guardian (Người bảo vệ) của Anh, nói rằng, vẻ ngoài của các chính trị gia Mỹ và Đức, nếu so sánh thì giống như táo và cam. Cô cũng lưu ý rằng, sặc sỡ không có chỗ ở Đức. Brown cho biết thêm: “Sau những thương vong của thời kỳ Hitler, có một trào lưu văn hóa chống lại sự hiếu chiến, chủ động không tin vào những gì hấp dẫn, lôi cuốn”.
Thêm màu sắc vào chiến dịch tranh cử
Không phải đến khi bà Angela Merkel lên nắm quyền thủ tướng Đức năm 2005, các chính trị gia Đức mới ăn mặc màu sắc hơn. Được biết đến với thương hiệu quần vét ba nút của nhà thiết kế Hamburg Bettina Schoenbach, vẻ ngoài chuẩn mực của bà Merkel là quần đen, áo blazer nhiều màu khác nhau. Cách ăn mặc của bà Merkel được “đặt dưới kính hiển vi” nhiều lần, các kiệt nhân thời trang của Đức có người ca ngợi, cũng có người chế nhạo. Báo Tấm gương (Der Spiegel) đã viết bài “(Angela Merkel) Fails to Dress for Success” (Angela Merkel thất bại trong xu hướng Mặc để Thành công). Phụ trách thiết kế lâu năm của Chanel Karl Lagerfeld cho biết: Bà ấy có lẽ nên mặc ít màu sắc hơn và tìm ai đó may quần đẹp hơn”. Tuy nhiên, năm 2006, nhà thiết kế Wolfgang Joop tuyên bố, Merkel là nàng thơ trong bộ sưu tập thu/đông của ông, vẫn là phong cách “mạnh mẽ và không sợ hãi” của bà.
Cách ăn mặc của bà Merkel hoàn toàn trái ngược với những bộ vét Brioni được người tiền nhiệm Gerhard Schroeder ưa chuộng. Thương hiệu này cũng được tổng thống Mỹ Donald Trump yêu thích. Nhưng thật khó tưởng tượng rằng bà Merkel sẽ thanh toán một hóa đơn cho trang phục lên tới 26.000 euro, như văn phòng tổng thống Pháp Emmanuel Macron làm gần đây.
MINH HÀ (Theo DW)