Chúng ta đã quá quen thuộc với những loại bánh, mứt, kẹo cao su như một phần của đời sống ẩm thực. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều được làm ngọt bằng đường nên dùng nhiều sẽ không tốt cho răng miệng. Ý thức được điều đó, các nhà khoa học đang khẩn trương tìm ra các chất tạo ngọt thay thế đường mà không gây tác dụng phụ. Chất tạo ngọt malitol là một trong số đó.
MALITOL LÀ GÌ?
Malitol là một hoạt chất thuộc nhóm polyol gồm các chất như: Malitol, sorbitol, maliotl, mannitol và xylitol (được áp dụng rộng rãi trong các sản phẩm kẹo cao su). Nhóm chất polytol là những cacbon hydrat đã được hidro hóa, chúng tồn tại rất nhiều trong rau xanh và hoa quả. Sở dĩ malitol được gọi là chất ngọt, vì nó có các tính chất tương tự như đường cát nhưng có màu nâu và độ ngọt bằng 90% đường cát. Nó chứa ít calo hơn đường (2,4kcal/g so với 4,0kcal/g của đường) nên không gây sâu răng và ít ảnh hưởng tới glucose máu. Tuy nhiên, quá nhiều malitol lại làm đau dạ dày. Vì những ưu điểm này nên malitol được sử dụng để chế biến thực phẩm, dược phẩm cũng như các sản phẩm chăm sóc răng miệng khác.
CÁC BỆNH RĂNG MIỆNG
Đây là khái niệm chung, ám chỉ những thương tổn gây ra sự mất khoáng của mô cứng trên răng, mà sự mất khoáng này lại bắt nguồn từ những axit do các mảng vi khuẩn bám trên răng lên men cacbon hydrat tạo thành. Khi lượng axit sản sinh ra quá nhiều thì độ pH bị giảm xuống (dưới 5,7) làm mòn lớp men răng. Nếu quá trình axit hóa này kéo dài, lớp men bị mất không kịp tái tạo thì sẽ để lại những lỗ hổng trên răng, còn gọi là sâu răng. Từ đó nhiều căn bệnh răng miệng khác xuất hiện.
VAI TRÒ CỦA MALITOL ĐỐI VỚI VIỆC BẢO VỆ RĂNG
Đa phần hệ vi sinh vật khoang miệng đều là loại có lợi, song vẫn có một vài loại chứa mầm bệnh. Cả hai dòng vi khuẩn này đều tương tác một cách cân bằng với nhau trong điều kiện bình thường. Dòng vi khuẩn mang mầm bệnh chủ yếu là đột biến của streptococci và lactobaccili và đều gây mất khoáng, tức là bào mòn men răng. Những vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trên răng, nhưng không sinh ra nhiều axit nếu chúng ta tuân thủ chế độ ăn hợp lý. Nhờ đó, mối tương tác mất khoáng – bù khoáng ở mức cân bằng. Nhưng khi số lượng vi khuẩn gây bệnh lấn át thì lượng axit sinh ra quá nhiều sẽ gây sâu răng, làm giảm độ pH của nước bọt…
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã tiến hành thực nghiệm trên hai nhóm tình nguyện viên. Cả hai nhóm đều được yêu cầu nhai kẹo cao su năm lần/ngày. Một nhóm dùng kẹo cao su thông thường (có đường), nhóm còn lại dùng kẹo chứa malitol. Sau bốn tuần, kính hiển vi đã cho thấy kết quả kiểm tra mẫu răng của hai nhóm trên. Răng của những người nhai kẹo malitol có ít lỗ hổng hơn, vì chúng không làm sản sinh ra axit, và do đó độ pH không quá thấp. Malitol cũng làm giảm hoạt động của enzym phân hóa cacbon hydrat (glucan sucrase) và nồng độ protein liên kết. Điều đó chứng tỏ sự điều tiết của vi khuẩn khoang miệng theo hướng giảm số lượng vi khuẩn gây axit hóa. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn cần được kiểm nghiệm thêm.
Ngoài ra, vai trò của nước bọt cũng rất quan trọng nhờ cơ chế hoạt động sinh học như là một enzym lên men để chuyển hóa cacbon hydrat thành axit cùng các hoạt động bổ trợ.
NHỮNG TÁC DỤNG KHÁC CỦA MALITOL
Nướu là thành phần rất quan trọng của răng và rất nhạy cảm với các mầm bệnh có thể làm mất chất gôm (của nướu), thậm chí là mất răng. Quay trở lại thí nghiệm trên, người ta tiến hành giai đoạn hai bằng cách, yêu cầu tình nguyện viên chỉ đánh răng ở hàm trên. Sau đó, mỗi tình nguyện viên nhai kẹo cao su không đường 5 lần/ngày trong vòng 21 ngày. Kết quả khám nghiệm sau tám tuần cho thấy, tỉ lệ chảy máu của nướu giảm đáng kể ở những người nhai kẹo cao su chứa malitol (thay cho đường) so với nhóm dùng kẹo cao su thông thường. Vì thế, các nhà khoa học kết luận rằng, kẹo cao su malitol ngăn ngừa sự viêm lợi trong thời gian dài.
So sánh bề mặt men răng: Tốc độ bù khoáng ở người dùng kẹo cao su thường (ảnh bên trái) chậm hơn so với người dùng kẹo cao su malitol (ảnh bên phải), nên men răng bị thương hổn nhiều hơn.
NGUYỄN NGUYỄN (theo apfoodonline.com)