Với những người Việt ở hải ngoại, mọi thứ liên quan đến phong tục tập quán đều … theo các cụ nhà mình- nghĩa là từ bao đời thế nào thì nay vẫn cứ theo vậy! Có biết bao sự bồi hồi ấm áp ẩn giấu ở trong cái sự “thôi thì cứ theo các cụ”. Ở đây không phải là sự khăng khăng hoài cổ dẫn đến sự không chịu đổi mới, mà thiêng liêng hơn nữa, đó là sự neo giữ ở trong tâm khảm những giá trị đã đúc kết để giờ trở thành những thành quách vững bền của lòng người.
Có thể đó là tâm lý càng ở xa, tâm tưởng càng hướng về quê hương bản quán. Càng ở xa thì nỗi canh cánh sợ mất phong tục cổ truyền càng trở nên lớn lao và ám ảnh.
Chính điều này lý giải được vì sao có những gia đình người Việt xa đất nước quê hương đã 35- 40 năm mà con cái họ vẫn chuyện trò với mẹ mình bằng tiếng Việt. Rồi thì có những người con, người cháu mang hai dòng máu trong huyết quản họ, nhưng họ lại có khả năng viết lách bằng tiếng Việt không thua gì bất cứ ai ở trong nước cả!
Không chỉ là giữ ngôn ngữ, những gia đình “Việt hơn cả Việt” ấy còn hết lòng hết sức trân trọng phong tục tập quán của quê hương mình, xứ sở mình. Họ tự hào vì đã góp một phần nhỏ chung tay gìn giữ những nét đẹp của phong tục. Họ cũng rất buồn, thậm chí là thấy trống vắng lẻ loi hơn mỗi khi nghe một thông tin rằng nên bỏ ngày tết này, nên gộp tết này với tết kia…
Với người Việt đang sống ở năm châu thì ngay cả múi giờ nhiều khi cũng không trùng khít với giờ giấc ở quê nhà. Bình thường thì chỉ là vấn đề ở nhà là giờ nghỉ trưa nhưng ở đây mới vừa rạng sáng. Nhưng khi Tết đến, thì sự chênh nhau về giờ cũng khiến người ở hai nơi, nhớ đến nhau phải rưng rưng bồi hồi.
Chưa hết, có những quốc gia khi Việt Nam là hè thì bên họ là đông; khi xuân về ở Việt Nam thì lại đang là tiết trời nắng như nung ở bên ấy. Muốn hòa cùng mùa xuân để đón năm mới cùng với gia đình ở nhà, nhiều, nhiều lắm những người con phải vờ như mùa xuân đã về, nghĩa là nương vào một câu hát của nhạc sĩ Phú Quang để mà nghe trong mình mênh mang thương nhớ mái nhà xưa, ký ức cũ…
Nói xa nói xôi để muốn nói một điều rất gần: mọi người con xa nhà đều hướng về thời khắc giao mùa của đất trời quê nhà để đón chào năm mới. Xuân có sang thì tết mới đến, hà cớ gì lại “thúc” cho xuân đến sớm cho thuận ý của một nhóm người? Xuân chưa sang thì đào mai chưa nở. Xuân chưa về thì Tết còn ở đâu đâu ấy thôi chứ chưa đến với từng mái nhà người Việt chúng ta.
Nhưng đã nói đến Tết thì cũng phải nói đến việc đón Tết thế nào cho vui, cho thoải mái ấm cúng chứ không phải là dịp cho đàn ông ngất ngư say xỉn, còn đàn bà con gái thì bạc mặt bơ phờ ra bởi trăm việc cũng đổ vào tay mình. Sự thay đổi cho tốt hơn lên của bất cứ xã hội nào cũng bắt đầu trước tiên từ mỗi cá nhân. Vậy thì cái cần bàn ở đây là cách thức đón Tết chứ không phải là gom gộp Tết ta vào với Tết tây. Như thế là không thuận Thiên, như thế là trái ý các cụ!
NƯỚC PHÁP CÙNG CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA NƠI ĐÂY.
Ở Pháp, nếu được hỏi “bạn có muốn sống trong một ngôi nhà rộng thênh thang với đủ mọi thứ tiện nghi choáng lộn hay không?” Sẽ có rất nhiều người trả lời họ chỉ muốn sống dưới một mái nhà vui vẻ hạnh phúc. Nhà to hay nhỏ đối với họ không là một vấn đề quá quan trọng. Đấy là về vấn đề ở. Còn về mặc thì sao? Chắc ai đã sang Pháp rồi đều đã thấy, dân chúng ở đây thường ăn mặc bình dị, có tiêu chí rành mạch rõ ràng là phải tiết kiệm nhất có thể. Không hiếm những phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 55, trong 5 hoặc 10 năm liền họ không hề mua sắm quần áo mới. Nhưng họ vẫn được cho là những phụ nữ biết cách ăn mặc bởi trông họ luôn tươm tất, lịch lãm. Thậm chí nếu như họ không nói ra chuyện họ đang mặc bộ quần áo của lần mua sắm gần nhất cách đây 10 thì bạn vẫn nghĩ họ là một người biết ăn mặc sành điệu và đỏm dáng, tức là không hề bị lạc điệu giữa dòng người tấp nập trên đường phố có những cửa hiệu thời trang của những tên tuổi nức tiếng trong làng thời trang thế giới.
Chuyện là ở chỗ họ đã biết cách thu phục và quyến rũ ánh mắt nhìn của người đối diện bằng sự phối hợp một cách tinh tế của màu sắc cũng như kiểu dáng trang phục. Hơn thế, họ cũng như biết cách làm nổi bật mình lên bởi những phụ kiện nho nhỏ đi kèm, dẫu những phụ kiện ấy chỉ là một cặp bông tai bằng gỗ nhưng có kiểu dáng độc đáo hoặc một một chuỗi vòng đeo cổ bằng những hạt đá có màu sắc ăn ý tuyệt vời với trang phục họ đang mặc.
Dù là ở các thành phố lớn hay ở thị trấn, làng mạc thì người Pháp cũng luôn dùng những món ăn đơn giản ở những bữa cơm thường nhật, bởi họ không muốn mất quá nhiều thời gian vào những bữa ăn phức tạp trong khi họ đang phải đi làm. Ấy vậy nhưng khi có khách hay khi cần mở tiệc tùng thết đãi thì cả phụ nữ lẫn nam giới Pháp đều có khả năng làm những món ăn (bao gồm món khai vị, món chính và tráng miệng) rất cầu kỳ, rất tinh tế thể hiện trình độ nấu nướng và thưởng thức thú vui ăn uống ở đẳng cấp cao khiến người từ các quốc gia khác rất ngưỡng mộ.
Người Pháp thích nhâm nhi ly cà phê mỗi sáng rồi mở tờ báo hàng ngày ra để đọc tin tức. Cung cách Pháp thường không ồn ào náo nhiệt. Nếu để ý, bạn sẽ thấy ánh mắt như có nụ cười thoáng nhẹ trong mắt họ. Tất cả mang đến cho người đối diện một sự dễ chịu bởi sự không màu mè ấy.
Nhiều người đặt câu hỏi: thế thì hạnh phúc của người dân Pháp đến từ đâu? Hay, điều gì khiến cho người dân ở xứ sở tuyệt vời cả từ văn hóa đến điều kiện thời tiết, khí hậu này cảm thấy hạnh phúc?
Người Pháp nói riêng và người các nước châu Âu nói chung vẫn được cho là những người biết cách thụ hưởng cuộc sống một cách rất tinh tế và văn minh. Có lẽ lối sống gần gũi với thiên nhiên, yêu quý các con vật nuôi, thái độ sống ung dung tự tại và cũng rất chừng mực khiêm nhường đã khiến họ có những phong cách sống rất đáng ngưỡng mộ và học tập.
Người Pháp luôn chú trọng đến chất lượng cuộc sống. Đó là những gì kết tinh từ bên trong của mỗi cá nhân như sự hiểu biết trí tuệ, như những phẩm chất tốt đẹp và những hành vi cao thượng… chứ không phải là những hào nhoáng bề nổi như nhà cửa, xe cộ hay những bộ cánh đắt tiền. Là những công dân của một đất nước công nghiệp phát triển, dĩ nhiên bạn không thể có một lối sống chậm chạp, lười biếng, bê trễ. Nhưng mặt khác người Pháp hướng cho mình một lối sống chậm rãi thong thả để hưởng thụ mọi cái hay cái đẹp của cuộc sống xung quanh mình, đặc biệt là thụ hưởng một cuộc sống êm đềm bên những người yêu dấu.
Không biết có nhiều người ngạc nhiên không khi biết dân tộc Pháp là dân tộc luôn đề cao những giá trị thuộc về gia đình. Các ông bố bà mẹ đều cùng nhau tự tay chăm sóc gia đình và dạy dỗ con cái chứ không có cảnh nhà nhà có người giúp việc như ở Việt Nam. Một cảnh tượng rất đỗi quen thuộc ở nơi này là sáng sáng các ông bố bà mẹ đưa con đến trường; chiều đón chúng về ghé chơi độ 30- 40 phút ở công viên nếu trời đẹp rồi dắt díu nhau về nhà tắm rửa cơm nước…Bữa cơm tối là thời điểm gia đình xum họp. Rồi đến giờ trẻ con đi ngủ, các bậc cha mẹ luôn giữ nếp đọc truyện cho các con nghe, hôn vào trán chúng để chúc ngủ ngon. Trẻ thiếp đi vào giấc ngủ êm đềm có lẽ bởi người cuối cùng trong ngày ở bên chúng là cha mẹ, để rồi sáng hôm sau, người đầu tiên chào chúng buổi sáng cũng là cha mẹ yêu quý.
Hạnh phúc chỉ giản dị có vậy. Và tuyệt đại đa số các gia đình người Pháp có cuộc sống gia đình như thế.
PHẠM SAO MAI (Bài từ Paris gửi về)