Từ xưa làng Vân Xá thuộc thôn Yên Viên (xã Vân Hà, huyện Việt Yên Bắc Giang) đã nức tiếng gần xa bởi sản sinh ra những “kỳ nhân, mỹ tửu”. Chẳng phải tự dưng mà năm Chính Hòa thứ 24 (1703), vua Trần Hy Tông đã sắc phong, ban bốn chữ vàng “Vân hương mỹ tửu” cho rượu Làng Vân. Danh thơm ấy là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân sống trên mảnh đất này.
VÀNG SON MỘT THỦA
Mảnh đất Vân Hà không những vang danh thơm bởi mỹ tửu làng Vân, mà ở đó còn có làng Gốm Thổ Hà – một trong ba chiếc nôi gốm sứ cổ xưa của người Việt ở Bắc Bộ cùng với Phù Lãng, Bát Tràng. Nơi đây cũng từng là thương cảng gốm sầm uất, trên bến dưới thuyền nhộn nhịp nhất đất Bắc. Thời cực thịnh, mảnh đất này đã sản sinh không ít nghệ nhân danh tiếng với những sản phẩm rượu, gốm thượng hạng.
Nhưng mọi thứ đã đi vào quá vãng, chỉ còn lại sự mộc mạc, hồn hậu của con người và cảnh vật gây ấn tượng đối với bất cứ đến với Vân Hà. Những con ngõ nhỏ, mái ngói cổ cùng các bức tường trần được xây bằng phế phẩm từ gốm đẫm đày dấu vết thời gian, lẩn khuất đâu đó là hương thơm của thứ rượu làng Vân thơm nồng… Tất cả, nằm cuộn mình, quyện hòa bên dòng sông Cầu thơ mộng gợi lên sự yên bình đến lạ thường.
Xã Vân Hà nằm bên hữu ngạn sông Cầu, ba mặt là sông nước. Vì thế, tiếng là làng quê nhưng Vân Hà lại mang nét đặc trưng không lẫn với bất kỳ làng quê nào. Đó là, người dân Vân Hà có ít người làm ruộng, họ sống chủ yếu bằng nghề thủ công, buôn bán, trao đổi hàng hoá với các vùng xung quanh. Trong đó, làm gốm và nấu rượu là nghề mang lại nguồn sống đủ đầy nhất cho người dân.
Người xưa truyền lại, làng Vân, vì thiếu ruộng để canh tác nên hành nghề nấu rượu để bán cho những ai say chất men nồng của loài ngũ cốc, rồi cùng với thời gian, cái tên Làng Vân đã trở thành thương hiệu của một loại rượu nổi tiếng khắp cả nước.
Người Vân Hà, không những khéo tay làm gốm, mà còn “sành nội trợ”, vì chỉ có làng Vân mới có thể sản xuất ra loại rượu chỉ ngửi thôi đã ngây ngất lòng người. Và nói không phải ngoa ngôn thì chẳng đấng nam nhi nào khi nhấp một ly rượu làng Vân mà không bén duyên.
Vì lẽ đó, ở cổng vào làng Vân Xá cho đến nay vẫn còn khắc hai câu đối:
“Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công như nguyệt rạng trời Nam”
Trong đó “Vân hương mỹ tửu” là 4 mỹ tự do vua Lê Hy Tông sắc phong cho sản vật lừng danh này vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703). Đây là minh chứng rõ ràng cho kỹ nghệ nấu rượu của làng Vân, chẳng thế mà dưới các triều đại phong kiến, rượu làng Vân được dâng lên vua, rồi thường xuyên xuất hiện trong các buổi yến tiệc linh đình.
Đến thời Pháp thuộc, năm 1932, Berna – một nhà tư bản Pháp “chạy” được giấy phép thành lập hãng rượu tại làng Vân Hà. Berna mời ông Nguyễn Lễ đứng ra đầu tư xây dựng một xưởng rượu hiện đại với 140 lò nấu, 72 bếp, chiêu mộ đến hơn 300 thợ lành nghề tại chỗ để sản xuất ra loại rượu mang nhãn hiệu Vân hương mỹ tửu với logo: ông già râu tóc bạc phơ, lưng đeo bầu rượu, tay chống gậy trúc, tay chỉ lên đám mây.
Rượu làng Vân thơm nồng, trong văn vắt mang cái đẹp của sự thuần khiết như sương buổi sớm mai, được kết tinh từ linh khí và tinh hoa của trời đất. Rượu Làng Vân khi được được đóng vào chai này chỉ cần lắc nhẹ là thấy hàng ngàn trăm rượu nhỏ li ti, trắng tinh xoay tròn như một cột sáng và rất lâu sau mới hết. Kẻ sành uống chỉ cần nhìn trăm rượu đã biết độ rượu nặng nhẹ thế nào, uống vào có êm hay không. Không giống với các loại rượu khác, rượu làng Vân uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li hương vị thơm ngọt đặc biệt nơi cuống lưỡi. Người uống dù có say cũng không bị đau đầu, mệt mỏi và háo nước. Đó là bí quyết để tạo nên nét riêng của loại rượu mang thương hiệu Làng Vân, vốn tồn tại từ bao thế kỷ qua.
Chính bí ẩn nằm sâu trong sự kết hợp hai hình thái gạo nếp và nguồn nước qua bàn tay khéo léo, kỹ nghệ nấu rượu của các nghệ nhân để tạo nên một thứ rượu nức tiếng gần xa đã thôi thúc chúng tôi tìm với Vân Hà. Với công thức ủ và chưng cất bí truyền người làng Vân đã tạo ra một thứ rượu thơm ngon với hương vị êm dịu, lắng đọng đủ sức chinh phục những vị khách khó tính nhất. Theo người xưa truyền lại từ hàng trăm năm qua rượu làng Vân luôn được nhiều du khách chọn mua về làm quà khi lên vùng Kinh Bắc.
Rượu làng Vân thứ thiệt được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng – loại nếp này đặc biệt thơm ngon, ủ cùng men rượu bí truyền của làng Vân được chế biến từ khoảng 36 vị thuốc Bắc. Điểm khác biệt là rượu làng Vân được ủ nấu và sử dụng men lá được làm theo cách truyền thống. Gạo được nấu chín thành cơm rồi được ủ với men lá làm từ thuốc Bắc. Cái thứ gạo nếp thơm dẻo được nấu chín rồi ủ men cho đến khi ngấu đủ độ, người ta đem chưng cất theo cách truyền thống để được thức uống kỳ diệu, thơm nồng, trong vắt, chạm vào thấy mát lịm là rượu làng Vân.
Dân sành rượu cho rằng rượu Vân thơm ngon, hấp dẫn không chỉ bởi ở loại gạo nếp cái hoa vàng, hay ở thứ men gia truyền đặc biệt, mà một phần còn vì nơi đây có nguồn nước được lấy từ các giếng khơi trong làng. Phải chăng nguồn nước đặc biệt như một thứ quà tặng của đất trời ban cho làng Vân, nước ngon, tinh khiết và rất thích hợp với việc cho ra đời một thứ rượu ngon tuyệt đỉnh. Cũng có người nói, uống rượu làng Vân không những say vì men rượu mà còn thấm bởi cái tình của người Kinh Bắc xưa chất chứa trong đó.
“NỐT TRẦM” LÀNG VÂN
Chu trình phát triển của rượu làng Vân tựa như bản nhạc có một nốt trầm. Trước kia, rượu làng Vân được tiến vua, vang danh khắp cõi, người mua trên bến dưới thuyền tấp lập là vì chất lượng và sản phẩm của họ luôn gắn liền với cuộc sống của mỗi người dân. Qua thăng trầm lịch sử, cảnh tượng đó giờ đây chỉ còn là trong ký ức của nhiều người, mọi thứ đã là quá vãng.
Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, kinh tế thời bao cấp rất khó khăn, thóc gạo ít, dân làng Vân phải chuyển sang làm rượu sắn. Đến những năm 90, kinh tế thị trường phát triển, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt và rượu Làng Vân cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Điều này đã khiến nghề nấu rượu cổ truyền nơi đây cũng mai một phần nào.
Thực tế, không ai có thể sống mãi bằng danh tiếng của người xưa, điều cần thiết là danh thơm một thời ấy phải thuyết phục được khách hàng bằng chất lượng sản phẩm hiện nay. Sau nhiều năm lãnh đạo, các cấp chính quyền của tỉnh Bắc Giang luôn nỗ lực để khôi phục làm sống dậy thủa cực thịnh rượu làng Vân, đến năm 2003, HTX rượu Vân Hương được thành lập. Đây là đơn vị duy nhất đã phối hợp các nhà khoa học xây dựng thành công tháp tinh luyện rượu nhằm loại bỏ các tạp chất độc hại đảm bảo sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Rượu do HTX Vân Hương sản xuất đã đạt được các danh hiệu cao nhất trong các kỳ tham dự hội chợ: HCV tại Hội chợ Tuần lễ xanh quốc tế Việt Nam – năm 2003; năm 2007 – 2008, 2 năm liên tiếp đạt Giải nhất khi tham gia Liên hoan tuyển chọn rượu Việt Nam do hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam tổ chức; năm 2010 đạt cúp vàng doanh nghiệp tiêu biểu Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội…
Mặc dù vậy, việc đưa rượu ra thị trường hiện nay còn nhiều khó khăn do hạn chế về mẫu mã chai lọ, nhãn hiệu, đăng ký tiêu chuẩn, cấp phép sản xuất, kinh doanh… Hiện nay làng nghề mới có Hợp tác xã Vân Hương sản xuất và thu mua rượu cho khoảng hơn chục hộ xã viên, sau đó xử lý bảo đảm tiêu chuẩn rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Còn lại đa phần các hộ vẫn sản xuất nhỏ lẻ, mỗi hộ một quy trình, chất lượng, giá bán khác nhau. Sản phẩm chưa đóng chai, gắn tem, nhãn hoặc có nhưng đơn điệu, chưa bắt mắt… dẫn đến khó phát triển thành sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của địa phương.
Mới đây, ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất, tiêu thụ rượu làng Vân. Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho rằng, chất lượng rượu làng Vân đã được khẳng định trên thị trường nhiều năm qua. Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu, làng nghề cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết thành một tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã. Đồng thời, thống nhất đưa ra quy trình nấu rượu chung, tạo sản phẩm chất lượng tốt nhất để phát triển hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường…
Mặt khác, các hộ nấu rượu, các cơ sở sản xuất rượu làng Vân cần chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng; chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp có thế mạnh, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ. Có như vậy rượu làng Vân mới khẳng định được vị thế, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.
KHÔI NGUYÊN