Bàn về kinh tế xanh và lên kế hoạch thí điểm thị trường tín chỉ carbon tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” trong ngày 6/9 do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức.
Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”.
Hội thảo có sự tham gia của các đại diện lãnh đạo: ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ TN-MT; ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính; ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Về phía khách mời tham vấn chính sách có: TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS); bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV); ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM; bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE). Ngoài ra, hội thảo còn có sự hiện diện của các chuyên gia từ trong và ngoài nước,…
Kinh tế xanh – xu hướng tất yếu nhưng cũng là thách thức lớn
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Thành phố đang đứng trước các thách thức to lớn về biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, thành phố cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, năng lực cạnh tranh mới, đóng góp vào kinh tế cả nước. Bởi đây là những vấn đề nội tại nếu không chuyển đổi xanh, nếu không có chính sách cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế thành phố mất đi năng lực cạnh tranh.
Cùng với nhận thức trên, Chủ tịch Phan Văn Mãi tiếp tục khẳng định, TP.HCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Thời gian qua, thành phố đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó, TP.HCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 diễn ra trong tháng 9 này.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo.
Theo số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á.
Đây là một thách thức khi Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc lần thứ 26 (COP26). Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết của Việt Nam là giảm 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Thực hiện hoạt động hiệu quả và phát triển thị trường tín chỉ carbon
Thị trường carbon với các quy định rõ ràng công bằng, minh bạch dựa trên cơ chế định giá carbon và nguyên tắc “Thuận mua – vừa bán”, “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, giúp các quốc gia, chính phủ đạt được lợi ích giảm phát thải, tái cấu trúc nền kinh tế và hướng đến mục tiêu trung hòa carbon và hơn nữa là Net zero.
Các doanh nghiệp bán hạn ngạch hay tín chỉ carbon sẽ thu được khoản lợi nhuận, từ đó tái cấu trúc thêm cho doanh nghiệp và tiếp tục nỗ lực giảm phát thải. Bên mua tín chỉ carbon sẽ có lợi để đảm bảo chấp hành đúng các quy định của khu vực, quốc gia về phân bổ hạn ngạch và thuận lợi trong quá trình tham gia xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường như EU, Mỹ…
Hầu hết tham luận tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” đều có chung kiến nghị, thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu.
Các đại biểu tham dự trong hội thảo.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định ở Điều 139 về việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước. Theo đó Bộ Tài nguyên – Môi trường được giao nhiệm vụ thiết lập tổng hạn ngạch cho hệ thống trao đổi hạn ngạch của Việt Nam, xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch cũng như các cơ chế tín chỉ bù trừ carbon được áp dụng trong hệ thống trao đổi hạn ngạch.
Ngày 7/1/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, cũng như cụ thể hóa thị trường tín chỉ carbon. Sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thành lập và tiến hành thử nghiệm từ năm 2025.
Quá trình thực hiện giao dịch và bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng tuân thủ các quy định tại Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022, về việc phê duyệt Đề án triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH), và Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đề án Phát triển thị trường tín chỉ carbon do Bộ Tài chính dự thảo, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Giá tín chỉ carbon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa so với tại EU hay Mỹ. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp.
Nghị quyết 98 – cơ hội lớn cho TP.HCM thực hiện thí điểm thị trường carbon
Theo Ths Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1-8 đã mở ra một số cơ hội cho TP.HCM, bao gồm quy chế mới trong quản lý ngân sách nhà nước và thí điểm thị trường carbon. Do vậy, TP.HCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. “TP.HCM nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hóa và số hóa”, Ths Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.
Theo một báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, WB ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư rất lớn trong gần 30 năm tới, trong khi nguồn lực của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.
Các đại biểu và khách mời chụp hình tại sự kiện.
Toàn cảnh buổi hội thảo sáng ngày 6/9.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách đã tính đến xu hướng xanh hóa cho nền kinh tế. Từ sản xuất đến xuất khẩu, từ dịch vụ đến thương mại; cả thị trường chứng khoán cũng như bất động sản cũng buộc phải “xanh hóa”. Đặc biệt là TPHCM, địa phương được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, với cơ hội và thách thức đan xen khi đã được Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bằng Nghị quyết 98.
Để thị trường tín chỉ carbon được hình thành và hoạt động hiệu quả, ngoài nỗ lực của Chính phủ, cần sự đồng hành của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp chính.
Ngọc Nguyễn