Một nghiên cứu do Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tiến hành đã cho thấy, uống trà hàng ngày làm giảm tới 86% nguy cơ mắc chứng suy giảm trí tuệ hay còn gọi là chứng suy giảm nhận thức ở những người cao tuổi vốn có gne di truyền bệnh Alzheimer (bệnh liệt dung).
Bánh mỳ không chứa gluten
Nghiên cứu này đã được đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng, Sức khỏe và Lão khoa. Cụ thể, kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng, trà làm giảm 50% nguy cơ mắc chứng thoái hóa nhận thức ở người già, đặc biệt với những người bị bệnh Alzheimer thì con số này là 86%. Để có được khám phá này, Tiến sỹ Feng Lei thuộc Khoa Tâm lý Y khoa của NUS cùng các đồng sự đã tiến hành nghiên cứu nhiều năm trên 957 người tình nguyện từ 55 tuổi trở lên. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, kết quả thu được không phụ thuộc vào chủng tộc và lợi ích của trà đối với các dân tộc là như nhau.
Châu Á đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số khủng khiếp, hệ thống y tế cùng các doanh nghiệp và gia đình trong khu vực sẽ phải chịu áp lực rất lớn khi mà đên 2030 sẽ có khoảng 200 triệu người trên 65 tuổi. TS. Feng Lei cho rằng, kết quả nghiên cứu đóng vai trò quan trọng đáng kể vào việc ngăn ngừa chứng mất trí, nhất là trong bối cảnh hội chứng rối loạn nhận thức thần kinh (neurocognitive) vẫn chưa có liệu pháp chữa trị còn chiến lược phòng ngừa thì quá sơ sài.
“Dựa trên kiến thức hiện nay thì lợi ích lâu dài của việc uống trà bắt nguồn từ những hoạt chất trong lá trà, chẳng hạn như catechin, theaflavin, thearubigin và L-theanine. Những chất này có ẩn chứa tiền chất kháng viêm và chống oxy hóa, kết hợp cùng những hoạt chất khác bảo vệ mạch máu não khỏi những thương tổn và chứng thoái hóa thần kinh”, TS. Feng cho biết. “Trà là một trong những đồ uống phổ biến nhất thế giới. Dữ liệu thu được cho thấy, lối sống điều độ cùng thói quen uống trà mỗi ngày giảm thiểu nguy cơ rối loạn nhận thức thần kinh khi về già”. Không những vậy, những thức uống từ trà như hồng trà hay trà ô long đều tốt cho người cao tuổi.
Mặc dù một số tác nhân gây bệnh mất trí như tuổi tác hay gen di truyền là không thể tránh khỏi, song người ta vẫn tiếp tục tìm hiểu tác động của các nhân tố khác lên não bộ để tìm cách phòng chống chứng mất trí. Nghiên cứu trước đây do TS. Feng chủ trì cũng có những phát hiện thú vị về gen, đặc biệt là gen APOE đa thể, trong đó một biến thể tương ứng của nó là gen E4 được tìm thấy ở 20% dân số thế giới lại là nguyên nhân làm tăng khả năng mắc bệnh liệt dung. Trong nghiên cứu mới nhất, các tình nguyên viên uống trà được chia làm hai nhóm, một nhóm có gen E4 còn nhóm kia thì không. Kêt quả là, những người có gen E4 giảm tới 86% nguy cơ mắc bệnh, trong khi con số này ở những người không mang gen này chỉ khoảng 40%. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà sản xuất trà trước nhu cầu được dự báo sẽ bùng nổ từ những người cao tuổi.
BÁNH MỲ KHÔNG CHỨA GLUTEN
Các nhà khoa học tại Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản) đã phát triển thành công loại bánh mỳ đầu tiên trên thế giới không chứa gluten, không chứa bột nở với cấu trúc thoáng khí y như bánh mỳ thường.
Gluten làthành phần quan trọng để nướng bánh mỳ nhờ cấu tạo vừa vững chắc vừa đàn hồi của protein, giúp bánh mỳ có độ dẻo và dai. Khi lên men bột và gạo, con men giải phóng ra khí cacbonic (CO2) cùng với gluten chứa trong các bong bóng khí. Cấu trúc của gluten khiến cho những bong bóng này nở ra mà không bị vỡ, nhờ thế mà bánh mỳ phồng lên. Bí quyết để làm ra bánh mỳ không gluten là dùng bột gạo, nguyên liệu có cùng độ kiên cố như bột mỳ và xử lý kỹ thuật ngay trong quá trình xay xát bột.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều phương pháp tạo ra bột gạo làm bánh như: Nghiền bằng vòi phun ướt, nghiền bằng vòi phun khô, ngiền khô bằng con lăn… Kết quả là phương pháp nghiền ướt bằng vòi phun được đánh giá tích cực hơn cả. Khi áp dụng phương pháp này vào quy trình làm bánh thì không cần bổ sung chất phụ gia, thậm chí còn quan sát được sự lên men của bột. Sau đó, những bong bóng khí hình thành được phủ một lớp tinh bột chắc chắn mà không làm bong bóng vỡ, tức là tương tự như tính chất của bánh mỳ thường.
IBM HỢP TÁC CÙNG WALMART VÀ JD.com ĐỂ KIỂM SOÁT VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI TRUNG QUỐC
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ là IBM vừa qua đã chính thức tham gia liên minh với Walmart, JD.com và Đại học Quốc gia Thanh Hoa (Trung Quốc) để xây dựng công nghệ thương mại điện tử kiểm soát an toàn thực phẩm trên nền tảng Blockchain. Nếu áp dụng thành công, đây sẽ là lần đầu tiên trên thế giới mà một dự án được ứng dụng nền tảng công nghệ này. Trước khi nói về dự án này, hãy nói về công nghệ blockchain trước. Đây là công nghệ đặc trưng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, được ví như một cuốn sổ kế toán trong một doanh nghiệp, nhưng thay vì kiểm soát dòng tiền thì đối tượng của nó lại là dữ liệu kỹ thuật số. Blockchain có nghĩa là “chuỗi khối”. Giống như tên gọi, đó là một mạng lưới các khối/nút (tức là các máy tính) liên kết với nhau và liên tục mở rộng theo thời gian.
Mỗi nút/khối chứa đựng thông tin về thời gian khởi tạo và liên kết với các khối trước đó. Thông tin được lưu trữ và truyền tải trong mạng lưới này không thể bị thay đổi nếu không có sự đồng thuận của tất cả các nút. Ngay cả khi một phần của mạng lưới này sụp đổ (chẳng hạn như bị tin tặc tấn công) thì phần còn lại, tức là những máy tính còn lại vẫn hoạt động bình thường. Và vì gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin nên blockchain có thể truyền tải dữ liệu mà không cần phải xác nhận qua trung gian. Do đó, blockchain có tính bảo mật và ổn định rất cao, mở ra xu hướng ứng dụng tiềm năng trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bán lẻ, vận tải…
Liên minh bốn bên như đã nói, bắt đầu với sự hợp tác thiết kế hệ thống truy xuất nguồn gosc và tiêu chuẩn VSATTP cũng như độ tin cậy tại Trung Quốc. Họ sử dụng công nghệ blockchain để cung cấp tính năng truy xuất nguồn gốc thao thời gian thực trên toàn mạng lưới cung cấp. Điều này làm tăng mức độ chịu trách nhiệm và giúp nhà cung cấp, cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng hiểu rõ hơn quy trình chế biến thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Xưa nay, đó vốn là một thách thức không nhỏ bởi sự phức tạp và manh mún của hệ thống chia sẻ dữ liệu vốn dựa trên văn bản và dễ xảy ra nhầm lẫn.
Ngoài ra, liên minh này cũng sẽ làm việc với các nhà phân phối và cơ quan giám sát trong việc phát triển tiêu chuẩn, giải pháp và phối hợp xây dựng hệ sinh thái an toàn thực phẩm rộng khắp Trung Quốc. Cả IBM, Walmart và Đại học Thanh Hoa đều từng thử áp dụng công nghệ blockchain để truy tìm thành phần và nguồn gốc thực phẩm như thịt lợn ở Trung Quốc và xoài ở Hoa Kỳ trước khi chuyển sang đối tượng là chuỗi phân phối. Kết quả cho thấy, Walmart rút ngắn được thời gian truy xuất từ vài tuần hoặc vài ngày xuống còn hai giây. “Công nghệ blockchain có tiềm năng rất lớn trong việc minh bạch hóa thông tin VSATTP trên toàn bộ mạng lưới phân phối. Đây chính là lý do chúng tôi tin tưởng công nghê này sẽ ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh tương lai”, Phó Chủ tịch Diễn đàn Công nghiệp của IBM là Bridget van Kralingen nhận xét. “Thông qua sự hợp tác với Walmart, Đại học Thanh Hoa và JD.com, chúng tôi cam kết phổ cập công nghệ này cho các đối tác trong chuỗi cung ứng”.
Công nghệ blockchain vừa giúp doanh nghiệp bảo đảm quyền riêng tư về dữ liệu lại vừa tích hợp được khả năng truy xuất nguồn gốc thông qua các công cụ online và ofline cũng như các kênh quản lý chất lượng. Các bên tham gia dự án này chia sẻ thông tin trên blockchain để nhà sản xuất lựa chọn giải pháp truy xuất theo tiêu chuẩn phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Nhờ đó, nhà phân phối có cơ sở đáng tin cậy về hàng hóa xuất nhập. Chính những nhà phân phối này sẽ góp phần đưa công nghệ mới đến với nàh bán lẻ và qua đó tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Những kết quả thu được tại thị trường Trung Quốc sẽ cho biết công nghệ mới hiệu quả như thế nào trong việc giành lại niềm tin của người tiêu dùng, không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới.
PHÁT HIỆN THÀNH PHẦN LẠ TRONG THỊT ĐỘNG VẬT
Kiểm nghiệm thịt bằng máy đo quang phổ
Các nhà khoa học của Trường Đại học British Columbia (Canada) đã tìm ra phương pháp mới có thể phát hiện tạp chất trong các sản phẩm nguồn gốc động vật. Để làm được điều này, GS. Xiaonan Lu cùng các sinh viên đã sử dụng quang phổ kế tia laze để phân tích, thống kê chính xác tới 99% thành phần của mẫu thịt bò xay. Không những vậy, họ còn xác định chính xác tới 80% là tạp chất đến từ bộ phận nào của con vật.
Công trình được đăng trên Bản tin Khoa học (Scientific Reports) này dù đem lại kết quả chính xác như vậy nhưng lại không hề mất thời gian. “Chỉ trong vòng chưa dấy năm phút, toàn bộ quy trình này sẽ giúp tìm ra những gian lận thành phần thực phẩm một cách nhanh chóng, đơn giản và tiết kiệm”, sinh viên Yaxi Hu khẳng định. Trước khi có phương pháp này, người ta phải kiểm tra DNA để làm được điều tương tự. Dù chứng minh được sự hiệu quả và chính xác nhưng cách này lại không phân biệt được hỗn hợp thịt hỏng và thịt tươi dù cùng loại.
Vì thế, nhóm nghiên cứu thu thập thịt hỏng với độ đặc khác nhau từ các siêu thị trong thị trấn, sau đó đem xay nhuyễn và soi dưới máy đo quang phổ. Vì các sản phẩm từ động vật gồm nhiều chất khác nhau nên sự hấp thụ và phản ứng lại với tia quang phổ của chúng thể hiện bằng các màu sắc khác nhau. Tia laze quang phổ dựa vào đặc tính này sẽ tạo thành các hình ảnh, gọi là ảnh phổ. Mỗi hoạt chất sẽ tương ứng với một màu ảnh phổ. Ảnh phổ này được lưu vào kho dữ kiện và dùng để so sánh giữa các mẫu vật với nhau.
Nhờ đó, người ta có thể thấy sự khác biệt giữa thịt tươi và thịt ôi hoặc thịt bị pha tạp chất chỉ bằng cách so sánh ảnh phổ trong cơ sở dữ liệu với ảnh phổ chụp mẫu vật để xem chúng có giống nhau không. Phương pháp này đơn giản và nhanh chóng hơn phương pháp hiện hành là ghi sắc ký lỏng. Nghĩa là, mẫu vật sẽ được hóa lỏng bằng dung môi trước khi kiểm định.
Vì thế mà quá trình này có thể kéo dài cả tiếng đồng hồ. “Công nghệ ảnh phổ không đòi hỏi trang bị cầu kỳ nên cũng không cần những chuyên gia cao cấp để thực hiện”, Hu nói. tất cả những gì cần có là một máy quang phổ được cài đặt phần mềm kết nối với thư viện ảnh phổ. Thư viện càng nhiều dữ liệu thì kết quả giám định càng chính xác. Mục tiêu cuối cùng của dự án này là tạo ra thiết bị thông minh, đáng tin cậy và chi phí thấp để người tiêu dùng sử dụng ngay tại nhà để tự kiểm nghiệm thực phẩm trong gia đình. Nhưng quan trọng nhất là thiết bị phải tiện dụng giống như que thử thai chẳng hạn.
NGUYỄN NGUYỄN (Tổng hợp)