Thái độ của chính khách đối với văn hóa, văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đất nước – kết luận này được kiểm chứng qua những nhiệm kỳ thủ tướng gần đây ở Đan Mạch…
Ở Đan Mạch trước đây có nhiều vị đứng đầu chính phủ quan tâm đến văn hóa. Cố thủ tướng Anker Jørgensen (hai nhiệm kỳ 1972-1973 và 1975-1982) được biết là một người năng đọc, ông có thói quen mở đầu một ngày bằng cách đọc hết 50 trang sách văn học, ngoài ra còn rất hâm mộ nghệ thuật đương đại. Ở cương vị đó trước ông là Jens Otto Krag (hai nhiệm kỳ 1962-1968 và 1971-1972), một người cũng mê văn hóa và nghệ thuật đến mức dứt khoát rời chính trường để thể hiện mình với tư cách họa sĩ.
Quan tâm tới nghệ thuật như thế, kể cũng hiếm thấy ở chính khách thời nay. Vị thủ tướng gần đây Helle Thorning-Schmidt – một nữ chính trị gia sinh năm 1966, làm nghị sĩ đại diện cho Đan Mạch ở Nghị viện châu Âu (1999-2004), đứng đầu chính phủ Đan Mạch từ 2011 đến 2015, hiện là người lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội – thì mê đọc Harry Potter…
Thiên hướng văn hóa của người kế nhiệm bà – ông Lars Løkke Rasmussen thủ tướng hiện nay – thì chưa thấy hé lộ. Ông Morten Hesseldahl, giám đốc Nhà hát Hоàng gia, có nói với báo in và cả báo điện tử rằng mối quan tâm đến văn hóa nghệ thuật của các chính trị gia hiện thời khá là nghèo nàn. Trong chiến dịch tranh cử gần đây, hai ứng viên đua nhau đều chẳng đả động gì đến chính sách văn hóa. Trong điều lệ công tác của chính phủ, văn hóa cũng như thể thao và các giá trị tôn giáo chỉ được dành cho vài dòng, còn trong đầu óc của không ít chính khách, văn hóa và nghệ thuật đương đại chưa bao giờ là phần quan trọng, họ chỉ nhân tiện dành cho lĩnh vực này chút ít thời gian và sức lực.
Ở cái thời đầy những cạnh tranh, hình như mối quan tâm đó đã biến mất. Bây giờ, hứng thú chủ yếu của các chính trị gia là máy tính bảng, ấy là trò có thể nói là vô cảm. Trong chính sách về những điều cần thiết không hề có chỗ cho những nhãn quan văn hóa vĩ đại, văn học nghệ thuật cũng không còn được coi là ngọn nguồn cung cấp tri thức và cách nhìn nhận các sự việc, có thể mang lại dinh dưỡng, sức lực và triển vọng cho đời sống chính trị cũng như xã hội.
Không thấy mình có trách nhiệm theo dõi văn hóa nghệ thuật hiện thời, tâm lý ấy của chính khách cũng có xu hướng lan truyền sang cả xã hội. Trong môi trường khoa học, không ít nhà nghiên cứu trẻ tỏ ra tự hào vì không thèm… đọc sách văn học, đấy là điều lạ lùng nếu tính đến cuộc chạy đua hạt nhân rất điển hình trong giới khoa học hiện nay. Họ chỉ thích dành thì giờ rảnh rỗi cho tờ tạp chí khoa học tiếng Anh mới ra hoặc phát tán lời mời tài trợ cho mình…
Ngay cả các tác giả kịch bản phim truyền hình cũng nhận thấy thái độ thờ ơ của các chính trị gia đối với văn hóa nghệ thuật, nên trong bộ phim nhiều tập Ngôi nhà giấy bồi (Mỹ, 2013) nhân vật Frank Underwood, một thượng nghị sĩ ham hố quyền lực không chịu tìm kiếm ý tưởng chính trị trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại, chỉ thích những màn đuổi bắt sát phạt của trò chơi điện tử trên màn hình phẳng. Còn trong bộ phim Chính phủ (Đan Mạch, 2010), thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của nhân vật chính cũng không dành cho văn hóa nghệ thuật.
Ở những quốc gia có phúc lợi rộng khắp, văn hóa và nghệ thuật là cấp độ hoạt động cao nhất của xã hội. Кhi phần lớn công dân đã có đủ bánh mì, lương hưu, nhà ở khang trang sáng sủa thì xuất hiện cơ hội nâng cao đời sống tinh thần thông qua sự tác động qua lại với văn hóa và nghệ thuật. Theo mô hình nổi tiếng “Tháp nhu cầu” – lý thuyết quan trọng nhất trong quản trị kinh doanh của Abraham Maslow (1908-1970, nhà tâm lý học nhân văn người Mỹ) thì văn hóa ngự tại đỉnh chóp.
Nếu như nghệ thuật không được các chính trị gia quan tâm đến nữa, thì ý nghĩa của nó trong xã hội sẽ suy giảm, ý tưởng “hoạt động nghệ thuật làm cho con người phát triển hoàn thiện hơn” sẽ không còn phổ biến nữa. Có nước đã phải bàn đến dự thảo cải cách ở cấp trung học cơ sở, coi việc phân tích văn học qua câu chữ không quan trọng bằng phát huy những phẩm chất truyền thông, để cho học sinh thấy việc rèn luyện khả năng diễn thuyết và biểu lộ đúng đắn hành vi của mình trên mạng xã hội còn quan trọng hơn việc làm quen với những kiệt tác văn học nghệ thuật. Có những thư viện bây giờ làm gì cũng được, chỉ ngoại trừ công việc của một… thư viện.
Кhi văn hóa và nghệ thuật còn chiếm vị trí kiêu hãnh trong một xã hội phát triển và lành mạnh, thì giáo dục nhân văn và nhân cách toàn diện thiên về phía chủ nghĩa vị tha được coi là lý tưởng. Bây giờ thì lý tưởng của con người được nêu theo thuyết “cá nhân luận” là “homo economicus” (con người kinh tế, nặng tính thực dụng).
Hоạt động trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật cần phải được đáp đền, hay ít ra cũng phải trở thành công việc cá nhân. Trong trường hợp đầu, mối quan tâm tới văn hóa và nghệ thuật cần được coi ngang việc tổ chức sự kiện để giải trí và để tiếp thị. Ở trường hợp sau, đấy là nói về sở thích cá nhân, không bị ràng buộc bởi thứ bậc của con người trоng xã hội.
Có lẽ cũng nên quan tâm xem văn hóa và nghệ thuật đương đại phát triển ra sao. Đã có một thời văn học là tiếng nói thể hiện kinh nghiệm và ước mơ của cả một tầng lớp trong xã hội. Trong những ngày này, văn học thường liên quan đến những kinh nghiệm có tính biên vực, những thể nghiệm sáng tạo hay bối cảnh căng thẳng sống còn.
Anker Jørgensen và những người cùng chí hướng với ông đã coi việc theo sát các động thái gần nhất trong văn hóa và nghệ thuật là một công tác quan trọng, bởi vì các động thái ấy có thể mang lại bài học vô giá về ý nghĩa của việc làm người, của xã hội chúng ta đang sống.
Sao nhiều vị chính trị gia đương thời và phần đông trong xã hội lại không còn nhu cầu tiếp cận những tri thức và kinh nghiệm sống tàng chứa trong nghệ thuật? Thật là buồn nếu những người đóng vai trò thủ lĩnh, những viện khoa học xã hội cơ bản lại chẳng coi trọng văn hóa và nghệ thuật, để cho đời sống tinh thần ngày một nghèo nàn, như thế chẳng khác nào lâm trận và thất bại.
Đăng Bẩy
Theo Finn Wiedemann/ Jyllands-Posten, Đan Mạch