“Một đoàn tàu trên cao, nhìn xuống phía dưới là dòng xe cộ đang nhích dần từng mét, nó sẽ làm tăng cảm giác ngạc nhiên và phấn khích của mọi người”.
Đó là tâm sự của một cô bạn ngày đầu trải nghiệm tàu Cát Linh – Hà Đông.
So với trước đây, cô bạn đi làm bằng xe máy, vào giờ cao điểm cô phải di chuyển mất hơn một giờ, với điều kiện lạng lách, đánh võng, tạt đầu và lấn làn, leo cả lên vỉa hè, tranh thủ đèn vàng hay vượt mấy giây đèn đỏ khi không có công an.
Đi xe máy tầm nhìn không đủ xa, không đủ cao để thấy sự chậm chạp và nguy hiểm của tắc nghẽn, từ những vụ tai nạn cho đến ô nhiễm không khí gây tác hại khôn lường tới sức khoẻ.
Đi tàu điện Cát Linh – Hà Đông, từ trên cao nhìn xuống cô bạn tôi ngẩn người, rồi cô rùng mình nhớ lại những ngày đi đi xe máy. Cô rất sợ những âm thanh bên tai không ngừng vang lên, xung quanh ồn ào, tim cô đập hỗn loạn, thình thịch và thình thịch, nhưng thân thể lại không nhúc nhích, có vẻ như người và chiếc xe bị cắm chặt xuống mặt đường vì tắc.
Hành trình Cát Linh – Hà Đông 22 phút
Nếu đi xe máy phải mất hơn tiếng đồng hồ. Đối với người có ô tô, tắc đường trong thành phố là chuyện thường ngày, vào giờ cao điểm buổi sáng hoặc buổi chiều, để không ùn tắc trở thành câu chuyện thời tương lai xa vời.
Ngã Tư Sở đã từng là “ngã tư khổ sở”. Nơi đây ngày nào cũng tắc, cô bạn đi làm từ Hà Đông lên trung tâm thành phố, cơ quan yêu cầu có mặt lúc 8 giờ 30 nhưng cô phải ra khỏi nhà lúc 7 giờ.
Đi lại bất tiện, tiền bạc khó khăn, tài vận khó vào, công danh lao đao.
Cũng như bao người dân khác, cô bạn tôi đã phải đợi tàu điện Cát Linh – Hà Đông 13 năm trời, kể từ năm 2008 dự án bắt đầu phê duyệt, với 4 lần hi vọng rồi lại thất vọng.
13 năm chờ đợi.
Đứa trẻ sinh năm 2008, bây giờ đã cuối cấp 2, vậy mà tàu điện Cát Linh – Hà Đông đến hết Quý II năm 2021 vẫn chưa sẵn sàng.
Tuy nhiên, lần này tàu đã thực sự được phê duyệt.
Cô bạn tôi đã chờ đợi 13 năm để chuyển đổi từ việc đi xe máy lên tàu. Nhưng ngày khai trương cô lại lưỡng lự. Vì cô lo đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lo Hà Nội sẽ bung và toang, cô sợ đi tàu điện trên cao là không gian kín sẽ bùng phát dịch và cô bị lây nhiễm.
Cuộc sống không thể đứng im
Tôi giải thích để cô yên tâm, rằng cả nước đã phủ được vaccine với tỉ lệ lớn cho người trên 18 tuổi, Hà Nội là một trong số mười tỉnh thành đã tiêm đạt 100% dân số trưởng thành, hiện chỉ còn 2 tỉnh tiêm dưới 50%.
Hà Nội cũng đã tiêm đủ liều cho 73% dân số trên 18 tuổi. Vậy chúng ta có thể mở cửa ra ngoài, đi những bước đi đầu tiên trong trạng thái bình thường mới, chứ không nên đóng chặt cửa ngồi im trong nhà.
Chúng ta đi sẽ không tránh khỏi va chạm F0.
Theo dự báo của tôi, tháng 12 tới cả nước trung bình mỗi ngày có hơn 20 ngàn ca nhiễm mới, thậm chí nhiều hơn nữa bởi chúng ta xác định sống chung với virus.
Sẽ có hai tình huống xảy ra.
Một là, số ca nặng phải nhập viện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của hệ thống y tế, tỉ lệ tử vong ở con số chấp nhận được, thì COVID-19 đang là căn bệnh đặc hữu nên tiếp tục sống chung.
Hai là, số ca nặng đe doạ hệ thống y tế đổ vỡ, tỉ lệ tử vong cao, thì COVID-19 quay trở lại đại dịch, bắt buộc lại phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hà khắc, thậm chí lockdown trên diện rộng.
Hiện tại COVID-19 đang là bệnh đặc hữu.
Vậy nên tàu điện Cát Linh – Hà Đông mở cửa là hợp lí, chúng ta phải đi lại, nên cần có thêm phương tiện giao thông hữu ích tham gia. Nhưng cô bạn tôi vẫn lo, bởi trong sân ga hay trên toa tàu, đó là không gian kín có nguy cơ bao bị lây nhiễm.
Nguy cơ cao là bao nhiêu?
Cô bạn tôi không có câu trả lời, nên lo sợ, dự định cô tiếp tục đi xe máy cho đến khi hết dịch.
Mười ba năm chờ đợi là quá dài. Vì thế mà tôi trả lời giúp cô bạn, để cô tự lựa chọn có nên hay không nên đi tàu điện Cát Linh – Hà Đông, bằng cách lấy ví dụ các quốc gia phương Tây đã cho phép Metro hoạt động bình thường.
Có hai nghiên cứu ở Anh cho thấy sự lây lan COVID-19 khi tham gia giao thông bằng tàu điện là cực kì thấp. Ban Tiêu chuẩn và An toàn Đường sắt (Rail Safety and Standards Board – RSSB) đã thực hiện nghiên cứu trên một toa xe Hitachi Class 800 do LNER sử dụng, chở 44 hành khách đi 30 phút, sau đó 22 hành khách xuống để thay bằng 22 hành khách khác để tiếp tục hành trình thêm 30 phút.
Mô hình nghiên cứu này không xem xét đeo khẩu trang. Kết quả, nguy cơ lây nhiễm là 1 trên 11.000 hành trình, con số quá thấp.
Nếu đeo khẩu trang nguy cơ lây sẽ giảm một nửa.
Một nghiên cứu khác của Đức cũng cho thấy “ít hoặc không có bằng chứng – little or no evidence” lây nhiễm COVID-19 khi tham gia giao thông bằng tàu điện.
Nghiên cứu của nhà điều hành tàu hoả Đức Deutsche Bahn kết luận: “Chúng tôi thấy rất ít trường hợp nhiễm bệnh trên các chuyến tàu. Không có trường hợp nhiễm trùng nào xảy ra ở những người có thời gian lưu trú dưới 10 giờ. Không có một dấu vết tiếp xúc nào được xác định ở Đức và Áo là đã được kích hoạt bởi sự lây nhiễm trên hành trình đi tàu.”
Deutsche Banh lí giải rằng, từ trong sân ga cho đến các toa xe chở khách, lưu thông không khí được thiết kế theo chiều dọc chứ không phải chiều ngang, điều này khiến cho việc phát tán virus ra môi trường xung quanh bởi luồng không khí là khó xảy ra.
Vương quốc Anh có 67 triệu dân, mỗi ngày có khoảng từ 30 – 50 ngàn ca nhiễm nhưng không làm quá tải hệ hệ thống y tế, 150 – 300 ca tử vong là con số chấp nhận được, bởi vậy COVID-19 đang coi như bệnh đặc hữu.
Giao thông bằng tàu điện từ lâu đã trở lại bình thường. Riêng các dịch vụ “Dịch vụ tàu điện ngầm ban đêm – Night Tube” vẫn đóng cửa từ tháng Ba năm ngoái, dự kiến 27 tháng 11 này sẽ khôi phục trở lại, London chính thức trở về thành phố 24 giờ.
Cuối cùng bạn tôi quyết định đi tàu điện
Hà Nội trung bình 88 ca nhiễm mỗi ngày, trong bảy ngày, nhưng hôm nay tôi dự đoán sẽ đạt kỉ lục mới khoảng 200 ca.
Tàu điện mới khai trương ba ngày. Vậy số ca nhiễm gia tăng trong những ngày qua do diễn biến dịch ngoài cộng đồng, nó không liên quan đến người đi tàu Cát Linh – Hà Đông, mà kể từ hôm nay sẽ tăng với tốc độ rất nhanh.
Tôi cho rằng chống dịch giờ đây ý thức cá nhân dựa trên sự hiểu biết khoa học, đó là chìa khoá quan trọng nhất, để phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng. Chủ quan là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết. Lo sợ cố thủ ở nhà bởi sự thiếu hiểu biết nó còn nguy hiểm hơn chủ quan.
Chỉ cần người ốm không tham gia đi tàu, hành khách vào sân ga trong lúc đợi tàu hạn chế tối đa di chuyển, đeo khẩu trang đúng cách, không nói chuyện, không gọi điện thoại, không tranh thủ ăn uống trên tàu, cố gắng giữ khoảng cách an toàn, nếu đi vệ sinh phải rửa tay khử khuẩn; đó là cách để bản thân mình không nhiễm bệnh, đồng thời có được những chuyến tàu thực sự an toàn.
“Khi tàu rời khỏi ga, tôi nhìn ra ngoài cửa kính thấy cảnh đẹp trên mặt đất, hoá ra bao ngày di chuyển dướng tầng thấp tôi chẳng thấy được những điều tốt đẹp. Và khi tôi ngước nhìn lên bầu trời, tôi đã thấy trong trong xanh, thấy mây trắng như miếng kẹo bông, có viên kẹo bông như người ta véo, có viên trông như con thỏ, cả chó và hổ, những đám mây thật đẹp”.
Lời tâm sự của người bạn, tôi xin chép lại ra đây, cùng với tấm ảnh của một cô bạn khác chụp gửi cho trong chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông đầu tiên.
Bác sĩ TRẦN VĂN PHÚC