Thứ rượu nho sủi tăm thường được dùng để mở đầu những nghi lễ tiệc tùng vốn có đặc thù bất biến của nó và được gắn liền với nhiều nhân vật, sự kiện xưa nay.
Vua Clovis I được rửa tội bằng rượu nho vùng Champagne
Champagne là một dạng vang nổ được sản xuất bằng cách tạo ra sự lên men thứ cấp trong chai chứa rượu nho để thực hiện sự cacbonat hóa. Nó được đặt tên theo địa danh Champagne – vùng đất nằm ở tây bắc nước Pháp, có độ cao từ 52-126 mét trên mực nước biển. Ở đây thời tiết biến động hết sức khó lường, kéo theo sự thất thường của những vụ nho, khi thì bội thu, lúc lại hết sức khan hiếm, nhưng chính sự khắc nghiệt của thời tiết đã tạo nên những trái nho và rượu nho có hương vị đặc biệt thơm ngon.
Rượu nho của vùng Champagne được biết đến đầu tiên trong giới quý tộc khi trong mùa Giáng sinh năm 496, vị linh mục tên là Saint Remi vùng Reim đã dùng làm lễ rửa tội cho Clovis I, vị vua của vương quốc Frank từ 481 đến 511. Năm 1285, khi người thừa kế địa bàn Champagne và Navarre là Jeanne Ire de Navarre kết hôn với người thừa kế rồi tiếp quản ngai vàng nước Pháp với vương hiệu Philip IV (1268-1314), thì vùng Champagne trở thành phên giậu của vương quốc. Trải theo thời gian đến tận thế kỷ XVII, bằng sự kiên trì quan sát trong nhiều năm quá trình lên men tự nhiên của rượu, các nhà làm rượu mới tìm ra những quy luật và bí quyết riêng để pha trộn các giống nho, các loại rượu được ủ trong thời gian khác nhau và cố định hương vị, độ trong, những hạt bọt sủi lăn tăn trong rượu. Kể từ đó, rượu Champagne đã làm say lòng không biết bao nhiêu thế hệ với chất lượng ổn định như chúng ta thấy ngày nay. Mở chai rượu nho của vùng Champagne là nghi thức không thể thiếu trong các lễ lên ngôi, nhậm chức của bậc đế vương, rồi dần dần trở thành rượu của các ông hoàng bà chúa và giới quý tộc Pháp.
Napoléon thường đưa Joséphine đến hầm rượu của người bạn
Hoàng đế Napoléon Bonaparte (1769-1821) sinh thời là người đầu tiên gọi đùa rượu Champagne là nước chanh, và thường xuyên đưa người vợ yêu Joséphine de Beauharnais đến hầm rượu của người bạn mình là Jean-Rémy Moët (1758-1841) tại Épernay, một xã trong tỉnh Marne, thuộc vùng Grand Est của nước Pháp. Cũng có những khi Napoléon không tin tưởng mấy vào loại rượu vаng “Chambertin” nên khi uống có pha thêm chút nước lọc. “Ta xứng đáng dùng nó trong trường hợp chiến thắng, và ta cần đến nó trong trường hợp chiến bại” – thủ lĩnh của đội quân hiếu chiến, thiện chiến một thời (và rồi cũng thất trận) thường tấm tắc như vậy.
Tương truyền, sinh thời, Winston Churchill (1874-1965) cũng được gắn với một câu nói nổi tiếng: “Xin chớ quên, hỡi các chàng trai! Chúng ta chiến đấu cho không chỉ nước Pháp, mà còn chiến đấu cho rượu Champagne” – vị Thủ tướng của nước Anh đã ra lời hiệu triệu như thế trong những thời điểm cực kỳ nặng nề của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Trên thực tế thì chính trị gia từng nhận giải Nobel Văn học 1953 này là người mê nhất Aÿ, thứ rượu vang mang tên một địa vực trồng nho, cũng không xa Champagne, trong tỉnh Marne, thuộc vùng hành chính Grand Est của nước Pháp.
Chỉ có rượu nho ở vùng Champagne mới được gọi là rượu Champagne
Rượu Champagne Pháp còn có cuộc “anh hùng tương ngộ” ở vùng Đông Âu. Vào đỉnh điểm của cuộc “chiến tranh lạnh”, tháng 3-1960, “Месье К”, biệt danh của Nikita Khrutchov (1894-1971), Bí thư Thứ Nhất Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, cùng vợ và bốn người con sang thăm nước Pháp mười ngày. Đây là chuyến thăm chính thức nước Pháp đầu tiên của thủ lĩnh Liên Xô kể từ năm 1917. Robert-Charles de Vogüé – hậu duệ của một dòng tộc khởi sinh từ năm 1084, được phong Hiệp sĩ năm 1256, Bá tước năm 1731 – nhất quyết đòi bằng được quyền đăng cai thù tiếp vị lãnh đạo Liên Xô tại hầm rượu cổ truyền Moët & Chandon. Giữa đoàn phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim vây quanh, Nikita Khrutchov bước vào hầm, nơi những công nhân sản xuất rượu vang đã bày sẵn một quả địa cầu với quỹ đạo kết bằng những chai rượu vang lóng lánh, ngụ ý chúc mừng Liên Xô đã phóng thành công lên vũ trụ vệ tinh “Sputnik” năm 1957. Đó quả là một đại tiệc thịnh soạn, trong hầm rượu Maurice Chevalier, những người trông coi hầm rượu cho mở nút đồng loạt 300 chai rượu Champagne, tiếng nổ ran ran khiến đám vệ sĩ tháp tùng được một phen kinh hồn bạt vía. Chủ nhà trịnh trọng mời đoàn nếm thử hạng rượu được ủ từ năm vị thượng khách ra đời, oái oăm thay, tìm mãi, biết hạng rượu mang niên hiệu 1894 không đạt chất lượng ưng ý, đành phải đưa ra hạng rượu ủ từ năm trước – đó là một hỗn hợp hoàn hảo từ vài loại rượu nho có hương vị na ná Madeira – loại rượu vang trắng nồng được làm tại Madeira, một quần đảo núi lửa ở ngoài khơi bờ biển Tây Bắc châu Phi và thuộc quyền kiểm soát của Bồ Đào Nha.
Hương vị là niềm tự hào
Cách quảng cáo tài nghệ của những lò rượu Pháp trong chuyến thăm mười ngày của Nikita Khrutchov đã mở đường cho rượu Champagne tràn vào các nước Đông Âu, mà tiền đề thì đã sẵn có trong lịch sử. Từ thế kỷ XIX, người Nga đã ngây ngất khi được nếm rượu Champagne, và năm 1876 Nga hoàng Alexandr Đệ Nhị (1818-1881) đã đặt hãng rượu lừng danh thế giới Roederer của Pháp cung cấp cho mình thứ rượu Champagne độc nhất vô nhị: trong loại vỏ chai thủy tinh trong suốt, nhưng đáy chai phải bằng bặn, để tránh kẻ thích khách nào đó nhét mìn vào chỗ lõm ở đáy chai thường thấy.
Nhằm giữ được hương vị, chất lượng của rượu Champagne, chính phủ Pháp cũng quy định rất nghiêm ngặt các loại nho được phép trồng trên vùng đất đặc thù, và ranh giới vùng trồng nho, quy trình chăm sóc nho, phương pháp làm rượu, thời gian cất giữ rượu… cũng được kiểm soát nghiêm ngặt. Nhãn mác tên rượu đã được chính phủ Pháp bảo hộ. Chỉ có rượu nho sản sinh trên vùng đất Champagne mới được gọi là rượu Champagne, còn các loại rượu nhẹ sản xuất từ nho trên những vùng khác của lãnh thổ Pháp được gọi bằng tên vang nổ hoặc vang lấp lánh (sparkling wine).
NHÂN ĐOÀN
Theo Le Figaro (Pháp)