Năm 2017 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của đất nước trên các lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại, trong đó phải kể tới những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Chính phủ ta tới các nước Mỹ, Trung Quốc; các hoạt động của năm APEC và nhất là Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam. Đó là năm kinh tế đất nước được điều hành bởi một Chính phủ mới với tuyên bố của người đứng đầu là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chinh và hành động. Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 nhằm thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, trong đó tập trung khẩn trương thực hiện cải cách hành chính, cải cách thể chế kinh tế từ các bộ, ngành tới các địa phương, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động. Nhờ đó đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực được thế giới công nhận. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế.
Trong bài viết này, tác giả muốn đi sâu phân tích sự thành công trong lĩnh vực kinh tế và bài học rút ra từ những thành công đó.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV trong phiên trả lời chất vấn rằng, sau nhiều năm thì năm 2017 là năm đầu tiên tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội Quốc hội giao sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Những chỉ tiêu kinh tế được Quốc hội giao đó là:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%;
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%;
- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%;
- Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%;
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.
Sau một năm phấn đấu gian khổ, kiên cường, vượt qua nhiều khó khăn thách thức từ bên ngoài và từ nội bộ nền kinh tế, chúng ta đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ.
Đối với chỉ tiêu GDP: Mặc dù nền kinh tế trải qua nhiều khó khăn thách thức, lại thêm thiên tai bão lũ xảy ra liên tục tại nhiều địa phương miền Nam Trung Bộ, miền núi Bắc Bộ… gây thiệt hại về người và của, theo dự tính làm giảm khoảng 1-1,5% gíá trị GDP, song với sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, chúng ta đã vượt qua tất cả. Tăng trưởng kinh tế được cải thiện rõ nét, quý sau tăng cao hơn quý trước với khoảng cách lớn ( quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%, quý III tăng 7,46%, quý IV ước tăng 7,65%) và cả năm ước đạt 6,81%, cao hơn 0,1% so với chỉ tiêu Quốc hội giao 6,7%. Đáng lưu ý là cả ba khu vực kinh tế đều có tăng trưởng đã tạo nên tăng trưởng chung như trên, trong đó khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm.
Với chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7% có thể thấy chúng ta đã thực hiện vượt kế hoạch. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1 % so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua (trong các năm từ 2013-2016 chỉ đạt mức tăng so với năm trước lần lượt là: 15,3%; 13,8%; 7,9%; 9%). Nổi bật nhất trong hoạt động xuất khẩu năm 2017 là chúng ta đã có 22/28 mặt hàng, nhóm mặt hàng thống kê được đạt mức kim ngạch từ 1tỷ USD trở lên, trong đó có tới 5 nhóm đạt trên 10 tỷ USD, hầu hết đều là những nhóm sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nổi bật trong đó là những sản phẩm có giá trị công nghệ cao như điện thoại và linh kiện đạt 45,085 tỷ; hàng dệt may đạt 25,928 tỷ; hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,882 tỷ; hàng giày dép 14,837 tỷ; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác 12,785 tỷ…. Tỷ trọng các sản phẩm nông, lâm nghiệp xuất khẩu cũng gia tăng, đánh dấu bước tiến trong đầu tư khoa học công nghệ cho nền nông nghiệp sạch, trong đó nổi lên mặt hàng rau quả xuất khẩu đạt 3,517 tỷ USD tăng 43,1% so với năm trước; hạt điều đạt 3,521 tỷ USD, tăng 23,9%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực sản xuất trong nước cũng tăng nhanh hơn so với năm trước ( đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2% trong khi năm 2016 chi tăng 4,8% so với năm 2015); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn giữ vai trò quyết định với lượng kim ngạch đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23% (năm 2016 chi tăng 10,2% so với năm 2015).
Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta cũng đã kiểm soát khá tốt việc nhập khẩu, hạn chế tối đa việc nhập các hàng hóa tiêu dùng và những tư liệu sản xuất mà trong nước đã sản xuất được. Thay vào đó là chú trọng sử dụng các sản phẩm trong nước có chất lượng và giá cả tương đương. Nhờ vậy, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 ước đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước. So với tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm, chúng ta không chỉ không nhập siêu mà còn xuất siêu gần 3 tỷ USD. Như vậy, với kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017 chúng đã đồng thời đạt tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tăng nhập khẩu và chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.
Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là một chỉ tiêu chịu nhiều tác động khách quan và chủ quan. Tuy nhiên trong năm 2017, Chính phủ đã có nhiều quyết sách chỉ đạo có hiệu quả trong việc bảo đảm cung cầu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm cũng như giữ được sự ổn định trong các lĩnh vực liên quan như tài chính, ngân hàng, y tế giáo dục, tiền lương, giá cả dịch vụ,…nên chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ước tính chỉ tăng 3,53%, thấp hơn chỉ tiêu được giao 0,47%, trong dó nhóm lương thực giảm được 2,6% so với năm 2016.
Về đầu tư : Năm 2017 là năm ghi nhận tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá, đặc biệt là vốn tư nhân và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 1.667,4 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP, vượt chỉ tiêu được giao là 1,8%, trong đó đáng chú ý là vốn thuộc khu vực ngoài Nhà nước đạt 676,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,5% trong tổng vốn toàn xã hội và tăng 16,8%…
Như vậy, có thể nói các chỉ tiêu kinh tế quan trọng mà Quốc hội giao đều đạt hoặc vượt mức kế hoạch đề ra, từ đó đã góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế cũng như đời sống người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đạt được những thành tựu kinh tế nói trên, theo người viết có những nguyên nhân chủ yếu như sau:
Trước hết phải nói là nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể và có hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời với hoạt động điều hành (thông qua các Nghị quyết phiên họp Chính phủ hàng tháng…) Chính phủ đã chủ động đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư…nổi lên là các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6 tháng 2 năm 2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Triển khai các Nghị quyết trên, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, sắp xếp lại tổ chức, thu gọn đầu mối, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính (về thủ tục hải quan, về nộp thuế, về tiếp cận thông tin…), cắt bỏ giấy phép con, tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp mới cũng như tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp …
Đội ngũ doanh nghiệp ngày càng tích cực chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ mới, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong sản xuất kinh doanh nên sản xuất ngày càng phát triển, chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn, mẫu mã, kiểu dáng ngày một đa dạng, có tính khác biệt và đặc trưng để thương hiệu hàng Việt Nam được biết tới ngày càng nhiều trên thị trường quốc tế. Nhờ đó chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 9,4% so với năm 2016, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,5%, góp phần đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước và tăng nhanh lượng hàng hóa xuát khẩu.
Cơ cấu laị nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ và giải pháp lớn trong năm 2017 đã đạt được kết quả buớc đầu, thể hiện qua việc tập trung khai thác mọi nguồn lực nhằm tăng trưởng về chất, chú trọng các ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này được thể hiện khá rõ trong cơ cấu hàng xuất khẩu năm 2017. Nhóm hàng hóa là sản phẩm của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp xuất khẩu ngày càng cao, nhất là các sản phẩm rau quả nhờ áp dụng công nghệ trồng trọt tiên tiến, an toàn, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm điện tử, máy tính vẫn phát huy vai trò đầu tầu, dẫn dắt về giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, đóng vai trò quan trọng vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao không chỉ về số lượng mà còn về trước thời hạn 1 tháng.
Chúng ta tự hào về những thành quả đạt được trong năm 2017 nhưng không chủ quan, tự mãn bởi nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém, khó khăn ở phía trước. Bước vào năm 2018 với việc thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả hệ thống những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ, chúng ta tin tưởng sẽ gặt hái được những thành quả to lớn hơn nữa./.
SÔNG CHÂU