Một trong những điểm sáng của “Tinh Hoa Nam Bộ” là cách chương trình tiếp cận giới trẻ thông qua sự sáng tạo, gần gũi. Các bạn sinh viên UEH không chỉ tham gia tổ chức mà còn trực tiếp biểu diễn, mang đến góc nhìn mới mẻ cho những loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Tối ngày 25 tháng 11 chương trình “Tinh Hoa Nam Bộ” đã diễn ra tại Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), mang đến một không gian đậm chất truyền thống với sứ mệnh kết nối giới trẻ và các giá trị văn hóa dân tộc. Đây là một hoạt động nổi bật do Đoàn – Hội Khoa Quản Trị và Câu Lạc Bộ Dân Ca UEH tổ chức thuộc chuỗi sự kiện A New Lifestyle 2024.
Khi văn hóa gặp gỡ giới trẻ
Chương trình đã tái hiện sống động các nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ, từ nghệ thuật đờn ca tài tử – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, đến những điệu múa Khmer duyên dáng và giai điệu cải lương sâu lắng, hay kịch lồng ghép câu hò Nam Bộ đã giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, cảm nhận rõ nét cái hồn của văn hóa vùng sông nước.
Qua từng tiết mục, ban tổ chức không chỉ khơi gợi niềm tự hào dân tộc mà còn nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong việc kế thừa và bảo tồn di sản văn hóa.
Giới trẻ: Người giữ lửa văn hóa truyền thống
Một trong những điểm sáng của “Tinh Hoa Nam Bộ” là cách chương trình tiếp cận giới trẻ thông qua sự sáng tạo, gần gũi. Các bạn sinh viên UEH không chỉ tham gia tổ chức mà còn trực tiếp biểu diễn, mang đến góc nhìn mới mẻ cho những loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Bạn Bùi Lê Nhất Thống, trưởng ban tổ chức chương trình – Chủ nhiệm CLB Dân Ca UEH chia sẻ: “Tinh Hoa Nam Bộ” không chỉ là một chương trình, mà còn là dịp để chúng em, những người trẻ, hiểu sâu hơn về cội nguồn và nét đẹp của dân tộc. Qua từng tiết mục và hoạt động, chúng em muốn lan tỏa thông điệp rằng giới trẻ chính là chiếc cầu nối đưa di sản văn hóa đi xa hơn, bền vững hơn trong đời sống hiện đại. Em hy vọng rằng mỗi người tham gia hôm nay sẽ mang theo niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trên hành trình tương lai của mình.”
Chương trình cũng tổ chức giao lưu với các nghệ nhân kỳ cựu, như NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Tú Sương, NSƯT Trinh Trinh, … và nghệ nhân ưu tú múa bóng rỗi Lê Minh Hùng, tạo cơ hội để các bạn trẻ học hỏi từ những câu chuyện thực tế về hành trình bảo tồn nghệ thuật.
Lưu giữ văn hóa qua sự đổi mới
“Tinh Hoa Nam Bộ” đã thành công trong việc đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ bằng các hình thức sáng tạo. Những màn biểu diễn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, như ca nhạc kịch hay video dẫn dắt câu chuyện, đã giúp chương trình truyền tải thông điệp một cách tự nhiên và hấp dẫn.
Giá trị văn hóa là sợi dây kết nối thế hệ
“Giới trẻ không chỉ là người thụ hưởng mà còn là người lưu giữ, sáng tạo để văn hóa dân tộc mãi trường tồn,” đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Chương trình khép lại với thông điệp mạnh mẽ: việc bảo tồn văn hóa không chỉ nằm ở sự trân trọng quá khứ, mà còn ở cách chúng ta làm mới và truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai. Những hoạt động như “Tinh Hoa Nam Bộ” không chỉ là dịp kết nối cộng đồng mà còn là bước đi quan trọng để giữ gìn di sản trong một thế giới thay đổi không ngừng.
Một số hình ảnh trong chương trình “Tinh Hoa Nam Bộ”: