Truyện ngắn của Vũ Khánh
Chỉ là câu chuyện về một cuộc rượu, tại một xó tỉnh lẻ bắc xứ Đoài một chiều thu muộn. Tiện đâu tôi kể đấy chứ cũng chẳng có ý tưởng, thông điệp to tát gì. Người đọc nào khó tính cũng xin lượng thứ.
Độ, cháu gọi tôi bằng bác, họ hàng đằng mẹ nó, lâu hôm nay mới đến chơi. Lần này cũng thế, không đến tay không:
– Nhà cháu tát ao, có ít tôm sạch biếu hai bác.
Độ, cán bộ bảo tồn di sản, công việc suốt ngày với đống hồ sơ xin xây lại đình chùa đền miếu hay đề nghị xếp hạng di tích. Hai chị, một em gái. Em công nhân khu công nghiệp Kim Long, chị lao động xuất khẩu Đài Loan, Hàn Quốc. Mỗi Độ được ăn học chu đáo. Ham đọc sách từ bé, Độ chỉ ước vào đại học ngành Hán Nôm để đọc được sách cụ bốn đời, vốn trước làm thầy đồ kiêm thầy thuốc, có lúc kiêm cả thầy địa lý, còn để lại trong cái níp nửa tre nửa gỗ, may vẫn giữ được qua bao biến động của thời cuộc và thời tiết viêm nhiệt phương nam.
Năm đầu thi trượt, cu cậu phẫn chí bỏ nhà đi. Tìm kiếm khắp nơi tuyệt vô âm tín, bố mẹ Độ ngất lên ngất xuống, cứ nghĩ mất con rồi. Bô lão chi tộc Nguyễn Bá họp kín, tính điều chỉnh gia phả ngạch đích tôn. Chẳng ngờ một năm sau, anh chàng về, còn cầm theo giấy báo đỗ đại học. Cả nhà như được sống lại. Họ mạc dân làng đến chơi nườm nượp. Vườn nhãn cổ thụ nhà Độ năm ấy tự dưng sai trĩu quả, vừa bán vừa cho không hết.
Ra là Độ về Hà Nội ôn thi đại học. Đêm dùi mài sách hướng dẫn các loại, ngày rửa bát hàng phở, bốc vác thuê lấy tiền trả học phí và chống đỡ cuộc sống vạ vật đất kinh kỳ. Cuối cùng cao xanh cũng không phụ người có chí.
Các bô lão họ Nguyễn họp đại biểu ba chi Nguyễn Bá, Nguyễn Trọng, Nguyễn Quý. Cỗ bàn bữa ấy nhà Độ lo cả. Mặt đỏ lựng sau chén rượu Canh nâng lên đặt xuống mãi, e hèm, vuốt chòm râu ngắn ngủn, cụ đại diện cả họ nói:
– Làng Ngạc ta, cả trăm năm mới có sự đỗ đạt. Lại chỉ rơi vào họ nhà này. Các cụ để ý chứ, lõng tre bên tả chân núi Ngạc Sơn mấy năm nay măng ra nhiều thế. Không nhẽ con Kim Long sống lại thật rồi?…
Độ học xong ra trường, bố mẹ nó đưa đến nhà tôi, biếu con chép to với cả bao tải nhãn, bảo: “Xin bác giúp cháu. Nhà em không dám quên ơn”.
Tôi kể chuyện Độ rửa bát thuê hàng phở lấy tiền ôn thi đại học với giám đốc sở và nói vui: không phải “xin” mà là “tiến cử” người làm về lĩnh vực di sản. Nói thế vì tôi biết, thời nay bói đâu ra cử nhân đại học rành về Hán Nôm, đình chùa đền miếu? Thế là Độ được đi làm, chả phải chạy chọt gì. Sướng.
*
Mẻ tôm càng Độ biếu ngon quá. Tươi đanh đách. Toàn cỡ ngón tay cái trở lên. Có cả một con chép nữa. Tôi bảo Độ:
– Cháu ở đây luôn. Bác gọi mấy ông bạn uống rượu cho vui.
Đã quá tiết Trùng dương. Trời hôm nay bỗng dưng hơi se lạnh. Vòm lá xanh se sắt của khóm tre đằng ngà xao xác trong chiều mây xám. Thu muộn, còn dư khí túc sát hoang liêu, kể cũng nên lập ra một góc túy hương cho đỡ những bất ổn vô cớ của lòng người.
Thụy đến trước. Vẫn thói quen đi lại ngắm nghía trước sau rồi mới an tọa với chủ nhà. Thụy bạn tôi, vốn dân bác sĩ. Mổ mắt giỏi. Tay như nghệ sĩ violon. Mà Thụy chơi loại nhị Tây ấy cũng khá lắm. Rất có tình. Nhất là khi kéo bản “Khúc ca chiều” của Schubert. Thụy bảo:
– Đó là giai điệu của thánh thần. Cái ông Schubert mỏng tai nghe được nên mới bị trách phạt lúc mới có băm mốt tuổi.
Tôi nói:
– Biết đâu ông ấy được mãn hạn giời đày thì sao?
Thụy ngẩn ra.
Số phận xô đẩy thế nào mà Thụy lại chuyển nghề làm công chức hành chính. Vẻ ngoài nghiêm túc, công việc mẫn cán. Doanh nghiệp cho phong bì hay không vẫn cứ làm theo chức trách. Thế nên có lúc đã được tổ chức nhìn nhận đến. Nhưng cũng chỉ đến cấp ký thay. Đôi khi thở than thế sự này nọ, tôi vẫn trêu: mổ mắt cho người thì được mà không mổ được mắt cho thiên hạ. Thụy cười gượng, bảo: “Có khi tôi xin về sớm. Mở phòng mạch tư. Lúc rảnh chơi đàn dỗ cháu, dỗ cả ông luôn”.
Một lát, Thái có mặt. Thế là đủ bốn người, một cỗ. Chiếu Đậu trải ra sân, cỡ đại, cói tăm dệt kép thủ công, trọng thể cho một cuộc hội ẩm ngoài trời. Quan khách lục tục ngồi.
Thái, vốn thầy giáo sử. Nhưng chỉ gõ đầu trẻ có mấy năm trên Tây Bắc rồi về quê, nhân đấy chuyển nghề công chức cấp sở. Kiến văn rộng. Cũng không chấp nhất gì lắm. Bạn bè vẫn trêu là quan Thái sử. Tên đầy đủ: Trần Quốc Thái. Tổ gốc Thái Bình. Mẹ họ Phạm, nguyên làng Phù Ủng, đồng hương với Phạm Ngũ Lão.
Thấy có khách lạ cùng chiếu, Thái hỏi:
– Tiên sinh nào đây?
Tôi giới thiệu danh tính, thân thế Độ, không quên hai chi tiết: rửa bát thuê hàng phở lấy tiền ôn thi đại học và khá thông thạo chữ Hán Nôm. Mới đầu còn hờ hững, sau nét mặt Thái giãn dần. Thấy nói Độ quê huyện Dương, làng Đống Ngạc, Thái nổi hứng thuyết một hồi về núi Ngạc Sơn. Chuyện cũng thú vị. Than trong lò chưa đượm hẳn, có câu chuyện dềnh dang lúc này cũng khéo. Có điều Thái diễn khí dài dòng. Tôi chỉ xin tóm tắt thế này:
“Huyện Dương, nguyên thuộc phủ Tuyên Hóa, có núi như hình con sấu, vốn là một nhánh từ dãy Tam Đảo rẽ ngang chạy xuống dưới này. Tên chữ là Ngạc Sơn. Cũng có sách chép Kim Long. Nghe truyền núi ấy thiêng, có huyệt quý có thể phát văn khôi khoa giáp, võ tổng binh nhung. Có kê trong danh sách mấy nghìn huyệt nước Nam trong tấu thư Cao Biền nộp lên vua Đường Ý Tông. Sau quân Lam Sơn lấy được bản sao từ tay Hoàng Phúc. Họ Cao cho yểm tháp đất nung, đào con ngòi cắt ngang long mạch. Thế là từ ấy, núi Ngạc trở nên cằn cỗi, xơ xác. Sinh long hóa bệnh long. Chỉ phát trộm cướp. Gớm nhất là “giặc Thọt” thời Lê – Trịnh. Tên Bùi Thúc Dĩnh, vốn học trò thi trượt, bực mình tập tễnh bỏ vào núi Tam Đảo. Cầu tiên hái thuốc không xong chán trò xoay ra làm thảo khấu. Trời làm hạn hán mất mùa mấy năm nên dân nghèo vùng Tam Đái, Càn San theo đông lắm. Chống lại quan quân triều đình mà cũng cướp hại cả dân chúng. Từng thả quân triệt hạ cả ba làng kẻ Cánh vì chống lệnh nộp thóc nhập kho Đại Đồn trong Thanh Lanh – Ngọc Bội…
Lại nữa, gần núi Ngạc có làng truyền đời chuyên nghề trộm chó. Làng có bốn xóm lại chỉ mỗi xóm làm việc đó thành ra cả làng chịu tiếng theo. Tuy nhiên lại có một xóm nấu rượu rất ngon, xóm tên Canh, rượu cũng tên Canh”.
Thái nhìn Độ:
– Xem anh chàng này nào. Ừ, mắt có thần khí, tam đình ngay chính, xương thịt quân phân, ngoài nhu thuận trong cương liệt. Này, cháu biết võ thuật, đúng không?
Độ thú nhận:
– Vâng, cháu có tập Nhu đạo.
– Chân cẳng thế nào?… À, long hổ đúng vị, không tập tễnh. Học trò trước thi trượt, học trò sau đại đăng khoa. Kim Long từ nay không phát trộm cướp nữa.
Cả bọn phá lên cười. Nhân đấy tôi kể thêm chuyện Độ từng một mình đánh ngã mấy thằng xăm trổ bắt nạt đám sinh viên ăn phở tại quán Độ làm thuê. Do thiện cảm với cậu thanh niên tỉnh lẻ chăm chỉ, thật thà, vợ chồng chủ quán đã đứng ra bảo lãnh Độ với công an phường và đại ca của đám xăm trổ nên vụ ấy rồi cũng qua. Anh chàng may lại được yên ổn ngày làm lụng, đêm dùi mài kinh sử chờ lúc ra ứng thí. Nghe chuyện, bác Thái xem ra có phần cảm tình hơn với thằng cháu ít tuổi mới quen biết này.
Hơi lửa hồng rực xem chừng sắp át hết màu đen còn sót lại của mấy cục than trên cùng. Tôi khoát tay:
– Dừng mọi câu chuyện. Rước các tiên sinh.
Thái nói:
– Chủ nhân bữa nay đãi khách món gì mà hỏa lò than hoa thế này?
– Tôm nướng. Phải dùng xiên. Tự làm tự ăn, không ai hầu ai cả.
Thái tán thưởng ra chiều thích thú:
– Hay đấy, nướng mới giữ được nguyên khí. Đàn bà chỉ cần thử hai món nướng với luộc là biết ngay. Này, trong bảy món mộc tồn, sáu món toàn thị nở ra, mỗi chả là co vào không có lãi. Hòa “Chó” dốc Trừ Sâu ở Việt Trì ngày trước sợ nhất mấy ông vào quán chỉ gọi độc món chả, lối Tản Đà, Nguyễn Tuân, hai bố sành ăn nhất cái xứ mình. Nhưng rượu gì đây?
Tôi nói:
– Bàu Đá, vừa có chuyến công tác trong Quy Nhơn.
Rượu rót ra. Chạm chén. Cạn. Được cái Độ chuyên cũng khéo chỉ nửa chén một. Thụy chép miệng hơi nhăn mặt:
– Rượu ngon. Nhưng nặng quá, dễ đến hơn năm mươi độ?
Hỏa lò đượm. Đặt giữa mâm. Bốn người ngồi khéo. Sau lưng hơi lạnh nhưng trước mặt hơi lửa ấm áp. Đám tôm càng còn nguyên con, đanh đách trong bát loa xâm xấp nước. Xiên vào que nướng xoay đi trở lại trên than hồng, con tôm ngả màu dần từ xanh xám tới vàng ươm rồi đỏ khé, nức mùi thơm đến từng con tỳ con vị. Thận trọng đưa nhẹ con tôm đã tới lửa còn nóng rẫy vào bát nước chấm hội đủ ngũ vị, ăn kèm nhánh rau húng quế, Thái xuýt xoa:
– Đã lắm… Mà này, than gì mà đượm, không tí khói nào thế?
Độ nhanh nhảu:
– Than sinh học. Cây cành tươi khô, rạ rơm, mẩu gỗ, mùn cưa các loại cho tuốt vào máy, nghiền ra ép khuôn, đốt nguyên trong lò yếm khí. Nhật, Hàn Quốc xứ lạnh mê lắm. Bạn cháu chủ doanh nghiệp làm không đủ bán.
Thái nói:
– Hay, không khói mà vẫn giữ được hỏa khí.
Rượu được vài tuần. Mới đầu còn chung bốn chén sau xoay dần ra từng hai chén một. Bên tranh bên cãi, chén đầy chén vơi, nâng lên đặt xuống, câu chuyện đám tửu đồ dần đã nhuốm màu triết lý vụn với những luận đề to tát giữa các nhóm với nhau, nhưng chủ yếu quay vòng giữa ba ông tiên chỉ. Độ chỉ đưa đà chuyên tâm tửu bảo. Mải chuyện, có người để nguội con tôm đã chín lại phải đưa lại vào hỏa lò.
Ngang chừng, bỗng Thái huơ cái xiên vẫn còn con tôm cắn dở nói to:
– Xin tất cả yên lặng nào. Giờ tôi có ý này, vấn đề vừa nãy giữa tôi với ông Thụy chưa ngã ngũ, cần đưa ra hội thảo công khai. Đố các ngài, lửa đây thì rõ rồi, còn những phát minh nào làm thay đổi cả nhân loại chứ?
Đề tài mới từ Thái như khơi vỡ ra đập nước ngôn từ do hơi men nung nấu. Mâm rượu ồn ào hẳn lên. Người bảo la bàn, kẻ cho là điện, rồi thuốc súng, máy hơi nước, điện thoại, truyền hình, máy in Gutenberg… Nhân đó còn tràn lan cả đến những là mộc ngưu lưu mã Khổng Minh, nỏ liên châu Cao Lỗ, đội hình trăng lưỡi liềm La Mã, cáng ba người của Quang Trung Nguyễn Huệ… Thôi thì đủ cả. Có tay nào còn bảo: rượu mới là phát minh vĩ đại nhất của loài người. Rồi ra sức chứng minh, lập luận. Đương nhiên kiểu lý sự ấy sẽ chẳng thể có khi rượu đã không còn là bạn đồng hành.
Được cái rốt cuộc đều có chung đáp án lửa và máy hơi nước trả bài thầy giáo Thái. Thái cao giọng:
– Tất cả không sai, nhưng chưa đủ. Tôi ra đề đó có nghĩa phải là những gì tạo ra bước ngoặt làm thay đổi hẳn tiến trình nhân loại chứ. Thôi, tôi giải đáp luôn vậy. Chỉ có ba đáp số: Một, lửa, mà ta đang nướng tôm đánh chén đây. Hai, máy hơi nước. Ba, là gì hở Độ?
Độ hơi sững ra chút nhưng ngay lập tức quả quyết:
– Theo cháu, phải là… Internet.
– A, tay này khá – Thầy giáo Thái phấn khởi.
Tất cả như bừng tỉnh: Ừ nhỉ, Internet, sức mạnh mở toang những khép kín, như đầu máy hơi nước từng húc đổ hàng rào lãnh địa Tây Âu trung cổ. Gì có thể cản lại được đầu máy kia giờ núp dưới hình con chuột vi tính nhỏ nhắn xinh xinh? Nó, thứ như đồ chơi con trẻ ấy sẽ là phẳng cả thế giới chúng ta?
Nhưng rồi cả đám rượu bỗng lại thi nhau ai oán: Ôi, giá như mình được vợ con đối xử như với cái điện thoại thông minh smartphone kia… Em yêu, giường ngủ vợ chồng mình giờ đây đâu chỉ có hai ta?… Độ vừa cười vừa nhoay nhoáy cái điện thoại đời mới, chắc lướt facebook với bạn gái. Nó vẫn chưa vướng bận gì. Sướng thế…
Rượu Bàu Đá bốc mạnh. Cả đám đã bừng bừng. Có mỗi Độ là chưa thấy la đà. Chắc nó giữ lễ với bác và các bạn của bác nó. Vả, cũng phải có người tỉnh để gác cổng Hoàng Hoa thôn không thì cháy cả làng mất. Độ bảo: “Để cháu cho món canh thang ra”.
Đang ngả người chống hai tay ra sau, Thái nhỏm dậy hùng hổ:
– Đã bảo nhất khí, chỉ tôm nướng sao lại còn cá nữa? Thôi cũng được, xem nào, cá chép mà sao nhạt thế?
Thụy vươn người dậy khoát tay:
– Quan thái sử kiềm chế kẻo mất đầu đấy. Tôi hỏi rồi, đây là bài canh thang giã rượu của ông cử Hán Nôm đây. Mót ra từ sách thuốc cụ tổ để lại. Mà này cháu, hình như canh thang phải đủ ngũ vị? Nhưng thứ nào là vua, thứ nào là bề tôi đây?
Độ dè dặt:
– Bác thử cháu?… Trong bài này nhất thiết phải có trần bì. Gia giảm thêm bốn vị thảo dược nữa.
– Ừ, nôm là vỏ quýt. Bốn thứ kia đầy ngoài vườn ngày trước. Giờ toàn Tây dược trị Nam nhân. Được cái nhanh.
Thái cười hi hi:
– Lý ngư không có vũ môn đành chịu kiếp canh thang ngũ vị.
Độ múc canh vào từng bát:
– Vừa thổi vừa húp các bác ạ. Giã rượu nhanh lắm. Cháu thử rồi.
Cả bọn xì xụp. Thái khen ngon quá, thêm bát nữa. Tác dụng thật, lại như chưa gì vậy. Tôi bảo Thái: “Thấy chưa, vẫn nhất khí nhé”. Thái cười trừ.
Trời đã tối từ bao giờ. Trên trời mây chuyển từng đám lớn. Có lúc trăng ló ra như ngọc sáng giữa khoảng mây rực rỡ muôn màu rồi lại dần khuất bóng. Dưới mặt đất một góc xứ Đoài này, hỏa lò than hoa của mấy đứa chúng tôi vẫn rực hồng trong tiết cuối thu.
Tự dưng tôi giật mình, có vẻ những vầng mây sau vòm tre đằng ngà đang ôm lấy khoảng sân đây như bỗng chuyển hướng khác thường? Đương tháng chín, còn lâu mới đến tiết Lập Đông. Mùa này, tiết này còn dư khí “gió tây thổi buốt can tràng” đâu đã đến kỳ gió bấc? Nơi chúng tôi ngồi, chỉ cách chưa đầy hai mươi cây số theo đường chim bay là dãy Tam Đảo, kết lại những mạch núi rẻ quạt từ miền núi cao Tây bắc, uốn tay long trùng trùng chầu về đất thần kinh rồi xuôi ra mãi biển Đông. Gió bấc theo các sườn dẫn gió ấy xưa nay vẫn tuần tự đúng mùa mà nay sao về sớm thế? Từ hướng bắc, từng tảng mây đen ngòm cứ lũ lượt kéo xuống.
Nghe đồn rằng cứ kỳ gió bấc trái tiết thế này thì cái mạch núi hình con giao long ấy lại có tiếng rền. Dưới này trông lên thấy suốt một dải rừng cứ vật mình xanh rợn. Dân Tam Đảo vẫn truyền rằng đó là Thanh Long nổi giận, quỷ núi lại bồn chồn tay gươm rồi. Cùng lúc ấy đối diện phía bên kia phương đoài, ngọn Ba Vì trấn phong dường như đột khởi cao lên ánh màu trắng bạc. Thảo nào có chuyện đức Thánh Tản nhà ta mắng đuổi cái tay Cao Biền cùng đám âm binh kia chạy trối chết khi một lần dám cả gan đụng đến oai linh thần vũ xứ này.
Thụy ngoảnh sang tôi như ý muốn cật vấn: sao tự dưng lại cười? Tôi vờ như không để ý. Chuyện gió mây vô bằng cớ sao có thể nói được ra?
Bất chợt, anh chàng Thái nhỏm dậy phá tan không khí trầm mặc của đám tửu đồ sau món canh thang hiệu nghiệm:
– Thôi, không Bàu Đá nữa. Đề nghị chủ nhân tắt điện, thắp nến. Tôi sẽ đưa các ngài quay về bảy thế kỷ trước. Nhưng phải im lặng, dụng hết nhỡn lực vào mà trông đấy nhé.
Cả bọn hút theo Thái, đến chỗ xe máy dựng góc sân, bật nắp yên xe lấy ra một hộp gì vuông vuông. Gỡ bỏ túi ni lông thì là một hộp thiếc lô gô chữ nổi. “Rượu tây, hãng gì đấy?”. Không trả lời, Thái mở nắp lấy ra thứ bên trong. Cả đám ồ lên: “Chà, vỏ tây rượu ta”. Thụy giằng lấy giơ lên ngắm nghía: “Đẹp quá, chữ gì đây?”.
Thì ra là cái nậm cổ, dòng sứ Bát Tràng, men trắng, tuy đã phải vuốt đồng lá trên miệng, văn chàm, típ mai hạc. Có hai dòng chữ Nôm nhỏ tí. Độ săm soi rồi cùng các bác vừa dịch vừa đoán cuối cùng cũng ra: “Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ hạc là người quen”. Thụy hỏi:
– Đời nào đây?
– Cuối Lê đầu Nguyễn, đồ vớt sông, may tôi vớ được của bọn trộm cát sông Lô đấy.
Nhưng rồi cả bọn chung thắc mắc: rượu gì đựng trong cái nậm cổ ấy mà những là bảy thế kỷ với lại dụng hết nhỡn lực như Thái vừa giáo trước? Còn dư khí Trùng dương, chắc không ngoài Hoàng hoa tửu? Thái cười bí hiểm:
– Cứ thử đi rồi sẽ biết.
Rồi Thái tự tay rót đều lưng bốn chén không phí phạm một giọt. Không ai bảo ai đều đưa lên hít hà một hồi rồi mới nhấm nháp: “Thơm quá, hảo tửu, hảo tửu, đâu ra vậy Thái ơi?”.
Thái, vẻ đắc ý từ tốn dẫn giải:
“Bảy trăm năm trước, sau khi đã làm đủ mọi việc theo kế hoạch lập Trần phế Lý, Trần Thủ Độ chỉ còn e ngại mỗi quân Long Dực hộ vệ nội cung: toàn thị tráng đinh kẻ Noi, kẻ Báng, luyện các thế võ bí truyền có nguồn gốc từ sư Đại Lý và hàng binh Chiêm Thành trong chùa Lục Tổ từ khi bảy tám tuổi. Phiên quân này do một thân vương nhà Lý trực chỉ quản lĩnh, không thuộc quyền Trần Thủ Độ, lúc này đương chức Điện tiền chỉ huy sứ, tổng lĩnh cấm binh “Thiên tử quân” triều đình.
Trần Thủ Độ bí mật dựng chòi quan sát quân ấy luyện tập trong giáo trường hàng tháng trời. Một người tin cẩn được giao cất loại rượu riêng, gửi ngựa trạm ra Thăng Long cho Thái sư dùng. Nước cất rượu lấy ở giếng chân gò đất hình con sấu, tục gọi gò Sấu, chữ là Ngạc Khâu, nay thuộc Hưng Hà, đất gốc cụ Trần Lý, tổ họ nhà tôi. Mạch giếng ấy trong lắm, lúc nào cũng ăm ắp. Con gái vùng ấy có tiếng là đẹp. Gò Sấu có giống cúc, hoa chỉ nhỉnh hơn nút áo đại một chút, cánh như lụa xếp, sắc trắng tinh, không thấy có ở vùng khác. Lấy hoa ấy cất rượu với nước giếng gò Sấu thành ra thứ men như các ngài vừa có duyên được thưởng thức. Rượu tốt thế nào khỏi cần nói nữa nhé.
Rồi ra vật đổi sao dời, khi hưng lúc phế, rượu bạch cúc gò Sấu vẫn được riêng con cháu gia đình ấy âm thầm truyền giữ đến nay, chuyên gọi “rượu Thái sư” dù có một thời bị mang tên “quốc lủi”. Tôi tình cờ về quê, may mắn được biếu… một chai lavie. Cầm về dồn vào nậm này cất kỹ. Làm Thái sư một mình cô đơn lắm. Nay mời các ngài cùng lên chòi quan sát quân Long Dực một thể”.
Cười. Nhưng sau đó cả đám rượu tự dưng im lặng. Thêm lượt nữa chia đều. Nậm còn lại óc ách. Loạt cuối chắc mỗi tay không đầy nửa chén. Ai nấy nhấm nháp chầm chậm. Tôi chắc cả bọn đều đang cố hình dung ra cái động tác vừa nhấp chén rượu cúc trắng thơm tho, vừa chú mục không bỏ sót từng thế đao đường kiếm đám thân binh thiện chiến kia của con người quyền mưu đệ nhất một thời Đông A lừng lẫy ấy. Nhất là Độ, lúc này tự dưng trầm ngâm như ông cụ non vậy.
Bỗng Thụy nhổm dậy:
– Này, Trần Quốc Thái. Chính ra ông phải có lời xin lỗi tôi đấy. Biết vì sao không: Tôi vốn gốc họ Lý. Thái sư nhà ông đặt bẫy sập hầm cả tôn tộc nhà tôi ở Hoa Lâm, bức vua Huệ Tông đến chết ở chùa Chân Giáo, còn bắt cả họ tôi đổi sang họ Nguyễn. Sao tổ ông ác thế? Chỗ rượu này phải để tôi uống cả.
Biết Thụy đóng kịch, Thái cũng giả vờ cao giọng:
– Thế thời phải thế. Tổ tôi không làm vậy thì họ Lý nhà ông có còn chống lại được vó ngựa toàn thị Hãn huyết, Tử lưu không? Bắt đổi họ nhưng có truy sát tận diệt không? Biết thừa đấy nhưng có cho các trạm Hải Khẩu, Vân Đồn chặn thuyền thái tử nhà ông trốn sang Cao Ly không? Thế ai họ Nguyễn gốc Lý tên Sưởng được giao cầm cánh quân phía bắc trong cuộc chiến lần hai, hở ông? Cánh quân ấy mà trở mặt thì thôi rồi, ông nhớ chứ? Thì ông với tôi có còn được ngồi đây mà thưởng rượu Thái sư không?
Cả bọn cùng cười. Tôi nói:
– Thế thôi, cuối cùng hay dở là ở cụ Ngô Sĩ Liên cả. Thụy ơi, cho Trần Quốc Thái xem cánh tay con cháu họ Lý đi nào.
Thái vươn sang vén tay áo Thụy:
– Chà chà, xăm chữ gì đây? À, chữ Sát. Còn chữ gì đây, Độ?
– Thát, chữ Sát Thát bác ạ.
Thái chép miệng:
– Thảo nào cha Thụy này ít khi mặc áo ngắn tay.
Thụy ngượng ngùng giải thích:
– Hồi bé, mình xem truyện tranh “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Mê lắm. Mấy thằng bí mật bắt chước anh Hoài Văn hầu, xăm chữ ấy bằng kim băng rồi lấy than ở cục pin cũ hiệu Con Thỏ xát vào cho nổi chữ lên. Đau, nhưng ông tướng nào cũng nghiến răng chống nạnh, mặt ngoảnh đi cười méo xệch chảy cả nước mắt. Có đứa sau bị nhiễm trùng mưng mủ phát sốt mấy ngày. Thú thật là từ hồi “Biển Đông nổi sóng”, tôi những muốn tô đậm lại hai chữ ấy. Cái thằng chuyên xăm trổ ở phố Chiền mới đầu đòi đắt lắm. Xăm xong tự dưng nó bảo: em làm giúp anh, không lấy tiền. Lại còn mời mình uống bia nữa chứ. Hứng lên nó cao giọng đọc gần như trọn cả bài “Hịch tướng sĩ” trong sách giáo khoa: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…” Mình trố mắt. Nó bảo ngày xưa cô giáo bắt học thuộc lòng nên mới nhớ thế.
Có lẽ đang có hứng, Thụy nói:
– Tôi đọc các ông nghe bài thơ này nhé, “Biên cương tức sự”. Viết cũng lâu rồi, sau chuyến đi vùng biên về.
Thấy cả bọn lặng yên, vẻ chờ đợi, Thụy mới bắt đầu cao giọng:
“Quá bắc ngưu đề huyết vị can,
Hoán nam tẩm hóa quả trân cam.
Ngũ Lĩnh điệp trùng hà cương xứ,
Động Đình không ức cổ thì quan.
Hoành đạo u minh tung đạo hiển,
Phẩm đáo biên thành đối sách nan.
Hà năng la võng sơ bất lậu,
Cái diệp hà tiêu dữ mục hoàn”
Thái nói, nhưng lần này giọng trầm hẳn xuống:
– Chẳng ngờ Thụy lại làm được thơ chữ Hán, phục bạn đấy. Thôi còn chén rượu Thái sư cuối cùng này, mình xin kính mời Thụy.
Độ dịch xong cả bài, Thái nhắc lại hai câu cuối:
“Làm sao có được tấm lưới trời thưa mà không lọt (giăng nơi biên ải),
(Để ta) đội nón lá sen, thổi sáo cùng (trẻ) chăn trâu trở về?”
Rồi Thái bỗng đổi giọng, ngâm nguyên hai câu thơ ấy theo lối cổ, có thêm những từ đệm “chừ, ư hừ”. Giọng Thái vốn đã trường âm, trong thanh khí tiết thu muộn xứ Đoài này nghe sao mà tiêu tao quá thể.
Chiếu rượu tàn, ngổn ngang như bãi chiến trường. Duy trong hỏa lò, than hoa còn hồng đượm sau lớp tro trắng nhẹ. Độ bảo:
– Hay cháu lấy nước tưới vào nhé?
Tôi bảo:
– Thôi, cứ mặc cho cháy hết cháu ạ.