Rượu có từ hàng chục ngàn năm nay, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, từ non cao đến thành thị người ta đều biết chưng cất và uống rượu. Sự hòa quyện của hạt ngũ cốc cùng với bột men và nguồn nước thiên nhiên đặc trưng từng vùng đã tạo nên thứ rượu không quá cầu kỳ, không quá đắt đỏ mà thắm đượm nét dân tộc. Đó chính là rượu của người Việt.
Nấu rượu truyền thống
ĐA MÀU SẮC
Đi từ Bắc vào Nam có thể kể tên rất nhiều làng nghề nấu rượu, nhiều loại rượu mang đậm bản sắc vùng miền như: rượu Bó Nặm Bắc Cạn, rượu San Lùng Lào Cai, rượu Mẫu Sơn Lạng Sơn, rượu làng Vân Bắc Giang, rượu Kim Sơn Ninh Bình, rượu Kim Long Quảng Trị, rượu Hồng Đào Quảng Nam, rượu Bàu Đá Bình Định, rượu đế Gò Đen Long An, rượu Phú Lễ Bến Tre… Với những am hiểu tinh tế về rượu, mỗi nơi sử dụng các loại men khác nhau trong công nghệ nấu rượu. Chẳng hạn dùng men lá để ủ nên rượu cần, từ men ngô để có đặc sản rượu ngô Bản Phố, dùng men sắn để nấu thành rượu sắn. Dòng rượu gạo truyền thống cũng chia thành nhiều loại: rượu gạo, rượu nếp, rượu nếp cẩm, rượu nếp cái hoa vàng… Rượu còn được ngâm với nhiều loại động, thực vật khác nhau để tạo nên một bức tranh đa sắc, vô cùng phong phú, sinh động với muôn hình vạn trạng: rượu thuốc, rượu tắc kè, rượu bìm bịp, rượu chuối hột, rượu táo mèo, rượu trứng, rượu rắn, rượu mơ, rượu ba kích, rượu cá ngựa…
Trong các làng nghề nấu rượu truyền thống, phần lớn mỗi gia đình người Việt đều có thể tự cất rượu cho ngày tết, lễ hội hay cưới hỏi, giỗ chạp. Nguyên liệu chính là gạo lứt nếp, tẻ, ngô, khoai, sắn… nấu chín đổ ra nong trải rộng để nguội, rắc bột men đều trên mặt ủ lại bằng lá chuối, sau vài ba ngày khi tinh bột trong gạo đã chuyển hóa thành đường thì cho vào hũ đổ nước vừa dung tích, đậy nắp kín để chổ mát, sau khoảng thời gian thích hợp (tùy thuộc vào thời tiết và nhiệt độ) đem chưng cất và ủ rượu. Rượu sản xuất theo phương pháp thủ công có hương vị đặc trưng, dễ uống. Tuy nhiên, do thiết bị chưng cất thô sơ nên không thể lọc bỏ các độc tố ra khỏi rượu như andehit, methanol. Để khắc phục điều này, ngày nay nhiều cơ sở sản xuất đã trang bị các hệ thống tháp chưng cất, thiết bị chưng cất phân đoạn hiện đại tiên tiến, loại bỏ được các chất có hại trong rượu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Một nét văn hóa rượu
GẮN KẾT TÌNH THÂN
Rượu từ lâu đã trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống con người. Trong y học, đặc biệt là y học dân gian rượu đôi khi được xem là một dược phẩm: rượu thuốc, rượu bổ, cồn dược dụng… Theo Đông y thì rượu có tác dụng dẫn thuốc. Rượu làm tăng lưu thông máu đến dạ dày, nên nếu uống với liều lượng vừa đủ trước hoặc trong bữa ăn thì rượu là một chất kiện vị, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Một số nghiên cứu cho thấy nếu uống rượu điều độ, mỗi ngày không quá một đơn vị rượu (tương đương 1 lon bia hoặc 100ml rượu vang) thì sẽ có lợi cho tim mạch, làm giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu… Công dụng của rượu vốn đa dạng, không chỉ là gia vị mà còn là đồ tế lễ. Theo đó, việc sử dụng rượu của người Việt đã được nâng lên thành một nghi lễ, cấp thêm cho ly rượu những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh thiêng liêng. Khi những ngày Tết đang đến gần, rượu xuất hiện với tư cách “vô tửu bất thành lễ”. Những chén rượu trắng được rót ra cung kính, đặt lên bàn thờ, bên cạnh là nước, hương, hoa, cỗ bàn… người Việt tin rằng sự thành tâm của mình đã được bề trên chứng nhận và những sợi dây tâm linh bắt đầu được thiết lập qua những nghi lễ như thế.
Có thể coi uống rượu là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Nét văn hóa ấy thể hiện trong cách rót rượu, cách nâng ly đối ẩm, cách chúc tụng rượu. Ly rượu được nhấm nháp bên những câu chuyện chia sẻ vui buồn, gắn kết tình bằng hữu. Người xưa có câu: “Ẩm tửu dung hoà đích quân tử” nghĩa là người quân tử uống rượu phải trầm tính, uống chỉ đến mức phấn chấn, suy nghĩ những điều có lợi cho gia đình và xã hội, ấy mới được coi là người sành rượu. Rượu là một thứ tinh tuý của trời đất, một thú hưởng thụ tuyệt vời của nhân loại, là thức uống mỹ vị. Chính vì thế, người thưởng rượu cũng phải là người tinh tế. Thưởng thức rượu đúng cách là nhấp từng ngụm nhỏ để cho hương rượu ngấm vào đầu lưỡi, cảm nhận đến tận cùng cái vị cay nồng khó quên. Cứ thế mà thưởng từng chút một để thấy tinh thần phấn khởi, tâm hồn nhẹ nhàng bay bổng, dễ trò chuyện, chia sẻ tâm tình.
ĐÔNG THI