Trong văn hóa truyền thống người Việt Nam chúng ta, việc thờ phụng, cúng bái gia tiên đã thành nét văn hóa từ lâu đời. Dù theo bất kỳ tôn giáo nào, việc thờ phụng tổ tiên vẫn không bao giờ thiếu. Trong dịp năm hết Tết đến, việc làm đó càng thêm ý nghĩa.
Trong căn nhà của mỗi gia đình, nơi trang trọng ở chính giữa đều có bàn thờ ông bà tiên tổ. Trên bàn thờ bày linh vị, chân dung người đã khuất cùng những đồ thờ. Những nhà khá giả, trên cao còn treo hoành phi câu đối. Người đi xa về nhớ đến tổ tiên thắp nén nhang trước bàn thờ tỏ lòng thành kính. Nhà mới sinh cháu bé, con cháu học hành thi cử, thắp hương trình tổ. Ngày giỗ thầy, học trò cũ đến thắp nén nhang thơm. Ngày giỗ Tổ, con cháu dù ở xa mấy vẫn thu xếp tàu xe kịp về; trường hợp không về được thì ân hận mãi, đành cúng bái vọng. Ngày kỷ niệm thương binh liệt sỹ, thân nhân, tổ chức chính quyền – đoàn thể, đồng bào, đồng chí thắp hương trên đài Liệt sỹ… Tất cả đó là những nét đẹp văn hoá lâu đời.
Việc cúng bái thờ phụng là để thoả nguyện tâm linh, tri ân cha mẹ, ông bà, tiên tổ, những người đã khuất, một thời dày công sinh thành dưỡng dục con cháu, xây đắp cơ nghiệp với tâm nguyện “uống nước nhớ nguồn”. Nhờ tổ tiên tu nhân, tích đức mà ngày nay con cháu được hiển vinh.
Thờ phụng, cúng bái nằm trong đạo Hiếu. Cúng bái cốt ở thành tâm không bày vẽ, hình thức. Khi cha mẹ, ông bà còn sống đối đãi bạc tình, khi qua đời bày vẽ cúng bái mâm cao cỗ đầy chỉ là giả dối che mắt thế gian! Khi xưa giàu thì mổ lợn, bò linh đình, nghèo thì bát cơm quả trứng, đĩa rau, đĩa muối. Nay đời sống thôn quê được từng bước nâng lên, cỗ cúng không đến nỗi đơn sơ đạm bạc nữa. Ngày tết, trên bàn thờ không thể thiếu mâm ngũ quả tròn đẹp, ngọt thơm, đầy hương vị, màu sắc “ngũ hành” cầu ước cho một năm no lành, hạnh phúc. Ngày giỗ, cúng hương đèn, trầu, nước, hoa quả, thực phẩm, ngũ cốc, những sản vật làm ra từ đồng ruộng, vườn trại. Dù có cúng của ngon vật lạ, nhưng bao giờ cũng có một mâm “cơm canh”, một quả trứng luộc để bày tỏ lòng thành. Ngày đầu hè cúng trái chín đầu mùa. Ngày gặt lúa cúng bát cơm mới. Ngày tuần tiết cúng nhang đăng, phẩm quả. Vì thế mà người xưa có câu: “giầu một bó, khó một nén”!
Ngày giỗ tết, trước bàn thờ Tiên tổ, khói hương toả ngát, con cháu sum họp đầm ấm, lầm rầm khán vái, hướng về nguồn cội, để lòng tĩnh lặng, suy ngẫm công đức cao dày của tiền nhân, tự vấn lòng mình những ngày tháng qua đã có điều gì không đúng; tâm nguyện phải sống thế nào cho phải đạo. Giây phút thiêng liêng giao cảm giữa người đang sống và người đã khuất trong cõi tâm linh lắng sâu trong lòng mỗi con người. Như thấy Tổ tiên trên cao chứng giám, dõi theo từng bước đi “họa” , “phúc” của con cháu, tiếp thêm sức mạnh cho những chặng đường. Dưới bóng tiên tổ, cha con, chồng vợ, anh em quây quần ôn lại công đức tổ tông, cùng nhau hưởng thụ lộc lễ, chuyện trò vui vẻ, giúp nhau tháo gỡ những khúc mắc trong cuộc sống. Gia đình đoàn tụ, già trẻ trên dưới một lòng. Ngày giỗ tết, ngày hội ngộ giáo dục truyền thống gia đình. Kỷ cương, trật tự, nền nếp gia phong từ đó mà thêm bền chắc. Thiết nghĩ, trong thời đại mới, các bậc huynh trưởng trong mỗi gia đình, tộc trưởng trong mỗi dòng họ vẫn duy trì thờ cúng tổ tiên thành kính, thanh tịnh theo nề nếp văn hoá mới gọn nhẹ mà không giản đơn, chu đáo mà không bày vẽ để những ngày giỗ tết trở thành ngày lễ tri ân Tiên tổ và giáo dục truyền thống gia đình.
NAM TỬ