Trong dịp Tết đến, xuân về, ly trà chén rượu là “đầu câu chuyện” cũng xem như lời chúc mừng năm mới. Tuy nhiên, việc quá chén đã gây những hậu quả khó lường. Chỉ trong 8 ngày nghỉ Tết đã có đến 1.000 ca ngộ độc do rượu.
Điều đáng lưu ý là tình trạng rượu giả, rượu nhập lậu, rượu tự nấu mà Tạp chí Đồ uống đã đề cập trước Tết chưa được kiểm soát chặt chẽ nên chất lượng không đảm bảo vẫn bày bán tràn lan. Với chất lượng trôi nổi như vậy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng cho người sử dụng.
Vào ngày 7/2 vừa qua, một thiếu nữ 19 tuổi ở Sơn La được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau khi cùng bạn bè uống rượu mừng năm mới.
Nhập viện hôm 7/2, xét nghiệm cho thấy cô gái trẻ không có methanol trong máu, tức không bị ngộ độc cồn công nghiệp. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết có thể bệnh nhân hôn mê và rơi vào tình trạng nguy kịch do uống quá nhiều rượu.
Bệnh nhân phải thở máy và điều trị tích cực. Người nhà cho biết con gái đi chúc Tết cùng bạn bè và uống rượu mừng năm mới, sau đó hôn mê ngay tại chỗ. Đến 9 tiếng đồng hồ không thấy cô tỉnh dậy, bạn bè mới gọi bố mẹ thiếu nữ đến đón và đưa đi cấp cứu.
Thiếu nữ là một trong số nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong những ngày nghỉ Tết. Bệnh nhân ngộ độc rượu không chỉ có người lớn tuổi mà người trẻ tuổi cũng nhiều, không chỉ có nam giới mà có cả nữ giới.
Dịp Tết này, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ít nhất 2-3 ca ngộ độc rượu. Trong đó phần lớn là bệnh nhân ngộ độc rượu là do uống rượu trắng, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán 2019, bên cạnh 2.000 ca ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa thì có gần 1.000 trường hợp ngộ độc rượu nhập viện.
Đồng thời, các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan đến uống rượu bia. Ngày 11/2, thống kê của Bộ Y tế cho thấy so với Tết năm ngoái, năm nay tổng số ca khám và cấp cứu tăng 11%. Trong đó, say xỉn rượu bia là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hơn 50.000 ca tai nạn giao thông.
Trong hơn 6.000 ca cấp cứu do đánh nhau, các bệnh viện cũng ghi nhận có hơn 600 trường hợp nguyên nhân từ uống rượu bia. Rất nhiều bệnh nhân khi vào viện cấp cứu vẫn còn nồng nặc hơi men. Họ chủ yếu bị đa chấn thương, chấn thương sọ não.
Cùng với Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra các Lễ hội, các cuộc gặp gỡ bạn bè. Nếu còn tình trạng lạm dụng rượu bia, chắc chắn sau những cuộc “chè dư, tửu hậu” vẫn sẽ có những ca ngộ độc rượu nhập viện. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng cho người sử dụng khi uống phải rượu bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ.