Ngày 8/11, Công ty Cổ phần Phúc Sinh khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Đây là nhà máy chế biến cà phê thứ 6 trong hệ thống của Phúc Sinh Group trên phạm vi cả nước.
Nhà máy Phúc Sinh Sơn La có quy mô 45ha, giai đoạn 1 đã hoàn thành sau 8 tháng thi công với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm.
SƠN LA – THỦ PHỦ GIỐNG CÀ PHÊ ARABICA VIỆT NAM
Sơn La là một trong 3 vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất ở nước ta. Cà phê Sơn La được sản xuất từ giống cà phê Arabica có chất lượng tốt, được trồng tập trung tại Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La.
Cà phê “Sơn La” có được đặc thù và danh tiếng như vậy một phần là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với giống cà phê Arabica. Cùng với đó, kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của những người dân địa phương từ khâu chọn giống, chọn đất trồng đến quá trình chăm sóc, thu hoạch cũng làm tăng chất lượng của cà phê “Sơn La”.
Về chế biến, tất cả cà phê ở Sơn La được chế biến bằng phương pháp chế biến ướt giúp đảm bảo phẩm chất nội tại của hạt cà phê, cho ra sản phẩm cà phê nhân có màu sắc và chất lượng đồng nhất nên cà phê luôn có chất lượng tốt và giá trị thương mại cao.
Ngoài ra, người dân còn chủ động đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm cà phê “Sơn La” phát triển một cách bền vững và ngày càng được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: canh tác cà phê còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp gây khó khăn trong việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, xây dựng địa bàn sản xuất tập trung mang tính bền vững; mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng và thương mại còn nhiều hạn chế; chưa hình thành được mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu; hoạt động thu mua, sơ chế sản phẩm chủ yếu còn nhỏ lẻ, việc phơi sấy còn thủ công, lạc hậu.
Đặc biệt, chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ cà phê có quy mô lớn, thân thiện với môi trường, việc tiêu thụ sản phẩm thiếu tính bền vững và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu xuất hạt thô, tỷ lệ tiêu thụ tại địa phương và trong nước không đáng kể.
PHÚC SINH ĐẦU TƯ NHÀ MÁY CHẾ BIẾN CÀ PHÊ ĐẠT TIÊU CHUẨN TOÀN CẦU BRC VÀ UTZ
Theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao, năm 2017, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê với 1,8 triệu, nhưng có tới 90% cà phê Việt Nam là xuất khẩu thô nên thương hiệu cà phê Việt Nam thực sự vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, người tiêu dùng phải đối mặt hàng ngày với cà phê trộn phụ gia,tạp chất. Trong khi các loại cà phê chất lượng nhất được doanh nghiệp bán ra nước ngoài thì mỗi năm, Việt Nam phải nhập khoảng 60.000 tấn cà phê đã qua chế biến từ Brazil, Mỹ, Trung Quốc…
Xuất phát từ những vấn đề trên đã tồn tại lâu dài trên thị trường cà phê Việt, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, một trong những DN tư nhân xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam quyết tâm đem những hạt cà phê ngon nhất về cho người Việt bằng việc chỉ bán sản phẩm 100% nguyên chất rang xay, xác nhận từ hai tiêu chuẩn UTZ và BRC của châu Âu.
Phúc Sinh Sơn La chính là nhà máy chế biến cà phê đầu tiên đạt tiêu chuẩn toàn cầu BRC và trang trại theo tiêu chuẩn UTZ được xây dựng và triển khai tại Sơn La. Chất lượng cà phê tốt nhất theo tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc) là mỗi nông hộ sản xuất cà phê cần đảm bảo các yêu cầu khắt khe như: không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng, tỷ lệ trái chín, ít nhất là 90%… Chứng nhận BRC quy định rõ về an toàn thực phẩm, lưu trữ, bao bì và nguyên liệu bao bì, đại lý và môi giới toàn cầu.
Bên cạnh đó, với công nghệ chế biến cà phê ướt hiện đại theo công nghệ của Colombia, nhà máy Phúc Sinh Sơn La sẽ sản xuất và chế biến các loại cà phê để xuất khẩu đến các thị trường trọng điểm của công ty như Mỹ, Braxin, Pháp, Thụy Sỹ, Ý… và phục vụ tiêu dùng trong nước.
Ông Hoàng Văn Chất , Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, Sơn La hiện có gần 18.000 ha cà phê Arabica, với sản lượng khoảng 60.000 tấn cà phê nhân/năm. Mặc dù nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La hiện mới chỉ chế biến được khoảng 15% sản lượng cà phê của tỉnh, nhưng việc đưa nhà máy này vào hoạt động sẽ giúp cho sản phẩm cà phê của Sơn La đến được nhiều hơn với thị trường nước ngoài thông qua hệ thống phân phối cũng như đối tác của Công ty Phúc Sinh. Đồng thời cũng thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Phúc Sinh là doanh nghiệp chiếm khoảng 6% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới và hiện đang xuất khẩu khoảng 20.000 tấn cà phê/năm với doanh thu khoảng 350 triệu USD/năm. Ông Phan Minh Thông cho biết, cùng với việc xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Sơn La, Phúc Sinh sẽ cùng với địa phương nâng tầm giá trị của cà phê Sơn La bằng việc xây dựng thương hiệu Blue Sơn La cho cà phê Sơn La.