Đã đặt chân tới những bản làng cheo leo trên dãy Tây Côn Lĩnh, ngoài những nếp nhà sàn, những thửa ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp thì chè shan tuyết là một trong những sản vật đặc trưng của vùng đất Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ở bản Phìn Hồ, giống chè nổi tiếng này trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp bà con thoát nghèo.
Hương vị của núi rừng
Bản Phìn Hồ là bản vùng cao và xa nhất của xã Thông Nguyên, cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì (Hà Giang) hơn 35 km. Đường lên Phìn Hồ gian nan chẳng kém gì những cung đường khác của dải đất quanh dãy Tây Côn Lĩnh này, với đèo cao vực sâu, quanh co giữa đèo dốc và những ruộng bậc thang uốn lượn. Điều đặc biệt nhất khi lên Phìn Hồ là những cây chè shan tuyết cổ thụ, tán rộng mọc tự nhiên hai bên đường, thỉnh thoảng lại thấy thấp thoáng bóng người đang mang những chiếc gùi to hái búp chè.
Chủ nhân bao đời nay của bản Phìn Hồ là đồng bào dân tộc Dao. Quanh bản giờ đã có nhiều hộ gia đình đã cải tạo đất, trồng mới chè shan tuyết hữu cơ theo hướng hoạt động của hợp tác xã chè Phìn Hồ, nhưng bà con vẫn chủ yếu thu hái từ những gốc chè tự nhiên. Nhiều gốc chè mọc tự nhiên trên núi cao, sức sống dẻo dai bởi chịu được thời tiết núi cao, quanh năm sương phủ, người già trong bản vẫn kể có cây chè cổ thụ sống cheo leo trên vách núi tới cả trăm năm. Bởi sinh trưởng và phát triển trong môi trường thiên nhiên trong lành, khí hậu núi cao mát mẻ nên giống chè shan tuyết ở Hoàng Su Phì nói chung và Phìn Hồ nói riêng nổi tiếng bởi chất lượng an toàn, nguyên liệu sạch và hương vị thơm ngon tinh khiết.
Từ sáng sớm, anh Triệu Chòi Nguyện, người trong bản đã sắp sẵn đồ để lên rừng hái chè. Anh cho biết, thường một năm có bốn vụ thu hoạch chè, cũng tuần tự như bốn mùa trong năm. Vụ ngon nhất là đầu xuân, sau khi chè trải qua một mùa đông giá rét thì những búp chè đầu tiên bung ra ngậm sương sớm là tươi ngon nhất, chất lượng và giá trị cũng cao hơn.
Khoảng tháng 5 và tháng 6, trời nắng nhiều, thuận lợi về nước nên năng suất cao, cũng là đợt thu hoạch nhiều nhất năm. Khoảng tháng 8 là vụ thu và đợt cuối là tháng 10, tháng 11, nhà nào cũng đi hái chè để đóng gói tích cóp cho cả một mùa đông dài và mang xuống chợ phiên bán cho khách mua cho dịp lễ tết cuối năm. Những hộ gia đình như nhà anh Nguyện không dùng tới hóa chất kích thích sinh trưởng cho cây, thường vào vụ đông chỉ được phát cỏ, vun gốc để cây chống trọi qua mùa lạnh giá, sương muối khắc nghiệt.
Chè shan tuyết rất dễ phân biệt, lá chè to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, ngay cả khi sao khô vẫn thấy màu trắng đục đặc trưng. Trà shan tuyết có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh ngà, ngọt hậu, pha vài lượt vẫn giữ hương vị đậm đà.
Giúp bản nhỏ thoát nghèo
Ở bản Phìn Hồ, ngoài làm nông nghiệp, nhà nào cũng có thêm nguồn thu từ các sản phẩm chè shan tuyết. Năm 2008, HTX Chế biến chè Phìn Hồ đã được thành lập, với thành viên ban đầu là 42 xã viên, đến nay đã là 46 xã viên. Mọi người đều là người trong bản, cam kết sản xuất đúng quy trình, từ thu hái chè sạch, bảo quản đúng quy cách, cùng tìm hướng tiêu thụ sản phẩm theo quy định của hợp tác xã. Có thêm máy móc thiết bị phụ giúp, bà con không còn phải làm thủ công vất vả nhưng sản lượng và năng suất đều tăng, các công đoạn sau thu hái cũng nhẹ nhàng hơn, chè được xuất bán ở nhiều địa phương trong cả nước và ra nước ngoài khiến cho bà con có thêm lợi nhuận.
Chè shan tuyết Phìn Hồ trở thành mặt hàng nông sản tiêu biểu được mang đi giới thiệu, trưng bày trong nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, dịch vụ của địa phương cũng như tới nhiều nơi. Sau 10 năm nỗ lực, hợp tác xã đã trở thành mô hình điển hình tiên tiến cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn học tập và làm theo.
Phát triển kinh tế gắn với sản phẩm từ chè là một trong những hướng mà tỉnh Hà Giang đang thực hiện gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Huyện Hoàng Su Phì đã triển khai Đề án “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè của đến năm 2020”, khoanh vùng các vùng chè trọng điểm tại các xã Nậm Ty, Túng Sán, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng, trong đó có khu vực Phìn Hồ để sản xuất theo hướng VietGap và hữu cơ, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu tới những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan… Nhờ sản phẩm nông sản đặc trưng này, đời sống của người dân bản xa xôi nơi biên giới này đã trở nên khấm khá. Mỗi ha chè, bà con thu nhập được khoảng 35 triệu đồng.
Mỗi tháng, người lao động làm việc trong hợp tác xã có thể nhận lương từ 5,6 triệu tới cả chục triệu đồng.
Người Phìn Hồ tự hào bởi dù ở vùng sâu vùng xa nhưng toàn bản không có hộ nghèo, thu nhập từ cây chè cũng giúp bà con trong thôn có thêm vài chục triệu đồng/ năm.
Không chỉ khai thác trở thành sản phẩm nông nghiệp, trong thời gian qua, bản Phìn Hồ còn xây dựng được Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Chí Nhân, Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoàng Su Phì cho biết, đây là hướng đi được địa phương xác định sẽ tập trung đầu tư và triển khai trong thời gian tới để du khách tới đây được tham gia thu hái, chế biến và thưởng thức chè Shan tuyết cùng đồng bào, tham gia sản xuất nông nghiệp và tìm hiểu phong tục tập quán độc đáo của từng dân tộc còn được gìn giữ tại địa phương…
Nguồn: langvietonline.vn