Mấy hôm nay, trên facebook của mình, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đắng lại những lời nhận xét của nhà văn Tạ Duy Anh và họa sĩ Hoàng A Sáng về tác phẩm “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng – Hành trình 25 năm tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ”.
Cuốn sách được nhà báo Hoàng Anh Sướng viết, sau gần 10 năm theo cùng các sự việc tìm kiến hài cốt liệt sĩ của Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Đọc lại những cảm nhận này thấy mọi việc vẫn như còn đâu đây.
1 – Nhà văn Tạ Duy Anh nói về tác phẩm “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng – Hành trình 25 năm tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ”: Đọc xong tập phóng sự đặc biệt này của nhà báo Hoàng Anh Sướng, tôi thấy mình cần phải sống khác
Trong đời chưa một lần tôi có hân hạnh được diện kiến bất cứ nhà ngoại cảm nào. Nhưng tôi tin vào khả năng bí ẩn của họ. Có nhiều cơ sở cho niềm tin của tôi. Thứ nhất là qua trải nghiệm tâm linh bản thân. Tôi từng đối mặt với khá nhiều chuyện liên quan đến “thế giới bên kia”, để cuối cùng tin rằng, nhất định còn có một trạng thái sinh tồn nào đó mà lý trí không thể với tới.
Nó giống như giả thiết về phản vật chất hay vật chất tối của các nhà khoa học, dù chưa ai nhìn thấy hoặc chứng minh được.
Tôi không dám đặt tên cho cái trạng thái sinh tồn ấy, tạm gọi là cõi mù tăm.
Thông thường, cứ cái gì không biết, chúng ta thường quy cho nó là chuyện hoang đường và có tâm lý chờ cơ hội để biến nhận định chủ quan của mình thành chân lý. Chúng ta quên rằng, ở đâu, trong bất cứ lĩnh vực nào trên cái thế giới này chả có những kẻ lừa đảo. Đã có của thật, thì nhất định sẽ tồn tại của giả. Điều đó thậm chí là một thứ quy luật sinh tồn.
Vì thế, nếu trong số họ có một vài người lợi dụng thành quả của những nhà ngoại cảm, lợi dụng lòng tin của mọi người để lừa đảo kiếm tiền, thì cũng dễ hiểu chứ có gì khác thường lắm đâu. Khác thường ở đây chính là tất cả ùa vào dùng lỗi của người này, hiện tượng cụ thể này để suy diễn, quy chụp thành hiện tượng phổ biến do đó kết tội cả những người khác không liên quan.
Người nào đó có thể dùng xương động vật để lừa đảo kiếm tiền, nhưng không thể lấy đó bảo những trường hợp lầm xương động vật thành hài cốt liệt sĩ khác cũng là lừa đảo? Bất cứ ai có chút óc tưởng tượng cũng dễ dàng hình dung ra hàng chục cảnh ngộ trong chiến tranh dẫn đến tình trạng xương người và xương động vật trộn lẫn với nhau?
Chẳng hạn như tưởng tượng sau đây của con gái tôi năm nay mới có 21 tuổi, chưa bao giờ nghe thấy tiếng bom đạn. Nhưng chỉ qua phim ảnh cũng đủ để con gái tôi tưởng tượng ra rằng, thiếu gì lúc người và trâu bò cùng ở một địa điểm trong rừng. Nếu chả may có cả chục quả bom rơi trúng chỗ ấy, thì xương người và xương trâu bò trộn lẫn nhau là cái chắc.
Chưa kể lại còn trải qua mấy chục năm sau, thế gian biến cải khôn lường. Nhưng kinh ngạc hơn khi cô con gái đang là sinh viên của tôi bảo thêm, ngay cả một vật sờ sờ trước mắt nhiều khi còn nhầm lẫn, huống hồ đây lại là những thứ vùi sâu trong đất, bị thời gian thay hình cải dạng, biến đổi mầu sắc?
Thế mà “những thứ vùi sâu trong đất, bị thời gian thay hình cải dạng, biến đổi mầu sắc” ấy lại vẫn có người nhìn thấy! Một trong những người ấy là bà Phan Thị Bích Hằng. Có cảm giác rất khó để tin những gì bà Hằng kể lại, nhưng không thể phủ nhận những gì bà đã làm trong lĩnh vực ngoại cảm suốt hàng chục năm qua. Hàng ngàn thân nhân liệt sĩ chịu ơn bà vẫn đang sống trên đất nước này lúc nào cũng có thể chứng thực cho sự thật ấy.
Theo tôi, nếu bà Phan Thị Bích Hằng đúng 60-70% và sai 30-40% trong việc dùng khả năng ngoại cảm của mình tìm hài cốt, như ý kiến khẳng định của ông Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), thì không còn gì phải bàn cãi mà không thừa nhận bà ta là một tài năng đặc biệt, một người có công rất lớn, một người xứng đáng được trọng thưởng!
Với tôi, chỉ cần riêng một vụ tìm thấy hài cốt nhà văn Nam Cao, tìm thấy một cách kỳ lạ, không thể chối cãi, trước sự chứng kiến của hàng trăm người giữa thanh thiên bạch nhật, đã đủ để phải cẩn trọng khi nói về khả năng ngoại cảm của bà.
Tôi muốn nhân đây đề xuất một lối hành xử: Những gì chưa biết thì rất nên thận trọng khi phán xét. Bởi một điều rõ ràng là cho đến nay, những thứ con người chưa biết luôn lớn gấp triệu triệu lần những thứ con người đã biết. Khoa học chắc chắn là chưa và sẽ không bao giờ khám phá, giải mã được hết những bí ẩn của tự nhiên.
Trước những điều chưa biết, khôn ngoan và lương thiện nhất là khiêm tốn.
Mặc dù không nói bất cứ điều gì ngoài việc kể lại, tường thuật lại chuyện mắt thấy, tai nghe một cách trung thực, nhưng cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trên tay chính là để nhắc chúng ta bình tâm suy ngẫm về chân lý đó.
Rất tiếc cho tôi (và có thể nhiều người khác) là không được đọc tập sách rất công phu này của Hoàng Anh Sướng sớm hơn, để hoàn toàn yên tâm về những suy nghĩ của mình. Một cuốn sách cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối, không phải bởi chuyện gì mới mẻ trong lĩnh vực ngoại cảm vốn chưa bao giờ cũ, mà bởi khả năng diễn đạt rất tài tình của tác giả, qua đó làm sáng rõ một chuyện vốn là mù mịt. Điều này luôn vô cùng khó.
Những trang ghi chép của anh (tôi được biết mới là một phần rất nhỏ) về các nhà ngoại cảm, cụ thể trong cuốn sách này là nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, cho thấy không chỉ có một Hoàng Anh Sướng khiêm tốn nhận mình là nhà báo với chức phận ghi chép, mà còn một Hoàng Anh Sướng luôn ưu tư về con đường mà một người lương thiện sẽ phải đi qua để đến được với hạnh phúc viên mãn.
Quả thật, có rất nhiều điều trong cuốn sách này hồn nhiên chạm đến được tới cõi của triết học tâm linh.
Chính vì thế, và đây là điều mà tôi muốn nói, khi đọc xong cuốn sách này, ngoài việc cứ phải suy ngẫm triền miên về đủ thứ, tôi cảm thấy mình sẽ phải sống khác. Bỗng thấy chưa thể yên tâm với việc tu thân tích đức còn có phần qua loa, hình thức, cốt cho xong. Bởi vì không gì lọt qua được một cặp mắt im lặng nhưng thấu suốt. Chỉ rất ít người có phúc phận (và có thể là được trao sứ mệnh) nhìn thấy, đối diện với cặp mắt ấy. Với sự lương thiện bẩm sinh, họ tha thiết nói cho chúng ta biết.
Bất hạnh thay cho người nào không tin.
Câu đó không phải của tôi, mà được lấy từ Kinh Thánh.
Hà Nội tháng 4 năm 2016
2 – Nhà văn Hoàng A Sáng nói về tác phẩm: “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng – Hành trình 25 năm tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ” – Sứ mệnh của tạo hóa
Mỗi chúng ta, dù lớn hay nhỏ, tiếng tăm hay bình thường đều có một sứ mệnh đầy đủ để có mặt trên cõi đời này. Nhà ngoại cảm cũng vậy. Khả năng đặc biệt ấy không phải là món quà, quyền năng, trò chơi, hay cái gì khác… Đó là sứ mệnh!
Họ buộc phải dấn thân vì sự lựa chọn của tạo hóa. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là một ví dụ rõ ràng và sinh động để minh chứng cho sứ mệnh đặc biệt này.
Thật không phải dễ dàng để dấn thân cùng khả năng ngoại cảm kỳ lạ đó. Nó đầy quyến rũ, đẹp đẽ nhưng cũng khắc nghiệt, đắng cay. Nó thử thách “thân chủ” của mình một cách vô cùng sòng phẳng. Hiện tại, ngay bây giờ, Phan Thị Bích Hằng vẫn đang thực hiện sứ mệnh ấy, sự thử thách của tạo hóa chưa bao giờ ngơi nghỉ với con người thật của chị.
Những câu chuyện tâm linh của chị đôi khi mơ hồ, liêu trai, lúc lại rành mạch, rõ ràng. Có lý và vô lý. Vinh quang và cay đắng. Hạnh phúc và đau khổ. Mệt mỏi và vui sướng…
Được nhà báo Hoàng Anh Sướng – một trong những con người cũng mang một sứ mệnh đặc biệt – sứ mệnh quan sát, chứng nghiệm để kể lại những câu chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của Phan Thị Bích Hằng, từ đó, giúp cho bạn đọc hiểu đúng, hiểu sâu về thế giới tâm linh huyền bí.
Những thiên phóng sự này không đơn thuần là cách thức ghi chép của một nhà báo thông thường. Hoàng Anh Sướng đã dành hơn 20 năm để đi theo những nhà ngoại cảm, và đặc biệt là Phan Thị Bích Hằng để tự chứng nghiệm về hiện tượng ngoại cảm. Vì thế, mọi câu chuyện trong cuốn sách này, được bảo đảm bởi sự thật, tài năng, đạo đức nghề nghiệp, sự đam mê, lòng tôn kính và đặc biệt là sứ mệnh của người kể chuyện!
Đây là tập hợp những câu chuyện được kết hợp bởi hai con người mang hai sứ mệnh đặc biệt của tạo hóa. Cũng là hành động thiết thực tri ân, đầy tôn kính đối với những linh hồn liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc! Nói cách khác, chính họ đã mở ra những ô cửa để chúng ta bước vào thế giới tâm linh vốn huyền bí với đời thường.
Cứ thế đời sống tâm linh dần dần sáng rõ… để chúng ta biết rằng, cái chết không phải sự kết thúc. Nó đơn giản chỉ là một sự khởi đầu mới và mang những bài học vô cùng tốt đẹp cho đời sống hiện tại của chúng ta!