… Có ai đó đoan chắc: “Nói tiền không thể mua hạnh phúc là nói dối. Tiền mua cà phê, và cà phê khiến tôi hạnh phúc!”.
Có những buổi sáng sớm trong tuổi thơ, đánh thức tôi dậy không phải là tiếng đồng hồ reo. Cũng không phải là năm tiếng gõ của chiếc đồng hồ ODO nhà đối diện, mà là một mùi thơm nồng và khen khét, mùi cà phê từ nhà dì Năm bay tới. Mùi thơm này dễ làm tỉnh thức trong không khí mát lạnh của một buổi sáng tháng Chạp, giữa một xóm nhỏ còn nhiều cây lá và đầy các chậu kiểng bình dân. Hai lò đất nung bọc miếng sắt chung quanh để giữ không bị nứt hẳn đang ùng ục tuôn lửa đỏ từ những thanh củi nồng đượm. Cái vợt cà phê của dì hẳn đang được nhúng nấu trong nồi. Hẳn đang có vài người ngồi trong thứ ánh sáng mờ của quán tỏa yếu ớt từ cái bóng đèn vàng duy nhất, đợi ly cà phê nóng và đợi trời sáng dần.
Quán cà phê cũng là cái sân trước nhà có mái che của dì Năm. Dì tận dụng hết căn nhà cho chuyện kiếm tiền, dù chỉ nuôi có ba người con, quá ít so với các gia đình đông con thời đó. Dì sống ở phía sau nhà cùng ba đứa con và ông chồng mắc căn bệnh tiêu khát, bây giờ gọi là tiểu đường. Phía buồng và phòng khách, dì cho hai mẹ con bà cụ Sáu thuê. Hai cô gái phụ bán cà phê ngủ ngay trong quán.
Cứ một hai năm, dì phải tuyển người mới vì mấy ông trai độc thân trong xóm. Họ đến uống cà phê vài lần là quen biết, rủ rê mấy cô đi chơi và cuối cùng là xin cưới. Những lần như vậy, công phu dì tuyển người phụ việc coi như tiêu tùng vì cô nào lấy chồng xong cũng xin nghỉ việc. Đã vậy có lúc dì còn phải thay mặt gia đình đàng gái trong đám cưới của mấy cô, nếu họ bị trục trặc xe cộ không lên kịp. Quán thiếu người bưng cà phê, lại phải ra bùng binh chợ Bến Thành tìm mấy đứa con gái dưới quê lên tìm việc, rủ về phụ bán.
Quán cà phê dì Năm góp phần hình thành mơ ước của tôi, là có lúc sẽ trở thành người lớn, đến quán ngồi và kêu ly cà phê sữa để nhấm nháp. Từ nhà mình, tôi luôn tự hỏi: Đó là thứ nước gì mà mùi thơm nồng nàn vậy, màu nước lại đen sánh vậy và cái vợt vải cũ kỹ sao có màu đen ngòm đến vậy? Mùi cà phê đi suốt quãng đời thơ ấu của tôi. Buổi sáng nó khiến tôi tỉnh ngủ. Trên con đường đến trường, mùi hương ấy hòa quyện với mùi phở thơm lừng khi đi ngang qua tiệm điểm tâm trên con đường Nguyễn Minh Chiếu nhỏ hẹp.
Không hiểu vì sao học trò tiểu học đầu thập niên 1970 phải đến trường quá sớm, khi trời còn tối đủ thấy được ánh lửa nồi nấu nước lèo phía xa. Thằng nhóc chưa ăn sáng hít sâu vào ngực hương thơm của nước lèo tô phở, mùi ngò gai và rau quế… cùng hương cà phê, gộp chung thành một loại hương quyến rũ của thế giới tự do được sống theo ý mình của người lớn. Đó là điều ngộ nhận khiến tôi không thấy sợ hãi bước vào thế giới người lớn và không hề có ao ước giữ mãi tuổi thiếu niên.
Tôi vẫn từ xa thưởng thức mùi hương ấy. Cho đến một hôm, cáu kỉnh do bị bà ngoại la mắng vì thường mua nhầm cho bà cà phê đen thay vì cà phê sữa hoặc ngược lại, tôi dừng trên đường hớp thử chất nước đen còn nóng và hơi sánh kia. Đó là sự kết tinh của kẹo mạch nha và miếng than củi đang cháy ? Tôi ngỡ ngàng nhận ra lâu nay mình mơ mộng quá nhiều. Nhưng rồi cảm xúc ấy giảm đi trong tuổi mười ba. Chị thợ may trong lần tôi đến nhận đồ bận Tết đã pha cho tôi ly cà phê sữa, chính xác là ly pạc-sỉu, với sự ân cần của một người chị. Trên nền thơm ngọt của sữa đặc pha nước sôi, vị cả phê trở nên dịu dàng khiến tôi thấy lại điều gì đã cũ khá dễ chịu trong nhữmg buổi sáng ngủ dậy trong mùi cà phê.
Tôi không có nhiều kỷ niệm sâu sắc với cà phê, kể cả với người yêu. Khi vào tuổi trưởng thành, nó là một thứ thức uống tôi thích, hầu như ngày nào cũng uống nhưng tôi không thần thánh hóa. Đối với tôi, chung trà, ly bia hay ly tonic trong buổi nói chuyện với người mình yêu thương hay quý mến có ý nghĩa hơn ly cà phê uống vội trước khi đi làm. Nhưng có lẽ nhờ vậy, những lần nhàn rỗi ngồi một mình nhấm nháp một ly cà phê ngon, cảm xúc của tôi tươi mới hơn. Tôi dễ nhận ra cái gọi là “bản giao hưởng của hương vị” của ngụm cà phê bật lên trong miệng và lưỡi để tâm trí trở nên tỉnh táo, tinh tế và sảng khoái hơn.
Tôi đọc ở đâu đó rằng ở cà phê, chất caffeine chiếm một phần nhỏ của hạt nhưng nó quyết định mùi vị của thức uống này, khác với trà được làm từ nhiều loại hợp chất khác nhau, nhưng không có chất nào là nổi trội. Trà có nhiều thành phần hương vị khác nhau bổ sung cho nhau, nhắc lại khái niệm của phương Đông rằng tất cả chúng sinh đều được kết nối với nhau. Trong khi đó, ngược lại ở cà phê, chất caffeine là thành phần chính yếu và duy nhất, đứng ngoài các hương vị khác. Có lẽ đó là ẩn dụ cho một xu hướng của phương Tây xem trọng tính độc đáo, yếu tố quan trọng của sáng tạo. Đây là một phân tích thú vị.
Tôi vẫn uống cà phê, cho đến khi còn có thể uống được. Tôi nhớ lại khi nuôi cha bệnh trong bệnh viện, một người cùng phòng bị đột quỵ nhẹ sáng nào cũng gào lên bằng một giọng nói đã ồ ề nhưng nhận ra được: “Cho dzề đi uống cà phê !”. Ông nằm trong số muôn vạn đàn ông ở thành phố này, bắt đầu buổi sáng bằng ly cà phê thành nếp bất di bất dịch. Bùi Giáng khẳng định một thú vui: “Ở đời sáng uống cà phê/ Quán trong hẻm nhỏ như quê quán nhà !”. Hai câu thơ này ông dành cho Sài Gòn.
Tôi không mê cà phê đến độ như ai đó đoan chắc: “Nói tiền không thể mua hạnh phúc là nói dối. Tiền mua cà phê, và cà phê khiến tôi hạnh phúc!”. Tôi thấy mình hạnh phúc từ nhiều cách, thí dụ nếu như tôi viết xong bài này một cách suôn sẻ. Nhưng ít ra trong những ngày tháng êm đềm của tuổi nhỏ, hương cà phê nhà dì Năm là một ký ức dịu ngọt. Ký ức đó được tiếp nối, rất nhiều năm khi ba tôi còn sống. Bên cái bàn gỗ tròn có hai cánh gấp, ông pha cà phê phin hằng ngày để uống. Mùi thơm cà phê nóng tỏa ra phảng phất trong cái phòng ăn nhỏ mỗi sớm mai mát mẻ trên đất Sài Gòn.
Đó là hương vị của một thời bình yên, đầm ấm để tôi nhận ra rằng, cà phê hay bất cứ thức uống nào giúp ta gợi nhớ những kỷ niệm đẹp bên những người mà ta yêu thương, thì đó là thứ thức uống ta còn mong muốn thưởng thức, để ôn lại hạnh phúc đã qua.
PHẠM CÔNG LUẬN