Mới đây, ngày 19/5/2021 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Chỉ thị 03 nêu rõ, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động này trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Trong lần phát động nhưng mang tính chỉ thị này, Đảng đề cập đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước thì phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
Nhà báo Quốc Phong có bài viết rất hay về những kinh nghiệm trước đây đã thành công khi Đảng yêu cầu đối mới chất lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước thay thế hàng ngoại nhập. Câu chuyện của nhà báo Quốc Phong được lấy chất liệu từ trao đối với nguyên Bộ trưởng bộ Công Thương, ông Đặng Vũ Chư…
Nâng cao chất lượng hàng Việt Nam
“Chỉ có cách nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm thì không cần vận động, người tiêu dùng cũng sẽ tự tìm đến” – TS Đặng Vũ Chư cho hay. Ông từng có 12 năm đảm trách cương vị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ rồi Bộ Công nghiệp.
Ông kể chuyện của 30 năm trước, khi chúng ta “chiến đấu”với anh khổng lồ Trung Quốc về hàng tiêu dùng.
Vào khoảng đầu năm 1991, khi đang làm Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ, một hôm ông Đặng Vũ Chư nhận được cú điện thoại từ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Giọng cụ Mười bình thường nói cũng luôn hừng hực sẵn, nhưng lần này có cả tiếng “quát” với một sự bức xúc lộ rõ.
“Cậu làm Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ mà để ‘thằng’ bia Vạn lực Trung Quốc tràn vào tận TP.HCM và chiếm lĩnh dễ dàng thị phần bia của cả nước rồi, cậu biết không?”.
Ông Chư chưa kịp nghĩ sao để báo cáo cho ngắn gọn mà rõ nghĩa thì cụ “bồi” tiếp, giọng gay gắt không kém: “Rồi thì bóng đèn, phích nước Trung Quốc, tôi nghe báo cáo mấy thứ hàng này cũng ngập tràn ngoài thị trường, ta không đọ nổi. Cậu nghĩ sao về chuyện hệ trọng này?”.
Bộ trưởng Chư báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng một cách sơ bộ và xin khất sẽ có báo cáo tường tận sau.
Bộ trưởng lập tức cùng các đơn vị chức năng có liên quan bay thẳng vào TP.HCM làm việc với tập thể lãnh đạo công ty Bia Sài Gòn.
Quả thật thời điểm nói trên, bia Sài Gòn và cả bia Hà Nội đều là thứ hàng khó mua. Chất lượng bia tốt nhưng tiếc rằng sản lượng còn rất thấp nên hàng Trung Quốc tràn vào với giá rẻ.
Về Hà Nội, ông quyết định tổ chức một đoàn công tác cấp cao do đích thân Bộ trưởng Đặng Vũ Chư dẫn đầu sang thăm và làm việc với Trung Quốc.
Trở về nước, các thành viên trong đoàn đều có chung nhận xét, quy trình sản xuất và công nghệ máy móc của bạn không có gì ghê gớm, chúng ta có thể làm được.
Thứ bia Vạn Lực mà họ xuất lậu sang ta chẳng qua là do giá rẻ (vì họ trốn thuế) nên chúng ta khó cạnh tranh chứ chất lượng bia của họ thì rất bình thường. Đây là bia sản xuất gần biên giới với ta nhất, thứ bia địa phương nhưng họ không mất quá nhiều phí vận chuyển sang nước ta, điều này cũng xem như là một lợi thế.
Tiếp đó, ông cũng thấy bóng đèn, phích nước của bạn giá cả rất rẻ dù chất lượng không tốt, mau hư.
Bộ Công nghiệp nhẹ ngay lập tức quyết định để các nhà máy nói trên được phép vay vốn, nhập dây chuyền hiện đại, công suất lớn về sản xuất với quyết tâm đẩy lùi dần hàng ngoại lấn sân ta lâu nay quá dễ.
Về bia, chúng ta có ưu thế là làm men ủ tự nhiên nên thơm, ngon. Nay lại được nhập dây chuyền từ CHLB Đức nên sản lượng tăng cao và cũng nhờ thế, giá thành sản phẩm đủ sức cạnh tranh sau vài năm kiên trì cải tiến và thăm dò.
Chỉ khoảng 3-4 năm sau, trong chuyến công tác tại một tỉnh biên giới phía Bắc, khi Bộ trưởng Công nghiệp vào một quán ăn rồi gọi thử bia Trung Quốc xem có không, chủ quán trả lời hồi này hàng không tiêu thụ được như trước nên cũng không nhập nữa…
Cũng nhờ nhập công nghệ hút chân không cùng máy móc của Nhật Bản, nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông có sản phẩm chất lượng hơn hẳn của Trung Quốc.
Cơ hội cho sản phẩm trong nước
Nguyên Bộ trưởng Đặng Vũ Chư cũng tâm sự rằng, khi nhà máy ô tô Vinfast đi vào sản xuất, ông đã cùng các cựu lãnh đạo ngành Công nghiệp được mời tới thăm và lái thử xe.
Từng đi thăm các nhà máy sản xuất ô tô của các nước trong những năm làm Bộ trưởng, nay được tận mắt thấy Vinfast, ông rất hài lòng bởi sự phát triển thần tốc của nó.
Ông cũng cho hay, có Chỉ thị 03 của Ban Bí thư ra đời cũng là cơ hội để xe sản xuất trong nước có khả năng tăng trưởng nhanh. Để thấy được niềm tự hào của người Việt, tại sao các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước lại không dùng xe của Vinfast, của Trường Hải… nếu sản phẩm tương đương nhau mà giá của những hãng xe này không cao hơn?
Các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài cũng nên tính đến việc dùng xe của Việt Nam. Đó chính là hình ảnh của đất nước và rất đáng tự hào để chúng ta quảng bá rộng ra thế giới.
Theo nguyên Bộ trưởng Công nghiệp, thời buổi bây giờ đã rất khác xưa, các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh, nếu chất lượng tốt và giá thành hợp lý thì không có lý gì chúng ta không tiêu thụ sản phẩm trong nước sản xuất.
Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để đầu tư. Chúng ta đang tự giới thiệu là người “muốn chơi” với …
Quốc Phong