Dạy trẻ con chờ đợi là bài học khó. Khó cả với người trưởng thành, như tôi đang đứng trước quầy thịt, mãi chưa đến lượt mua xúc xích trong khi xe buýt sắp chạy rồi. Phía trước tôi, một cụ ông chậm rãi trỏ vào paste gan ngỗng, lườn gà tây nướng, xa lát trộn… và đòi cô bán hàng cắt chuẩn xác một lạng mỗi món. Mùa ấm đã đến, người già cô đơn cũng muốn nếm đủ hương vị tiệc Tết.
NHỮNG NHÀ THÔNG THÁI
Mẹ chồng Tây của tôi luôn miệng nhắc người già không nên ăn quá hai lạng thịt mỗi tuần. Ấy là đôi khi tôi mời mẹ ở lại ăn cùng, trót đong đầy đĩa. Bài toán hai lạng thịt/tuần quả nan giải nếu người cao tuổi muốn dọn lên bàn món ăn hôm nay khác hôm qua mà không lãng phí. Cho nên cô bán hàng phải kiên nhẫn xắt từng lạng thịt, tôi cũng phải giữ vẻ mặt vui vẻ chờ ông cụ phía trước giương kính đọc cho rõ món này món kia có ảnh hưởng huyết áp cao – thấp hay không.
Thánh Sinterklaas đến nhà dưỡng lão ở Bỉ
Gần chục năm nay sống ở châu Âu, những thứ tôi học được về một nền văn hóa mới chủ yếu qua trẻ em và người già. Hai đối tượng này hào phóng truyền tặng những gì họ biết, không tính toán, ít e ngại phòng ngừa. Và hiện vẫn chỉ hai môi trường thu hút nhiều nữ lao động nhập cư nhất tại châu Âu: làm việc trong nhà dưỡng lão và lau dọn vệ sinh văn phòng – nhà trường – nhà riêng. Nhưng làm việc trong nhà dưỡng lão thường trực nỗi lo có thể mang vi khuẩn, mầm bệnh lạ về nhà. Đây là môi trường sử dụng quá nhiều thuốc ngủ, thuốc giảm đau và đủ loại kháng sinh. Một người bạn vốn là kiến trúc sư ở Việt Nam, đang làm nghiên cứu sinh tại Bỉ biết vậy vẫn hào hứng: “Nếu được chọn một công việc kiếm ngay ra tiền để sống tại châu Âu, tôi thích làm trong nhà dưỡng lão. Mỗi người già là một nhà thông thái cậu ơi”.
Luôn có nhiều nhà thông thái sống quanh ta. Đấy, ông cụ đang mua hàng trước mặt tôi là một nhà thông thái. Cô bán hàng sơ ý trượt nhẹ dao cắt paste: “Xin lỗi cụ, thành một trăm năm mươi gram rồi. Để cháu cắt lại”. Vị khách xua tay: “Lỡ rồi, không sao. Tết nhất được phép dư một chút cho may mắn, ở châu Á người ta quan niệm thế phải không cô?” Ông cụ quay sang nháy mắt, mỉm cười với tôi. Bỗng nhiên tôi nhớ một ông cụ khác, cũng gặp trong siêu thị. Lúc ấy tôi loay hoay chọn các hộp chè thì ông cụ lại gần “Cô, Trung Quốc?”, “Cháu Việt Nam, cụ ạ”, “Ôi, xứ ấy chè ngon nhất rồi, đừng mua mấy loại này, phí tiền”. Khen đến thế là cùng chứ còn gì.
Bức tranh thánh và anh hề
Năm ngoái, tôi tình cờ đọc một nghiên cứu lần đầu thực hiện tại Bỉ về độ tuổi sinh học con người dưới tác động của cuộc sống hiện tại. Hãng bảo hiểm Delta Lloyd Life thuê một nhóm nhà khoa học tiến hành nghiên cứu này và kết quả: vẻ ngoài của người Bỉ trung bình già hơn sáu năm so với độ tuổi sinh học thực tế. Cụ thể, người làm công ăn lương ở Bỉ trông già hơn gần sáu tuổi rưỡi so với tuổi sinh học. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào hai mươi sáu yếu tố kết nối, tác động làm con người có thể sống thọ hơn hoặc sớm già. Năm yếu tố ảnh hưởng nhất, làm con người già nhanh nhất là hút thuốc, ăn kiêng quá mức, thiếu vận động, uống quá nhiều rượu bia và căng thẳng lo âu lâu dài. Thông thường, một người nghiện hút thuốc trông già hơn tuổi thực đến bảy năm. Giáo sư Lieven Annemans của đại học Ghent tham gia nghiên cứu này phát biểu với báo chí rằng không chỉ sức khỏe cơ thể mà các vấn đề tâm lý và yếu tố kinh tế chính trị cũng ảnh hưởng độ tuổi sinh học: bạn bè, thú nuôi trong nhà có ảnh hưởng rất tích cực đến tâm lý chúng ta. Giới chủ có thể giúp người làm thuê vui vẻ trẻ trung hơn bằng cách đánh giá, ghi nhận nỗ lực của họ và ủng hộ tinh thần họ thường xuyên.
Quý giá thay, đi qua những mùa đông lạnh giá ở châu Âu, chính người già và trẻ em lại thường xuyên mang đến cho tôi nhiều tiếng cười nhất.
TRONG NHÀ DƯỠNG LÃO
Tại một trung tâm dưỡng lão ở thị trấn Rotselaar gần nhà tôi ở, lễ đón Sinterklaas – vị thánh mang quà đến cho trẻ em vào tháng mười hai hàng năm – được tổ chức trước bốn ngày. Ông bà cố phía nhà chồng tôi bồn chồn cả tháng. Những đứa cháu ruột thịt nay đều ở tuổi không còn tin vào thánh nữa. Hai cụ chợt nhớ còn lũ cháu họ, tức là mấy đứa con của vợ chồng tôi. Thế là các con tôi được mời đến nhà dưỡng lão đón Sinterklaas. Trong khung cảnh đặc biệt này, lần đầu bọn trẻ chứng kiến Zwarte Piet, người hề mặt đen giúp việc cho Sinterklaas vốn luôn trong hình ảnh trẻ trung nghịch ngợm, bỗng ngồi xe lăn tiến vào hội trường. Cuộc sống muôn màu. Ngồi xe lăn nhưng chẳng ai già cỗi trước khát vọng mang lại niềm vui cho người khác và mong chờ phép màu đến với mình trong cuộc sống hàng ngày.
Căng tin trong nhà dưỡng lão
Tôi đã nhiều lần vào nhà dưỡng lão thăm ông bà cố bên chồng. Nhưng đây là lần đầu tôi thấy các cụ cười nhiều đến thế, có nhiều trẻ em vây quanh người già đến thế. Không gian thơm phức mùi cà phê, sô cô la nóng. Từ miệng bọn trẻ tỏa ra hương vị kẹo bánh ngọt ngào, lấn át mùi cồn thuốc và chất tẩy rửa đậm đặc lưu cữu trong nhà dưỡng lão. Các chú hề mặt đen chạy lăng xăng ôm vai cụ già, hôn lên má em nhỏ. Chợt họ lại gần vuốt tóc tôi, bóp vai cho chồng tôi như thầm cảm ơn chúng tôi đã cho họ mượn bọn trẻ trong ngày đặc biệt của năm này.
Đã 13 năm trôi qua kể từ khi loạt phim truyền hình nổi tiếng Friends (Những người bạn) dừng sản xuất (lần đầu lên sóng đài NBC của Mỹ ngày 22/9/1994, kết thúc 6/5/2004). Nữ diễn viên Jennifer Aniston giờ đã 48 tuổi không cho rằng Những người bạn có thể đoàn tụ thành công trong thời hiện nay. “Bởi vì lúc đó chúng tôi vẫn chưa dán mặt vào điện thoại. Trong phim chưa có hành động xem Facebook và Instagram, chỉ chủ yếu ngồi bên nhau trong một căn phòng, giữa quán cà phê. Và chúng tôi nói chuyện, những câu chuyện chân thành theo phong cách hài hước như một nguồn thực dưỡng cho tâm hồn. Điều này bây giờ không còn nhiều nữa”.
Góc phòng sinh hoạt chung dành cho người cao tuổi
Trò chuyện. Nhưng nói chuyện gì với người già? Thực ra, cũng chẳng cần nói nhiều. Dành chút thời gian ngồi đó, nghe họ nói là chính. Như trong bữa cơm Tết của đại gia đình nhà chồng tôi năm nọ. Bấy giờ cả nhà mới có dịp nhìn hết nhau kỹ càng một lượt, nhận ra chỉ còn ông cố cao tuổi nhất nhà. Một người con ngừng ăn, hỏi to cụ cố: “Cố ơi, chị gái của cố vừa mất rồi, bây giờ cố là sếp to nhất nhà đấy nhỉ?” Cụ cố đang loay hoay chỉnh cho miếng dâu tây không trượt khỏi lớp kem trên góc bánh ngọt. Cuối cùng ông cụ chín mươi tuổi cũng tự xúc gọn được cả miếng bánh với đủ vị chua, béo, ngọt cho vào miệng. Chậm rãi nhai xong cụ mới trả lời: “Các anh chị xem, xúc được miếng ăn cũng không dễ. Không tự lo nổi thân mình thì chẳng nên làm sếp của ai cả”.
KIỀU BÍCH HƯƠNG
(Bài gửi về từ Vương quốc Bỉ)