Theo Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mang gien bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh), hơn 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị suốt đời.
Một bệnh nhân thalassemia nặng trong 21 năm đầu cần truyền khoảng 470.000 đơn vị máu để duy trì sự sống. Mỗi năm, cả nước cần 2.000 tỉ đồng cho tất cả bệnh nhân thalassemia có thể được điều trị tối thiểu, và cần khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn để truyền máu cho người bệnh.
Thalassemia là bệnh di truyền, gây thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh mức độ nặng nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nặng như: biến dạng xương mặt, xương giòn, suy tuyến nội tiết, dậy thì muộn hoặc không dậy thì; suy gan, xơ gan, suy tim, thậm chí nguy cơ tử vong.
Người bệnh cần phải định kỳ được truyền máu, thải sắt và điều trị biến chứng. Thalassemia khiến người bệnh suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng nhiều đến hình thức, vóc dáng. Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đã ứng dụng kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, sàng lọc người mang gien bệnh thalassemia, tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn trước sinh, sàng lọc trước sinh giúp các cặp vợ chồng sinh con khỏe mạnh, không mang gien bệnh.
Hưởng ứng Ngày thalassemia thế giới (8/5), Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đã tổ chức chương trình Thalassemia Day chủ đề “Vẻ đẹp từ trái tim”, với các hoạt động: trang điểm, chụp hình lưu giữ khoảnh khắc đẹp cho người bệnh; trao quà cho những người bệnh có nghị lực trong cuộc sống, học tập…
Theo Thanh Niên