Long mạch một quốc gia khác với long mạch cá nhân (chỉ là cái mộ trên đa dạng địa hình), vì ở tầm quốc gia thì phải có một mạch sông đủ khí, kết hợp với các thế núi, bình dương, hay dòng biển. Dù là một nước có địa hình rất nhỏ như Singapore, nhỏ như Đài Loan, cũng phải có thế long mạch tốt thì mới thành quốc gia độc lập được.
Chính các mạch sông tạo nên các thành phố tự nhiên
“Chúng ta vẫn thường nghe những cái tên như sông Hoàng Phố gắn liền với Thượng Hải, sông Chao Phraya chảy qua Bangkok, sông Hằng (Ganga) và các phụ lưu gắn với nhiều thành phố linh thiêng (Delhi, Allahabad, Kanpur, Kara, Calcutta, Dacca…); sông Neva chạy khắp Saint Petersburg, sông Danube tạo nên cả một nền văn hiến Trung và Đông Âu dọc theo những tên tuổi lẫy lừng (Vienna, Bratislava, Budapest, Belgrade…); sông Seine của Paris “kinh đô ánh sáng”, sông Thames của London cổ kính, sông Hudson ở New York “chọc trời”…”[1]
Thành phố thủ đô là nơi tụ “long mạch quốc gia”. Xét địa thế Việt Nam, chỉ có thành Hà Nội với mạch khí sông Hồng là xứng đáng trung tâm long mạch Việt.
Thành Hà Nội ban đầu có tên Đại La, do Trương Bá Nghi cho đắp từ thế kỷ 8 (năm 767). Sau đó có công xây đắp của Triệu Xương, Trương Chu, rồi đến tay Cao Biền, một thầy phong thủy cao tay bậc nhất nhì thiên hạ, thành mới được xây dựng to lớn vào thế kỷ 9. Từ ngày đó, Cao Biền đã nhìn ra thế phong thủy cực kỳ độc đáo của La Thành.
Từ năm 938, Việt Nam mới giành được độc lập lâu dài, nhờ tay Ngô Quyền, một người tướng mạo phi phàm. Ông lập vương và đóng đô ở Cổ Loa. Nhưng nhà Ngô chỉ được ít năm rồi sụp, vì thành Cổ Loa ở Đông Anh có từ thời Âu Lạc, ăn theo long mạch sông Hoàng lúc bấy giờ phong thủy đã trở nên kém cỏi, do qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp, và nay thì đã trở thành một con lạch nhỏ. Sau nhà Ngô là loạn 12 sứ quân. Tiếc thay, một vị vua anh tài mà quá kém về phong thủy!
Sau nhà Ngô, tới nhà Đinh, bắt đầu từ năm 968, kết thúc năm 980, được có 12 năm. Nhà Đinh đóng đô ở Hoa Lư.
Nói chung, các dòng sông của Việt Nam từ vùng Hoa Lư đổ vào trong nam, đến tận đông nam bộ, toàn là sông ngắn, loăng quăng, lấy đâu ra khí mà có thể tạo ra những thủ đô tồn tại độc lập lâu dài.
Khí phong thủy ở vùng Hoa Lư, hay Ninh Bình, Nam Định quanh đó, đều ngắn hoặc hiểm, sông thì tun hủn, nên có phát vương thì cũng rất ngắn, và rồi chết thê thảm (cũng xin cảnh báo trước các vị phát vương, phát tướng từ đây). Nhà Đinh được 12 năm, rồi bị giết cả loạt. Tiếp nối, nhà Tiền Lê cũng đóng đô ở đây được 29 năm (980 – 1009), thì chính các hoàng tử tự gây nội chiến, giết nhau như ngóe.
Sau nhà Lý và nhà Trần oanh liệt, lâu bền nhờ định đô Thăng Long, thì nhà Hồ lại đặt đô tại thành Tây Đô ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nơi nhà Hồ làm vua được có mỗi 7 năm (1400 – 1407). Thành nhà Hồ ăn theo mạch sông Mã, cũng chẳng có khí thế gì, sao dám đặt đô?! Triều đại hãm thì cái thủ đô của nó cũng hãm. Sau nhà Hồ còn có 2 năm nhà Hậu Trần (1407 – 1409), lại đặt đô ở thành Mô Độ, thuộc Yên Mô, Ninh Bình. Thế mới hãm!
Cũng tại Thanh Hóa, còn có thành Vạn Lại ở Thọ Xuân, là nơi đặt đô của Đại Việt nam triều nhà Lê trong giai đoạn Nam-Bắc triều phân tranh của hai họ Lê-Mạc, tức là nhà Hậu Lê giai đoạn Lê Trung Hưng, thì cũng chỉ dùng được mấy chục năm (1533 – 1597). Thật là vắn! Nếu không quay lại Thăng Long thì thời Lê Trung Hưng đã không trở thành triều đại dài nhất, đến 256 năm (1533–1789).
Nghệ An ăn theo khí sông Lam (còn gọi sông Cả), lại còn kém hơn sông Mã, được cái có hòa khí hơn. Thế mà, không hiểu sao nhà Tây Sơn lại từng có ý định đặt đô ở đây, lấy tên Trung Đô? Chắc La Sơn Phu Tử phịa ra cái vụ này. Mà vía nhà Tây Sơn cũng đoản, chẳng kịp nhìn thấy thành đô xây dựng thế nào.
Thành Huế, tức Phú Xuân, là thủ đô của nhiều triều đại, sau khi chúa Nguyễn Hoàng vào nam. Đây từng là nơi đặt đô của các chúa Nguyễn (1678 – 1777), nhà Tây Sơn (1786 – 1802), nhà Nguyễn (1802 – 1945), và cuối cùng là Đế quốc Việt Nam (1945). Về kinh thành này, ai chả biết câu “sơn bất cao, thủy bất thâm”, làm sao quốc gia có thể vững bền.
Xuôi đến Bình Định, còn có thành Quy Nhơn, nơi nhà Tây Sơn thời kỳ đầu đặt đô ít năm (1778 – 1793). Cái thành bạc nhạc này tất nhiên chả có khí vị gì, lại hơi bị hung sát, rất thảm.
Xét khắp dải đất miền trung bây giờ, cũng là đất vương quốc Chăm Pa xưa (192 – 1832), không có cuộc đất đô thành nào có phong thủy bền vững, cũng lý giải tại sao Chiêm Quốc phải vong. Các nơi từng là kinh đô của vương quốc Chăm Pa cổ là: Kandapurpura (Phật Thành, thành phố Huế bây giờ), kinh đô của Lâm Ấp (192 – 605?); Simhapura (Sư Tử Thành, thuộc Trà Kiệu, Quảng Nam bây giờ), cũng là kinh đô của Lâm Ấp (605? – 757); Virapura (Hùng Tráng Thành, nay ở Ninh Phước, Ninh Thuận), kinh đô của tiểu quốc Hoàn Vương/Panduranga (757 – 1167?); Indrapura (Lôi Điện Thành, nay ở Thăng Bình, Quảng Nam), kinh đô của Chiêm Thành (875 – 982); Vijaya (Chà Bàn/Đồ Bàn [Thắng Lợi], ở An Nhơn, Bình Định bây giờ, cách Quy Nhơn 27 km về phía tây bắc), cũng kinh đô Chiêm Thành (982 – 1471); Panduranga (chính là Phan Rang, Ninh Thuận bây giờ), là kinh đô của Panduranga-Chăm Pa, sau là Thuận Thành Trấn (1471 – 1832).
Gần đây, miền trung nổi lên có thành Đà Nẵng/Daknan (tiếng Chăm cổ nghĩa là vùng nước rộng lớn), khí ở đây kiên ngạnh, cũng tốt, nhưng các sông khu vực này cũng ngắn, không đủ tầm sức cho một quốc gia.
Vùng Nam Bộ, tất yếu phải nói đến thành Sài Gòn – Gia Định. Đây đã từng là thủ đô của Liên bang Đông Dương (1887 – 1901), Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ (1946 – 1949), Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955), Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975).
Ai cũng biết thành phố này ăn theo mạch sông Cửu Long, hạ lưu của dòng Mekong to lớn. Trước khi bàn kỹ hơn, cũng nên biết ở An Giang từng có thành Kottinagar (Cường Thịnh Thành, nay chính thị trấn Óc Eo), là kinh đô (tk 2 – tk 7) của vương quốc Phù Nam (68 – 550) khá bề thế. Xem địa thế thì thấy Kottinagar ăn với nhánh dưới (sông Hậu), còn Gia Định ăn theo hệ thống trên (sông Tiền) của sông Cửu Long. Mạch sông Mekong có khí dồi dào, nhưng đất mới, không có thế, cho nên Sài Gòn tuy dễ dàng phát triển trù phú nhưng không thể là nơi định đô. Trong những giai đoạn được dùng làm thủ đô đều thể hiện những nền chính trị non kém, đảo chính liên miên.
Vậy thế mạnh đế đô Thăng Long – Hà Nội là như thế nào? Có long mạch ra sao?
Từ năm 2009, tôi đã viết bài “Có một dòng sông chết lâm sàng”, đăng cùng lúc trên tạp chí Tia Sáng (số 18 – 20/9/2009) và trang talawas (26/9/2009). Trong bài, tôi đã viết:
“Theo lời cụ Cao Minh Bạch (1912 – 2001), một nhà địa lý – phong thủy nổi danh Đông Nam Á, người đã từng làm phong thủy cho Hoàng cung Thái Lan, thì việc Cao Biền xây thành Đại La là cả một kỳ công với những sáng tạo độc đáo về khoa học phong thủy. Vốn được phong là đệ nhất thiên hạ về phong thủy, và quả không hổ danh, Cao Biền đã thiết kế thành Đại La theo định hướng tạo thế phát triển thành một quốc gia độc lập. Ngay từ thế kỷ IX trong đêm dài Bắc thuộc họ Cao dù là người Hán đã có cái “nhã ý” thoát khỏi vòng kiềm tỏa của phương Bắc, muốn làm vua riêng một góc trời ở phương Nam này vậy.
Có thể tóm tắt cái “quy hoạch tổng thể” của thành Đại La thế này: Sau khi thăm thú khắp nơi Cao Biền thấy nơi đây có cái thế lý tưởng để xây dựng một kinh đô cho một quốc gia độc lập. Thành Đại La có tay “long” vươn đến dãy Đông Triều – Yên Tử, tay “hổ” vươn đến Tam Đảo, thế là thuộc cách “long bão hổ” quý vô cùng.
Họ Cao lại tìm ra những thế rất hiểm và cao tay. Thứ nhất, ông cho kinh thành tựa vào Hồ Tây, một điều khó có thày địa lý nào dám làm vì người ta thường chọn thế tựa vào đất hay núi cao, nhưng Cao Biền đã dựa vào “não thủy” Hồ Tây để làm thành cách “hậu đầu xung thủy xuất thần tiên”, đảm bảo cho xứ này “hào kiệt thời nào cũng có”. Để giữ được cách này thì Hồ Tây không được phép thu hẹp và ý tưởng làm đường giao thông ngầm xuyên lòng Hồ Tây như tôi đã đọc trên các báo là cực kỳ tai họa.
Thứ hai, Cao Biền cho làm một con đường xuyên thẳng vào giữa thành (đường Lê Duẩn bây giờ), ai trông cũng tưởng là hung họa ghê gớm nhưng có ai biết đó là cách “hồng tiễn xuyên tâm” kích thích nội lực cho thế đất. Ông còn lập “tứ trấn” để bảo toàn an ninh cho kinh đô. Đặc biệt, toàn bộ thiết kế phong thủy của ông đều dựa trên “long mạch” xuất phát từ núi Nùng của thần Long Đỗ chạy theo hướng tây-tây bắc và sự điều tiết tổng thể của thần sông Tô Lịch.”
Xem thế để thấy long mạch quốc gia này là thiêng liêng, và tuyệt đẹp. Nhưng, thành Hà Nội ăn theo mạch khí sông Hồng là một con sông thuộc dạng vô cùng hung dữ. Ắt khó tránh chiến tranh liền lĩ. Tuy nhiên, may mắn là Hà Nội có những con sông rất tuyệt như Tô Lịch, Kim Ngưu làm cho thế phong thủy được mềm mại, điều tiết được sát khí lồ lộ của sông Hồng. Những con sông này linh thiêng đến mức làm cho đất ngàn năm mới yên hòa làm sao, nên nhân gian mới có câu “Thăng Long phi chiến địa”.
Quả thật, suốt từ khi Lý Công Uẩn đặt đô ở đây (1010) cho tới tận nửa sau thế kỷ 19, ta đã thấy thế cuộc thư thái thế nào. Người ta cứ hay nói nước ta chiến tranh triền miên là đã nói quá lên, chứ so với số lượng các cuộc chiến ở châu Âu chẳng hạn thì đã là gì. Các cuộc chiến xâm lược của phương Bắc thì cũng đâu có nhiều (có 6 lần tất cả trong 8 thế kỷ), mà mỗi cuộc chiến thì thường cũng chỉ tính bằng tháng:
Chống Tống: 1075 – 1077; Chống Mông Nguyên lần 1: 1258; Chống Mông Nguyên lần 2: 1285; Chống Mông Nguyên lần 3: 1287; Bắc thuộc lần IV (chống Minh): 1407 – 1427; đại phá quân Minh: 1428; Đại phá quân Thanh: 1789
Từ thời Trần, Việt Nam bắt đầu bành trướng nhiều về phương nam, do ảnh hưởng của phong thủy các vùng đất mới nên đã có các cuộc đụng độ của “văn minh các long mạch”, nổi bật lên là cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1775). Sau đó, nhà Tây Sơn rồi nhà Nguyễn tuy nắm được giang sơn, nhưng chỉ vì cố thủ ở Phú Xuân mà suy yếu. Giá như, nhà Nguyễn mà đóng đô ở Thăng Long thì đã chắc gì chỉ có nắm quyền 143 năm (1802 – 1945).
Với mạch sông Hồng hung dữ đầy sát khí như thế, mà chỉ nhờ có sông Tô Lịch điều tiết, nên dân ta vẫn hưởng hòa bình lâu dài là chính.
Thế nhưng, từ khi Pháp xâm lược (1858), thế cục đã đổi khác. Do sợ lũ lụt, người Pháp đã cho lấp sông Tô Lịch! Không có dòng sông anh linh, Thăng Long đâu còn là phi chiến địa, khắp Đại Việt xương chất đầy đất máu chảy đầy sông!! Kể từ khi Pháp đánh thành Hà Nội cuối thế kỷ 19 (1873) đến tận hôm nay, nước Việt đã không có nổi một ngày hòa bình trọn vẹn!! Hãy tính đếm đi. Hết giặc Pháp, Nhật, Mỹ, Tàu…, sự trỗi dậy của bao nhiêu thế lực hiếu chiến, cho chí nội chiến Bắc-Nam, rồi nay là canh cánh kinh hãi trong “thùng thuốc súng biển Đông”.
Long mạch quốc gia thế là tán tác, đâu còn đủ uy lực để khống chế toàn cõi, lòng người run rẩy, nhân tâm nát bấy, xuất phát chính từ tính háo sát thái quá không thể kiểm soát cả thế kỷ nay (dương cực tắc phản) của toàn bộ người Việt khắp nơi (mà vốn dĩ ai ai cũng đều từ “văn minh sông Hồng” mà ra). Nói rủi, nếu thành Hà Nội thất thủ, thì liệu còn có lương đống nào như Hoàng Diệu vì nhục nước mà tuẫn tiết ngay tại đầu phố Chu Văn An bây giờ??
Còn chần chờ gì nữa mà chưa thông lại dòng sông thần thánh này?!
Đặng Thân