(Trò chuyện với Tiến sĩ Lê Kiên Thành)
Các bạn bên báo An ninh Thế giới Cuối tháng đề nghị phát biểu về vấn đề “phê và tự phê” đang được khuyến khích trước thềm Đại hội 13. Dưới đây là bài đã đăng ở ANTG CT số 230, tháng 10/2020.(Bản gốc, chưa chỉnh sửa – Ts Lê Kiên Thành).
Thưa Tiến sĩ Lê Kiên Thành! Phản biện xã hội đang là một nhu cầu cấp thiết để hướng tới văn minh và phát triển. Tuy nhiên, vẫn có không ít nghi ngại về việc các ý kiến góp ý bị “lợi dụng” cho những mục đích tiêu cực. Ông có suy nghĩ gì xung quanh vấn đề phê bình và thái độ tiếp nhận phê bình?
Ts Lê Kiên Thành: Theo tôi, phê bình có hai góc độ. Thứ nhất, quần chúng phê bình mình. Thứ hai, đồng chí phê bình mình. Muốn cho tổ chức mạnh lên, thì thứ vũ khí duy nhất là phê bình và tự phê bình. Thế nhưng, khi tổ chức để lọt vào những phần tử tha hóa và cơ hội, thì thứ vũ khí này cũng mất dần tác dụng.
Trước đây, trong chiến tranh gian khổ, sự phê bình rất chân thành giữa ranh giới sống chết, vì góp ý cho đồng chí tốt hơn cũng là giúp cho mình tốt hơn. Đó là một sự thanh lọc vô cùng hiệu quả, mà không cần bên ngoài phản biện.
Bây giờ, không còn trong hoàn cảnh như Tố Hữu viết “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày. Là gươm kề cận cổ, súng kề tai. Là thân sống chỉ coi còn một nửa” thì sự góp ý của những người cùng tổ chức cũng bị chi phối bởi yếu tố lợi ích cá nhân, gia đình, phe nhóm.
Hiện thực đó, càng ngày càng rõ. Vì vậy, chưa bao giờ mà người đứng đầu Đảng phải thốt lên “chúng ta đang đứng trước nguy cơ tồn vong”.
Ngày xưa Đảng cũng từng đứng trước nguy cơ tồn vong vì bị đàn áp, còn hôm nay phải âu lo vì sự thoái hóa, biến chất. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần mở rộng biên độ “phê bình và tự phê bình”.
Nghĩa là tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân cũng đều có ý nghĩa quan trọng cho sự vững mạnh của tổ chức Đảng?
Ts Lê Kiên Thành: Đúng! Theo tôi, thì chân lý “người khen ta đúng là bạn ta, người chê ta đúng là thầy ta” chưa bao giờ lỗi thời.
Tại sao chúng ta không nghe được tiếng nói của nhân dân? Những ý kiến đóng góp từ quần chúng được lắng nghe một cách hời hợt, một cách hình thức. Sự lúng túng diễn ra trong việc tiếp nhận ý kiến quần chúng, khiến tôi hiểu rằng chúng ta đang sợ, chúng ta không tin vào sự sáng suốt của nhân dân. Chúng ta cứ lo ngại quần chúng dễ bị kích động theo hướng lầm lạc.
Tôi rất băn khoăn. Ngày xưa, chúng ta kêu gọi quần chúng đồng hành chúng ta, thì chúng ta chỉ dám nói thầm và dúi vài tờ truyền đơn. Hôm nay chúng ta có gần 1.000 tờ báo và gần 100 kênh truyền hình, một bộ máy tuyên truyền hùng hậu. Phải đặt câu hỏi, chúng ta nói thế nào để quần chúng không hiểu mình, mà quần chúng phải đi nghe những gì không chính thống?
Quần chúng từng đi theo và ủng hộ Đảng khi Đảng cực kỳ gian khó, họ gửi chồng, gửi con, gửi cháu cho chúng ta để ra trận, để hy sinh chứ không mưu cầu gì… thì không có nguyên nhân nào khiến họ quay lưng với chúng ta, nếu chúng ta công khai và minh bạch.
Tôi xin nhấn mạnh, một đám đông dù vô tri đến đâu thì chúng ta cũng chỉ nói dối họ được một lần mà thôi. Từ lời nói dối thứ hai sẽ không còn tác dụng.
Thái độ cầu thị sẽ giúp người dân trở thành tai mắt của Đảng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng?
Ts Lê Kiên Thành: Chúng ta đã thấy một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất trong Đảng, thì chúng ta có thể dùng một bộ phận rất lớn từ quần chúng để giúp Đảng phát hiện và trấn áp.
Sức mạnh của ý chí người dân sẽ củng cố tinh thần chiến đấu của những Đảng viên tốt.
Quần chúng luôn đứng về phía cái thiện, cái tốt…
Ts Lê Kiên Thành: Không có tổ chức nào lại tự cảm thấy mình không đại diện cho chính nghĩa. Thế nhưng, một tổ chức cầm quyền thì càng cần phải tin vào quần chúng có khả năng chỉ mặt gọi tên những kẻ cơ hội đang lén lút xâm hại miếng bánh lợi ích của xã hội.
Nếu chúng ta không dám nghe những lời phê bình từ quần chúng thì những thành phần tiến bộ hết lòng vì Đảng vì dân sẽ bị cô lập và bị suy yếu.
Gần đây, câu chuyện “tôn chỉ, mục đích” được đặt ra rất gay gắt với báo chí. Nghịch lý đang xảy ra, chức năng “diễn đàn” của nhân dân đang bị thu hẹp, đồng nghĩa sự phê bình và tiếp thu phê bình cũng bị hạn chế.
Ts Lê Kiên Thành: Theo tôi, đó là điều kém hợp lý và kém văn minh. Vì sao lại bắt báo Phụ Nữ chỉ được viết về vấn đề phụ nữ, báo Xây Dựng chỉ được viết về vấn đề xây dựng?
Cần xác định “tôn chỉ, mục đích” chỉ là đòi hỏi cơ bản, báo chí phải nói lên được nguyện vọng của người dân ở mọi góc độ. Không nên lấy “tôn chỉ, mục đích” của báo chí để tạo hành lang an toàn cho bất cập.
Thử hỏi, mấy tờ báo ngành dám đụng chạm đến sai trái của lãnh đạo ngành ấy? Không thể nhân danh bảo vệ ngành để bảo vệ quan chức của ngành. Không khéo, báo chí lại trở thành “lá chắn” cho những hành vi khuất tất của từng lĩnh vực.
Không thể và không nên giới hạn quyền phản ánh của báo chí, khiến những tâm tư và nguyện vọng của người dân không có điều kiện được phô bày.
Theo anh, làm sao để khuyến khích những ý kiến phê bình tích cực?
Ts Lê Kiên Thành: Bác Hồ đã từng nhắc nhở “dân chủ là làm cho người dân được mở miệng”. Trước hết, phải có thiện chí lắng nghe người dân, bởi lẽ những ngôn từ gay gắt nhất cũng chứng minh tình cảm gắn bó giữa dân với Đảng. Nghe được thì sẽ hiểu được.
Hãy để tai mình nghe được những điều cay đắng nhất, hãy để óc mình hiểu được những điều trắc ẩn nhất, thì chúng ta sẽ nhận ra phải hành động gì để cải thiện tình hình cho tương lai đất nước. Cho nên, đừng vội vàng quy chụp các ý kiến đóng góp mà mình khó chịu. Xưa nay, thuốc đắng giã tật vẫn là bài học khắc cốt ghi tâm.
LÊ THIẾU NHƠN