Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới khẳng định văn hoá vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ phát triển của xã hội. Xây dựng và phát triển xã hội văn hoá, là một nhiệm vụ chiếm lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhưng mỗi nền văn hoá trong từng giai đoạn phát triển đều có những mặt phù hợp và những mặt không phù hợp với các thế hệ sau. Trải qua các giai đoạn phát triển, những mặt phù hợp được phát huy và nâng cao, được bảo tồn trong bản sắc văn hoá, những mặt không phù hợp dần dần bị thu hẹp lại. Quá trình kế thừa và phát triển văn hoá bao giờ cũng gắn chặt với quá trình phát triển của lịch sử. Muốn xây dựng một nền văn hoá mới, vì vậy, phải tìm cho ra những điểm mạnh và cả những điểm yếu trong văn hoá và tâm lý dân tộc để phát huy tối đa tính ưu việt vốn có và khắc phục, vượt qua những lực cản của những tập quán văn hoá lạc hậu, bảo thủ, những đặc tính văn hoá không phù hợp với sự phát triển. Tính tự ti dân tộc là một ví dụ.
Tính tự ti, thiếu tự tin, nhút nhát được nhà nghiên cứu Bùi Quốc Châu, tiến sĩ khoa học danh dự Sri Lanka xếp thứ 27 trong 37 nét tính cách của người Việt Nam. Đương nhiên cũng không phải chỉ người Việt Nam mới có nét tính cách này. Nhưng vì sao tính thiếu tự tin lại là một tính cách phổ biến? Là một người ngoại đạo trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý, chúng tôi thử đưa ra một lý giải nông cạn như sau:
Thứ nhất: Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nền văn minh chủ yếu của chúng ta vẫn là nền văn minh nông nghiệp, yếu tố duy lý và khoa học trong văn hoá chưa được phát huy đúng mức.
Trong nền văn hoá Việt Nam, văn hoá nhân văn phát triển khá phong phú nhưng văn hoá khoa học lại rất hạn chế. Chúng ta có thừa các nhà văn hoá nhưng lại thiếu các nhà khoa học. Đối mặt với sự phát triển mới của đất nước, do thiếu yếu tố khoa học và tính duy lý – những nhân tố hết sức cần thiết để tiếp cận tự nhiên, xã hội, con người một cách khách quan, để xử lý vấn đề có luận cứ, hợp quy luật, chúng ta không đủ tự tin, lúng túng trong nhiều quyết sách cũng là chuyện đương nhiên. Đó cũng là nguồn gốc dẫn đến chuyện giáo điều, bảo thủ, bất chấp quy luật.
Vì vậy, tăng cường yếu tố khoa học và duy lý trong nền văn hoá là một yêu cầu bức thiết không chỉ đối với xây dựng nền văn hoá mới mà còn bức thiết đối với việc xây dựng những con người mới đủ tự tin chiếm lĩnh tương lai đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển và hội nhập
Thứ hai: Do phát triển mạnh văn hoá nhân văn nhưng hạn chế trong văn hoá khoa học, trong văn hoá Việt Nam, tư duy thiết thực, sáng tạo và tính hiệu quả bị coi nhẹ. Lối học khoa cử, từ chương trong đào tạo đội ngũ trí thức càng củng cố thêm nếp tư duy này. Đó là lý do tại sao sinh viên Việt Nam ở nước ngoài học rất giỏi nhưng sau khi ra công tác thì lại phát triển rất hạn chế.
Thiếu tư duy thiết thực và sáng tạo sẽ không đủ tự tin đưa lý thuyết vào cuộc sống khi giải quyết những vấn đề từ tính thực tiễn đề ra. Nó cũng khiến chúng ta rất dễ sa vào căn bệnh khoa trương hình thức, coi thường lợi ích của mỗi cá nhân, coi thường động lực của sự sáng tạo, chỉ hô hào suông và coi nhẹ biện pháp tổ chức thực tiễn.
Trong xã hội, coi trọng cái danh hơn cái thực. Trong hoạt động kinh doanh, không lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm thước đo để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư phát triển. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài, làm trì trệ bứơc phát triển của xã hội và đã được khắc phục bằng đường lối đổi mới toàn diện tư duy kinh tế.
Thứ ba: Đất nước ta đã trải qua thời gian dài đô thị hoá ở cấp độ thấp, sau đó là một thời kỳ đóng cửa, kép kín. Chúng ta chỉ quan hệ với một bộ phận nhỏ thế giới, các quốc gia trong phe xã hội chủ nghĩa theo cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Đa số sống trong tâm lý kép kín, nặng tính tiểu nông, tiểu kỷ, thậm chí còn lo sợ khi tiếp xúc với mọi tác động từ bên ngoài.
Tâm lý tự ti ấy càng nặng căn hơn với quan hệ văn hoá làng xã vốn có ưu điểm là một thành trì trong cuộc chiến tranh chống xâm lược nhưng về mặt nào đó cũng là những thành trì bảo thủ, tầm nhìn hạn hẹp, nhiều khi không vượt khỏi những gì xảy ra sau luỹ tre làng.
Tâm lý tự ti khi đối mặt với thế giới bên ngoài là điều khó tránh khỏi. Không đến nỗi hoảng sợ như Phan Thanh Giản lúc thấy ngọn đèn treo ngược khi đi thăm Pháp nhưng từ môi trường kép kín của cơ chế quan liêu bao cấp đến một nền kinh tế mở, sự choáng ngợp, âu lo cũng là một tâm lý có thể giải thích được.
Thứ tư: Lịch sử đấu tranh chống các kẻ thù xâm lược đã khẳng định ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, nhưng dường như trong hàng ngàn năm bị đô hộ, bị chà đạp, vẫn in lại một dấu ấn nào đó như một di chứng của khuôn mẫu nô lệ mà các loại kẻ thù cố tình nhào nặn.
Tâm lý sùng ngoại là một ví dụ. Bệnh tự ti thể hiện trong những biểu hiêụ viết bằng tiếng nước ngoài nhan nhản trên đường phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Những danh thiếp, thiệp mừng năm mới, sinh nhật, giáng sinh… không viết bằng tiếng Việt. Trong khi điều tương tự hoàn toàn không xảy ra ở các nước phát triển. Một đĩa nhạc compact nhái của nước ngoài được ưa chuộng hơn một đĩa nhạc được sản xuất ở Việt Nam dù chất lượng đĩa nhạc Việt Nam tốt hơn.
Tâm lý vọng ngoại không chỉ thể hiện qua thích xài tiếng nước ngoài, thích lấy chồng ngoại, thích làm thuê cho người ngoại quốc, thích du học để ở lại nước ngoài… mà còn thể hiện trong nhiều trạng thái khác nữa. Tất cả những điều này thực ra chỉ là biểu hiện của một tâm lý tự ti – rất cần được định hướng, giáo dục nhưng chỉ có thể loại bỏ triệt để cùng với việc xây dựng một xã hội mới và sự phát triển mạnh mẽ của một nền kinh tế – xã hội đất nước.
Thứ năm: Sự phát triển của xã hội Việt Nam suốt hàng ngàn năm lịch sử gắn liền với sự tồn tại của chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản chưa hình thành. Con người cá nhân, tự do cá nhân chưa có cơ sở xã hội để phát triển.
Lại nữa, trong điều kiện khắc nghiệt của lịch sử, kẻ thù luôn rình rập trước ngõ, để đảm bảo cho chiến thắng trong đấu tranh chống ngoại xâm, cái tôi cá nhân luôn phải hoà đồng vào cái ta. Con người chủ yếu là hát đồng ca chứ không hát solo. Sự hy sinh cái tôi trong hoàn cảnh đó là rất cần thiết, nhưng ở số đông người, sự hy sinh cũng làm biến mất luôn cái bản ngã cá nhân. Đó là mảnh đất tốt cho tâm lý tự ti, thậm chí nhút nhát.
Trong khi đó cơ chế dân chủ, một trong những điều kiện để hình thành nhân cách cá nhân lại chưa hoàn thiện. Mặc dù vốn có truyền thống dân chủ nhưng trong chế độ phong kiến vẫn là dân chủ theo kiểu “tướng sĩ một lòng phụ tử hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Xây dựng chế độ mới phải khắc phục nhược điểm chết người này để hình thành những con người cá nhân, không phải con người cá nhân cực đoan của chủ nghĩa tư bản mà là con người cá nhân thực chất và hoàn thiện
Tạm kết luận: Nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đòi hỏi phải xây dựng nền văn hoá dân tộc Việt Nam ngang tầm phát triển của thời đại. Mục tiêu đó đòi hỏi nền văn hoá mới của chúng ta phải thâu hái được những tinh hoa của nền văn hoá dân tộc và nhân loại, ngăn chặn được những ảnh hưởng xấu từ nhiều phía, nhưng đồng thời cũng phải khắc phục được những yếu tố khiếm khuyết trong truyền thống.
Chỉ có như thế cúng ta mới phát huy được nguồn lực to lớn của con người Việt Nam – Nhân tố quyết định của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
DƯƠNG TRỌNG DẬT