Người có cảm giác hài hước thì sẽ dễ sống hơn. Caezar, người dựng nên đế chế La Mã, chẳng đã khuyến cáo rằng những người không biết cười thường… khá nguy hiểm.
CẢM GIÁC HÀI HƯỚC SINH RA TỪ ĐÂU?
Nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) có nói, đó là tặng phẩm của không phải tâm hồn, mà của trái tim. Nhưng giới thần kinh học nghiên cứu về mặt sinh lý của hài hước lại đặt nó lên đầu, họ bảo chính bán cầu đại não trái mới chịu trách nhiệm về hài hước, còn chúng ta phản xạ như thế nào với trò hài – điều đó phụ thuộc vào mối liên hệ giữa hai bán cầu đại não. Có rối loạn, nếu ở bán cầu đại não trái, con người sẽ thường xuyên gặp phải tâm trạng u ám nặng nề, nếu ở bán cầu đại não phải – sẽ rơi vào tình trạng lạc quan quá trớn. Cho nên phải kích thích những trung tâm não bộ nhất định để đưa con người đến tâm trạng tốt nhất.
Cười là một hiệu ứng tập thể
Chính là như vậy – tiếng cười trong một nhóm bạn hợp nhau sẽ điều hòa não đồ, tâm đồ, điều chỉnh huyết áp và thúc đẩy những hoócmôn hạnh phúc. Кhi nào ta thấy trong người thоải mái thì những người khác mới thích giao tiếp với tа hơn. Tiếng cười – đó là mối quan hệ qua lại. Phản xạ cười đối với một sự vật, hiện tượng của mỗi người một khác. Có những người cười đến… chết khi thấy hai gã đàn ông lấy bánh gatô ném nhau, những người khác thì lại sùng mộ danh hài người Anh Monty Python.
Sự khác nhau đó tùy theo từng mức độ, vấn đề là ở sở thích, nhưng cảm giác hài hước bao gồm vô vàn yếu tố. Ví dụ, đặc thù ngôn ngữ rất quan trọng. Theo thuyết của nhà xã hội học người Anh Basil Bernstein, thì người sử dụng mật mã ngôn ngữ phát triển sẽ sở hữu công cụ dùng cho trò chơi chữ.
Tuy đặc thù của một số ngôn ngữ cũng đóng một vai trò nhất định, như tiếng Anh chẳng hạn không có những cách thể, nhưng có vô số câu đa nghĩa cực kỳ phù hợp cho việc tạo ra những trò chơi chữ. Mức độ đọc, khối lượng kiến thức về thế giới cũng quan trọng. Hài hước thường gắn với những sắc thái văn chương, cho nên nếu ta chưa biết sắc thái đó thì sẽ khó nhận ra chất hài thường dựa vào những lời nói bóng gió hoặc thuật liên văn bản.
Ở mức độ nào đó, con người ta chắc gì đã thừa kế được cảm giác hài hước, nhưng điều rất quan trọng là con người lớn lên trong môi trường nào, trong gia đình có hay cười đùa không. Nếu như có, người ấy sẽ nhạy bén với chất hài. Chỉ cần tự trả lời một câu hỏi: hài hước là gì? Thео thuyết phổ biến nhất, thì đó là cách nhận biết sự bất tương đồng trong cuộc sống xung quanh và tìm ra những giải pháp khác cho sự bất tương đồng ấy. Kỹ năng này, người thì có, người thì không.
Trоng tâm lý học, người ta phân ra ít nhất là bốn dạng hài hước thường gặp riêng rẽ hoặc đồng thời. Giúp giải tỏa không khí căng thẳng trong nhóm có thể là dạng hài hước kết liên – đó là cách kể lại những chuyện buồn cười, ngớ ngẩn nhằm giải trí cho những người xung quаnh.
Để thỏa mãn cá nhân thì dạng hài hước tự cổ xúy là quan trọng, giúp thoát khỏi trạng thái stress và lấy lại được cảm hứng, dạng này biểu hiện ở xu hướng nhận xét những sự việc gây cười ở quanh mình. Cũng có dạng hài hước xung kích hung hăng dùng để công kích người khác, phá vỡ mối quan hệ hiện có – đó là kiểu chế nhạo những người xung quanh, đem người ta ra làm trò cười cho thiên hạ. Nếu con người thiên về tự giễu mình quá mức, đấy là hài hước tự kỷ, thậm chí còn được gọi là hài hước tự sát.
Biết vui cười là nét tích cực, nhưng nếu con người ta lúc nào cũng thể hiện mình như một anh hề, điều đó có thể biểu hiện cách tự đánh giá mình không đúng, người đó coi mình là kẻ thất bại, là nạn nhân của số phận để những người khác cười cợt. Ngоài ra, con người có cảm giác hài hước vẫn có thể gặp lúc bế tắc. Các nghiên cứu đều nhất trí chỉ ra rằng, nếu như hài hước kết liên gắn bó chặt chẽ với tính cởi mở, đánh giá cao bản thân, thỏa mãn với các mối quan hệ của mình, thì hài hước xung kích hung hăng mang tính thù địch và bệnh lý về thần kinh chức năng.
GIAO TIẾP RẤT CẦN TÍNH HÀI HƯỚC
Các nhà tâm lý học nhấn mạnh rằng hài hước đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp và hình thành các mối quan hệ. Tiếng cười cũng như tiếng khóc tạo nên sự đoàn kết trong một nhóm người. Nỗi buồn được chia sẻ với người khác sẽ vơi đi một nửa, còn niềm vui khi chia sẻ sẽ được nhân đôi. Sự thông hiểu rằng có ai đó cũng suy nghĩ hay cảm xúc như mình là rất quan trọng, mang lại cảm giác về sự thống nhất và thoải mái về tâm lý.
Mỗi nền văn hóa có một cái khác về mức độ nồng nhiệt và tình cảm. Những dân tộc giàu tình cảm hơn thì thích những trò đùa có tính vật chất, thể chất và bối cảnh; những dân tộc quen kiềm chế trong tiếp xúc giữa con người với nhau thì ưa những chuyện vui có tính trừu tượng và hay chơi chữ. Lại còn ý thích tránh né những hoàn cảnh khó hiểu nữa: có dân tộc thích ít, có dân tộc thích nhiều.
Nghĩa là, nếu như xảy ra một chuyện gì đó lạ lùng, khó hiểu thì có những người sung sướng, ngược lại, có những người e dè. Độ cởi mở của mỗi dân tộc cũng khác, và những nét đó làm nên bản sắc của họ. Hiểu được cách đùa ở một ngoại ngữ – đấy mới là siêu thành tựu. Khi các nhà nghiên cứu hài hước từ khắp nơi trên thế giới tụ họp lại với nhau, đấy là một môi trường bao gồm cả những nhà khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên và cả những nhà hoạt động xã hội.
Mấy năm trước có một hội nghị như thế tại Krakow và các nhà tổ chức đã in sẵn một cuốn sách về hài hước ở nước sở tại, nhằm góp phần xóa bỏ định kiến về người Ba Lan. Tự giễu cợt, đó là chuyện khác, còn khi thành đối tượng để người ngoài châm biếm thì chẳng mấy ai muốn. Cho nên muốn tự bảo vệ, phương pháp duy nhất là đáp lại cũng bằng giọng hài hước.
Muốn thế, phải biết cách. Giới tâm lý học Mỹ cho rằng có thể phát triển cảm giác hài hước: viện sĩ Paul McGhee có ra một cuốn bài tập với những chuyện hài thiếu phần kết để ta viết tiếp. Ngоài ra ông còn khuyên ta nên có những động lực tích cực, năng đi xem hài kịch và nhìn đời theo những mặt sáng sủa. Là bạn, nếu có cảm giác hài hước phát triển hơn, thì phải giúp bạn mình khắc phục stress, đó là cách gây tác động tốt đẹp để phát triển mối quan hệ giữa hai người.
Phái nữ thường cho rằng bạn trai của mình phải có cảm giác hài hước, còn phái nam lại đánh giá thấp trí thông minh của phụ nữ. Có lẽ tại vì, nếu nhìn với giác độ lịch sử – văn hóa, nam giới thường góp vui cho công chúng, còn vai trò của nữ giới là phản xạ thế nào với trò vui. Trong nhiều nền văn hóa, khi người ta gọi một người là thông minh, thiết nghĩ, người đó thông minh thật, mặc dù hoàn cảnh gây cười kiểu như ném nhau bằng bánh gatô đòi hỏi phải có sức lực thể chất hơn là trình độ đầu óc. Cảm giác hài hước ở những đại biểu khác nhau của hai giới đã được nhà tâm lý học Ba Lan Anna Radomska nghiên cứu và đưa ra nhận xét:
Phái Mạnh thường thích những đề tài tục, thậm chí dính đến tình dục, còn Phái Đẹp ưa loại chuyện thanh, mềm mại và trung tính. Nếu như phán xét phụ nữ chọn người đàn ông như thế nào, vấn đề chủ yếu ở đây có lẽ là cảm giác hài hước phải gắn bó mật thiết với sự cởi mở, biết thiết lập những mối quan hệ và biết nhìn mình bằng con mắt khách quan.
Song, con người thích dạng chuyện hài hước nào, điều đó phụ thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn, người đó thích lý tưởng hóa hay là có đầu óc thực tế hơn, người đó hướng nội hay hướng ngoại. Cho nên ở chỗ này, tư chất con người quan trọng hơn giới tính. Với người có cảm giác hài hước thì sẽ dễ sống hơn. Caezar, người dựng nên đế chế La Mã, chẳng đã khuyến cáo rằng những người không biết cười thường khá nguy hiểm.
Dorota Brzozowska (Ba Lan)
Nguyên Đăng lược thuật