Rượu, bia là hai loại đồ uống không thể thiếu trong đời sống con người. Uống rượu, bia đã trở thành nét văn hóa ẩm thực của nhiều dân tộc trên thế giới. Chính vì vậy không thể dùng bất cứ biện pháp hành chính nào để cấm việc sử dụng hai loại đồ uống đó. Trên thế giới đã có thực tế chứng minh như việc cấm rượu bia ở Liên Xô những năm 1985 đã làm thiệt hại ngân sách nước này hàng trăm tỷ rup khi đó. Điều đó nói lên rằng, việc cấm sản xuất 1 mặt hàng mang tính thiết yếu cho đời sống của người tiêu dùng cần được cân nhắc trên mọi khía cạnh kinh tế, xã hội. Cũng chính vì lẽ này sau năm 1985 Liên Xô đã cho khôi phục lại việc sản xuất rượu.
VẬY Ở NƯỚC TA, VIỆC ĐỊNH HƯỚNG TIÊU DÙNG RƯỢU, BIA NÊN NHƯ THẾ NÀO?
1.Trước hết phải thống nhất rằng việc uống rượu, bia là một nhu cầu khách quan thực tế của con người. Nhiều nước trên thế giới đã đưa được sản phẩm rượu, bia của mình thành những thương hiệu hàng đầu thế giới và xuất khẩu ra nhiều quốc gia như bia Tiệp, bia Đức, vang Pháp, vang Chi lê…Ở Việt Nam, việc sử dụng rượu, bia (nhất là rượu) đã đi vào đời sống ẩm thực của người dân, nhất là vào dịp lễ tết, hiếu hỷ, đối ngoại…Mặc dù số lượng bia, rượu (quy ra độ cồn tuyệt đối) bình quân đầu người của Việt Nam còn ở mức trung bình thế giới, còn thấp thua Lào,Thái Lan…nhưng để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, chúng ta cũng cần sớm có những giải pháp mạnh mẽ hơn vươn lên xuất khẩu, vừa tạo điều kiện khai thác năng lực sản xuất vừa góp phần điều tiết tiêu dùng trong nước. Đồng thời, chúng ta cũng sớm đưa ra những quy định hay thông tin của cơ quan chức năng rằng với người Việt Nam thì lượng rượu, bia nên uống ở mức độ nào để vừa không tổn hại sức khỏe, vừa duy trì tiêu dùng trong nước. Muốn vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan để việc định hướng sản xuất, tiêu dùng bảo đảm được tính khoa học và tính kinh tế.
2.Theo Điều 2.2 Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 12 tháng 2 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 thì “Lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác là việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác với mức độ, liều lượng, đối tượng không thích hợp dẫn đến sự biến đổi về chức năng của cơ thể hoặc xuất hiện dấu hiệu về lâm sàng ảnh hưởng có hại đến sức khỏe người sử dụng… hoặc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong trường hợp pháp luật nghiêm cấm.”
Theo đó, mức độ uống rượu, bia được coi là lạm dụng khi:
Người từ 60 tuổi trở lên uống hơn 14 đơn vị rượu/tuần, hơn 2 đơn vị rượu/ngày, hơn 1/2 đơn vị rượu/giờ.
Người dưới 60 tuổi uống trên 21 đơn vị rượu/tuần, hơn 3 đơn vị rượu/ngày, hơn 1 đơn vị rượu/giờ).
Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn.
Ở đây, một đơn vị rượu =1 cốc bia 330 ml =1 ly rượu vang 100ml = 1chén rượu mạnh 30ml.
- Cùng với khuyến cáo về đối tượng và liều lượng sử dụng như nêu trên, cơ quan chuyên môn cũng cần hướng dẫn người tiêu dùng nên sử dụng những loại rượu, bia nào bởi trong nước đã và đang sản xuất, cũng như nhập khẩu với nhiều thương hiệu sản phẩm khác nhau, có chất lượng khác nhau. Bên cạnh những thương hiệu có uy tín không thiếu những loại sản phẩm bị làm nhái, làm giả, nhập lậu, chất lượng không bảo đảm, nếu uống vào sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí bị ngộ độc chết người. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất cũng nên sử dụng quyền tự giới thiệu của mình để truyền đạt thông tin tới người tiêu dùng biết về chất lượng sản phẩm, công nghệ sản xuất để họ tự lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất cho mình.
4.Trên thế giới cho đến nay không có nước nào có riêng luật quản lý chi phối ngành bia, mà chỉ lồng ghép những quy định (nếu có) trong các luật quản lý khác. Riêng với mặt hàng rượu, Chính phủ đã có Nghị định quy định về sản xuất kinh doanh rượu. Tuy nhiên, cùng với xu thế phát triển sẽ còn xuất hiện thêm nhiều loại đồ uống có cồn khác. Vì vậy,với góc độ quản lý tổng thể của nhà nước không chỉ riêng về sản xuất, tiêu dùng mà còn xem xét tới những tác động của rượu, bia và đồ uống có cồn khác tới kinh tế, xã hội, sức khỏe người tiêu dùng, việc chúng ta đưa đồ uống có cồn vào quản lý là phù hợp. Theo người viết bài này, việc quản lý đố uống có cồn nên đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước, chứ không nên đưa ra những quy định cấm đoán. Những chính sách đã được đưa ra trong Quyết định 244 nêu trên của Thủ tướng Chính phủ cần được tiếp tục thực hiện một cách bài bản, mạnh mẽ hơn, đồng thời điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện và có hiệu quả. Muốn cho chính sách đi vào cuộc sống, điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên, lâu dài việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân sử dụng đồ uống có cồn một cách văn hóa, khoa học. Từ đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về những lợi ích cũng như tác hại của đồ uống có cồn khi bị lạm dụng, để họ tự điều chỉnh lại hành vi của mình khi sử dụng chúng. Còn một khi nhà nước vẫn cần có một đạo luật mang tính chuyên ngành thì nên xây dựng với tên gọi Luật kiểm soát đồ uống có cồn, trong đó không quy định những điều đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác như Luật giao thông đường bộ, Luật quảng cáo, Luật an toàn thực phẩm…
- Cuối cùng là vấn đề trách nhiệm của nhà sản xuất rượu, bia với người tiêu dùng. Ngày nay các nhà sản xuất rượu, bia ở Việt Nam đã sinh hoạt trong cùng một Hiệp hội ngành nghề, đó là Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam. Họ đã phối hợp và thống nhất xây dựng cuốn cẩm nang có tên Quy chế marketing ngành rượu và Quy chế marketing ngành bia, trong đó có những điều cam kết của các nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm của mình, cũng như mọi hoạt động có liên quan của doanh nghiệp từ sản xuất tới tiếp thị, lưu thông, quảng cáo…Đặc biệt có những điều cam kết không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, tại các cơ sở giáo dục, y tế…Những điều này thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất tới sức khỏe cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và lành mạnh xã hội. Những điều tự cam kết đó còn có tác dụng tích cực và hiệu quả hơn bất cứ một văn bản pháp luật nào mà không phù hợp thực tế. Ở đây tác giả muốn nói lên một điều những gì con người ta đã tự giác làm rồi thì nhà quản lý không nên lại biến chúng thành những quy định hành chính của mình, mà chỉ nên xem cần làm thêm gì cho các điều đó được thực thi rộng rãi nhất, quần chúng nhất và hiệu quả nhất.
XUÂN MAI