Ngày 24/10, báo chí đăng tin có 4 vụ giết người rùng rợn, 3 trong số đó giết người vì tình, tất cả đều do nam nhân ghen tuông thực hiện. Ngày càng nhiều vụ giết người được báo chí gọi là “thảm án”.
Nếu như kẻ giết người vì thiếu hiểu biết, dẫn tới ghen tuông mù quáng, thì chẳng nói làm gì. Nhưng không ít đối tượng giết người là sinh viên học giỏi và hiền lành, là kĩ sư có nhiều bằng cấp, là những người học thức rất cao.
Ghen tuông là hoạt động phổ biến của con người
Thậm chí, bác sĩ cũng giết vợ hay người mình yêu. Thật vô lí hết sức. Bác sĩ là trí thức cao cấp làm nghề cứu người, công việc của họ hàng ngày là khâu vá làm lành những vết thương, vậy mà họ lại giết hại chính người họ thương yêu trong cơn ghen điên cuồng.
Tôi nhấn mạnh các vụ giết người vì tình.
Bởi tôi giật mình khi đọc báo cáo của Liên Hợp Quốc, năm 2017 thế giới có khoảng 30 ngàn phụ nữ bị đàn ông giết chết vì ghen, chiếm khoảng 34% các vụ án mạng giết hại nữ giới, kẻ giết người là bạn trai cũ hoặc mới, là chồng cũ hoặc chồng hiện tại.
Tôi không có con số thống kê của Việt Nam.
Ghen tuông là hoạt động tâm lí phổ biến của con người, mà theo tôi, nếu chúng ta hiểu biết cơ chế của ghen ghen tuông, thì hoàn toàn có thể tác động để giảm được những vụ giết người máu lạnh.
Vậy tại sao lại ghen tuông lại giết người?
Theo thuyết tâm động học, ghen tuông của con người sinh ra từ khi còn thơ ấu, tâm lí gọi là phức hợp oedipus. Phần lớn ghen tuông lúc đầu là nhằm vào anh chị em của mình. Khi mẹ sinh em bé, ngay lập tức đứa anh hoặc chị có suy nghĩ mình bị bỏ rơi, cảm giác bố mẹ dành hết tình yêu cho em.
Trong quá trình sống, những đứa trẻ phải tranh giành nhau tình yêu thương của cha mẹ. Anh chị không chịu nhường nhịn em. Em cướp đồ chơi của anh chị, tị nạnh từng li từng tí, lúc nào cũng đòi hỏi mình phải được ưu tiên. Sự thiếu thốn tình cảm, làm cho đứa trẻ bồn chồn, bất mãn và ghen tuông. Phức hợp oedipus là thuyết tâm động học cổ điển.
Trong tâm lí hiện đại, ghen tuông còn xảy ra ở những gia đình 1 con, đứa trẻ ganh đua với bạn bè về điểm số ở lớp, ganh đua sự quan tâm của thầy cô, ganh đua sự chú ý của bạn trai hoặc bạn gái, thậm chí ganh đua nhau chiếc điện thoại thông minh, chiếc máy tính bảng, hay bộ quần áo xịn sò. Tất cả những biểu hiện tâm lí ấy, ở trẻ chúng ta gọi là ghen tị, bố mẹ luôn dễ dàng bỏ qua.
Từ ghen tị lúc bé sẽ dẫn đến ghen tuông lúc lớn.
Quan sát trẻ em Việt Nam tôi nhận thấy, nhu cầu tình cảm và nhu cầu vật chất chiếm vị trí đầu tiên trong cấu trúc nhân cách, đó là hai nguyên nhân chính hình thành tính ích kỉ ở trẻ, lớn lên cũng sẽ phát triển thành ghen tuông. Có ba đặc điểm cấu trúc gia đình tác động vào.
Đầu tiên là công việc của cha mẹ quá bận rộn, nên rất ít thời gian dành cho con cái, trẻ luôn bị thiếu thốn tình cảm.
Thứ hai, là cấu trúc mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, nên trẻ được cha mẹ chiều chuộng vật chất thái quá, cùng với những hiểu lầm về định hướng giáo dục tạo áp lực thi cử, khiến trẻ phát triển tính tự cao, dễ bị tổn thương, dễ thất vọng, rối loạn nhân cách ngay từ nhỏ, hậu quả là ghen tuông.
Thứ ba, ngược lại với gia đình ít con, thì ở một số những gia đình nông thôn hay miền núi đông con không có điều kiện kinh tế, hoặc những gia đình có hoàn cảnh éo le như cha mẹ bỏ nhau, làm cho những đứa trẻ bị người khác coi thường và bắt nạt. Khi những tác động tiêu cực ấy đủ dài, trẻ dần có thái độ thù địch với môi trường địa lí, thù địch với những cá nhân, có tham vọng theo đuổi bằng được một mục tiêu vươn lên bất chấp tất cả, nó đặc biệt nguy hiểm khi tham vọng ấy được thúc đẩy bởi lòng thù hận, trẻ cứ thế tích luỹ cảm xúc lo lắng và thù địch với người khác.
Trong quá trình phát triển nhân cách, trẻ xuất hiện những hoang tưởng, nhẫn nhịn, ghen tị, ngày này qua ngày khác ăn sâu vào tâm hồn. Dần dần, trẻ sẽ có những trải nghiệm sâu sắc về bản thân qua sự yếu đuối, cô đơn, bất lực mà chẳng rõ nguyên nhân, thậm chí cảm giác bị cả thế giới bỏ rơi.
Ghen tuông là phổ biến, nhưng nếu chỉ ở dưới ngưỡng chịu đựng thì ghen tuông không thể là tác nhân thúc đẩy hành vi giết người, mà chỉ dừng ở cảm giác lo lắng và mất cân bằng tâm lí, cùng lắm phát triển thành bạo lực giới.
Ghen cùng là bản năng. Bất kể ai khi yêu cũng sẽ ghen. Người đàn ông yêu một cô gái, nếu không ghen khi cô gái có tình cảm với người khác, thì cần phải xem lại người đàn ông đó có yêu thật hay không. Những người có tuổi ấu thơ không ích kỉ, không tham lam, không bị thiếu thốn tình cảm mẹ cha, tức là không bị rơi vào những rối loạn cảm xúc ghen tị, thì khi lớn lên thường không bị ghen tuông mù quáng.
Ghen tuông vượt quá ngưỡng chịu đựng sẽ rất nguy hiểm.
Một người đàn ông trở nên ghen tuông bệnh hoạn, khi bản thân anh ta thấp kém hơn người phụ nữ, làm xuất hiện cảm giác tự ti, cảm giác cô đơn không thể chịu đựng được, quyền lực như bị tước bỏ. Người đàn ông có tâm lí phải giành lại quyền lực. Những lời cay nghiệt và thậm chí là những trận đòn vô cớ sẽ dội xuống đầu người phụ nữ. Bất cứ người đàn ông nào hơn anh ta cũng sẽ bị coi là mối nguy cơ.
Với lòng thù hận được tích luỹ từ thời ấu thơ, khi có đối tượng “nguy hiểm” xuất hiện, thì lòng thu hận ấy sẽ thúc đẩy hành động hung hăng, dẫn đến hành vi giết người để trả thù, để lấp đi sự tự ti kém cỏi, để giành lại quyền lực.
Tránh xa người đàn ông ghen tuông
Về nguyên tắc, người đàn ông có máu cuồng ghen chỉ nên yêu và lấy người phụ nữ kém hơn họ, bằng cách này người đàn ông có thể tránh được những giây phút ghen tuông mất kiểm soát dẫn đến hành vi giết người.
Có 2 loại người ghen tuông quá mức.
Loại người luôn cho mình là nhất, trước họ, chỉ cần người phụ nữ để họ luôn cảm thấy thông minh hơn, vậy là họ hài lòng. Ngược lại, anh ta luôn nghĩ mình là tài giỏi nhất, nhưng chỉ cần người phụ nữ thể hiện mình hoặc nói về một người đàn ông khác giỏi hơn anh ta, thì ngay lập tức anh ta thể hiện sự khó chịu. Tóm lại cái gì người đàn ông ấy cũng phải là số một. Những người đàn ông như thế, lúc nào cũng phải để họ cảm giác mình hơn, nếu không họ cảm thất khó chịu, bứt rứt, bất an và tìm mọi cách chứng minh không thua kém; phụ nữ nếu thực sự thấy mình thông minh tài giỏi thì hãy tránh xa.
Loại người khác, mặc dù phụ nữ luôn khen và luôn tạo cho người đàn ông có cảm giác họ vượt trội, nhưng anh ta vẫn luôn tìm cách gây chuyện, tranh luận hoặc chế nhạo để dìm người phụ nữ xuống, luôn nâng mình lên thành nổi bật. Hãy tránh xa loại người này. Đừng để họ bước vào bất kì góc nào của cuộc đời, nếu không muốn sự rắc rối, bởi một khi đã nâng họ lên cao mà họ vẫn không hài lòng, vẫn tìm cách giẫm đạp, nên khi yêu hoặc lấy làm chồng họ sẽ ghen tuông khủng khiếp.
Ngoài ra, phụ nữ cần tìm hiểu gia thế người đàn ông, thông qua cách dạy con dạy cháu của bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Tránh xa những người đàn ông kém cỏi hơn mình. Một người đàn ông có máu ghen, lại kém hơn người phụ nữ một cái đầu, thì họ sẽ luôn tự ti, rồi nghi ngờ ghen tuông với tất cả những người xung quanh.
Bề ngoài họ rất hiền lành. Họ thể hiện chiều chuộng người phụ nữ. Thậm chí là bi luỵ vì tình. Nhưng tâm tật của họ đố kị ghen ghét và đầy những âm mưu. Họ có thể hư cấu những chuyện hoàn toàn không có thật. Khi cơn ghen lên đỉnh điểm, họ cảm giác bị tước mất tình yêu, cảm giác quyền lực với người phụ nữ không còn, hậu quả sẽ dẫn đến hành vi giết người.
Ghen tuông không chỉ tồn tại ở tất cả mọi người, mà đó còn là trải nghiệm cảm xúc rất phức tạp của con người, chức năng của ghen tuông cũng đa chiều, nó tích hợp những yếu tố tốt và yếu tố xấu. Trong tình yêu, ghen tuông quá mức làm cho người ta cảm thấy đau đớn và hận thù, khi cơn ghen trở nên bệnh hoạn, nó có thể là “kẻ giết người”.
Bởi vậy, những ông bố bà mẹ hãy tìm hiểu về ghen tuông để dạy con, phụ nữ hãy tìm hiểu để tránh xa những người đàn ông ghen tuông bệnh hoạn nếu không muốn phải trả giá bằng mạng sống.
BS TRẦN VĂN PHÚC