Vào cuối năm 2016, Việt Nam đã chính thức lọt vào top 10 thị trường lớn nhất thế giới xét về dung lượng bia tiêu thụ. Theo tính toán, năm 2017, thị trường bia Việt Nam sẽ cán mốc tiêu thụ 4 tỷ lít.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bia hàng đầu của Việt Nam cũng đứng trước thách thức cạnh tranh khi phải chịu rủi ro từ chính sách của Nhà nước đối với ngành bia, rượu, trong đó việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5%, lên mức 60% từ đầu năm 2017 (trong lộ trình tăng thuế lên 65% đến năm 2018) và các chính sách hạn chế tiêu dùng, lạm dụng bia rượu…
TĂNG TỐC SẢN LƯỢNG VÀ BÙNG NỔ BIA MỚI
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, Việt Nam đang dần trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất trên thế giới, trong đó thị trường đồ uống được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt cũng ngày càng chú trọng hơn tới chất lượng của các mặt hàng, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn, tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong và ngoài nước.
Tại Đại hội cổ đông bất thường lần 2 năm 2017 của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, cho biết mặc dù thị trường bia tại Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro từ các chính sách của Nhà nước cũng như sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhãn hàng từ cấp thấp đến cao, nhưng thị trường vẫn được đánh giá là hấp dẫn, đang thu hút sự gia nhập của nhiều đối thủ lớn với nguồn lực tài chính và kinh nghiệm vượt trội.
Trong đó, ngoài các thương hiệu nước ngoài đã có mặt trên thị trường như: Heineken, Sapporo, Carlsberg… thì mới đây một số thương hiệu bia lớn đang tràn vào, trong đó có thể thấy đến từ Thái Lan là Chang Beer được đẩy mạnh thâm nhập thị trường trong nước.
Trước đây, thị trường bia Việt Nam nằm dưới sự chi phối của các thương hiệu bia lớn trong nước như Tổng Công CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Sabeco, thậm chí là Liên doanh Bia Việt Nam… nhưng đến nay thị trường đã thay đổi khi hàng các hãng bia nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư, mở rộng, nâng công suất hay tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp bia trong nước. Còn trong nước, nhiều thương hiệu bia mới phân khúc tầm trung cũng được tung ra các nhãn mới như Sagota có bia chai Sagota Lager, Công ty Sài Gòn – Kiên Giang có KGB, Masan có Sư Tử trắng…
Sự kiện Công ty Anheuser-Busch InBev (Bỉ) khánh thành nhà máy bia Budweiser có công suất 50 triệu lít/năm tại tỉnh Bình Dương vào năm 2015 và nhanh chóng nâng công suất lên 100 triệu lít/năm cho thấy cuộc đua đang nóng. Hoặc Công ty Sapporo (Nhật Bản) sở hữu thương hiệu bia Sapporo cũng đã không ngừng mở rộng đầu tư nâng công suất của nhà máy bia tại tỉnh Long An từ 40 triệu lít lên 100 triệu lít/năm.
Bia Heineken Việt Nam cũng đang nhanh chóng mở một loạt dự án mới tại nhiều địa phương trọng điểm đã và đang đưa vào khai thác. Tất cả cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng thức uống có cồn ở Việt Nam.
LỢI THẾ ĐANG NGHIÊNG VỀ BIA NGOẠI
Theo ông Võ Thanh Hà, với Sabeco thì thị trường khu vực phía Nam vẫn là thị trường chủ lực, trong khi sản lượng và thị phần tại khu vực phía Bắc và miền Trung vẫn tăng trưởng tốt. Bởi vậy mục tiêu của năm 2017 và các năm tiếp theo của Sabeco là tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường ra miền Bắc và miền Trung, cũng như đa dạng các sản phẩm để tiếp cận thêm nhiêu đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, Sabeco đang tiếp tục triển khai việc bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương. Đây cũng là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của năm 2017. Trước đó, Sabeco đã chính thức được niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, trở thành công ty có vốn hóa thị trường hàng đầu tại Việt Nam. Nhiều dự đoán các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chóng nhảy vào mua cổ phần để trở thành chủ nhân ông của thương hiệu này.
Có thể thấy, một trong những lý do khiến nhiều người tin rằng thị phần bia sẽ nhanh chóng nghiêng về phía các hãng bia ngoại nằm ở việc Chính phủ đã có chủ trương bán phần lớn số cổ phần của Sabeco và Habeco trong thời gian tới.
Điều này đã tạo thêm động lực cho nhiều hãng bia trên thế giới muốn nhảy vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ bia tại Việt Nam được đánh giá còn nhiều cơ hội mang lại lợi nhuận khủng vì nền kinh tế đang phát triển và có cơ cấu dân số trẻ, văn hóa uống bia trong giao tiếp rất đặc thù của người Việt Nam.
Còn theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, ngành chế biến thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam là ngành có nhiều tiềm năng. Trong đó, thị trường đồ uống trong nước được đánh giá là đang nóng lên khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào.
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ ngành đồ uống tại Việt Nam còn nhiều cơ hội mang lại lợi nhuận khủng do kinh tế phát triển, văn hóa uống bia trong giao tiếp rất đặc thù của người Việt. Đây chính là điểm nhấn mà các hãng bia lớn đã đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho thị trường, vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải tạo lối đi riêng, trong đó việc đẩy mạnh đầu tư thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng, thay đổi nhãn mác, bao bì… là điều tất yếu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, dù có lợi thế khi người tiêu dùng Việt thường ủng hộ các dòng sản phẩm trong nước, nhưng các hãng bia Việt cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh nhằm giữ vững thị trường.
Việc mua số lượng lớn cổ phần các công ty bia trong nước để tham gia ngay vào thị trường là chiến lược đúng hướng mà các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến, chính là mong muốn được sở hữu các nhà máy bia với công suất lớn hiện có và đặc biệt là nhắm đến hệ thống phân phối rộng khắp, lâu đời của các hãng bia trong nước.
VĂN PHƯỚC