Như bất cứ quốc gia nào trong quá trình phát triển kinh tế thường gặp những phát sinh về vấn đề môi trường. Ở nước ta cũng không khỏi quy luật đó, nhất là vấn đề khói bụi, khí thải. Phát sinh khói bụi, khí thải không chỉ từ các nhà máy công nghiệp, hoạt động xây dựng mà còn từ sự đi lại của hàng triệu phương tiện giao thông như ô tô, xe máy.
Chính vì vậy, nhiều nước đã và đang phát triển đã tìm các giải pháp làm giảm tối đa những phát thải đó, trong đó có việc thay đổi thói quen sử dụng xăng dầu sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch sang dùng xăng dầu sinh học. Vậy xăng dầu sinh học là gì?
Xăng sinh học (Biogasoline) là một loại nhiên liệu lỏng, trong đó có thành phần ethanol ( là loại rượu hữu cơ có công thức hóa học C2H5OH) như một loại phụ gia nhiên liệu thay phụ gia chì. Ethanol này được chế biến thông qua quá trình lên men các sản phẩm hữu cơ như tinh bột, xen-lu-lô, lignocellulose và được pha chế với xăng theo tỷ lệ nhất định phù hợp cho với loại phương tiện sử dụng.
Do ethanol có trị số Octan cao tới 109 (đó là một đại lượng quy ước đặc trưng cho tính chống kích nổ của nhiên liệu) nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số Octane. Thêm vào đó, do phân tử ethanol có chứa oxy nên khi pha thêm vào xăng làm cho hàm lượng oxy trong xăng tăng lên, giúp quá trình cháy trong động cơ triệt để hơn, tăng công suất động cơ, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải, góp phần bảo vệ môi trường không khí.
Đó là lý do vì sao nhiên liệu xăng sinh học được coi là nhiên liệu của tương lai, được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng từ rất sớm. Ví dụ ở Mỹ đã pha ethanol làm chất phụ gia cho xăng với 10% cồn, gọi là xăng E10 vào năm 2005; còn Thái Lan đã sử dụng loại xăng E10 và E20 (pha 10 và 20% ethanol) vào năm 2008 (đến nay đã dùng tới E85, tức 85% ethanol chỉ còn 15% là xăng khoáng).
Còn ở Việt Nam, từ năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2007 phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đền năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 với mục tiêu tổng quát là: “Phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường”. Đồng thời, mục tiêu cụ thể xác định đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250 nghìn tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước; Đến năm 2025 sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Tiếp theo đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ -TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 quy định lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống dùng cho động cơ xăng và động cơ đi-ê-zen của các phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đó, tỷ lệ phối trộn bao gồm các mức sau đây:
-Hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4% đến 5% theo thể tích và được gọi là xăng E5.
-Hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 9% đến 10% theo thể tích và được gọi là xăng E10.
-Hỗn hợp của nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 4% đến 5% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B5.
-Hỗn hợp của nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 9% đến 10% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B10.
Lộ trình thực hiện tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống như sau:
Xăng E5
-Từ ngày 01 tháng 12 năm 2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu là xăng E5.
-Từ ngày 01 tháng 12 năm 2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5.
Xăng E10
-Từ ngày 01 tháng 12 năm 2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu là xăng E10.
-Từ ngày 01 tháng 12 năm 2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10.
Khuyến khích áp dụng
-Trong thời gian chưa thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn theo Lộ trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và đi-ê-zen B5 và B10.
Lộ trình Chính phủ đưa ra là vậy song việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, trước hết là việc sản xuất ethanol, xây dựng cơ sở pha trộn, đổi mới phương thức phân phối… tới việc tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng, cũng như xây dựng, củng cố lòng tin của họ về chất lượng xăng, về sự an toàn với động cơ khi sử dụng… Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thực hiện được nhiều việc.
Từ đầu năm 2014, xăng sinh học E5 đã được sử dụng tại các tỉnh, thành phố nêu trên, đặc biệt, tại 3 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, xăng E5 dần thay thế hoàn toàn xăng RON 92 từ tháng 12/2014. Cho đến nay, theo thông tin của Bộ Công Thương, không có bất cứ khiếu kiện gì của người tiêu dùng, chứng tỏ xăng E5 rất an toàn cho động cơ và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có kiểm định, xác nhận.
Theo thông báo số 255/TB-VPCP ngày 6 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống thì “Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Như vậy, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, xăng RON 92 sẽ bị xóa sổ hoàn toàn.
Tại buổi làm việc cùng đại diện các thương nhân đầu mối xăng dầu, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc vào sáng 7/12/2017 Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nếu khôi phục Nhà máy Ethanol Dung Quất vào Quý 1/2018, khả năng cung cấp ethanol E100 sẽ có khoảng 400.000 m3/năm. Về năng lực các trạm phối trộn, theo báo cáo của Petrolimex và PVoil, có thể đáp ứng đủ nhu cầu xăng E5 cho thị trường với khoảng hơn 6 triệu m3/năm.
Như vậy, để triển khai thành công lộ trình quy định của Chính phủ từ ngày 01/01/2018, việc cần làm là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng, đến tận người tiêu dùng về tác dụng của xăng E5 vừa an toàn với động cơ vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, do sản xuất ethanol ở nước ta chủ yếu đi từ sắn nên việc sử dụng xăng E5 (sau này thêm E10) còn góp phần tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu, nâng cao đời sống.
Có lẽ vẫn đề mà người tiêu dùng còn băn khoăn lúc này là vấn đề thuế bảo vệ môi trường, phí của xăng E5 cũng như sự chênh lệch về giá giữa xăng E5 và xăng Ron 95, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để các mức thuế, giá tiếp tục có sự hấp dẫn hơn, giúp doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng xăng sinh học E5.
SÔNG CHÂU