ĐÔI NÉT VỀ HIỆP HỘI
Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam lần thứ 3, nhiệm kỳ 2016 – 2020.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam được thành lập ngày 13 tháng 6 năm 1991 (khi thành lập có tên gọi là Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam). Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và trực tiếp là Bộ Công Thương với vai trò là Bộ quản lý ngành.
Đến hết tháng 6 năm 2017, Hiệp hội có 129 hội viên, trong đó có 32 hội viên liên kết, là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia, rượu, nước giải khát trong phạm vi cả nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực hỗ trợ có liên quan như cung cứng vật tư, thiết bị cho ngành.
Về cơ cấu tổ chức, Hiệp hội có Ban Chấp hành gồm 45 ủy viên, Ban Thường vụ gồm 15 ủy viên, Ban Thường trực gồm 7 ủy viên. Hiệp hội có Văn phòng, Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam và đang chuẩn bị ra mắt Diễn đàn Văn hóa Uống và Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
Ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển qua từng giai đoạn. Quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số 3690/QĐ-BCT ngày 12 tháng 9 năm 2016 thì mục tiêu được xác định: Xây dựng ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế,… bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, cạnh tranh tốt trong quá trình hội nhập, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu… Sản lượng bia tới năm 2025 là 4.600 triệu lít, rượu 350 triệu lít (trong đó rượu công nghiệp chiếm 40%), nước giải khát 9.100 triệu lít.
Căn cứ các quy hoạch được phê duyệt, các doanh nghiệp trong ngành đã phấn đấu tổ chức sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển… nên đã hoàn thành khá tốt các mục tiêu quy hoạch đề ra, góp phần đẩy lùi được hàng ngoại nhập ngay từ những năm 80 và đến nay vẫn chiếm lĩnh thị trường với nhiều chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu có đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập khi Việt Nam xóa bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết quốc tế. Riêng tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế. Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam là nước tiêu dùng bia đứng đầu Châu Á… là chưa đúng. Theo đánh giá mới nhất của WHO năm 2014 về tiêu dùng cồn bình quân đầu người của Việt Nam có 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 nước thành viên của WHO.
Ngành đồ uống hàng năm đều có mức tăng trưởng sản xuất khá trong ngành chế biến chế tạo và thường cao hơn mức tăng trưởng chung của cả ngành công nghiệp. Sáu tháng đầu năm 2017, chỉ số tăng trưởng sản xuất của toàn ngành công nghiệp là 6,2% so cùng kỳ, của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5% thì của ngành đồ uống tăng 8,5%.
Công nghệ và trang thiết bị sản xuất bia, rượu, nước giải khát của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp có quy mô lớn) nhìn chung đã được đầu tư khá hiện đại, có trình độ cạnh tranh với hàng ngoại nhập, nhất là những nhà máy có quy mô lớn như Bia Sài Gòn – Củ Chi, Bia Hà Nội – Mê Linh, Bia Heineken, rượu Hà Nội (HALICO), nước giải khát Tân Hiệp Phát… Nhờ đó, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; môi trường trong sản xuất cũng bảo đảm vệ sinh, nhất là hệ thống nước thải.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ
Với vai trò tham gia xây dựng, phản biện chính sách và làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội đã tập trung làm tốt việc tham gia xây dựng, phản biện nhiều cơ chế, chính sách có liên quan tới hoạt động của ngành trong nhiều năm qua. Cụ thể là:
Hiệp hội tuyên truyền, vận động các hội viên thực hiện các chủ trương của Bộ Công Thương để phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh hành năm của Bộ; tăng cường kết nối sản xuất với lưu thông phấn phối, nâng cao chất lượng hàng hóa, chống làm hàng giả, hàng nhái, triển khai các cuộc vận động đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu công nghiệp; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Tham gia tích cực trong việc góp ý, xây dựng các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tới ngành bia, rượu, nước giải khát. Nổi bật là việc tham gia ý kiến về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; sửa đổi, bổ sung Nghị định mới thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP về Xúc tiến thương mại; việc tăng cường quản lý rượu thủ công, dán tem rượu…
Hiệp hội cũng đã chủ trì nhiều cuộc hội thảo chuyên môn, kỹ thuật, chính sách nhằm giới thiệu, làm rõ với các cơ quan truyền thông về vai trò, vị trí của ngành trong nền kinh tế đặc biệt là đóng góp ngân sách, giải quyết lao động, tạo việc làm, tham gia các hoạt động an sinh xã hội; vấn đề nhận biết rượu giả, rượu nhái trong chương trình chống hàng nhái, hàng giả; vấn đề xác định giá tính thuế và cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia; vấn đề truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 2 đơn vị SABECO và HABECO theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước…
Hiệp hội còn triển khai nhiều hoạt động khác như tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn cho các hội viên; tổ chức Lễ hội Bia 2 năm/lần; tham giá Hội chợ Xuân hàng năm; tham gia các đoàn công tác của Bộ Công Thương khảo sát kinh doanh rượu làng nghề, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cồn thực phẩm…
Hiệp hội cũng hưởng ứng và tham gia tích cực các Chương trình của Bộ Công Thương như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, chương trình an toàn thực phẩm…
Phú Cường