Lễ Thất tịch gắn với câu chuyện ngày gặp nhau duy nhất trong năm của Ngưu Lang – Chức Nữ, nước mắt hội ngộ làm trời đổ mưa ngâu. Vậy nguồn gốc ngày này là gì, vì sao nhiều người truyền tai ăn chè đậu đỏ cầu duyên?
Từ vài hôm trước, mạng xã hội đã râm ran chia sẻ chuyện về lễ Thất tịch, đặc biệt là câu chuyện sáng ăn cháo đậu đỏ, trưa ăn cơm đậu đỏ, tối thì ăn chè đậu đỏ để “thoát ế” khiến cư dân mạng thích thú.
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi cùng TS Trần Long (Giảng viên khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) để tìm hiểu nguồn gốc lễ Thất tịch, mùng 7/7 âm lịch.
Câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ
TS Trần Long cho biết, các tài liệu về phong tục dân gian, văn hóa Việt Nam không nhắc đến lễ Thất tịch. Đây là ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ nổi tiếng.
Theo đó, chuyện kể rằng có một anh chàng chăn trâu mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh nghèo khó tên là Ngưu Lang. Một ngày chăn trâu trên đồi anh phát hiện ở hồ nước gần đó có 7 nàng tiên đang nô đùa, anh chàng đã phải lòng cô tiên nữ trẻ nhất tên là Chức Nữ, cũng chính là con gái út của Ngọc Hoàng.
Chú trâu của anh biết được đã bày kế cho anh lấy xiêm y của tiên nữ đó để giữ cô mãi ở trần gian.
Tới giờ phải bay về trời, những người chị của nàng Chức Nữ đành bay về hết để lại nàng tìm xiêm y. Thấy vậy, Ngưu Lang mủi lòng bèn đem bộ xiêm y ra trả lại cho nàng và thú nhận tất cả, chàng cũng thổ lộ tấm chân tình của mình và mong muốn lấy nàng làm vợ.
Thấy chàng là người thật thà, chân thành, nàng Chức Nữ đồng ý, từ đó hai người sống hạnh phúc bên nhau dưới trần gian.
Khi phát hiện con gái út mất tích, Ngọc Hoàng đã sai binh lính xuống trần bắt con về trời. Ngưu Lang vì nhớ thương vợ nên đã mang theo hai con đuổi theo nàng. Vương Mẫu biết được nên vạch ra ranh giới giữa hai cõi trần và cõi tiên, đó là sông Ngân Hà.
Vì là người trần nên Ngưu Lang và hai con chỉ có thể đứng được ở bên này để chờ Chức Nữ quay về. Cảm động trước tấm chân tình của hai người, Vương Mẫu đã cho phép Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày Thất tịch (mùng 7/7 âm lịch) trên chiếc cầu Ô Thước do đàn quạ trời tạo nên.
Vào ngày này trời thường mưa, người ta gọi là mưa ngâu, nhiều người cũng xem mưa ngâu này là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ trong đêm mùng 7/7 sẽ mãi mãi bên nhau.
Vì sao ngày Thất tịch ăn đậu đỏ?
Theo TS Trần Long, ở Việt Nam người ta còn gọi là Thất tịch là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”. Người Hoa tính toán chuyển tiết theo lịch âm, thường xê xịch vài ngày so với cách tính chuyển tiết theo lịch dương ở Việt Nam.
Sở dĩ vào dịp mùng 7/7 âm lịch hằng năm, Việt Nam thường có mưa ngâu là do gần với ngày chuyển tiết Xử Thử (chấm dứt những ngày nóng bức nhất trong năm) nên trời thường xuất hiện mưa dầm.
Vài năm trở lại đây, mạng xã hội Việt Nam còn có những bài viết chia sẻ rằng, ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch sẽ giúp cầu duyên, những cặp đôi yêu nhau sẽ càng thêm bền lâu, còn người đang một mình sẽ sớm “thoát ế”. Kèm theo đó là những câu chuyện vui về ăn chè đậu đỏ, cơm hoặc cháo đậu đỏ trong ngày này. Người trẻ ở Hà Nội cũng thường đến chùa Hà để cầu duyên dịp này.
TS Trần Long giải thích, việc rủ nhau ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch có thể giải thích ở hai góc cạnh. Thứ nhất, đó là màu sắc, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, những điều tốt đẹp. Thứ hai, chọn đậu đỏ vì đây là loại đậu có tính ấm, phù hợp với tiết trời mưa ngâu, lạnh giá.
Có thể vì hai lý do trên nên mọi người truyền tai nhau nên ăn đậu đỏ vào ngày này. Hiện nay, mạng xã hội phát triển, phong tục cầu duyên trong ngày lễ Thất tịch vì thế được lưu giữ và ngày càng lan truyền trong giới trẻ.
Theo Thanh Niên