Vui tính nhất đến làm khách ở Văn phòng Chon’s của chúng tôi lâu nay là họa sĩ Nguyễn Linh. Cả tôi và đồng nghiệp Sơn Trường đều quen biết Linh hai chục năm có lẻ, bởi họa sĩ “Linh râu ’’chính là ông chủ quán Cơm Phố lừng danh trên con phố sầm uất Lê Văn Hưu!
Dạo còn làm sếp quản lý ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi hay cùng các nghệ sĩ, diễn viên dẫn đủ khách khứa Tây, Tàu, ra vào, lên xuống ăn mòn bát tại cái quán cơm nửa sang nửa bình dân. Nhưng ri rỉ rì ri, cái gì cũng có tại đó, từ thịt ba chỉ hay chân giò luộc chấm mắm tép, cho tới canh cua mùng tơi, đậu chiên trứng… Rặt là “các món khoái khẩu”!
Ăn uống tại quán Cơm Phố bao giờ cũng vậy, chúng tôi luôn thấy ông chủ quán “Linh râu” (gọi là thế là bởi anh hay để chỏm râu vểnh ra thì phải ?) túc trực hô món, kêu nhân viên phục vụ bàn đâu ra đấy răm rắp, thu tiền liền tay, cứ tiền tươi thóc thật mà nã, chả bao giờ thiếu đồng nào của khách!
Tôi quen bà chủ quán vợ anh – chị Thu Hiền – vốn là một nhà báo xinh đẹp có tiếng thuộc diện kỳ cựu của báo Tiền Phong. Hỏi ra mới biết, cả hai vợ chồng anh đều đã là phóng viên yêu và lấy nhau từ ngày xa xưa. Sau này, Linh râu rẽ ngang bỏ cơ quan nhà nước, đi làm “bách nghệ” đều tài cả, cuối cùng mới về mở quán ăn tại 29 Lê Văn Hưu !
Thưở đói nghèo ấy, đám nghệ sĩ bọn tôi nhìn một họa sĩ trẻ như Linh râu mà có đủ gần ngàn cây vàng, để mua cả một tòa nhà mặt phố mở quán cơm là trợn tròn mắt kính nể!
Ấy thế nhưng đến khi tâm sự thật, chia sẻ với tôi và thằng em dại mê thơ thẩn Sơn Trường – một hôm như bức xúc không thể giấu được “bí mật động trời” mà Linh bỗng chia sẻ.
Đêm đêm, sau giờ đóng cửa hàng Cơm Phố, anh vẫn thích một mình lặng lẽ chui vào chiếc ô tô cỏ chạy ù qua bên kia cầu Long Biên.
Rồi như ma ám, một thân một mình lặng lẽ giữa đêm hôm khuya khoắt, hết đi lên tầng, lại xuống tầng trong tòa nhà đẹp đẽ như “lâu đài của chuyện cổ tích thơm tho”, chẳng vương vấn chút mùi vị béo ngầy ngậy, khăn khẳn của nước xì dầu trên tạp dề ông chủ quán xăng xái luôn lượn qua các bàn hô phục vụ tới liền tay”.
Anh chàng Linh “râu” vận quần soóc cho mát mẻ, đi lại hệt lên đồng, tay tung tẩy bút vẽ trên toan cả chục năm nay!
Ai nghe mà tin cho được dù Linh râu thề sống thề chết với hai anh em tôi và bảo:
“Em chưa bao giờ mời bất cứ đứa bạn họa sĩ nào, cũng như dân phóng viên báo chí thân quen bạn bè bà xã nhà em, cũng chả một ai hay biết cái phòng vẽ khủng của em bên Long Biên. Thật khó tin phải không anh?
Lần đầu tiên hôm nay, em bỗng lên cơn “phá lệ” mời hai người lạ đến thăm phòng tranh của riêng mình. Để các anh được nhãn tiền chứng kiến là “Linh râu” này có xứng đáng với cái danh “họa sĩ” mà các bác cứ viết trên báo chí lâu nay!”
Đã là chiều muộn, cả hai đứa chúng tôi cười phá lên đồng ý, mạo hiểm một phen xem tài vẽ vời của “Linh râu” ra sao! Vì tôi đã nhiều lần hẹn Linh sẽ sang thăm phòng tranh và cổ vật anh sưu tầm kha khá!
Bởi lâu nay “Linh râu” có tên tuổi trong giới sành chơi cổ vật ở đất kinh kỳ này với nhiều món đồ độc! Nhưng cảm nhận vào sự tự tin và giọng nói choang choang như lệnh vỡ của ông chủ quán Cơm Phố, tôi vốn rất nể phục và tin vào điều anh chia sẻ.
Chiếc xe ô tô cỏ mà hàng ngày “Linh râu” vẫn ọc ạch chở cháu đi học, hôm nay chợt quá tải bởi tha thêm hai ông khách bên văn phòng Chon’s từ từ bò qua cầu Chương Dương vào làng Bồ Đề bên Gia Lâm.
Té ra, hai mươi năm trước lúc cả nước còn đang ngu ngơ chưa hiểu rõ gì về giá trị của bất động sản, một bức tranh sơn mài của một họa sĩ có danh có thể đổi lấy một căn hộ thưở đó. Khổ nỗi, chả mấy ai trong giới nghệ sĩ lại thông thạo để ý đến việc ấy.
Vậy mà, một đêm không trăng cuối tháng trời tối như bưng, có một chàng trai dân phố cổ một thân một mình phóng con xe máy “Ốc bươu kim vàng giọt lệ” tới gặp ông chủ vườn cây hoang đang rao bán đất ời ời tại làng Bồ Đề-Gia Lâm. Sau hồi lâu bàn bạc, nhưng quyết rất chóng vánh ngã giã giữa hai bên.
Chàng thanh niên để lại chiếc xe máy “Ốc bươu kim vàng giọt lệ” và nhận lấy tờ giấy sang nhượng 250m2 đất từ tay chủ vườn. Người ấy chính là chàng họa sĩ trẻ Nguyễn Linh đang hăm hở bước vào thị trường bất động sản.
Khi đứng trước tòa lâu đài cửa cao tường kín bên kia phường Bồ Đề, nơi anh dường như được hóa thân, trút bỏ mọi nỗi nhọc nhằn thường ngày để thăng hoa sang đúng vai trò mình là một họa sĩ Nguyễn Linh thực thụ.
Mười năm trước, anh bắt đầu quay lại mảnh vườn hoang năm xưa, mình cắm sổ bằng một chiếc “Ốc biêu kim vàng giọt lệ”, anh đã thấy xung quanh họ lên nhà cửa phố thị sầm uất.
Vậy là lại một cuộc xây dựng khu nhà theo ý “Linh râu” như một Studio chứ không phải chia căn hộ cho thuê như những láng giềng dạo ấy! Bởi lúc ấy, tiền thu được từ quán Cơm Phố của anh đã đủ để anh làm theo ý mình.
Kể cả những thú vui sưu tập bạc tỷ không phải họa sĩ nào ở Việt Nam cũng dám “nổi hứng” xuống tiền mua liền độ 50 con xe đạp Peujo, hay “xuống tay” đón ngay chú Motobike Harlay trị giá đắt hơn cả một chiếc xe ô tô hạng sang!
Chả những thế, trong nhà vẫn thấy đang đắp chiếu những hai con xe khác rõ gớm ! Điều tôi lạ nhất, “Linh râu” cứ kể về thú chơi của mình như chuyện bao đồng trên phố…
Và đêm đêm anh chàng vẫn lẩn mẩn lau chùi xích líp và lắp ráp từng chiếc xe trong bộ sưu tập của mình!
Nom thấy cả hai anh em chúng tôi đã mệt bở hơi tai vụ xem xét xe cộ ở các tầng, “Linh râu” lúc này mới “xòe quạt” toàn bộ kho tranh bí mật khủng khiếp mà anh đã cắm mặt vẽ liên kỳ hồi từ lúc ra trường.
“Linh râu” bảo anh cùng lứa với Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh, Hoàng Hồng Cẩm, Hồng Việt Dũng – những tên tuổi bạn bè đã tưng bừng trong làng mỹ thuật dương đại Việt Nam, dường như khiến cho “Linh râu” có chút gì đó chững lại, lặng lẽ tự thu mình để tu luyện trong phong cách, lối vẽ của mình.
Tôi chỉ ngạc nhiên một họa sĩ dương đại như anh tự chiêm nghiệm, không ảo tưởng và háo danh, trải nghiệm làm mới mình từ các trường phái hiện đại thâu nạp qua sách báo, mạng internet để lặng lẽ để thử nghiệm trên mỗi hòa sắc, nhát bút.
Rồi “Linh râu” có ý tránh xa mọi biến động, các trào lưu hoạt động nghệ thuật ngoài xã hội, anh như kín tiếng ít giao du với đồng nghiệp, không một lời bình phẩm trong mọi kỳ cuộc triển lãm tranh của mọi người.
Nhưng ẩn sâu trong dáng vẻ phớt đời ấy, người ta vẫn thấy bóng hình anh ẩn hiện đâu đó trong mỗi sự kiện nghệ thuật lớn, hoặc giao lưu quốc tế trang trọng, đã ngầm khẳng định “trái tim Linh râu” vẫn luôn hòa nhịp đập cùng hội họa.
Do có điều kiện hơn hẳn các đồng nghiệp hay bạn bè cùng thế hệ cả về kinh tế cuộc sống riêng, “Linh râu” đã chọn được những hộp màu, sơn dầu, toan căng làm bản vẽ, chất liệu tốt ít nhiều giúp cho anh có cảm hứng sáng tạo hơn…
Bắt đầu là hàng trăm tranh chân dung chì than rất có phong cách riêng không trộn lẫn vào đâu của Linh về những bạn bè, đồng nghiệp, người thân anh yêu quí, mỗi gương mặt một vẻ khiến tôi nhìn mà bỡ ngỡ.
Sau đó như một cơn thủy triều về tranh pháo ập xuống từ gác 3, gác 4 với mỗi seri dăm bảy chục bức vẽ acrylic trên toan đẹp mịn màng để lâu, không lo biến mầu như tranh ngoài chợ. Tổng số có đến gần 800 bức tranh đã hoàn chỉnh chỉ chờ đóng khung xuất kho.
Dù đã chuẩn bị tâm thế khá vững vàng trước khi được “Linh râu” đón sang xem tranh, tôi vẫn phải” tâm phục khẩu phục “khi nghe “Linh râu” tưng tửng bảo:
“Chắc chắn nhà các bác từ nay sẽ có con mắt khác khi bước vào quán Cơm Phố gặp thằng “Linh râu” như em! Nó “cũng là duyên”, suốt mấy chục năm nay, em đóng cửa kín mít kho tranh chưa một lần mời bạn bè, đồng nghiệp được em đưa đi xem như hôm nay. À, cách đây chưa lâu, cái chỗ trống trên tường mà các bác thấy đó.
Có một nhà sưu tập trẻ quá yêu quí lối vẽ tranh của em, qua đây chơi nhoáng nhoàng độ nửa tiếng, đã nài nỉ em để lại cho em đó với giá 15.0000 đô la! Vậy là em nghĩ cũng hữu duyên với hai bác bên Chon’s, biết đâu sau hôm nay, nhiều người sẽ biết đến “Linh râu” với tư cách một họa sĩ đã trải nghiệm trên đường nghề, chứ không chỉ là chủ quán Cơm Phố !”
Và tôi hoàn toàn tin vào điều họa sĩ Nguyễn Linh nói khi ra về. Cả tòa lâu đài rạng rỡ tranh và xe đạp, bỗng từ từ theo bàn tay điều khiển Remote của “Linh râu” lại chìm vào bóng tối hệt như anh là một phù thủy tài ba!
TRƯƠNG NHUẬN