Trong xã hội tiêu dùng, lợi nhuận là trung tâm của mọi giao dịch, văn hóa tặng quà đã được mở rộng. Ngày càng nhiều lý do người ta tặng quà cho nhau. Đôi khi, tặng quà bị lạm dụng cho nhiều mục đích. Vì thế, đã có ý kiến cho rằng, nên bỏ lệ này. Tuy nhiên, theo nhà xã hội học người Đức Elfie Miklautz, quà tặng rất quan trọng cho mối quan hệ giữa người với người, bởi bản chất của nó là cho đi mà không mong nhận lại.
Cho đi mang đến niềm vui
– Thế nào là một món quà và nguồn gốc văn hóa của tục tặng quà là gì?
– Quà là cái chúng ta trao đi, có thể là một đồ vật hoặc dịch vụ, mà không hy vọng nhận lại cái gì. Người nhận cũng không phải trả tiền cho món quà đó.
Về mặt lịch sử, tặng quà là một hành động dành cho các nạn nhân/người yếu thế. Mọi người cố gắng làm các vị chúa hài lòng thông qua lễ vật. Những người thường không được nói tới trong xã hội đột nhiên được đặt vào vị trí quyền lực và tặng quà. Người nô lệ được ông/bà chủ tặng những món quà giá trị. Ngay cả người ở vị trí thấp nhất, đặc biệt là trẻ em, cũng nhận được quà.
Gói quà càng đẹp, càng thêm niềm vui
Các món quà cũng là một dấu hiệu hòa bình. Khi hai người cùng bộ lạc gặp nhau lần đầu tiên, họ có thể trao đổi quà để tạo niềm tin…
– Nghi lễ tặng quà đã thay đổi qua thời gian như thế nào?
– Trong xã hội tiêu dùng hiện nay, khi lợi nhuận là trung tâm của mọi giao dịch, văn hóa tặng quà đã được mở rộng. Ngày càng nhiều lý do người ta tặng quà cho nhau, như Ngày lễ tình nhân hay Ngày của cha… Nhưng các yếu tố được xây dựng dựa trên niềm tin vẫn gắn với hành động tặng quà.
Về nguyên tắc, mọi người xem nhận quà như điều gì đó không kỳ vọng phải trả lại cho người khác. Nhưng trên thực tế không như vậy. Khi chúng ta tặng quà cho ai đó, rõ ràng ta sẽ được đáp trả, bằng cách này hay cách khác, thậm chí chỉ đơn giản là lời cảm ơn.
– Tại sao lại khó chọn một món quà phù hợp như vậy?
– Đó là bởi bạn phải nhiều tâm sức để lựa chọn đúng. Bạn cần đặt mình vào vị trí của ai đó, nghĩ xem cái gì có thể làm họ thích thú, vui sướng. Đối với tầng lớp trung lưu, hầu hết ai cũng có thể tự mua được thứ họ thích, nên món quà càng phải đặc biệt, hướng tới thị hiếu người mình tặng, cũng như mối quan hệ giữa bạn với người đó. Món quà cũng phải mang yếu tố bất ngờ.
– Nếu ai đó thất vọng về món quà thì sao?
– Người đó có thể nghĩ người tặng quà không cố gắng tìm hiểu về mình và điều gì có thể làm mình vui. Như thế có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai người, bởi người tặng quà bị cho là không biết gì về sở thích của người mình tặng và không quan tâm đến sở thích ấy.
– Nhưng sao ta cứ kỳ vọng được tặng đúng món quà mà mình mơ ước?
Trẻ em là đối tượng thường xuyên được tặng quà
– Đòi hỏi điều không thể luôn là tốt. Một món quà như vậy là điều không thể, nhất là trong trường hợp cho đi không hy vọng nhận lại.
– Theo bà, thế nào là một món quà ý nghĩa?
– Chắc chắn đó là cái thể hiện kỳ vọng của người này đối với người khác. Tôi đang nghĩ tới những đứa trẻ nhận được một nhạc cụ với kỳ vọng chúng sẽ chơi nhạc hay, hoặc những phụ nữ được tặng đồ liên quan đến phái đẹp với kỳ vọng họ chấp nhận là phái yếu… Những món quà được tặng với ý làm cho người khác thay đổi theo cách chúng ta mong muốn như vậy là một kiểu tặng quà ích kỷ.
– Bà có thể cho lời khuyên về việc tặng quà?
Tặng là cho đi mà không mong nhận lại
– Càng thoải mái càng tốt. Nếu cảm thấy căng thẳng, bạn sẽ cho đó là sự hy sinh cho mối quan hệ với người khác.
– Có người cho rằng không nên trao đổi quà nữa. Bà nghĩ sao về điều này?
– Thỏa thuận kiểu đó quả đáng buồn. Hơn thế, bạn không thể chắc chắn rằng người khác sẽ tuân thủ, để rồi cuối cùng bạn lại nhận được quà mà không phải tặng quà. Trao đổi quà làm phong phú mối quan hệ của chúng ta cũng như luôn là khoảnh khắc vui vẻ. Và chúng ta muốn được ngạc nhiên, vui sướng hoặc được người khác thừa nhận. Quà tặng là công cụ giao tiếp mang đến những thông điệp nhất định. Hãy làm điều đó thoải mái để nó không làm cho thế giới của chúng ta lạnh lẽo hơn.
ANH MINH
Theo DW