Trong thời gian qua, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, có một nội dung được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp góp ý là nên thay đổi tên gọi của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bởi tên gọi hiện nay là chưa phù hợp với thực tế.
Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam (LVA) phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Tọa đàm góp ý xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tham dự Tọa đàm có TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch LVA, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA, GS. TS Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LVA, ông Dương Thành Bắc – Phó Chủ tịch LVA, GS. TS. Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch Thường trực VBA, ông Đỗ Văn Vẻ – Phó Chủ tịch VBA, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico, các chuyên gia pháp luật, đại diện các bộ ngành liên quan, Chi hội Luật gia Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, các phòng ban chức năng của LVA, đại diện các doanh nghiệp ngành Bia – Rượu, các trường đại học…
Tại Tọa đàm, Lãnh đạo VBA đã tóm tắt những nội dung chính trong Tờ trình và Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo, đồng thời đưa ra những thông tin, số liệu lập luận chứng minh một số thông tin, số liệu mà Ban soạn thảo đưa ra là chưa phù hợp và một số quy định trong dự thảo cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Trong đó một số quy định cần điều chỉnh như tên gọi của dự thảo Luật, các quy định về cấm quảng cáo, tài trợ, khuyến mại, giờ, địa điểm bán hàng,…
Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đều không đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bởi tên gọi này không đúng với bản chất và không phù hợp với thực tế. Ban soạn thảo mới nhìn ở góc độ y tế cộng đồng, chỉ tập trung nêu tác hại của rượu, bia mà chưa tiếp cận ở góc độ văn hóa, kinh tế – xã hội cũng như mặt có lợi của bia, rượu. Hiện chưa có quốc gia nào đặt tên là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà chỉ có một vài nước lấy tên là Luật Kiểm soát Đồ uống có cồn.
Các đại biểu cho rằng, tên gọi phù hợp và đẩy đủ nhất là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Luật ban hành là để kiểm soát sản xuất, kinh doanh và kiểm soát tiêu dùng; phòng chống hành vi lạm dụng đến mức có hại, chứ không phải phòng chống bản thân sản phẩm rượu, bia. Các sản phẩm bia, rượu do các nhà máy sản xuất hiện nay sản xuất đều đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người sử dụng. Điều đáng lo ngại và cần kiểm soát chính là các loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, rượu thủ công… Chúng ta cần phòng, chống hành vi lạm dụng đồ uống có cồn, sử dụng quá nhiều, chứ bản thân sản phẩm bia, rượu nếu sử dụng điều độ thì không có hại mà còn có tác dụng đối với sức khỏe (các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh). Do vậy, tên gọi Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn vừa phù hợp với quốc tế vừa đúng với Quyết định 244/CP-2014 về Chính sách Quốc gia Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 mà Chính phủ đã ban hành năm 2014.
Từ lâu, rượu bia đã gắn liền với văn hóa truyền thống ở Việt Nam và thế giới; nếu sử dụng các sản phẩm rượu, bia đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, uống điều độ, không lạm dụng sẽ có lợi cho người sử dụng, tạo hưng phấn trong sáng tác và trong đời sống. Việc sử dụng rượu, bia có văn hóa đó là nhu cầu hưởng thụ và là quyền lợi của người tiêu dùng; còn nếu lạm dụng thì cần lên án, phê phán, luật cần tập trung vào hành vi thiếu văn hóa, điều chỉnh hành vi sử dụng chứ không nên điều chỉnh bản thân sản phẩm. Các doanh nghiệp rượu, bia cũng cần được đối xử bình đẳng, công bằng như với các sản phẩm hàng hóa khác. Luật nên cụ thể hóa trong việc quản lý, kiểm soát rượu không rõ nguồn gốc, đó mới là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ý kiến của các chuyên gia, điều quan trọng nhất của luật là làm sao phải đi vào cuộc sống, có tính khả thi, hài hòa hai mặt của một vấn đề, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp. Luật cần phải có tính thống nhất với các luật khác, đúng với hiến pháp. Việc soạn thảo luật cần nhìn ở nhiều góc độ, tiếp cận một cách rộng hơn, chứ không nên chỉ tập trung vào tác hại. Cần làm rõ thông tin, số liệu, trích nguồn từ các cơ quan có trách nhiệm, chính thống, tránh việc mỗi nơi một số liệu. Hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành rất nhiều, nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa được như mong muốn. Bởi vậy, dự án Luật này cần được làm kỹ lưỡng, khách quan, có tính khả thi, tránh việc luật ra đời nhưng chưa đi vào đời sống… Ban soạn thảo cần bổ sung cách tiếp cận, nhất là tiếp cận lĩnh vực văn hóa – xã hội và kinh tế – xã hội. Ai cũng biết sức khỏe là rất quan trọng, nhưng nếu sử dụng rượu bia có văn hóa, hợp lý thì cũng là chăm lo đến sức khỏe, văn hóa tinh thần của người tiêu dùng.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia, rượu từ trước đến nay đều tuân thủ mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước, họ đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là luôn tích cực, trách nhiệm trong công tác từ thiện xã hội; họ cũng chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng uống có trách nhiệm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Song, thật buồn khi xã hội chỉ nói lên những điều không tốt và đổ lỗi do rượu, bia, họ cần được có cái nhìn khách quan, công bằng, bình đẳng với các lĩnh vực khác… Mỗi sản phẩm đồ uống có độ cồn khác nhau nên cần chịu sự điều chỉnh khác nhau, chứ không nên đánh đồng. Nếu cấm tài trợ các doanh nghiệp rượu, bia cho các hoạt động từ thiện ở trường học thì sẽ giảm nguồn lực giúp đỡ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.
Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, việc kiểm soát nguồn cung quá khắt khe không những không làm giảm tiêu dùng mà còn làm thất thu thuế, doanh nghiệp khó khăn, người lao động mất việc làm… Hiện các doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, không nên bắt buộc họ phải đóng thêm loại phí, loại thuế nào nữa, nên khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, giáo dục tuyên truyền người tiêu dùng uống có trách nhiệm, đã uống rượu bia thì không lái xe…
Nhiều đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát, xử lý tình trạng sản xuất, tiêu thụ rượu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi trong việc sử dụng đồ uống có cồn, cần có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tránh sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc; nên nhìn từ nhiều góc độ, có giải pháp toàn diện để khi luật ban hành đi vào đời sống, có tính khả thi, đạt được hiệu quả như mong muốn…
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đều thực hiện đúng theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, việc sản xuất, kinh doanh ổn định, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội rất tốt. Ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành Bia – Rượu còn luôn quan tâm đến công tác xã hội từ thiện, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện tốt quy chế tự quản, có nhiều chương trình ý nghĩa về uống có trách nhiệm… Tiêu biểu như các doanh nghiệp: Heineken Việt Nam, SABECO, HABECO, Carlsberg Việt Nam… Các doanh nghiệp luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, quan tâm đến phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, phát triển con người, cứu trợ đồng bào bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lụt, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn,… Đồng thời, thực hiện tốt quy chế tự quản, nhất là quy chế marketing ngành Bia, marketing ngành Rượu đã được VBA thông qua và thực hiện trong nhiều năm qua. Hiện nay, các doanh nghiệp rượu trong nước đã triển khai Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực về Uống có trách nhiệm…
Nhằm phòng, chống hành vi lạm dụng đồ uống có cồn, chúng ta tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân thực hiện luật và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi khi sử dụng đồ uống có cồn, cùng thực hiện uống có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
TRƯỜNG VĂN