Người cha 46 tuổi, có bằng đại học, trên tay cầm chiếc nhẫn được gấp cẩn thận bằng tờ tiền 500 tệ, quỳ xuống chân con gái và cầu hôn.
“Lấy anh đi, anh nhất định sẽ làm cho em hạnh phúc!”
Câu chuyện xảy ra ở Đài Bắc vào năm 2013, một người đàn ông có bằng đại học, nhưng lại mang dòng máu động vật nguyên thuỷ đã quan hệ tình dục với chính con gái của mình, chỉ vì quan niệm “con gái là người tình kiếp trước của cha”.
Tôi nghe quá kinh tởm!
Câu nói “con gái là người tình kiếp trước của cha”, tiếng Trung nguyên văn phiên âm chữ Hán là “女儿是父亲前世情人- nữ nhi thị phụ thân tiền thế tình nhân”, tiếng Anh là “a daughter is her father’s lover from a past life”.
Tôi đã nghe nhiều người nói như vậy.
Một số người Việt rất thích trích dẫn câu này, trong hoàn cảnh người bố nói về tình cảm với con gái, hoặc người con gái nói về tình cảm với cha. Một bộ phận người dân Trung Quốc, người Đài Loan, hay những người sử dụng tiếng Trung cũng rất thích nói theo cách như vậy.
Tôi lấy ví dụ Châu Kiệt Luân, một ca sĩ đình đám ở Trung Quốc, anh ra MV “Người tình kiếp trước” với ý tưởng ví von “con gái là người tình kiếp trước của cha”, làm cho rất nhiều fan hâm mộ bật khóc. Một ví dụ khác, nhà văn Lưu Dung người gốc Trung Quốc sống tại Mỹ, trong tác phẩm “Có bao nhiêu tình yêu trong cuộc đời – Nhất sinh năng hữu đa thiếu ái” xuất bản năm 2010, ông viết “có lẽ con gái thực sự là người tình kiếp trước của cha”. Tiểu thuyết tiếng Anh “Punished by His Love – Bị trừng phạt bởi tình yêu của anh ấy” xuất bản năm 2021 tại Singapore, tác giả Suzie cũng viết một câu “It is true that the daughter is the little lover of the father in the previous life – Đúng vậy, con gái là tiểu yêu của phụ thân trong kiếp trước”.
Tôi chọn chữ “tiểu yêu” cho đỡ ngượng mồm.
Báo chí và các diễn đàn mạng xã hội ở Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đã tranh luận về chủ đề này rất nhiều. Có một số bài báo, một số nhà văn hoá trí thức tán thành câu nói này, họ cho rằng nội hàm câu nói thể hiện tình cảm giữa cha và con gái.
Nhưng đa số cư dân mạng xã hội phản đối.
Gần đây Netizen đào lại câu nói cũ của một diễn viên nổi tiếng: “Ba ơi, chắc có lẽ kiếp trước con với ba là người yêu… Con mong rằng kiếp sau mình đừng làm ba con nữa, mình là vợ chồng đi, để tình yêu nó được thăng hoa hơn”. Cư dân mạng đang phẫn nộ & báo chí đang phân tích. Bỗng một người nuôi cá koi nổi tiếng đăng bức ảnh vợ mới cưới là cô ca sĩ với lời chú thích: “Con gái kiếp trước”.
Lần này, các tờ báo đưa ra những lời phân tích rất sâu, một số người chỉ ra nguồn gốc câu nói, nhưng tôi thấy không phù hợp.
Nguồn gốc từ Phật giáo
Tôi khẳng định Đức Phật chưa bao giờ nói câu này! Các học trò của Ngài cũng không nói vậy. Nhưng đó đây trên mạng xã hội Trung Quốc, có người suy diễn từ “Đại bảo tích kinh” hoặc bóp méo “Tây Tạng sinh tử thư”, để cho rằng Đức Phật hoặc quan điểm Phật giáo có giải thích hiện tượng “con gái là người tình kiếp trước của cha”, tôi đọc hoàn toàn không thấy dòng nào chữ nào có ý nói như vậy.
Netizen Trung Quốc đã hư cấu một câu chuyện li kì.
Một ngày nọ, nữ tinh linh mang lòng yêu một người đàn ông, cô liền cầu xin Đức Phật ban cho một điều ước. Phật hỏi tinh linh muốn gì? Tinh linh trả lời muốn đồng hành cùng người đàn ông cô mới nhìn thấy.
Đức Phật giải thích, đồng hành có nghĩa là hoà nhập tinh linh vào cuộc sống của người đàn ông mãi mãi, mà tinh linh là thế giới linh hồn nên bất tử, người đàn ông là con người phàm trần chỉ thọ được 100 năm.
Tinh linh hơi bối rối. Phật nói, nếu tinh linh muốn trở thành con người, thì phải qua thử thách trải nghiệm giới, mà thế giới là đau khổ. Phật cho tinh linh chọn một trong ba điều ước: sắc đẹp, sự giàu có, thông minh.
Lần đầu tinh linh chọn điều ước sắc đẹp.
Đức Phật vẫy tay, ngay lập tức tinh linh biến thành người phụ nữ xinh đẹp, nhưng cô chẳng có gì ngoài sắc đẹp, trở thành gái điếm trong nhà chứa. Người đàn ông chẳng bao giờ yêu một cô gái điếm, cô gái quá đau buồn, cầm kéo đâm một nhát vào tim để trở lại kiếp linh hồn.
Lần thứ hai tinh linh chọn sự giàu có.
Đức Phật vẫy tay, ngay lập tức tinh linh biến thành cô gái có rất nhiều của cải, nhưng không có tình yêu. Cô gái dùng tiền bạc để mua chuộc, người đàn ông vẫn lạnh lùng, trong mắt anh ta cô chỉ là một nữ tử nồng nặc mùi tiền. Quá buồn chán, cô gái lại cầm kéo đâm vào tim.
Lần thứ ba tinh linh chọn trí thông minh.
Đức Phật lại vẫy tay áo, tinh linh ngay lập tức trở thành người phụ nữ rất thông minh. Nhưng người đàn ông không yêu, trong mắt anh ta cô quá thông minh, mọi thứ đều được cô tính toán bằng phương trình chuẩn xác. Cô dùng trí thông minh để tiếp cận người đàn ông, tìm cách sở hữu nhưng không được, cô đau đớn lại đâm kéo vào tim.
Sau ba lần thất bại, trở lại kiếp tinh thần, gặp Đức Phật tinh linh rơi lệ. Chứng kiến tình cảm của tinh linh, Đức Phật rất ngạc nhiên, Ngài quyết định ban cho điều ước cuối cùng.
Tinh linh ước người đàn ông yêu cô mãi mãi.
Đức Phật không nói lời nào, Ngài vẫy tay áo, lần này, tinh linh biến thành cô gái và người đàn ông ôm cô vào lòng, nhẹ nhàng hôn lên đôi mắt đẫm lệ. Người phụ nữ ngạc nhiên khi thấy mình là con gái của người đàn ông và được cha thương yêu suốt đời.
Tôi nhắc lại, đây là câu chuyện do Nitizen Trung Quốc hư cấu, không có trong sách nào cả.
Nguồn gốc từ Freud
Sigmund Freud là một bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo, cha đẻ của thuyết phân tâm học. Ông đề xuất “phức cảm Oedipus” và “phức cảm Electra”, trong đó Electra được các trang báo lấy đó để giải thích cho nguồn gốc câu nói “con gái là người tình kiếp trước của cha”.
Hơi dài dòng một chút, hai phức hợp mà Freud nêu ra, xuất phát từ sử thi “The Metamorphoses” của nhà thơ La Mã cổ đại Ovid, tác phẩm càng ngày càng có sức ảnh hưởng lớn tới xã hộp phương Tây trong việc nghiên cứu tình dục và bạo lực.
Tiếp theo đó, là tiểu thuyết “The Metamorphoses” của nhà văn Kafka xuất bản năm 1915, cuốn sách gối đầu giường về tâm lí, được giảng dạy và nghiên cứu phổ biến tại các trường đại học phương Tây.
“Metamorphoses = Biến thái” trong thơ của Ovid.
Nhưng trong tiểu thuyết của Kafka thì metamorphoses không thể dịch là “biến thái”, mà bắt buộc phải sử dụng thuật ngữ “biến hình” mới phù hợp. Có lẽ đây là mấu chốt! Sự phát triển của thuật ngữ metamorphoses, từ Ovid cho đến Kafka, đã làm cho Freud sử dụng “phức cảm Oedipus” đối với trẻ nam và “phức cảm Electra” với trẻ nữ, vì bản tăng dị tính mà trẻ trai ghen tị với cha, còn trẻ gái ghen tị với mẹ của mình.
Lí thuyết của Freud chia trạng thái ý thức của con người thành ba cấp độ: vô thức (hay tiềm thức), tiền thức, ý thức. Ông tiếp tục chia cấu trúc tinh thần của con người thành ba phần: id, ego và superego.
Freud tin rằng trong độ tuổi từ 3 đến 6, đứa trẻ có sự thay đổi về ham muốn tình dục từ bên trong chuyển ra bên ngoài. Ông cho rằng 3 tuổi, trẻ bắt đầu có cảm giác về đối tượng trong tâm trí của mình, và ham muốn tình dục của trẻ cũng chuyển từ hướng nội tự yêu bản thân sang tính cách dị tính hướng ngoại.
Theo quan điểm của Freud, đối tượng tình yêu đầu tiên của cậu bé chính là mẹ ruột của mình, dựa trên câu chuyện Hy Lạp cổ đại “Oedipus giết cha”, ông gọi đây là hiện tượng “Oedipus căm thù cha mình”, từ đó ông đề xuất “phức cảm Oedipus”. Cũng như vậy, Freud quan niệm trẻ gái 3 – 6 tuổi, thì đối tượng tình yêu đầu tiên của trẻ là người cha.
Lúc này, trẻ gái phát hiện mình không có dương vật, vì bé gắn bó với cha nên bắt đầu ghen tị với mẹ. Freud cũng dựa vào thần thoại Hy Lạp cổ đại Electra giết mẹ để trả thù cho cha, từ đó ông mô tả phức cảm bé gái khao khát thay thế mẹ mình trở thành bạn tình của cha, nhưng ông vẫn gọi đó là “phức cảm Oedipus”.
Carl Jung là người đặt tên “phức cảm Electra” cho bé gái.
Ngày nay, phức cảm Electra không được công nhận rộng rãi trong giới chuyên gia sức khỏe tâm thần, có nhiều người coi những ý tưởng của Freud về sự phát triển tâm lí tính dục là lỗi thời và đầy thành kiến giới, những nội dung này chỉ dựa trên vai trò giới của thế kỉ trước. Tức là, nghiên cứu thực sự chỉ ra rằng trẻ có tìm hiểu về vai trò giới và thiên hướng tính dục thông qua cha mẹ mình.
Freud không viết chữ nào hoặc ý nào “con gái là người tình kiếp trước của cha”, ông chỉ đơn thuần mô tả tâm lí phát triển tính dục của đứa trẻ từ 3-6 tuổi, tính dục của trẻ em là quá trình nhận thức về giới tính nam hay nữ, chứ không phải là tình yêu đôi lứa trai gái, càng không phải là nhu cầu tình dục dưới dạng giao hợp.
Hãy nhớ rằng Sigmund Freud là một người Do Thái, tức là ông theo Do Thái giáo, nên hoàn toàn không có luân hồi, kinh thánh mà Freud theo đuổi khẳng định rõ ràng rằng luân hồi không tồn tại.
‘Nếu cây bị chặt đi, sẽ mọc lại, chồi non sẽ không ngừng. Dù rễ có thể già trên đất, gốc có thể chết trong đất, nhưng khi có mùi thơm của nước, cây sẽ đâm chồi nảy lộc và sinh ra những cành tươi. Nhưng con người chết đi là vứt bỏ thân xác. Con người nằm xuống sẽ không sống lại, cho đến khi các tầng trời không còn nữa, họ sẽ không thức giấc cũng như không bị đánh thức khỏi giấc ngủ vĩnh viễn”.
Đến đây tôi có thể kết luận, quan niệm “con gái là người tình kiếp trước của cha” chỉ mới được một số người suy diễn linh tinh, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, một vài tác phẩm văn học đưa vào nhưng lại được nhiều người trích dẫn như câu nói kinh điển.
Với tôi, dù là ngôn ngữ tiếng Việt hay tiếng Trung, thậm chí cả tiếng Anh, đều thể hiện sự hiểu biết chưa đầy đủ, nó không phù hợp với văn hoá và văn minh của loài người. Hậu quả của sự trích dẫn này đã nhìn thấy. Đó là vụ người cha quan hệ tình dục và cầu hôn với con gái ở Đài Loan.
Hay thời gian gần đây, tôi được biết có những cô gái đòi quà người cha trong ngày Valentine, có những “cặp đôi” cha con tổ chức ngày lễ tình nhân, mới có “Sugar daddy – Sugar baby” và họ tưởng như vậy mới văn minh tiến bộ, thực chất đó là BIẾN THÁI.
BS. TRẦN VĂN PHÚC