Tại nhiều buổi tọa đàm do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đều cho rằng tên dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và một số quy định mà Bộ Y tế soạn thảo là chưa phù hợp với thực tế, cần được điều chỉnh cho hợp lý.
VBA xây dựng Quy chế Marketing ngành Rượu từ năm 2011
RƯỢU BIA CHỈ CÓ TÁC HẠI KHI LẠM DỤNG?
Về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới nghe tên gọi đã có nhiều ý kiến phản ứng là chưa phù hợp, bởi các lý do sau:
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đều khẳng định, bản thân các sản phẩm rượu, bia không có hại mà chỉ khi người sử dụng quá lạm dụng, uống quá nhiều mới không tốt. Đối với sản phẩm rượu, bia nếu sử dụng điều độ, hợp lý còn tốt cho sức khỏe. Các nghiên nghiên cứu cho rằng, uống bia điều độ có tác dụng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim; giúp chống lại căn bệnh Alzeimer; ngăn ngừa sỏi thận; giảm nguy cơ ung thư; giảm mức cholesterol; điều hòa huyết áp, giúp xương chắc khỏe; giảm nguy cơ đột quỵ; làm đẹp da, mượt tóc… (chi tiết mời quý vị đọc bài Bia & Sức khỏe, 10 tác dụng của bia trong số này).
Về ngữ nghĩa, lạm dụng có nghĩa là sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn đã được quy định, ví dụ lạm dụng lòng tốt của người khác, lạm dụng quyền lực, lạm dụng thuốc ngủ, lạm dụng đồ uống có cồn… Trong cuộc sống cái gì lạm dụng cũng không tốt, ăn quá nhiều cơm, nhiều thịt, uống nhiều thuốc, ngủ nhiều quá cũng không tốt. Trong Quyết định 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, có nêu quan điểm: Lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng, đến gia đình, cộng đồng và kinh tế – xã hội. Nhà nước không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Thông tin, giáo dục, truyền thông là biện pháp quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.…
Do vậy, chúng ta chỉ nên phê phán hành vi uống quá nhiều, vượt khả năng của mình, chứ không thể nói tác hại của rượu, bia một cách chung chung. Hơn nữa, các sản phẩm rượu, bia thường được dùng để tiếp khách quý, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, không ai tiếp khách uống và thắp hương cái có tác hại được. Cách đây hơn 10 năm, vang Đà Lạt vinh dự được Chính phủ chọn làm đồ uống để tiếp lãnh đạo các quốc gia tham dự APEC. Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Obama khi sang thăm Việt Nam cũng đã thưởng thức Bia Hà Nội và ăn bún chả. Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm giới thiệu, quảng bá ẩm thực, đồ uống, đặc trưng văn hóa của họ tới du khách và các nguyên thủ quốc gia khi tới thăm.
Vào dịp lễ tết, giỗ chạp, các gia đình Việt đều bày bia, rượu để thắp hương gia tiên. Trong những buổi giao lưu, gặp mặt, cưới hỏi, chúng ta đều chuẩn bị đồ uống để mời khách… Do vậy, không thể nói bia, rượu có tác hại được, người Việt luôn hiếu khách, bao giờ cũng lựa chọn những đồ ăn ngon, thức uống đảm bảo an toàn, chất lượng để mời khách, không ai mời khách uống cái tác hại cả.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao ban đầu, Bộ Y tế xây dựng dự thảo đặt tên dự án luật là Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia nhưng sau lại sửa lại tên thành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong khi đó cách đây 4 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Vậy tại sao khi xây dựng dự thảo Luật này, cơ quan soạn thảo lại lấy tên là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà không để tên như Quyết định 244 của Thủ tướng Chính phủ?
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã từng phát biểu trong một tọa đàm rằng: Nếu quan niệm coi rượu bia là có hại thì khác gì ta tự tước đoạt đi giá trị văn hóa đã tồn tại rất lâu rồi không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Đằng sau văn hóa chính là nguồn lực kinh tế trong quá trình hội nhập mà chúng ta cần giữ gìn và phát triển… Rượu, bia là một nét văn hóa, nhưng nó chỉ có văn hóa khi con người ứng xử, nhận thức và sử dụng nó một cách có văn hóa. Chúng ta cần thống nhất về nhận thức, làm sao cho giá trị văn hóa đó tiếp tục được phát huy trong xu hướng hội nhập…
Cách đây mấy năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động chương trình hành động toàn cầu phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, khuyến khích các quốc gia hưởng ứng chương trình sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có chương trình hưởng ứng riêng, nhưng chưa có quốc gia nào (trong số 4 quốc gia đã ban hành luật) lấy tên luật là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia như ở ta, mà họ chỉ đặt tên là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hay phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. WHO chỉ khuyến khích thực hiện Chính sách phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn, vì bản thân rượu, bia gắn liền với văn hóa của quốc gia đó, trong các buổi tiệc chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia, các nước cũng sử dụng rượu, bia để mời khách.
Hiện nay, rượu, bia được sản xuất theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, việc sản xuất, kinh doanh ổn định, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội rất tốt, hàng năm, riêng ngành đã nộp ngân sách khoảng 50 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, sản phẩm không những đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu, sản xuất đạt trình độ cao so với khu vực và thế giới, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Nếu cần thiết phải có luật này thì nên đổi tên thành dự án Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, bởi sản phẩm đồ uống ngoài rượu, bia còn có các sản phẩm có chứa cồn khác…
KHÔNG NÊN CÓ THÊM MỘT “LOẠI THUẾ” NỮA
Các nhà máy bia hiện nay đều được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, tự động hóa
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đang gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu như malt, gạo tăng, rồi thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng lên 5% (từ 60% lên 65%)… ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nay dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia lại đưa ra quy định về lập Quỹ nâng cao sức khoẻ cộng đồng, các doanh nghiệp bia, rượu phải đóng 2% tổng doanh thu/năm thì sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Như vậy, chẳng khác nào họ lại phải chịu thêm một thứ thuế nữa. Nếu tính mức thu 2% thì toàn ngành Bia – Rượu mỗi năm phải đóng hơn 1.000 tỷ đồng vào quỹ, điều đó sẽ khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp rất nhiều khó khăn. Để duy trì sản xuất thì họ phải tăng giá bán sản phẩm, dẫn đến người tiêu dùng phải cân nhắc lựa chọn khi sử dụng sản phẩm. Điều này có thể lại tạo cơ hội cho hàng lậu, hàng giả phát triển, người tiêu dùng chọn sản phẩm giá rẻ hơn, không đảm bảo an toàn thực phẩm… Nếu các doanh nghiệp khó khăn thì sẽ ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách và nhiều người lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm.
Trong thời gian qua, Chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển, không lạm thu, tận thu, nhất là không phát sinh thêm các quỹ chưa thật sự cần thiết. Vì vậy, dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo cần thiết bỏ quy định về lập quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng, vì nó chưa thật sự cần thiết trong lúc này, thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó Quỹ thuốc lá cũng chưa thật sự hiệu quả, người hút thuốc lá không giảm, buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra nhiều, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách… Để đảm bảo nguồn thu ngân sách cần phải nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp làm ăn thuận lợi thì mới đóng góp lớn cho ngân sách, còn ngược lại thì sẽ giảm nguồn thu và người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi do hàng lậu, hàng giả bán giá rẻ. Vì vậy, việc thành lập Quỹ nâng cao Sức khỏe cộng đồng do Bộ Y tế đề xuất cần phải nghiên cứu, xem xét lại. Cần có đánh giá tác động của việc lập quỹ sẽ như thế nào, tác động đến nguồn thu ngân sách ra sao? Mục đích của việc xây dựng quỹ để làm gì? Quản lý quỹ ra sao? Nói đến sức khỏe cộng đồng còn liên quan đến nhiều ngành khác như vấn đề án toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… tại sao chỉ thành lập quỹ đối với rượu bia? Trong khi đó, quỹ đối với thuốc lá hiện nay chưa có đánh giátổng kết những mặt được và chưa được, số lượng người hút thuốc lá vẫn cao, buôn lậu vẫn gia tăng… Hiện trên thế giới chưa thấy nước nào lập Quỹ đối với bia, không ai coi bia là sản phẩm có tác hại. Do vậy, Việt Nam cũng cần cân nhắc kỹ việc này.
Một vấn đề cần bàn nữa là, hiện nước ta đã xây dựng 85 văn bản quy phạm pháp luật gồm: luật, nghị định, quyết định, thông tư liên quan đến rượu, bia. Trong đó, có các quy định khá đầy đủ, chặt chẽ. Vậy có cần thiết phải thêm một đạo luật mới nhắc lại các quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại liên quan đến rượu, bia như trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia? Việc quy định cấm quảng cáo, tài trợ các chương trình khuyến mại không chỉ ảnh hưởng lớn đến các DN, người tiêu dùng mà còn không phù hợp với các quy định của WTO. Hiện nay, các DN ngành Bia – Rượu đang thực hiện tốt quy chế tự quản, nhất là quy chế marketing ngành Bia, marketing ngành Rượu đã được VBA thông qua và thực hiện trong nhiều năm qua.
Việc chúng ta cần làm hiện nay là thực thi các luật đã ban hành cho tốt và có hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân thực hiện luật và nâng cao nhận thức, hành vi khi sử dụng đồ uống có cồn, uống có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
TRƯỜNG VĂN