Năm 2017, Thư viện Thơ ca Quốc gia thuộc Southbank Centre (Anh) đã phát động dự án Endangered Poetry với mục đích tập hợp thơ ca của hàng nghìn ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất, và bảo tồn chúng cho thế hệ tương lai. Kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, dự án mong muốn sẽ bảo tồn được ít nhất mỗi ngôn ngữ một bài thơ, song song với bản dịch tiếng Anh.
Bảo tồn truyền thống thơ ca cho các thế hệ sau
Hành trình gian nan
“Họ bay tới Port Moresby ở Papua New Guinea, sau đó bắt chuyến xe buýt ba ngày, rồi đi bộ qua một ngọn núi, tiếp tục đi ca nô đến cái vịnh nhỏ chỉ có 300 dân này”. Đó là công việc của Indiana Jones – nhưng không đơn giản như đi tìm kho báu trong rừng. Mục đích của hành trình này là thu thập một ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất. Những con người mạo hiểm đến nơi xa xôi nhất thế giới này không phải nhà thám hiểm, mà theo Mandana Seyfeddinipur – người đứng đầu Trung tâm Lưu trữ những ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm (Endangered Languages Archive) ở London – họ chỉ là “những nghiên cứu sinh với chiếc máy ảnh điện tử, máy ghi âm kỹ thuật số và những tấm pin mặt trời”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC Culture, Seyfeddinipur cho biết: “Họ sống với người dân địa phương nhiều tháng liên tục, xây dựng mối quan hệ thân thiết với dân, nói chuyện và ghi âm những gì họ nói. Khi quay lại, họ đưa cho tôi chiếc thẻ SD. Nhận nó mà lòng tôi nặng trĩu, vì có lẽ bản ghi âm duy nhất chúng tôi có được về ngôn ngữ này nằm trong chiếc thẻ SD nhỏ xíu ấy”.
Seyfeddinipur đã làm việc với Thư viện Thơ ca Quốc gia (NPL) để bảo vệ những ngôn ngữ có nguy cơ biến mất. Seyfeddinipur cho biết: “Vào cuối thế kỷ XXI này, tức là trong 85 năm tới, chúng ta sẽ mất 3.500 ngôn ngữ, đồng nghĩa với một nửa trong số 7.000 ngôn ngữ được nói hiện nay sẽ rơi vào im lặng. Chúng ta đang mất ngôn ngữ bằng tốc độ thế giới mất đi những con khủng long ở giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt thứ năm”. Mặc dù đó là một quá trình tự nhiên – “con người di chuyển đến một nơi nào đó, họ từ bỏ ngôn ngữ của mình, thích ứng với một ngôn ngữ khác”, Seyfeddinipur lập luận – nhưng quá trình này đang diễn ra nhanh chưa từng thấy. “Do toàn cầu hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, mà quá trình này đã vượt xa những gì chúng ta từng thấy”.
Ngôn ngữ mở ra thế giới!
Dự án Endangered Poetry được triển khai với mục đích khắc phục phần nào những mất mát đó. Chris McCabe, thủ thư tại NPL cho biết: “Ngôn ngữ đang chết với tốc độ kinh ngạc, trung bình hai tuần có một ngôn ngữ biến mất. Mỗi ngôn ngữ đều có chất thơ, dù ở dạng viết hay nói, và chất thơ ở dạng nói hoàn toàn khác về cách tiếp cận, phong cách so với dạng viết. Chất thơ ấy có thể kể cho bạn biết về những con người đang dùng nó, họ thích gì, quan tâm điều gì”.
Dự án kêu gọi cộng đồng gửi tới những bài thơ sáng tác bằng ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm hoặc nguy cơ tuyệt chủng cao. McCabe cho biết: “Trong tuần đầu tiên, chúng tôi đã nhận được hơn chục bài bằng khoảng mười ngôn ngữ. Bao gồm cả những bài bằng tiếng Breton và Vannes (phương ngữ của tiếng Breton). Chúng tôi nhận được một bài bằng tiếng Alsatian, và phương ngữ Logudorese (của tiếng Sardinian). Chúng tôi cũng quan tâm đến những biến thể của một ngôn ngữ khi nói ở những nơi khác nhau”.
Thơ ca tiết lộ nhiều điều về người nói thứ ngôn ngữ ấy. “Các bài thơ chúng tôi nhận được từ Sardinia tập trung vào những dãy núi ở đó”, McCabe chia sẻ thêm. “Điều đó cho thấy, con người ở đây rất yêu mến những ngọn núi, chúng là nguồn thi hứng của họ. Tương tự, những bài thơ bằng tiếng Gaelic đọc lên nghe mới trữ tình làm sao, điệp ngữ liên tục được sử dụng, tựa một khúc ca. Trong những tác phẩm này, sự tách bạch giữa thơ và nhạc là rất nhỏ. Thơ ca cho chúng ta thấy, những con người ở đây thích trải nghiệm nghệ thuật nào, những gì quan trọng với họ trên mảnh đất này”.
Theo Seyfeddinipur, những bài thơ cũng có thể nói cho độc giả biết về bản thân mình. Seyfeddinipur nhớ lại: “Nếu tìm hiểu về các phép ẩn dụ mà họ sử dụng, sẽ đưa bạn đến với một thế giới quan khác. Tôi là người Iran, lớn lên ở Đức, khi đến Mỹ, tôi rất lạ khi biết màu xanh (blue) là nói đến nỗi buồn. Nghe điều đó lần đầu tiên, tôi gần như thốt lên: ‘Gì cơ? Với tôi, màu xanh là hy vọng, là biển, là trời’. Quan niệm màu sắc đó hoàn toàn xa lạ với tôi. Trong văn hóa Mỹ, màu xanh có nghĩa là trầm cảm – trước đó tôi không có sự liên tưởng như vậy. Đúng là ngôn ngữ mở ra thế giới, mở ra những quan điểm”.
Thư viện Thơ ca Quốc gia ở London
Thế giới mở ra theo cách bạn nhìn
Seyfeddinipur tin rằng, cần bảo vệ khẩn cấp loại hình nghệ thuật đặc biệt này. “Thơ ca là một biểu thị phức tạp của ngôn ngữ và nó đang biến mất. (Con người trong từng cộng đồng đã tạo ra những biểu thị còn phức tạp hơn thế của ngôn ngữ, đó là ý nghĩa vẻ đẹp của thế giới trong ngôn ngữ của mình). Những câu chuyện, nghi lễ tô điểm cho các di sản văn hóa, nhưng lại biến mất đầu tiên vì giới trẻ không thích”, Seyfeddinipur nói. “Cha tôi là người Ba Tư, ông có thể ngồi đọc thơ Hafez nhiều giờ. Tôi không thể làm điều đó. Ông nói, chúng tôi phải đọc thơ Hafez, để (ít nhất) biết mình đang có gì”.
Southbank Centre đã ủy thác cho bốn nhà thơ sáng tác bằng ngôn ngữ của bộ tộc mình, những ngôn ngữ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Joy Harjo là một trong bốn nhà thơ đó, cô là người Mvskoke. Harjo cho biết: “Khi tôi làm thơ, lúc chọn từ, rõ ràng tôi suy nghĩ bằng tiếng Mvskoke, nhưng viết ra lại là tiếng Anh”. Không dễ dàng chút nào. Và cô mất kiên nhẫn, đành làm việc với một dịch giả. “Tôi chưa phải một nhà thơ Mvskoke, tiếng của bộ tộc mình. Tôi nhận ra mình còn rất nhiều điều chưa biết, nhưng tôi đang tìm hiểu nền văn hóa đó sâu sắc hơn”, Harjo thú nhận.
Theo Seyfeddinipur, “khi bạn đọc thơ, thế giới mở ra theo cách bạn nhìn thấy và đón nhận nó. Hiểu chỉ là một cách, còn khi muốn trốn vào một thế giới khác thì bạn lại cho nó mang nghĩa ngược lại. Nó luôn ném bạn trở lại nơi bạn đang đứng, hay nơi bạn sinh ra. Nó làm suy nghĩ của bạn nhanh nhẹn hơn, vì phải linh hoạt. Nghĩ về tất cả những từ “không thể chuyển ngữ” – những từ không thể dịch sang ngôn ngữ khác chỉ bằng một từ đơn, mà phải dịch dưới dạng giải thích. Angst, hay zeitgeist là những khái niệm hoàn chỉnh, phản ánh quan điểm văn hóa về thế giới, và không thể dịch đơn giản theo cách thông thường”.
Biết nhiều thứ tiếng đồng nghĩa với việc chúng ta không bó hẹp hiểu biết của mình. “Tất cả khoa học ngôn ngữ hiện nay – tất cả kiến thức về những gì được cho là phổ quát hoặc chân lý – xuất phát từ một vài ngôn ngữ”, Seyfeddinipur nói. “Khi chúng tôi nói ‘mỗi ngôn ngữ đều có điều này’, bạn nghĩ đến bao nhiêu ngôn ngữ – 20 ư?”
Ngôn ngữ, chủ quyền và tình yêu
Trích bài thơ của Harjo, dịch từ tiếng Mvskoke
McCabe cho biết: “Chúng tôi đang xem danh sách những ngôn ngữ bị đe dọa của UNESCO nhưng chúng tôi cũng quan tâm đến những ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm bởi lý do không rõ ràng. Có thể do hỗn loạn chính trị, hay họ là một nhóm người bị gạt ra bên ngoài, buộc phải trốn khỏi nơi nào đó. Như thế, ngôn ngữ của họ có nguy cơ bị mất là do yếu tố chính trị”.
Trong số bốn tác giả được Southbank Centre ủy thác, còn có nhà thơ Iraq Nineb Lamassu, người làm thơ bằng tiếng Assyrian, ngôn ngữ không được công nhận chính thức ở Iraq; và nhà thơ Uganda Nick Makoha, người đã chọn ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Luganda, nhưng ông đã buộc phải bỏ nó khi trốn khỏi chế độ độc tài Idi Amin. Với Harjo, sự biến mất của một ngôn ngữ có thể bản thân nó là một động thái chính trị: “Trong ký ức của chúng tôi, Mvskoke và tất cả những gì liên quan đến nó, địa danh, lịch sử đều bị liệt vào tiếng Mvskoke. Ở trường nội trú Ấn Độ cuối những năm 1960, mặc dù là một trường nghệ thuật, khá tiến bộ, vậy mà chúng tôi đã bị phạt vì nói tiếng bộ lạc mình”.
Tuy nhiên, Harjo cũng cho rằng, “dùng ngôn ngữ dân tộc mình là một hành động biểu thị chủ quyền và tình yêu“.
LAN HƯƠNG (theo BBC)