Mới đây, vào ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đây là lần đầu tiên triển khai Luật này ngay sau khi được Quốc hội thông qua, được giới chuyên môn đánh giá là nhanh, dù chưa có Nghị định hướng dẫn. Hội nghị do Bộ trưởng Y tế và Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì, có sự tham dự của đại diện UB các vấn đề XH, UB đối ngoại của Quốc hội và Lãnh đạo các Sở Y tế của các tỉnh Phía Bắc.
Cụ thể, tới dự có bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông Bùi Ngọc Chương – Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG); Ths. Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), ông Nguyễn Trọng An – đại diện Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm VN ( NCDs-VN); cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, đại diện một số Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp ngành đồ uống sản xuất rượu bia… Ông Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị.

Tại Hội nghị, bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, giới thiệu tóm tắt các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, luật này đã đề cập tới các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác sử dụng rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi không được sử dụng rượu, bia; người bán không được bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; không được sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi; cán bộ, người lao động không được uống rượu, bia ngay trong, trước giờ làm việc và giữa các ca nghỉ; người điều khiển các phương tiện giao thông không được có nồng độ cồn trong máu; kinh doanh rượu, bia không có giấy phép…
Các địa điểm không được uống rượu, bia như: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập và làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia; các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ. Trong đó, quảng cáo không thể hiện các nội dung như: có thông tin khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai…
Về điều kiện bán rượu, bia theo thức thương mại điện tử, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia phải đáp ứng quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 15 và Điều 18 của Luật này; đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử; thực hiện biện pháp theo quy định của Chính phủ để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia; áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Liên quan tới quy định quản lý sản xuất rượu thủ công, Luật này quy định các hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khai gửi UBND cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán ra ngoài thị trường theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Việc kê khai không phải nộp phí, lệ phí…
Về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cũng quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông…
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đã đưa ra kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan để cùng phối hợp tổ chức và triển khai thực hiện Luật. Trong đó, bao gồm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về các nội dung cần thực hiện của các cơ quan, thời gian và tiến độ hoàn thành công việc về công tác phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản quy định chi tiết; rà soát các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia để đề xuất sửa đổi, bổ sung thay thế; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực thi Luật.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà Bộ Y tế đưa ra có nhiều quy định cụ thể nhưng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để nâng cao hiệu quả của Luật hơn nữa. Bên cạnh xử phạt cần có sự tự giác, không quá khắt khe về công tác xử phạt và nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều được biết và tự giác thực hiện.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, đại diện Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm VN ( NCDs-VN), đã khẳng định sự phối hợp và tham gia tích cực của NCDs-VN trong quá trình xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Tới thời điểm này, ông An đề xuất cần đẩy mạnh Mạng lưới Tiếng nói của Nạn nhân NCDs và mong muốn được tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế cũng như các Bộ ngành trong quá trình xây dựng các văn bản dưới Luật và giám sát việc thực hiện Luật.
Ở phương diện đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất rượu bia trong ngành đồ uống, Ths. Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch Thường trực VBA, cho biết bản thân các doanh nghiệp trong hiệp hội cũng đã ý thức được những quy định của Luật Phòng, chống tác của rượu, bia. Trong kế hoạch năm 2020, Hiệp hội VBA đã có nội dung tổ chức triển khai thi hành Luật, tổ chức phổ biến, quán triệt và có kế hoạch thực hiện trong các doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội.
Cụ thể, tước khi Luật Phòng, chống tác tại của rượu bia ra đời, VBA đã phối hợp với các cơ quan triển khai quy định đã uống rượu – bia không lái xe. Trong đó, phối hợp với Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai các hoạt động như: tuyên truyền phổ biến đã uống rượu, bia không lái xe, đo nồng độ cồn, xây dựng các câu lạc bộ phụ nữ lên tiếng về uống có trách nhiệm, tổ chức ký kết thỏa thuận với những siêu thị có quy định không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, VBA đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương góp ý xây dựng dự thảo Nghị định với hy vọng văn bản đi vào cuộc sống có tính khả thi, bảo đảm được lợi ích hài hòa giữa vai trò quản lý của nhà nước với vấn đề đảm bảo sức khỏe của nhân dân, người tiêu dùng, quyền và lợi ích của các doanh nghiệp.
VĂN THIÊN LỘC