Những con số không thể nào quên, những cột mốc chưa thể nào nguôi day dứt. Quá trình chống dịch tại khu phố 1, phường 5, quận 8, trong đó có đơn vị nòng cốt là chung cư Giai Việt, đã nỗ lực cùng nhau vượt qua đại dịch. Bây giờ nhìn lại không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại những tháng ngày đau đớn ấy, nhưng cũng là động lực để hôm nay sống tốt hơn.
Phần 1 – Ký ức Covid-19 không bao giờ quên tại TPHCM
Ký ức COVID-19 – Làn sống dịch đợt 1 & 2 năm 2020
Ngày 23/01/2020 (29 Tết năm Canh Tý), Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận 2 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc), là nơi xuất phát các ca bệnh đầu tiên trên thế giới. Và đó là ngày đánh dấu cuộc chiến chống COVID-19 chính thức bắt đầu.
Ngày 30/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 30/01/2020, phát hiện 3 công nhân từ Vũ Hán về xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc dương tính.
Đặc biệt, ngày 13/2/2020 lần đầu tiên phong tỏa, cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với gần 11.000 người dân trong đó có 11 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Tối ngày 6/3/2020, Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam.
Ngày 10/3/2020, xuất hiện bệnh nhân “siêu lây nhiễm” – bệnh nhân thứ 34 lây nhiễm cho 11 người khác.
Tối 11/3/2020, WHO chính thức công bố Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) là đại dịch toàn cầu.
Ngày 16/3/2020, yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người.
Ngày 20/3/2020, 2 nữ điều dưỡng của Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai mắc bệnh COVID-19 (BN86, BN87), lây lan ổ dịch 44 người.
Ngày 20/3/2020, Bộ Y tế thông tin một bệnh nhân là phi công người Anh (BN91) có liên quan đến quán Bar Buddha, Thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đó, phát hiện tất cả 18 bệnh nhân.
Ngày 21/03/2020, Việt Nam tạm ngưng nhập cảnh khách nước ngoài. Ngày 01/04/2020 cách ly xã hội trên phạm vi cả nước.
Ngày 24/4/2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 19 về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Đất nước chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 210 quốc gia, lãnh thổ. Tính đến 6h ngày 4/5/2020, thế giới ghi nhận 3.561.887 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 248.084 ca tử vong.
Sau 99 ngày không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, Việt Nam đã phải đối phó với một làn sóng dịch thứ hai, đến bất ngờ và dữ hội hơn lần trước, với tâm chấn là thành phố du lịch Đà Nẵng.
Ngày 25/07/2020 phát hiện bệnh nhân thứ 416 tại Đà Nẵng nhưng không truy được nguồn lây nhiễm. Đã có phong toả đối với Bệnh viện C Đà Nẵng. Từ đó phát hiện them 553 ca nhiễm tại Đà Nẵng và các tỉnh thành khác.
Ngày 28/07/2020, Đà Nẵng giãn cách xã hội.
Ngày 31/07/2020, Việt Nam ghi nhận ca tử vong đầu tiên là bệnh nhân 428 (70 tuổi, Hà Nam).
Ngày 11/09/2020, Đà Nẵng nới lỏng cách ly xã hội.
Ngày 15/09/2020, chính thức nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế.
Ngày 24/09/2020, Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 “để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Ký ức COVID-19 – Làn sóng dịch đợt 3 năm 2021
Ngày 28/1/2021, Hải Dương giãn cách xã hội sau khi có 72 ca nhiễm cộng đồng. Ngày 16/2/2021, Hải Dương cách ly xã hội toàn tỉnh.
Ngày 3/3/2021, Hải Dương kết thúc cách ly xã hội toàn tỉnh sau 15 ngày. Ngày 8/3/2021, bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19.
Ký ức COVID-19 – Làn sóng dịch đợt 4 năm 2021
Ngày 27/4/2021, Việt Nam xác nhận BN 2857 là lễ tân khách sạn bị lây từ các chuyên gia người Ấn Độ. Tháng 4, xuất hiện các chuỗi lây nhiễm COVID-19 từ người cách ly khiến Việt Nam tăng cường trở lại mức độ phòng chống dịch bệnh.
Ngày 27/5/2021, TP.HCM ghi nhận 36 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, khiến nhiều khu vực ở 16 quận/huyện bị phong tỏa.
Ngày 31/5/2021, TP.HCM ra lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố.
Ngày 7/7/202, ca tử vong thứ 100 là bệnh nhân 12.411 (62 tuổi, TP.HCM).
Ngày 9/7/2021, số ca nhiễm tăng nhanh, TP.HCM quyết định tăng cường mức độ giãn cách bằng cách áp dụng Chỉ thị 16. Trong thời gian đó, nhiều tỉnh thành phía Nam dịch diễn biến phức tạp.
Cuối tháng 7/2021, ghi nhận mốc 1000 ca tử vong.
Cuối tháng 8,/2021 ghi nhận mốc 10.000 ca tử vong.
Ngày 1/10/2021, sau gần 3 tháng áp dụng Chỉ thị 16, TP.HCM mở cửa phần lớn các hoạt động.
Ngày 6/10/2021, ghi nhận mốc 20.000 ca tử vong.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thay thế Chỉ thị 15, 16, 19.
Nỗi đau còn đọng mãi trong ký ức người dân
Trong suốt 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, thứ âm thanh gây ám ảnh nhất với mỗi người trong chúng ta chính là tiếng hú còi của những chiếc xe cứu thương lao mình trong đêm.
Đã có rất nhiều con người tạm biệt gia đình mình để đi điều trị, và cũng đã có không ít người trong số đó đâu ngờ rằng đó là lần cuối họ được gặp những người thân của mình. Đã có hàng chục nghìn người đã ra đi mãi mãi, sự mất mát và hy sinh ấy sẽ mãi còn đau đáu trong tâm trí người ở lại, là sự ám ảnh khôn nguôi với các tình nguyện viên, các nhân viên y tế chống dịch.
Đối với những con người ở TP.HCM, sẽ không khỏi rùng mình mỗi khi nhớ lại quang cảnh đường phố vắng lặng trong ngày tháng cách ly xã hội, những doanh nghiệp chồng chất khó khăn, những số phận kém may mắn lay lắt oằn mình khổ sở, và những mảnh đời tha hương vất vưởng tìm đường trở về quê cũ.
Nỗi đau, nỗi mất mát trong đại dịch COVID -19 chính là điều không bao giờ đong đếm nổi.
Phần 2 – Ký ức Covid-19 tại khu phố 1, phường 5, quận 8
Cùng với diễn biến làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TPHCM, khu phố 1 phường 5 quận 8, cũng đã phải đối mặt rất nhiều khó khăn.
Với dân số hơn 15.000 dân tại chung cư Giai Việt và 15 tổ dân phố bên ngoài, đây chính là một thách thức rất lớn cho Ban điều hành, Mặt trận, Ban quản trị trong việc phòng và chống dịch bệnh.
Nhưng những khó khăn, trở ngại đó không hề làm nản lòng đội ngũ các anh chị em:
- Quảng Trọng Tùng – Trưởng ban điều hành khu phố-Ban chỉ đạo phòng chống Covid
- Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng ban công tác mặt trận khu phố
- Nguyễn Văn Hùng – Ban quản trị chung cư Giai Việt (Tổ trưởng Covid cộng đồng)
- Trần Thy Nhân – Tổ Covid cộng đồng chung cư Giai Việt
- Từ Văn Thiên – Tổ Covid cộng đồng chung cư Giai Việt
- Nguyễn Minh Thế – Tổ Covid cộng đồng chung cư Giai Việt
- Đỗ Thiện Báu – Tổ Covid cộng đồng chung cư Giai Việt
- Nguyễn Thanh Giang – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 1
- Nguyễn Văn Hoà – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 2
- Nguyễn Ngọc Hải – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 8
- Châu Công Chánh – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 9
- Nguyễn Văn Khánh – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 10
- Phạm Thị Hoà – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 12
- Phạm Thị Mỹ – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 14
- Nguyễn Kim Như – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 14
- Trịnh Minh Hùng – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 18
- Nguyễn Văn Thương – Tổ Covid cộng đồng tổ dân phố 19
- Nguyễn Hữu Phúc – Tổ Covid cộng đồng chung cư Central
- Nguyễn Thị Hồng Nga – Tổ Covid cộng đồng chung cư Central
- Trần Mạnh Huy – Tổ Covid cộng đồng chung cư Giai Việt
Cùng nhau chung sức chung lòng, các anh chị em đã tham gia tích cực từ những ngày đầu của đợt bùng phát dịch covid lần thứ 4 kể từ tháng 06/2021.
Trở về cột mốc 0 giờ ngày 31/5/2021, khi TP.HCM ra lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 15, với những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc tụ tập và đóng cửa một số cơ sở kinh doanh và dịch vụ, trong nỗ lực kiềm chế những ca nhiễm COVID-19 tăng vọt giữa một đợt bùng phát dịch mới. Vào thời điểm đó, đội ngũ Ban điều hành, Mặt trận, Ban quản trị chung cư đã bắt tay lên kế hoạch và triển khai các công việc phòng chống dịch trên toàn khu phố.
Ngày 11/6/2021, anh Nguyễn Văn Hùng đã vận động các mạnh thường quân tại chung cư Giai Việt ủng hộ lực lượng tuyến đầu của phường 5 và khu phố 1 với tổng số tiền 45,520 triệu đồng.
Điểm cách ly tập trung đầu tiên tại khu phố 1 và phường 5 là tuyến đường số 2, thuộc tổ 8 khu nhà ở Khiêm Khải, vào lúc 22g ngày 12/06/2021, do liên quan đến 1 bệnh nhân là nhân viên Bệnh viện Nhiệt đới nhiễm bệnh. Điểm cách ly này bao gồm 18 hộ với tổng số dân là 89 người, cách ly kéo dài từ 12/06/2021 – 03/07/2021.
Trong thời gian đó, chung cư Khiêm Khải tiếp tục phát sinh ca nhiễm và bắt đầu phong toả. Mạnh thường quân tại chung cư Giai Việt đã vận động hơn 10 tấn gạo và phát cho các khu phong toả, cách ly.
Sau đó trên địa bàn phát sinh thêm hàng loạt các điểm phong toả cách ly tại chung cư Giai Việt, tổ 18 và 19… Thiệt hại về tính mạng bệnh nhân đa số tại tổ 19, chung cư Giai Việt.
Bắt đầu tháng 07/2021, phường 5 bao phủ 1 màu cam trên sơ đồ phân bổ số ca dương tính.
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 tại phường 5 bắt đầu khoảng 20/06/2021 tại trường tiểu học Hoàng Minh Đạo, với số lượng hạn chế cho lực lượng tuyến đầu gồm ban chỉ đạo phòng chống Covid, tổ Covid cộng đồng, giáo viên, quân sự, công an, bảo vệ khu phố. Đây là lực lượng chuẩn bị cho một số công tác vô cùng cấp bách như xét nghiệm khoanh vùng lây lan, hỗ trợ cư dân các khu phong tỏa, cách ly và chiến dịch từ 0g ngày 09/07/2021 bắt đầu giãn cách theo chỉ thị 16 tại TP.HCM.
Trong thời gian giãn cách, một số anh chị em tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên thuộc chung cư Giai Việt và các tổ dân phố khu phố 1 không chỉ góp công, góp sức hết mình cho “cuộc chiến” phòng chống dịch mà còn tổ chức nhiều việc làm thiết thực, kết nối tinh thần đoàn kết, một lòng hướng về người dân như vận động lương thực thực phẩm, xịt sát khuẩn, bình oxy, thuốc men hỗ trợ cho bà con chưa nhiễm hoặc đã nhiễm Covid 19.
Ngày 02/08/2021 bằng nỗ lực quyết tâm cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại học Sài Gòn, bao gồm ông Võ Thật – Phó hiệu trưởng Đại Học Sài Gòn, bà Đinh Thị Thim – Phó Chủ tịch UBND phường 5, ông Quảng Trọng Tùng – Trưởng khu phố 1, ông Nguyễn Văn Hùng – Ban quản trị chung cư Giai Việt, đã xin phép cấp trên, chủ đầu tư, ban quản lý chung cư Central Premium thuộc cụm chung cư Giai Việt, hình thành điểm tiêm vắc xin phục vụ đại trà cho dân cư.
Trong ngày đầu tiên, với sự chuẩn bị khẩn trương, bắt đầu từ 17g đã tiêm được 120 mũi. Đông đảo các lực lượng y bác sĩ, tình nguyện viên, cảnh sát khu vực, bảo vệ khu phố đã tham gia hỗ trợ để giúp người dân có những mũi tiêm phòng ngừa bệnh đầu tiên.
Hàng ngày, từ 17g điểm tiêm bắt đầu hoạt động cho đến khi hết văc xin được cung cấp từ y tế quận 8. Kinh phí phục vụ hàng ngày cho các lực lượng khoảng từ 5-7 triệu đều do sự vận động thiện nguyện từ các tổ chức, mạnh thường quân, doanh nghiệp…
Mặc cho những nguy cơ lây lan từ người tiêm, tất cả các lực lượng đều cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh bất chấp hiểm nguy đến tính mạng. Điểm tiêm chung cư Giai Việt ngày càng được hoàn thiện với lực lượng phục vụ tình nguyện có ngày lên đến hàng trăm người, phục vụ cao nhất 2.600 mũi tiêm một đêm. Những nỗ lực này đã được báo đài: HTV, VTV, Thông tấn xã VN, Báo Pháp Luật… ghi nhận và đến tham quan, viết phóng sự cũng như nhân rộng mô hình ra khắp TP.HCM.
Sự phối hợp đồng bộ giữa các các cơ quan, tổ chức của khu phố 1, phường 5, quận 8, đã giúp tìm ra giải pháp giảm thiểu tình hình căng thẳng về việc tổ chức điểm tiêm vắc xin cho nhân dân tận nơi sinh sống, tránh việc tập trung tiêm quá đông ảnh hưởng đến quá trình phòng chống lây nhiễm bệnh.
Các anh chị em y bác sĩ ban ngày phải làm việc tại cơ quan, bệnh viện, tối đến phục vụ miễn phí cho bà con cư dân. Các anh chị em tình nguyện viên, cảnh sát khu vực sắp xếp việc riêng, gia đình có mặt đúng giờ, không nề hà nguy hiểm. Mọi người đều xác định tiêm vắc xin là giải pháp tốt nhất cho việc đẩy lùi dịch bệnh Covid 19.
Với vị trí, địa thế thuận lợi, giờ tiêm bắt đầu vào chiều tối hàng ngày, thêm vào sự nhiệt tình sắp xếp trật tự, tổ chức luồng người ra vào hợp lý, đã tránh việc tập trung người quá đông, việc tiêm vắc xin cho người dân đã diễn ra trôi chảy và đảm bảo an toàn.
Điểm tiêm chung cư Giai Việt với sự tham gia của đoàn thiện nguyện Đại học Sài Gòn hoạt động lần thứ nhất kéo dài đến giữa tháng 09/2021, chủ yếu phục vụ tiêm mũi 1 và 2 cho người dân khu phố 1, các khu phố thuộc phường 5 và một phần dân cư xã Bình Hưng – huyện Bình Chánh. Sau đó lực lượng này đã rút về phục vụ nhân dân quận 5 tại Đại học Sài Gòn.
Hàng đêm, có khi vượt quá 12g khuya, các y bác sĩ, anh em tình nguyện mới xong việc, mệt mỏi rã rời và sáng hôm sau phải tiếp tục đi làm, công tác, thế nhưng không một lời than vãn, ai cũng động viên nhau cùng vượt qua khó khăn để đẩy lùi dịch bệnh.
Việc phân công công tác tại điểm tiêm được anh chị em tự giác chấp hành: đội khám sức khoẻ trước khi tiêm, đội trực tiếp tiêm, đội xe cấp cứu, đội điều phối giữ gìn an ninh trật tự, đội nhập dữ liệu người đã tiêm, đội giữ xe và điều phối sắp hàng dài hàng km…
Tất cả được điều hành từ các anh em: Võ Thật, Lã Thành Trung, Quảng Trọng Tùng, Nguyễn Văn Hùng, Trần Thy Nhân, Nguyễn Minh Thế. Cảnh sát khu vực có các anh Kha, Tài, Tuấn, Tùng luôn có mặt hàng đêm tại điểm tiêm.
Sau 1 thời gian tạm nghỉ, tháng 11/2021 điểm tiêm chung cư Giai Việt hoạt động trở lại với sự phục vụ của lực lượng y bác sĩ Bệnh viện Ngọc Phú, lực lượng tình nguyện lại tiếp tục tham gia phục vụ tiêm mũi 2 cho những người đến hạn thuộc phường 5 và 6.
Tháng 12/2021, lực lượng Bệnh viện Ngọc Phú chuyển đến phục vụ tiêm tại Trường tiểu học Bông Sao với lực lượng tình nguyện viên khu phố 1 tiếp tục phục vụ.
Tháng 12/2021, đội tiêm Đại học Sài Gòn tiếp tục trở lại lần thứ hai phục vụ tại điểm tiêm chung cư Giai Việt. Qui mô phục vụ tiêm mũi 3 cho phường 5,7,16 và 1 phần huyện Bình Chánh. Việc tiêm kéo dài đến gần hết tháng 1/2022.
Đến tết nguyên đán Nhâm Dần, điểm tiêm chung cư Giai Việt chính thức đóng cửa sau gần 5 tháng hoạt động, đã phục vụ tiêm tổng khoảng 130.000 mũi tiêm. Sự nhiệt tình cống hiến, sự hy sinh không quản ngại khó khăn của toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch tiêm vắc xin tại phường 5, quận 8, TP.HCM chính là điều vô cùng trân trọng.
Ngoài công tác tiêm vắc xin Covid 19, cán bộ phường 5, khu phố 1, đã trải qua những tháng ngày gian khổ, thậm chí phải ở cơ quan, nơi tập trung nhiều đêm liền. Nhiều công tác khác như vận động thuốc men, bình oxy đưa đến tận nhà người nhiễm Covid, lập danh sách hỗ trợ người dân khó khăn theo đúng chính sách của Chính phủ, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần các khu tập trung cách ly người dương tính như Trường tiểu học Hoàng Minh Đạo… được thực hiện khá tốt.
Các công việc này luôn tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định nên nhiều lúc không tránh khỏi sự e ngại, lo lắng từ phía gia đình nhưng các anh chị em đều động viên người thân “chống dịch như chống giặc”, luôn cống hiến hết mình, vì dân phục vụ, cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn trong dịch bệnh. Nhiều hình ảnh cảm động đi vào lòng người.
Dịch bệnh Covid-19 đã tạm lắng dịu nhưng những ký ức, hành động của những cá nhân trong các lực lượng phòng chống dịch tại khu phố 1, phường 5, quận 8 mãi luôn được ghi nhận và trân trọng.
Vượt lên những đau thương và mất mát năm 2021 giúp chúng ta thêm trân trọng những gì đang có và thấu hiểu sức mạnh từ việc kết nối giữa người với người.
Những việc làm, hành động đẹp, ý nghĩa của các anh chị em, dẫu lớn lao hay nhỏ bé, giản đơn cũng chất chứa ân tình sâu nặng, mang lại nghị lực, sự kiên cường để người dân khu phố 1, phường 5 đồng lòng vượt qua đại dịch. Các anh chị em chính là “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”.
Đừng quên bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình để chung sống an toàn với Covid- 19.
Phần 3: Hướng tới tương lai sau đại dịch Covid-19 năm 2021
Những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, cả xã hội TP.HCM nói chung và phường 5, quận 8 nói riêng, như “bừng tỉnh sau cơn ác mộng đại dịch năm 2021”. Việc sống chung với đại dịch Covid-19 dần được chấp nhận với chủng mới Omicron, mọi người tự bảo vệ chính mình qua các ý thức: đeo khẩu trang, tiêm ngừa tăng cường và bổ sung … Cùng nhau “Vượt qua đại dịch – Hướng tới tương lai”
Tại khu phố 1, phường 5, quận 8 bắt đầu những chiến dịch dọn dẹp vệ sinh và chỉnh trang đô thị; tổ chức các lễ hội văn hoá, mừng xuân nhằm tạo sức sống mới trong cộng đồng; giao quân nghĩa vụ quân sự; đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy – cứu nạn cứu hộ; hiến máu nhân đạo, tổ chức lại điểm tiêm tăng cường mũi 3,4 tại chung cư Giai Việt.
Hy vọng cơn ác mộng đại dịch Covid-19 năm 2021 sẽ không bao giờ lập lại. Tất cả sẽ “Vượt qua đại dịch – Hướng tới tương lai”
- Quảng Trọng Tùng (Trưởng ban điều hành KP1,P5,Q8)
Địa chỉ : 30 đường số 2 P5, Q8, TP.HCM Điện thoại : 0983703431
Email : tungx2@gmail.com
- Nguyễn Văn Hùng(Phó ban điều hành KP1 P5 Q8)
Địa chỉ : A1.1-1702 chung cư Giai Việt 854 Tạ Quang Bửu P5, Q8, TP.HCM Điện thoại : 0977041818
Email : nguyenhunggiaiviet@gmail.com
Một số hình ảnh được lưu lại từ đại dịch Covid: