LTS – Sau cái chết của nhà văn Kim Dung, người ta đã nhắc đến nhiều dòng văn học kiếm hiệp này và trong đó một tên tuổi lớn cũng được nhắc lại thân thế và sự nghiệp, đó là Cổ Long.
Rất nhiều người, vốn từng yêu thích Kim Dung mà từ chối đọc các tác phẩm của Cổ Long, bỗng có thêm nhiều thông tin về thân thế ông, sự so sánh thú vị giữa hai con người này về cách sống, bút pháp, nhưng đều phải thừa nhận là hai tài năng lỗi lạc…
Sách của Cổ Long in gần đây tại Việt Nam đã được săn lùng trở lại, với những dẫn dắt trước đó bởi các bài phân tích trên mạng về thói “mê” rượu và đàn bà của Cổ Long. Rằng chỉ có đủ các “điều kiện” ấy ông mới thăng hoa sáng tác, thì người đọc hiểu thêm vì sao trong sách ông sự thể hiện về tình dục, về tính cách quyết liệt trong “chiến đấu” của cách hiệp khách lại lạnh lùng dứt khoát đến vậy.
Nhiều người còn so sánh, Cổ Long sống đời thường thụ hưởng như thế, uống rượu như thế, nếu không sáng tác ra những tác phẩm tuyệt đỉnh, thì chỉ là người nghiện rượu. Nhưng, ông đã cho ra hàng loạt tác phẩm sáng tác khi đang say say, mới thấy rằng con người nghệ sĩ của ông tột cùng nghệ sĩ…
Chúng tôi đọc một bài viết của Phó Đức An đăng trên facebook của anh. Phó Đức An, một con người tài hoa trong kinh doanh và viết lách, cũng như nhiều hoạt động xã hội khác. Dòng họ Phó của anh có quá nhiều người tài hoa lừng lẫy như người anh của Phó Đức An là nhạc sĩ Phó Đức Phương, cháu gái nghệ sĩ là Phó An My và nhiều người họ Phó cũng nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học đến nghệ thuật.
Phó Đức An – Peter Pho – nick trên Facebook, cũng đã ra cuốn sách “Chém theo chiều gió” được biên tập từ những bài viết trên Facebook của anh. Một cuốn sách đã khuấy động văn đàn Việt Nam vào cuối năm 2017 vừa qua, được các nhà phân tích đánh giá: “Vốn sống, vốn ngoại ngữ và bề dày văn hóa đa quốc gia, dân tộc mà anh đã thẩm thấu trong suốt 65 năm của cuộc đời đã đem đến cho anh những trang viết sống động, lấp lánh tri thức và những giọt mồ hôi của thành quả đấu tranh vì sự nghiệp”.
Quả thật, trên đường đời nhiều gian truân từng trải, con người này đã có những dịp được chạm tay vào những báu vật của nhân loại cũng như tình người. Chính bài viết với các title rất đơn giản: “Thăm mộ Cổ Long” đã khiến những fan của Kim Dung bỗng mở lòng nhìn lại và chấp nhận những tác phẩm của Cổ Long cũng là những tuyệt tác như là nó vốn có…
Tạp chí ĐỒ UỐNG VIỆT NAM online giới thiệu cùng bạn đọc
————
Nghê Khuông bạn của Cổ Long, Kim Dung và cũng là cây viết kiếm hiệp tiếng tăm nói:”Nhân gian vô Cổ Long, trong tim có Cổ Long”.
Còn Vương Gia Vệ – đạo diễn điện ảnh, bạn tôi, thì nói: “Cổ Long là một tay lưu manh, một lưu manh có tài khí”.
Năm nay, Cổ Long vừa tròn 80 minh thọ. Anh ra đi vào ngày 21 tháng 9 năm 1985, 48 tuổi từ giã giang hồ, không thèm làm đại sư, rắp tâm chỉ làm đại hạp, buông thả bản thân trong kiếm hiệp và cuộc sống, bước đi liêu xiêu lững thững say nhiều hơn tỉnh, cứ vậy, trong trạng thái say khướt mặc mẹ đời, anh vội vã rời cõi trần tục, đi đâu, về đâu? Chẳng ma nào biết…kkk
Tôi nhớ lời một thi sĩ: “Mỹ cảm giống như một quá trình của sự trụy lạc. Một người thật trinh khiết viết lên một bài thơ phóng đãng, trong những hàng chữ thanh tịnh toát ra sự sống động của linh hồn. Những kẻ đa tình là những người đau khổ nhất và những kẻ vô tình lại là người chuyên nhất thủy chung nhất, hạnh phúc nhất”.
33 năm trước tại Đài Bắc chứng kiến anh ra đi, có hứa sẽ về thăm anh. Hôm nay tranh thủ cô Tấm (vợ Peter Phó – LTS) đắm mình trong Salon làm đẹp, một mình phi lên mộ Cổ Long tại nghĩa địa Bắc Hải Minh Sơn, Đài Bắc.
Đứng một mình trong gió thu, cầm một chai XO rót lên tấm mộ có khắc hình rồng và hai bên là chữ 古龍 Cổ Long. Tưởng niệm một hiệp khách, một cây viết huy hoàng của thời kỳ kiếm hiệp sáng chói trong đời…
Nhân tại giang hồ thân bất do kỷ – (Niệm Cổ Long, Tiếu hồng trần)
9 giờ tối của một ngày tháng 9 năm 1985, ngồi uống rượu trong Long Đình Tửu Điếm ở khu Tùng Sơn, đường Nam Kinh thành phố Đài Bắc, tôi chờ đợi tiểu Vương là thư ký của Cổ Long tiên sinh đến để bàn về việc nhận viết trợ lực cho tiểu thuyết kiếm hiệp của đại lãng tử Cổ Long trên tờ “ Nhật báo trái táo” ( 蘋果日報 Apple Daily ).
Vốn là Cổ Long đã nhận trước tiền nhuận bút của hãng điện ảnh Shaw Brothers (Hong Kong) để cho ra một kịch bản phim tiếp theo trong hệ phim “Sở Lưu Hương”, nhưng đúng vào lúc bệnh tình của anh quá nặng, không cầm được bút viết lâu, chỉ mở đầu vài dòng sau đó là phải có “ Mạo bút” viết tiếp. Tiểu Vương phát hiện ra PP (Peter Pho) trong vài bài kiếm hiệp nhăng nhí ở một số tờ báo lá cải ở Hong Kong và khoái trí cho rằng đã bắt được “Cây bút vàng”.
Hồi ấy PP mê kiếm hiệp đến điên cuồng, suốt ngày đầu óc chỉ toàn bay lượn trong giang hồ tìm kiếm mọi chuyện để có cớ mà phịa ra những câu chuyện kiếm hiệp ly kỳ còn viết lách kiếm cơm.
Văn phong hồi đó cũng rất chi lãng tử, cứ gọi là tung hoành thiên địa, ngang dọc hải hồ, lúc thì thu mình trong hang động bế quan tu dưỡng, lúc thì tung hoành lên mây xanh trời cao diễu võ dương oai với đời, rồi cũng nghĩ ra nhiều chiêu võ công độc đáo như “Độc thủ hàng bi “ (Bóp dái ) hay “Độc xà nhập động” (Chọc tay vào L…), kết hợp giữa hài với chưởng đâm ra cũng được nhiều bạn trẻ ưa đọc.
Đang vuốt râu (hình dung) chờ đợi và nghĩ ra tên phim “Sở Lưu Hương tái xuất giang hồ” , “Sở Lưu Hương tiếu ngạo giang hồ”… rồi nghiền ngẫm một số chiêu thức võ công, kết cấu truyện, nhân vật… thì tiểu Vương mò đến, hai mắt đỏ ngầu, cậu ta mếu máo: “Hùng tiên sinh đã từ trần !”, tôi giật bắn mình…( Cổ Long tên thật là Hùng Diệu Hoa 熊耀華) .
Cổ Long nổi tiếng ham mê tửu sắc, một ngày không có rượu, không có sắc là không nghĩ ra được một con chữ nào. Cứ cho gã “xơi” một phát lên tiên xong rồi cầm cả chai rượu XO vừa tu vừa viết thì văn phong cứ gọi là lênh láng trôi chảy như dòng nước cuồn cuộn chảy về Đông…
Ngay trong lúc bác sĩ cảnh báo về bệnh xơ gan, lão cũng mặc, vẫn hành sự, không tìm được người yêu thì sai tiểu Long đến khu Tây Môn Đinh (西門町) ở cạnh “Kim Đế Đại Lâu” (金帝大樓) bắt hai em gà rừng về khách sạn cho cụ mần thịt giải sầu… xong thì mới viết tiếp.
Không bàn về thành tựu nghệ thuật, bàn về những câu nói thâm thúy trong võ lâm tiểu thuyết thì tôi cho rằng Cổ Long có nhiều câu hay hơn Kim Dung.
Câu nói mà lưu hành đến tận bây giờ chính là câu mà tôi dùng làm tựa đề “Nhân tại giang hồ thân bất do kỷ”. Câu này xuất hiện trong “Ngọ dạ lan hoa”, sau đó thì trong “Tam thiếu gia đích kiếm” nhân vật Yến Thập Tam nhắc lại: “Khi con người ta vùng vẫy giang hồ, có nhiều chuyện không thể làm chủ bản thân mình được, giết người cũng vậy thôi !”…
Nhưng tệ hại nhất là dựa vào câu này, nhiều thanh thiếu niên lâm vào tệ nạn xã hội ở Đài Bắc và Hong Kong cũng ra vẻ ta đây coi thường sinh mệnh, phạm tội rồi cũng nghênh ngang dõng dạc: “Nhân tại giang hồ thân bất do kỷ” , thật là một phường ngu si, trẻ người non dạ.
Có nhiều nhà văn sử học muốn khảo sát truy cứu xem câu này liệu đã từng xuất hiện trên sách vở xưa nay, liệu bản quyền của nó có phải do Cổ Long tiên sinh sáng tạo không? Nhưng cuối cùng phải công nhận, trong tiềm thức của Cổ Long, câu này đích thị là của lão ta.
Riêng Cổ Long thì vừa tớp rượu vừa phán: “Tôi tin rằng, từ cổ đến kim, rất nhiều người có cảm xúc như vậy, chẳng qua tôi là người đầu tiên đưa nó từ tiềm thức biến thành con chữ đen rồi in lên trên giấy, có đéo gì mà phải khảo sát, kakaka…”.
Có quá nhiều người dẫn dụng câu nói này trong cuộc sống, bất kể là các Fans hâm mộ kiếm hiệp, bất luận là đọc giả của Cổ Long, Kim Dung hay PP. Bởi nó truyền tải được tâm trạng của con người ngoài đời, chọc đúng một tâm tư chung, một cảm giác bất lực với đời…
Cổ Long nói: “Những nơi nào có người, tức là giang hồ” đúng vậy, có người là có ân oán, cho nên giang hồ nhiều gió to sóng lớn, nhiều thị phi, ân ân oán oán bao giờ nguôi? Sao không ngồi xuống đàm phán? Sao lại cứ phải kiếm rút khỏi bao? Sao nhất định lại phải rửa hận để máu chảy đầu rơi?
Nhưng, tranh chấp xung đột, thị phi ân thù cấu tạo thành cuộc đời, và chúng ta không thể dời bỏ được sự liên kết danh lợi đường đời, không dời bỏ được nhân tình thế cố, thường thì đều sống trong trạng thái “Thân bất do kỷ” không làm chủ được mình. Cổ Long còn nhồi thêm một câu: “Cho dù nhân không ở giang hồ thì vẫn không thể làm chủ được mình”, mịa, lão này say hay sao?
Diễn dịch hai chữ “ Giang hồ” thì thấy “giang hồ” khác với “suối biển”, suối cạn, nước trong nhìn thấy đáy, tư duy hạn hẹp. Biển thì sóng dữ trào ngập, khiến con người chùn bước. Chỉ có giang hồ mới có thể truyền tải được ý cảnh của võ hiệp, ngẫm lại thấy có lý !
Cổ Long hay diễn tả sự cô đơn, u sầu đường sau sự phồn hoa của cuộc đời. Cổ Long không phải con người lạc quan, lão luôn buồn sầu rầu rĩ, lão mượn rượu giải sầu nhưng: “Rút đao chém nước nước càng chảy xiết. Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”, đó là cảnh tượng của Cổ Long. Vậy thì chỉ còn dục vọng để làm tiêu tan đi nỗi buồn thiên cổ nằm sâu trong linh hồn lão…
Trần Hiểu Lâm, bạn thân của Cổ Long, trong cuốn“ Có ai cạn chén cùng ta” có đoạn: “Cổ Long không thể nào tháo gỡ được nút thắt trong tim anh. Thân thế khiếm khuyết hồi niên thiếu, những sự tranh chấp giữa anh với cha mẹ, những bi hoan ly hợp triền miên với phụ nữ, những phân ly biền biệt khác phương trời của vợ con anh, và sự truy hưởng dục vọng vô cùng tận của anh… làm cho anh vĩnh viễn không được an lạc. Do đó, anh cuồng nhiệt ca ngợi sự quý giá của tình bạn, anh cố chấp và chìm đắm trong thế giới men rượu, hy vọng rằng mình được bạn bè quây quần, được men rượu hâm nóng, là lý do để hóa giải bớt đi áp lực của nội tâm.”
Cổ Long có một bài văn xuôi lấy tên là “Bạn bè” (朋友). ca ngợi tận mây xanh tình bạn: “Bạn bè là bạn bè, không thể có gì thay thế được, tuyệt đối không có một lời nào hình dung được cái đẹp của nó (—) kể cả toàn bộ hoa Hồng trên thế gian, cộng thêm vào tất cả các loài hoa trên đời, cũng không thể bằng tình bạn nồng thắm và đẹp đẽ”.
Bạn bè liệu có phải kiểu bạn bè “Rượu và thịt chó”? Bởi rất nhiều bạn của Cổ Long cũng chỉ là bạn khi chụm đầu vào cùng uống rồi cùng say. Uống rượu mà chỉ một mình thì quả là mất hứng, vậy nên trong cuộc đời Cổ Long chỉ thấy toàn bạn rượu. Anh rất cần bạn, thậm chí nói rằng, nếu như tình yêu và tình bạn cho anh chọn, anh sẽ chọn tình bạn.
Khi Cổ Long chết, không thấy vợ hay người tình nào đến đưa đám, chỉ thấy toàn anh hùng hảo hớn râu ria đến đưa tang. Lúc hạ huyệt, bạn bè của anh đã bàn bạc với nhau từ trước, họ lần lượt đem rượu đến đặt bên trên quan tài để chôn theo, hy vọng ông bạn rượu có đủ rượu để uống cùng Diêm Vương nơi chín suối. Tất cả có 48 chai rượu XO (là loại rượu Cổ Long thích uống nhất ), tương đồng với số tuổi thọ của Cổ Long.
Tác phẩm của Cổ Long kinh điển ở chỗ nó thi vị, hào khí xung thiên, diễn đạt tinh thần của một lãng tử, quan trọng hơn, trong tác phẩm của anh còn mịt mù bóng dáng huyền hoặc, ảo cảnh của tiềm thức.
Chính vì sự ám thị ý thức ấy, làm cho những nhân vật lãng tử của anh trong tiểu thuyết mới giống Cuong Tuse, giống PP… chan hòa ánh sáng trí tuệ nhân sinh, thể hiện rõ nét chất lãng tử của chủ nghĩa hiện sinh, có ưu sầu, có tuyệt vọng, thảng thốt vô thần, chán nản, đa tình, rượu, tình lả lướt… từ đó mà tư tưởng của tác phẩm vượt được đến đỉnh điểm của cảnh giới kinh điển.
Thật là:
Trời đất mênh mang
Lữ khách vội vội
Triều dâng triều hạ
Ân oán, oán ân
Mấy ai hiểu thấu Cổ Long?
Hồng trần cuồn cuộn
Si si tình thân
Rượu còn đây !
Người vắng bóng…
Một bạn tôi ở Đài Bắc vừa rồi nhắn tin: “Sao lâu anh không ghé về Đài Bắc? Nghe nói anh lại lấy vợ, giật mình ! Chim bay rã cánh rồi sao? Giang hồ từ nay vắng bóng anh rồi nhỉ?”
Tôi lạnh lùng trả lời: “Nhân tại giang hồ thân bất do kỷ”…