Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung
Trong khu phố này, ông Tư là người được mọi người mến bởi tính cởi mở, rằm tháng bảy mọi năm, ông thường tổ chức tiệc chay ở sân nhà mời bà con lối xóm, phần đông là người Quảng Nam, Quảng Ngãi, thường gọi là người gốc xứ Quảng, tới dự. Ông rước sư trụ trì chùa Giác Phước, ngôi chùa theo phái tiểu thừa ở tận miệt vườn, đến thuyết giảng Phật pháp, về từ bi của Phật, rằng con người sống giữa trần gian khó tránh khỏi tội lỗi vì vậy cần được Phật giải thoát, đại xá. Vị tăng già khoác áo vàng thụng, giọng rất vang, đưa ra dẫn chứng từ thời xửa thời xưa và chuyện mới xảy ra, khiến lời giảng có sức nặng, chinh phục người nghe. Nhưng rằm tháng bảy này không thấy ông tổ chức tiệc chay nhiều người thì thào dò hỏi, giọng nhớ tiếc.
Ông đón tôi ở cổng, đây là cử chỉ hiếm có. Ông khoác tay tôi dẫn vào nhà. Bữa nay tui chỉ mời mình cậu ăn bún Huế chay do chính bà vợ nấu. Thời đó gia đình hai đứa mới từ Trung vào nghèo nên tụi tui chẳng được cưới cheo gì, thuận mắt nhau về sống ghép với nhau thôi. Bảy đứa con lần ra đời hai năm một, thời bấy giờ làm ăn khó khăn lắm, tui phải làm đủ việc, lượm ve chai, đạp xe ba gác chở hàng mướn, bốc vác thuê ở chợ Tân Bình, để kiếm gạo cho chín miệng ăn mà chỉ cậy vào nồi bún bò Huế do bà xã bán buổi sáng. Tôi nghe ông nói về quá khứ đời mình nhiều lần, sự vất vả thời trẻ đã ám ảnh ông tới độ nhiều đêm đến với ông trong cơn mê hãi hùng, ông đã kể đi kể lại với tôi nhiều lần.
Nhưng hôm nay, ông già im lặng, ngó lơ sang cái kho lớn chứa đồ thờ phượng và những bình thủy tinh to cỡ vòng tay người, cao tới một mét, cát vàng ánh lên màu mật. Mấy chục năm nay ông làm cái nghề chọn chỗ, lấy hướng, cung cấp cát để cho dân cho vào lư hương cắm nhang. Người ta gọi là bàn thờ ông Tư. Có bàn thờ ông Tư trong nhà sẽ làm ăn tấn tới. Dân ở mấy phường gần đây phần nhiều người từ xứ Quảng vào lập nghiệp nên cát của ông là cát lấy ở trên cồn các dòng sông Thu Bồn, Trà Khúc, Vu Gia ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, loại cát vàng mịn ánh lên màu mật ong, với những viên sỏi nhỏ trắng ngà. Cát lấy ở cồn mới sạch. Ngày tôi về vừa chuyển tới đây, cho đồ đạc vào nhà xong, thì ông tới thăm, sau một hồi, ông nói:
– Chừng nào cậu xếp xong đồ đoàn, sang nhà tôi, tôi sẽ mách nước cho cậu một việc rất quan trọng. Có nó cậu mới vững tâm bền chí, gia đình yên ấm thịnh vượng được.
Tôi không phải là người dị đoan, nên nghe ông nói vậy thì bật cười. Ông vẫn từ tốn giải thích:
– Con người ta muốn làm ăn nên thì phải tạo được cái gốc. Cái gốc đó chính là bàn thờ tổ tiên. Đấy, cậu coi, nhiều kẻ tài ba lắm, đã tạo được danh, dựng lên tài sản lớn nhưng bỗng chốc mất sạch sành sanh, thân bại danh liệt, nguyên nhân cũng chính là không có cái gốc bàn thờ.
Rồi ông nói về cái bàn thờ gia tiên, tục thờ cúng tổ tiên có từ ngàn đời ở xứ sở này, linh hồn cha ông dẫu đã siêu thoát nhưng khi ta châm cây nhang vái lạy là lập tức có mặt để phù hộ cho ta hay hưởng lộc do con cháu tự tay làm ra. Có tôn giáo trước đây không cho tín đồ con chiên thờ cúng cha ông, dần dần nhận ra như vậy là không được nên đã khuyên mọi người có bàn thờ gia tiên, tổ chức cúng ông bà rồi đó. Ông nói, giọng người xứ Quảng đã pha Nam Bộ, dễ nghe, có sức cuốn hút đặc biệt. Thoạt đầu tôi cưỡng lại lập luận của ông nhưng dần dần thấy có lý và gật gù thuận theo. Tôi nhờ ông xem chỗ đặt bàn thờ. Ông bảo tôi dẫn ông lên tầng ba, tầng cao nhất ngôi nhà. Sau khi quan sát khắp trong nhà, ngó ra cửa chính cửa hông, ông đi loanh quanh một hồi, miệng lẩm nhẩm thần chú gì đó rồi ông chỉ vào vách bên: “Đây, cậu đặt bàn thờ nơi này, hướng mặt về phía Bắc, trên bàn thờ để sáu lư hương cho phát tài, phát lộc”. Tôi chưa kịp nói gì, ông tiếp: “Cậu lựa được ngôi nhà thiệt là chuẩn đó, vài ba năm sau, cậu sẽ giàu sang ngay”. Nghe nói vậy, tôi phấn chấn, giọng không còn bình tĩnh nữa: “Vậy là trăm sự nhờ cụ chỉ bảo bày biện bàn thờ. Tốn kém không tính đâu”. Ông phân bua: “Việc thờ phụng đừng nói về tiền, tiền cũng bắt đầu từ tâm. Tôi hành nghề với tâm sáng”. Rồi ông hẹn tôi vào hôm sau, là ngày hoàng đạo, sang nhà để ông cấp cho đồ thờ. Tính tôi hơi nóng, làm gì là làm nhanh, nên muốn tới nhà ông luôn. Ông chần chừ một hồi rồi bấm đốt ngón tay so tuổi tìm sao gì đấy tôi chỉ nghe loáng thoáng cự giải, bảo bình, song tử: “Vậy thì phải đợi nửa giờ nữa mới tới giờ hoàng đạo”. Ông chỉ cho tôi cách đặt bàn thờ tuyệt đối không được sát vào tường mà phải cách chừng năm phân, chính khoảng trống tưởng như nhỏ ấy lại cho mình thông thoáng trong sinh sống, bàn thờ kê thật bằng để tránh xung đột vợ chồng… Thoạt đầu tôi cưỡng lại lập luận ấy nhưng dần dần thấy cũng có lý nên thuận theo. Ông nói với tôi sẽ biếu cái lư hương bằng gốm, tạo cho sự ấm cúng, linh hồn tổ tiên yên ổn. Cát màu mật ong pha lẫn sỏi trắng ngà nhỏ cỡ hạt đậu như ngọc trắng.
Đặt xong bàn thờ, ông dẫn tôi về nhà ông. Ngôi nhà gỗ căm xe năm hàng cột kiểu cổ nằm trong khu vườn khá rộng, bên trái là kho chứa đồ thờ, những chiếc lư bằng đất nung để trong thùng xốp, xếp ba bên tường, bên phải là kho đựng cát, cát vàng đựng trong các bình thủy tinh to như cái ché ánh lên màu vàng. Ông nói:
– Cát ấy là tôi lấy từ những con sông miền Trung rất sạch, những hạt sạn nhỏ có màu trắng như ngà. Trong cát ấy có máu của người dân ở vùng đất trải qua mấy thập kỷ, hàng thế kỷ binh lửa nên nó là kết tinh máu và mồ hôi của cha ông, nó có hồn có vía. Cát và sỏi ấy tạo cho chân nhang vững chắc, ấm áp, vậy sự nghiệp tài sản của cậu mới phát triển bền vững, các thế hệ con cháu sau này của cậu cũng tiến tới.
– Trăm sự cậy nhờ ông, chớ lâu nay cháu đâu có biết bày biện bàn thờ.
– Cậu đã thể hiện lòng thành thì để tui lo giùm.
Rồi ông dẫn tôi ra cái miếu sau nhà. Cái miếu này tôi thờ tổ của thần cát, linh thiêng hết sức, cậu nghĩ gì thần biết ráo nên tâm cậu phải tin, thiệt tin thần mới cho cậu cát thờ linh. Dặn dò tôi vậy rồi ông thắp nhang, lầm rầm khấn khứa rồi trao cho tôi ba cây, bảo xá lạy. Tôi tưởng đâu chỉ vái lạy qua quýt nhưng ông bắt phải đưa nhang lên quá đầu xá bảy cái. Tự nhiên tôi làm theo ông như cái máy.
Vậy rồi, ông vào kho lấy cho tôi ba cái lư hương bằng sành, rồi bảo, cái màu vàng đặt ở bàn thờ Phật, màu đỏ thờ bàn thần tài, màu xanh thờ gia tiên. Nhưng nhà cháu chỉ có một bàn thờ. Nghe tôi nói vậy, ông bảo: “Tôi còn phải đặt cho nhà cậu bàn thờ thần tài ở tầng trệt, bàn thờ Phật ở tầng thượng để Phật trông ra, cho gia đình cậu bình an”. Rồi ông lại sang nhà tôi, lập cập trèo lên tầng thượng, khấn khứa cả giờ mới tìm được chỗ đặt được bàn thờ Phật. Còn bàn thờ thần tài ở mé cửa ra vào tầng trệt coi bộ ông ít quan tâm đến vị trí hơn.
Làm xong, coi bộ ông cũng mệt, mồ hôi vã lưng áo, mặt đỏ bừng, khiến tôi lo về chuyện huyết áp. Nhưng ông nói:
– Ruột gan ngự trong thân thể tui tốt, từ trước tới nay tui chưa phải nằm qua đêm ở bệnh viện lần nào. Mặt tui đỏ là do thần Phật, thần đất đai viên trạch, linh hồn tổ tiên nhà cậu ứng vào đó.
Tôi ngỏ ý gửi tiền công. Ông nói giọng hồn nhiên:
– Công xá gì, cậu đưa tui vài ba triệu gọi là món quà nhỏ dằn túi. Không lấy thì cậu cho rằng tui coi thường cậu, tui nhận tượng trưng vầy thôi. Vài năm sau, nếu cậu ăn nên làm ra thì nên đưa tui vài ba cây vàng để tui làm từ thiện.
Tôi bật cười vì tưởng ông nói đùa. Lẽ ra tui phải lấy ba chục triệu tiền công xá mới xứng, nhưng với cậu tui lấy tượng trưng vậy. Ông nói tiếp. Tôi trao ông sáu tờ bạc mệnh giá năm trăm ngàn, ông hờ hững bỏ túi áo rồi nói:
– Có ba bàn thờ này là cậu làm ăn tới tới đó, nhưng cậu nuốt lời hứa với tôi thì coi chừng.
Rồi ông ngồi xuống xa lông, nhâm nhi ly trà nóng tôi vừa pha, nói chậm rãi:
– Cho cậu hay, cách đây chừng hơn mười năm tui đặt bàn thờ cho Tư Tấn làm nghề buôn bán áo quan, mang cát vàng, lư sành đẹp sang cho, dã cũng trao tiền lót ổ như cậu vừa rồi và hứa nếu giàu sẽ đưa tôi vài ba lượng vàng, mấy năm sau chả phát tài thiệt, khách gần, khách xa tới mua quan tài, mướn cà dịch vụ chôn cất, dã tậu được ngôi biệt thự ở quận ba, nhưng cứ lánh mặt tui hoài. Tui cho người tới nhắc khéo, chả cũng làm lơ. Vậy rồi, một buổi trưa trời đang mưa mà xưởng mộc của dã bốc cháy dữ dội, nguyên nhân là mua xăng về để dự trữ phòng tăng giá, khi đổ xăng lại ngu tới độ bật lửa để xem. Lửa bùng lên bắt cả sang người dã, dã lao ra ngoài, may mà thợ mộc dùng chăn trùm lên dập tắt nhanh, nhưng cả nhà xưởng bị thiêu rụi. Sau vụ cháy nhà dã đi coi đâu đó, thầy bảo do dã thất hứa với tui. Trở về dã vay nóng, vay lạnh gì ai đó hai lượng vàng sang trao cho tui. Nhưng tui chưa lấy mà biểu chả đem bán gây lại cơ ngơi. Rồi tui sang đặt lại bàn thờ giùm. Trên đất nhà từng bị cháy phải đặt bàn thờ kiểu khác. Vậy rồi, dăm năm sau lại phát, chả và vợ làm một con heo quay, đặt phong bao đựng năm cây vàng ròng sang trả ơn tui.
Tôi hiểu, ông dùng những câu chuyện ấy là nhằm đe tôi. Tôi nói:
– Cháu sẽ hầu tạ nếu như làm ăn tấn tới.
Hồi đó, kinh tế Việt Nam khởi sắc nên dễ làm ăn, đâu ba năm tôi mua được xe máy đời mới, tậu được một ngôi nhà nữa. Nhớ đến ơn người đặt lư hương, cung cấp cát thờ, tôi gửi biếu ông mười triệu, ngang giá hai lượng SJC, loại vàng chuẩn về độ tuổi, chất lượng. Ông cầm dây mảnh lên soi. Biết là loại SJC này không bao giờ làm giả hay pha trộn vàng kém chất lượng vào nổi nhưng tui muốn tận hưởng sức hấp dẫn màu của vàng. Ông nói ra chiều hài lòng lắm rồi nói: “Nhờ cát tui cấp mà gia đình cậu phát tài, phát lộc vậy đó, thành thực chúc mừng”.
*
Vậy mà sao bây giờ ông sám hối là sao? Tôi nghĩ vậy và hỏi:
– Cụ đã làm lợi cho bao nhiêu người ở xứ Quảng lập nghiệp ở đất này và cả tôi, một người dân xứ Nghệ cũng nhờ cụ mà có được như hôm nay.
Ông trầm ngâm một hồi, khuôn mặt bở ra rồi nói ngắc ngứ:
– Thực ra tục thờ cát là do tui bày ra. Tui là kẻ hám tiền mà làm bậy, bậy quá.
Ông cũng cho biết, thời gian đầu ông lấy cát bên bờ sông Thu Bồn, Trà Khúc, nhưng sau đó người đặt nhiều quá, vận chuyển đường xa vất vả, cát rất nặng nên cước phí cao, vậy là ông lấy cát ở sông Sài Gòn, sau này mua cát ở các vựa vật liệu xây dựng bên hè phố.
– Đưa thứ cát ấy lên bàn thờ nhà người ta, tui tàn ác quá, tàn ác quá.
Miệng ông giật giật, méo xệch, tâm thần ông bị thôi động dữ dội. Tôi trao mời ông ly nước lọc. Ông nhấp một ngụm nhỏ và bị sặc nước, ho… Phải một hồi sau ông mới nói với tôi:
– Cậu hãy bỏ thứ cát trong lư ấy đi. Cậu đại xá cho tui.
Rồi ông cho hay, ông luôn tự vấn, dằn vặt với việc làm của mình, trước đây rằm tháng bảy hàng năm ông mời sư về làm lễ cúng tế là để giải tỏa nỗi lo, mong Phật đại xá, nhưng vẫn không an tâm. Nhưng nguồn lợi lớn quá, dứt bỏ không đành, đâm lao theo lao là vậy đó.
*
Ngày hôm sau, khi tôi đi ngang ngõ nhà ông thấy mấy người đang bốc những bao cát lên xe tải, phía trong thợ đang tháo dỡ hai nhà đựng đồ thờ cúng. Một người thanh niên là dân bốc vác mướn trong khu phố nói với tôi:
– Ông Tư cho dẹp hết kho chứa đồ thờ cúng.
Anh vừa dứt lời, ông Tư từ trong ngõ chạy ra:
– Dẹp dẹp hết, cậu à. Tôi cho người ta cát này để xây cất, đồ thờ cúng cũng thảy hết trọi.
Chiều đi làm về tôi thấy ông đang mướn người xả nước làm sạch từ trong nhà ra ngoài sân. Ông nói với tôi:
– Tui muốn thanh tẩy bằng sạch.
Ngày hôm sau, tin ông già Tư đến từng nhà xin lỗi và hoàn lại tiền bạc đã lấy loan khắp khu phố. Đến cuối chiều ông mang cái giỏ đựng trầu cau đến nhà tôi. Ông lấy ra ba miếng trầu đặt ra cái đĩa sành đem theo:
– Miếng trầu, đầu câu chuyện, cha ông dạy thế, tui mời cậu ăn trầu.
Tôi nén cười trước hành động lạ của ông. Ông nói:
– Hồi đó tui lừa dối cậu, nay tôi qua mong cậu xá tội, còn số tiền và vàng tôi sẽ xin hoàn lại cậu.
Tôi chưa kịp phản ứng, ông đã đặt ba triệu bạc lên đĩa:
– Tui xin hoàn lại cậu tiền, còn số vàng tôi đã trót xài rồi, tôi cũng đã xin bà con khoản vàng vì thiệt tình là hiện nay tôi đã hoàn toàn mất khả năng chi trả.
Cả khu phố nhao lên chuyện bị ông Tư lường gạt, đưa cả cát sỏi dơ lên bàn thờ, lại còn mất tiền mất vàng. Người ta vội vàng đổ cát sỏi trong lư xuống cống rãnh, thảy cả bàn thờ ông Tư ra bãi rác.
Hóa ra, dân mình đưa lên thờ cũng dễ mà phế bỏ cũng nhanh.
Mấy ngày tiếp đó, cả khu phố náo động, người ta vây lấy nhà ông Tư, đòi ông phải trả lại tất cả những gì chiếm đoạt. Có người bắt ông phải trả theo lãi suất ngân hàng. Nhưng ông lấy đâu ra tiền vàng mà trả. Mấy người mướn côn đồ đòi nợ mướn tới truy bức ông. Công an phải tới lập lại trật tự.
Một tuần sau đó, khi tôi thực hiện chuyến công tác ở miền Trung trở về, được mấy người hàng phố cho biết ông Tư đã quy y. Thấy tôi chưa hiểu ngôn từ của nhà Phật, họ giải thích, nghĩa là ông Tư đã lên chùa Giác Phước ở miệt vườn xuống tóc tu rồi.