Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định tặng bằng khen cho bác sĩ Lê Văn Lâm – người đã dùng 5 lít bia giải cứu bệnh nhân ngộ độc rượu thoát khỏi nguy kịch vào hồi cuối năm ngoái.
Ngày 10/6, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa nhận Quyết định số 701/QĐ-TTg về việc tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể, 37 cá nhân trên địa bàn đã có thành tích trong công tác từ năm 2014 – 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đáng lưu ý, trong số 37 cá nhân, có bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị). Bác sĩ Lê Văn Lâm chính là người từng dùng 5 lít bia để giải cứu bệnh nhân ngộ độc rượu thoát chết hồi cuối năm 2018, một phương pháp “chữa bệnh” từng gây xôn xao dư luận và cả giới y khoa.
Theo báo Thanh niên, Bác sĩ Lê Văn Lâm cho hay rất phấn khởi khi được Thủ tướng tặng bằng khen. Theo ông, đó là sự ghi nhận cho quá trình nỗ lực phấn đấu công tác của bản thân, trong đó có chuyện đã thành công khi dùng bia cứu bệnh nhân ngộ độc rượu.
Như các báo đã đưa tin, sáng 25/12/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (trú Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch.
Các bác sĩ bệnh viện đã xét nghiệm lâm sàng và chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu. Kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Ngay sau đó, để cấp cứu kịp thời người bệnh trong tình huống khẩn cấp, bác sĩ Lê Văn Lâm đã quyết định dùng 3 lon bia (tổng cộng 990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Sau đó, cứ một giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp lọc máu, điều trị tích cực, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định và xuất viện.
Phương pháp này thời điểm đó đã gây khá nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, bác sĩ Lâm đã thực hiện và cứu thành công người bệnh trong tình huống khẩn cấp.
Vào thời điểm đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Huỳnh Văn Ân, trưởng khoa hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, kiêm phó chủ tịch Hội hồi sức tích cực chống độc TP.HCM, khẳng định trường hợp trên là ngộ độc Methanol.
Do đó việc điều trị bằng Ethanol có trong bia như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị là đúng.
“Việc dùng Ethanol trong bia để điều trị có thể nói là lần đầu tiên được sử dụng ở nước ta. Đó là một sáng tạo của bệnh viện và tôi tin để đi đến sáng tạo này họ đã có sự vận dụng lý luận của họ…” – bác sĩ Ân khẳng định và nói thêm cần nhận thức là chỉ khi ngộ độc Methanol mới điều trị bằng Ethanol, còn say rượu bình thường thì tuyệt đối không được sử dụng Ethanol.
Nguyên tắc của phác đồ điều trị đối với bệnh nhân này là dùng rượu có tỉ lệ Ethanol 43%. “Tuy nhiên trường hợp này trong bia chỉ có một tỉ lệ Ethanol khoảng 5 đến 8%. Điều này lý giải tại sao bệnh viện lại sử dụng đến 15 lon bia như thế. Về một góc độ nào đó chúng ta không nên nói là dùng bia để điều trị mà là dùng lượng Ethanol có trong bia để điều trị” – bác sĩ Ân phân tích.
Theo bác sĩ Ân, hai loại rượu này có điểm chung là say giống nhau, tuy nhiên có nhiều điểm khác cần phải phân biệt rõ. Theo đó, hiện nay người tiêu dùng đang sử dụng là rượu Ethanol được làm từ các loại ngũ cốc.
Còn rượu Methanol được dân gian gọi là rượu gỗ, tức làm từ gỗ. Do đó phải khẳng định rằng rượu Methanol là một loại rượu giả, độc. Lý do vì không ai sử dụng Methanol làm rượu để uống, mà chỉ sử dụng trong công nghiệp.
Theo bác sĩ Ân, cơ chế của việc điều trị ngộ độc loại rượu này là tranh chấp, giải quyết. Do đó bác sĩ sẽ dùng Ethanol cho vào cơ thể để gan giải quyết Ethanol liên kết, từ đó cơ thể có thời gian loại trừ Methanol hoặc phải lấy ra bằng phương pháp lọc máu, điều trị hỗ trợ.
“Hiện nay để điều trị ngộ độc rượu Methanol có một loại sản phẩm Ethanol 43% được tinh chế, hoặc tinh khiết 100%” – bác sĩ Ân nói và cho biết ở TP.HCM từng có trường hợp ngộ độc rượu Methanol được điều trị cứu sống bằng một loại rượu có tỉ lệ Ethanol 43%. Như vậy, chỉ ngộ độc rượu Methanol mới áp dụng cách điều trị này.
Bác sĩ Ân cho rằng sáng tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị này rất may đã cứu sống người bệnh. Tuy nhiên từ vấn đề này sắp tới cần phải chuẩn hóa bởi có thể gặp phải bia giả, hàm lượng không đủ.
Đặc biệt các đơn vị kiểm soát an toàn thực phẩm cần phải ngăn chặn việc buôn bán rượu Methanol cho người dân. Cách đây đúng 10 năm (10-2008) có trên 10 trường hợp ngộ độc rượu Methanol ở TP.HCM được xác định và cứu sống. Ngay sau đó, các bệnh viện cùng Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng phác đồ điều trị cho loại ngộ độc này.
“Lúc đó chúng tôi có đề xuất Sở Y tế TP.HCM đặt hàng Công ty Bia rượu miền Nam sản xuất Ethanol 43% để áp dụng điều trị như một loại thuốc đạt chuẩn” – bác sĩ Ân nói.