Trong thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp nước ngoài đã mua một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có một số thương hiệu của ngành Bia Việt Nam. Vậy thị trường bia Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước sẽ bị tác động như thế nào? Dưới đây là những phân tích, nhận định của LS. Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam.
CÁC THƯƠNG HIỆU BIA VIỆT SẼ ĐỨNG VỮNG, NẾU BIẾT ĐẦU TƯ, ĐỔI MỚI
Với số dân trên 100 triệu người trong tương lai và nước ta lại thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện nên thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Việc các công ty nước ngoài tham gia vào thị trường bia Việt Nam sẽ có tác động nhất định đến thị trường. Thị trường sẽ cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Các thương hiệu bia Việt có truyền thống, được người tiêu dùng ưa chuộng sẽ đứng vững trên thị trường song đòi hỏi các nhà sản xuất phải không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và làm tốt công tác quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp bia nhỏ, thị phần hạn chế sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các thương hiệu lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp này phải nỗ lực vượt bậc và không ngừng để có thể trụ vững trên thương trường. Một số sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng có thể được các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới.
Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều mong muốn mở rộng sản xuất để nguồn cung thị trường được dồi dào và phong phú. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất không chỉ phụ thuộc vào bản thân các doanh nghiệp mà do thị trường quyết định. Mở rộng sản xuất mà không tiêu thụ được thì doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Vì vậy các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc kỹ việc mở rộng sản xuất hay tập trung củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường. Khi xây dựng quy hoạch, Bộ Công Thương đã dựa trên các cân đối cung cầu để xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể.
Các doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất phải cân nhắc đến khả năng cung, cầu của thị trường nên không mâu thuẫn với quy hoạch của Bộ Công Thương. Mặt khác, việc Bộ Công Thương không khuyến khích đầu tư mới các nhà máy quy mô dưới 50 triệu lít/năm là hợp lý vì xu hướng hiện đại các doanh nghiệp đã đầu tư sẽ đầu tư các nhà máy có công suất lớn, thiết bị hiện đại mới có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế và mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
VIỆC BAN HÀNH CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGÀNH BIA CẦN HÀI HÒA VÀ BẢO ĐẢM 3 LỢI ÍCH
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành sản xuất, kinh doanh bia, rượu, nước giải khát. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Bộ Công Thương và Bộ Y tế đều là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao nên các quy định của Bộ Công Thương và Bộ Y tế đều nhằm thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Vấn đề cần quan tâm là các quy định này phải hài hòa và đảm bảo được cả 3 lợi ích: Lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng. Nếu đáp ứng được 3 lợi ích này thì các quy định sẽ có tính khả thi và đi vào cuộc sống, Ngược lại, nếu quá nhấn mạnh một trong ba lợi ích này thì sẽ khó khả thi.
Một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công Thương là xây dựng, ban hành và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực được phân công. Bộ Công Thương là cơ quan phê duyệt và kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát. Do đó, Bộ Công Thương có vai trò rất quan trọng trong công tác quy hoạch, kiểm tra quy hoạch và quản lý các doanh nghiệp thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, để quy hoạch được triển khai và thực hiện nghiêm túc cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương và sự tuân thủ của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài./.