Rượu bia khiến nhiều người liên tưởng đến những hình ảnh say rượu, nghiện rượu, nát rượu. Thật ra không cứ gì rượu, đồ uống nói riêng và thực phẩm nói chung, kể cả thuốc bổ, nếu dùng thái quá đều có hại. Như vậy, để uống rượu thế nào cho đúng, cho đẹp, con người chúng ta cần phải có trí tuệ, tri thức và nhất là văn hóa.
VÌ SAO RƯỢU VẨN TIẾP TỤC ĐƯỢC ƯA CHUỘNG?
Đây là câu hỏi thật khó trả lời. Nếu so sánh giữa những cái lợi và cái hại của việc uống bia rượu thì cái lợi sẽ nhẹ cân hơn và có phần bị lép vế. Có thể kể hàng loạt cái hại của việc uống rượu rất cụ thể, đó là: tốn tiền, tổn hại sức khỏe, mất thời gian, bệ rạc; nếu quá chén còn làm con người mất trí khôn, biến họ thành kẻ hung hãn, vô sỉ, gây tai nạn giao thông, mất trật tự công cộng, gây sự với đồng nghiệp, cà khịa với bạn bè, bạo hành với vợ (chồng) con cái… Những chuyện như thế này thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Chúng ta đã tốn rất nhiều giấy mực cũng như công sức để khẳng định là chúng vô cùng có hại, từ đó đưa ra những lời khuyên, bài học kinh nghiệm để tránh xa rượu, bia.
Nhưng thực tế thì thế nào? Các nhà máy sản xuất bia rượu tiếp tục được xây dựng, những nhãn hiệu mới không ngừng được ra đời. Thậm chí người ta còn khôi phục lại những nhãn hiệu cũ, những giá trị truyền thống từ ngàn xưa. Đứng trước xu hướng ngày càng tăng – tăng cả số lượng người uống lẫn sản lượng bia rượu được tiêu thụ, thì cái lợi của bia rượu ở đâu? Có người nói: “Rượu bia là đầu câu chuyện, có lợi ở chỗ gây hưng phấn, nói năng lưu loát hơn, dễ mở lòng hơn”. Phụ nữ thì phản đối ngay: “Chúng tôi buôn dưa, cà, dưa lê cả buổi mà có cần giọt rượu nào đâu?”. Khi nói: “Bia rượu khẳng định phái mạnh, khiến đàn ông tự tin hơn”. Phụ nữ phản bác tức thì: “Vớ vẩn, mạnh mẽ ở chỗ nào? Nốc rượu vào, các ông nếu không lăn quay ra ngủ, ngáy như sấm rền thì cũng chân nam đá chân xiêu, cà khịa đủ đường”.
Thật vậy, tìm được một vài cái lợi cụ thể có sức thuyết phục của việc uống bia rượu là rất khó. Ấy thế mà cả nghìn năm nay, con người vẫn say mê uống rượu. Nếu uống bia rượu chỉ toàn có hại, không mang lại bất cứ lợi lộc nào thì con người đã tẩy chay điều đó từ lâu rồi. Vì vậy, vấn đề đặt ra là để cái lợi của việc uống rượu phát huy tác dụng thì chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về rượu, có ý thức và trách nhiệm trong việc sử dụng rượu. Phải ý thức được rằng, uống rượu cũng đòi hỏi có văn hóa. Mà văn hóa thì không chấp nhận sự thái quá.
CẦN CÓ VĂN HÓA UỐNG
Ở đâu đó, chúng ta chỉ nói tới tác hại của rượu bia và muốn hạn chế, thậm chí cấm sử dụng chúng. Nhưng tất cả những quốc gia cấm rượu dường như đều không đạt hiệu quả, mà thậm chí làm giảm nguồn thu, do rượu bia đóng góp môt phần quan trọng trong ngân sách quốc gia. Như vậy, bia rượu là việc không thể thiếu trong cuộc sống, cần được quan tâm đúng mực, nhất là các dịp lễ Tết, lễ hội, lễ kỉ niệm, các buổi gặp mặt, chào mừng… Những ngày này, mọi người hễ gặp nhau, dứt khoát là được mời uống bia, uống rượu. Mời thì khó, từ chối thì còn khó hơn, mà không khéo còn bị mang tiếng là kém lịch sự, kém giao tiếp. Nhưng uống rượu thế nào để không gây hậu quả xấu vẫn là điều rất khó lường.
Trong chuyện uống rượu, có cả sự cao quý, sự sang trọng và dung tục, thấp hèn. Cao sang là những lúc uống rượu có tính chất nghi lễ. Điều quan trọng nhất là không quá chén, không ép nhau uống tới cùng. Dung tục là khi người ta uống rượu bất kể lúc nào, bất kể ở đâu, thúc ép nhau uống; hô hào, gào thét ầm ĩ. Đáng sợ và đáng khinh hơn khi những kẻ nát rượu sẵn sàng dối trá hoặc đi ăn cắp, ăn cướp để có tiền uống rượu.
Văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của con người. Cái gì trường tồn, thông thường, đều liên quan đến văn hóa hoặc thuộc về văn hóa. Việc con người sản xuất rượu và uống rượu đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Ở Việt Nam, trong các gia đình, dòng họ, các cụ cao niên không bao giờ từ chối nhâm nhi chén rượu trong dịp lễ, Tết. Nhà có việc hiếu hỷ, thậm chí giết gà, mổ lợn… kiểu gì thì gia chủ cũng phải sắm chai rượu mới đúng nghi lễ. Các cụ không bao giờ khoe khoang về tửu lượng của mình nhưng cụ nào uống kém thì lấy làm áy náy lắm! Hàng nghìn năm nay, con người ta vẫn uống rượu như thế, và rượu vì thế, ngày nay vẫn đồng hành cùng nhân loại. Kẻ yêu, người ghét rượu đều phải thỏa hiệp với nhau, chấp nhận nhau để sống. Tuy nhiên, con người là sinh vật có trí tuệ vượt trội so với các loài khác vì có tư duy, nhận thức và có văn hóa.
THI HỒNG