Hằng năm, vào khoảng giữa tháng Tư Dương lịch, bà con đồng bào người Khmer náo nức đến chùa để tham gia lễ hội nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Tại đây có tục đắp núi cát như một cách để tôn vinh các vị thần và tổ tiên họ, cũng như cầu mong sự bình an và may mắn cho gia đình trong năm mới.
Tết Chôl Chnăm Thmây
Được biết, Chôl Chnăm Thmây nghĩa là “vào năm mới”. Cũng như Tết Nguyên Đán của người Việt, Tết Chôl Chnăm Thmây là Tết cổ truyền được xem là lớn nhất trong năm của người dân Campuchia.
Vì vậy mà vào dịp lễ này, người dân nơi đây đều rất háo hức tham gia lễ hội chào đón năm mới và cầu bình an. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Champuchia, hơn 1,3 triệu đồng bào Khmer tại Việt Nam đã tiếp nối và duy trì lễ hội này hằng năm.
Lễ hội thường được tổ chức vào độ khoảng giữa tháng Tư Dương lịch hằng năm, trong lễ hội có nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian thú vị. Tổ chức vào tháng Tư bởi đối với người Khmer đây là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa.
Tại thời điểm này, sức sống của thiên nhiên trỗi dậy mạnh mẽ, cỏ cây cũng bắt đầu trở lại tươi tốt. Việc tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây của người dân Khmer có ý nghĩa như cầu xin mùa khô qua mau để bắt đầu mùa vụ mới.
Nguồn gốc của tục đắp núi cát
Có khá nhiều truyền thuyết, sự tích liên quan đến tục đắp núi cát này. Trong đó, người ta cho rằng tục này xuất phát từ một sự tích kể về một người đàn ông làm nghề săn bắn.
Sự tích kể rằng: “Từ khi hành nghề săn bắn, người đàn ông này đã giết rất nhiều muôn thú. Về già, ông luôn bị ám ảnh và có những cơn ác mộng đòi mạng từ những con thú mà ông đã săn bắn. Biết chuyện, nhà sư đã khuyên ông tích phước bằng cách đắp núi cát trong một ngôi chùa gần nơi ông sinh sống. Khi các muôn thú đến tìm ông đòi nợ, ông bảo với chúng rằng: “Nếu các ngươi muốn bắt tôi trả nợ oan nghiệt, thì xin các ngươi hãy đếm hết những hạt cát mà tôi đã đắp thành núi, xong rồi tôi sẽ trả cũng chẳng muộn gì”. Bọn thú đồng ý, chúng cùng nhau đi đếm nhưng không tài nào đếm hết. Cuối cùng chúng chán nản và kéo nhau bỏ đi, thế là người thợ săn từ đó về sau không gặp ác mộng nữa, sức khỏe của ông cũng dần dần bình phục trở lại. Từ đấy, người thợ săn bao giờ cũng cố gắng tích công đức, để làm việc thiện cho đến cuối đời”.
Chính từ sự tích này, đồng bào Khmer xem tục đắp núi cát là một tập tục quan trọng giúp họ tích đức và bình an qua mỗi năm.
Đắp núi cát
Để thực hiện việc đắp núi cát, người ta sẽ chuẩn bị cát sạch trước đó để đắp thành nhiều ngọn núi nhỏ. Trong đó sẽ có 1 ngọn núi nằm ở chính giữa những ngọn xung quanh còn lại.
Những ngọn núi cát này tượng trưng cho vũ trụ, và ngọn núi ở chính giữa được xem như trung tâm của vũ trụ. Sau khi hoàn tất việc lắp núi, người tham gia sẽ làm rào quanh những ngọn núi này để tránh trẻ em chạy nhảy vô tình làm hỏng.
Lễ thường được tổ chức vào chiều ngày thứ hai của tết Chôl Chnăm Thmây (hay còn được gọi là ngày Virer-vona-both, nhằm thể hiện công sức, lòng thành của người tham gia đắp núi cát. Mỗi hạt cát đắp lên thành núi sẽ giải thoát được một kẻ có tội ở thế gian. Vì thế, người Khmer rất hăng hái đắp núi cát, để mong Đức Phật ban phước lành.
Tuy nhiên, thời điểm diễn ra tục đắp núi cát ở nhiều nơi sẽ có chút khác nhau như một số chùa Khmer sẽ chuẩn bị việc đắp núi cát bị từ trước Tết. Theo thượng tọa Lý Đen – Trụ trì chùa Chrôi Tưm Chắs (tại Phường 10, tp. Sóc Trăng):
“Đắp núi cát là lễ tục tạo công đức, cầu phước cho gia đình… Qua đó, còn thể hiện sự đoàn kết của phật tử và sư sãi trong việc chăm lo cho chùa, nơi được ví như trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer”.
Ngày nay, việc đắp núi cát chỉ được tổ chức vào những năm chùa đang xây dựng, tu sửa. Cát do người dân mang đến để lắp núi sẽ được dùng vào việc xây dựng chùa sau lễ. Một số chùa thay núi cát bằng núi lúa hoặc núi gạo. Sau khi xong nghi lễ, số lúa và gạo đó sẽ được mang đến cho các vị sư sãi hoặc dùng để hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân nghèo.
Ngọc Thiện tổng hợp