Những ngày này, tự nhiên muốn kể các bạn nghe về một lần trải nghiệm thật đặc biệt của tụi mình.
Tháng 11/2019, sau một chuỗi khóa học dài, trên chuyến bay từ Mỹ về lại Việt Nam cả bốn chị em trong ban lãnh đạo nhà MayQ chúng mình đã trải qua một kinh nghiệm sinh-tử.
Một câu chuyện có thật…
Buổi tối hôm đó, máy bay đang bay qua đại dương mênh mông thì gặp thời tiết xấu. Máy bay rung lắc liên tục, lại chồm lên, rồi lại rơi như rơi tự do xuống, làm mọi người vô cùng sợ hãi. Cô tiếp viên hàng không liên tục phát thông báo dặn mọi người thắt chặt dây an toàn, và áp dụng các biện pháp an toàn chống rung lắc… Xung quanh tụi mình mọi người lao xao. Mình nhắm mắt lại, bắt đầu chuyên tâm nhiệm “Nam mô Đại Từ Đại Bi Linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ tát”.
Bởi vì đặc thù của công việc, tụi mình đi nhiều, việc gặp những trục trặc, trở ngại, thậm chí những sự cố gần như xảy ra tai nạn cũng không ít. Vì thế, gần như theo phản xạ đã được Mẹ tụi mình dạy nhiều năm nay, mỗi khi có bất kỳ điều gì đáng sợ xảy ra, việc đầu tiên là, Không được sợ hãi, chuyên tâm niệm Hồng danh Bồ tát Quan Thế Âm.
Và hầu như trong mọi trường hợp, chúng mình đều được vượt thoát nạn tai một cách êm đẹp, và qua những lần như vậy, hầu như lại cho tụi mình một niềm tin kiên cố hơn nữa, rằng ‘Mẹ Quán Thế Âm’ (như cách gọi thân thương, gần gũi của tụi mình) thực sự luôn có thể lắng nghe chúng mình, có thể giang tay che chở chúng mình, mỗi khi hữu sự.
Tuy vậy, sự cố thời tiết ngày hôm đó thật không phải tầm thường. Mặc cho mình vô cùng chú tâm niệm Hồng danh Mẹ Quán Thế Âm, máy bay vẫn rung lắc dữ dội, kéo dài trong một quãng thời gian khá lâu, thi thoảng lại hẫng một nhịp, như thể rơi tự do mấy giây, rồi lại gắng gượng nâng mình lên. Xung quanh tụi mình, đã bắt đầu có tiếng kêu khóc, một vài tiếng nôn mửa…
Thật sự, lúc đó mình không dám mở mắt ra, chỉ phát hiện ra một điều: dường như những điều diễn ra xung quanh đang có khuynh hướng ‘nhiễm’ vào mình, và trong một tích tắc, mình cảm thấy mình có-thể sẽ lo sợ giống như mọi người xung quanh, có-thể sẽ không kìm được, và cứ cái đà này tiếp diễn, có-thể trong vài phút nữa, mình cũng sẽ không thể can cường hơn được nữa, có-thể cũng sẽ bật khóc, hoặc…
Và cũng cùng lúc đó, mình cũng nhận ra ngay, dường như việc niệm hồng danh Đức Quán Thế Âm một câu đơn giản lặp đi lặp lại thôi sẽ chưa đủ kéo mình ra khỏi nguy cơ nhiễm sự hoảng loạn này. Mình cảm thấy, mình cần một cái gì đó, mạnh hơn, dài hơn để tập trung chú tâm toàn phần vào. Thế là mình chuyển qua đọc Chú Đại Bi.
Hiểu về sức mạnh của Chú Đại bi
Có lẽ bạn cũng biết rồi, Chú Đại Bi là một tổng trì (đà ra ni, nói nôm na là một ‘combo’ tổng hợp của 84 câu chú rời của Đức Quán Thế Âm, mỗi câu đều có thần lực mạnh mẽ, khi đọc vào chung một lượt, sẽ tạo ra được một loại sức mạnh khó thể nghĩ bàn). Và bởi vì phần thần chú dài, nhiều câu, cần sự tập trung thật mạnh mới nhớ rõ để đọc từ đầu đến cuối mà không bị lạc hay vấp… Thế là thần chú này lại trở thành một ‘cái phao cứu mạng’ cho mình vào thời điểm đó.
Khi tập trung ráng nhớ và đọc, mình dần hoàn toàn không còn để ý gì tới những hỗn loạn xung quanh nữa. Và để cho sự tập trung được toàn phần hơn, trong đầu mình mường tượng ra hình ảnh thánh tượng Mẹ Quán Thế Âm mình thường được ngưỡng bái ở các chùa: thật đẹp, thật dung dị thánh khiết, miệng mỉm cười, tay cầm bình hồ lô, tay cầm nhành dương liễu, rảy nước lành xuống cho nhân gian… Càng mường tượng, càng rõ nét. Mình không còn để ý gì nữa, tập trung vào hình ảnh đó, và đọc miết…
Cho tới khi mình nhận ra, mọi cái xung quanh mình bắt đầu an tĩnh trở lại, tiếng kêu khóc đã dừng, mọi người hoàn hồn, thì đó đã là gần nửa tiếng đồng hồ sau đó.
Bạn có tưởng tượng, chúng mình đã bị ‘quăng quật’ suốt gần nửa tiếng đồng hồ trên biển, sinh tử không biết đường nào mà lần! Và trong suốt thời gian bất định đó, chính Chú Đại Bi cùng hình ảnh của Đức Quán Thế Âm thực sự đã giữ cho tâm mình định tĩnh, không còn cảm thấy lo sợ hay bấn loạn gì nữa. Và bên cạnh mình, sau lưng mình, các chị em mình cũng thừa nhận: nãy giờ không dám nghĩ gì, cũng chỉ tập trung vào trì Chú Đại Bi thôi!
Đó là khi mình thực sự, thực sự biết ơn vô cùng, cái việc tụi mình đã tập thành thói quen, mỗi ngày đều trì các loại kinh chú tại nhà, đọc và trì cho đến khi, hiện giờ, trong bụng mình đã thuộc nằm lòng một số những câu kinh bài chú đáng kể.
Trách nhiệm Duyên – Nghiệp – Quả của mỗi người
Khi đem câu chuyện này về kể lại cho Tin con trai mình để khuyến khích con cũng chịu khó đọc trì kinh chú mỗi ngày, mình nói, con thử tưởng tượng mà xem, trong những thời khắc dễ gây bấn loạn như vậy, một người trước giờ chưa từng có đức tin, chưa từng quen miệng đọc qua một câu kinh lời chú nào, họ sẽ biết bấu víu vào đâu? Có phải, những lúc như vậy, họ thật sự sợ hãi lắm hay không?
Tin hỏi mình, phải chăng, những lúc gian nguy như vậy, việc cầu nguyện hết lòng có phải thực sự sẽ cứu được ta trước khỏi mọi nạn tai? Nếu như vậy, tại sao vẫn diễn ra những cảnh người tốt hay các bậc tu hành vẫn tử nạn trong những chuyến đi, thậm chí những chuyến đi cứu nạn hay thiện nguyện?
Mình nói với con, thật sự, cho đến tuổi này, mình đã nghiệm ngộ ra, con người ta vẫn phải luôn chịu trách nhiệm bởi một số duyên-nghiệp-quả nhất định. Vì thế, việc ta có luôn nghĩ tới, và cầu nguyện, trì niệm hồng danh hoặc đọc các loại kinh-chú mà ta hết lòng tin tưởng sẽ chỉ có thể giúp ta một phần lớn nào đó, nhưng sẽ khó thể thay thế cho tất thảy. Tuy vậy, từ việc này dẫn đến hai khả năng:
1/ Trong hiểm cảnh, nhờ có sẵn, thuộc nằm lòng hình ảnh của một số vị Ơn Trên luôn hiển hiện trong tâm trí của mình, mình sẽ lập tức nhớ ngay Các Vị, đưa bản thân mình về dưới sự bảo hộ, che chở của Chư Vị. Điều này cũng tương tự như khi đi đường bất ngờ gặp trời mưa, ta sẽ nhớ bung chiếc dù (ô) luôn mang sẵn trên tay ra mà che chắn được ngay, giảm tối thiểu khả năng bị mưa làm ướt.
Việc ta nhập tâm mường tượng hình ảnh Các Vị, cùng với đọc một số lời cầu nguyện, lời kinh-chú…dẫn dắt ta về dưới thần lực, hay ánh sáng che chở của các Vị, sẽ tương tự như ta kiên trì giữ chiếc ô trên đầu một cách vững vàng, kiên định, và như thế, càng đi an lành dưới mưa mà không bị ướt.
Mình có thể khẳng định, sự cố sinh-tử trên chuyến bay hôm trước, rốt cục cũng được thoát hiểm, có phần nào đó, công sức cầu nguyện hết lòng của tất cả mọi hành khách trên chuyến bay, trong đó có chị em chúng mình.
Nói theo một góc nhìn thực tế hơn một chút, thì việc nhiếp tâm, tức tập trung hướng về một niềm tin, một đức tin đẹp đẽ và an lành tối thượng, đối với bản thân mỗi người, trong phút giây hiểm họa, nó gần giống như giữ được bản thân ta định tâm trước những dòng biến động đang hỗn loạn diễn ra xung quanh.
Mà tâm định, sẽ giữ mọi cái được ổn định: cơ thể ta vẫn hoạt động bình thường (không bị tăng huyết áp, không rối loạn hô hấp…), trí óc vẫn minh mẫn… thì năng lượng trong nội thân sẽ giữ được ở mức ổn định, và cao. Việc giữ năng lượng ở mức ổn định và cao sẽ đủ sức ‘cân’ lại với những năng lượng rối loạn, hỗn loạn xung quanh.
Nhiều người nhiếp được tâm ổn định trong trường hợp đó, nhiều khả năng sẽ cân bằng lại được những biến động (xảy ra vốn do những nhiễu loạn năng lượng từ xung quanh), và vì thế, mọi nạn tai dần sẽ tan đi. Người ta hay nói, “Tâm an vạn sự an”, trong hoàn cảnh đặc thù này, nó chính là như vậy.
2/ Tuy nhiên, mặc dù không mong muốn, ta vẫn buộc phải thừa nhận, trong một số trường hợp xấu nhất, mặc dù tâm ta đã định tĩnh, ta đã hết lòng cầu nguyện, mà ta… vẫn không qua khỏi hiểm cảnh đó.
Như đã nói, những gì xảy ra ở đời này vẫn là ‘quả’ từ những cái nhân của đời trước. Vì thế, việc bạn đã hết lòng ‘quay đầu’, đã biết tu tập, sám hối… không có nghĩa bạn sẽ hoàn toàn “phủi sạch” bạn khỏi những nghiệp xấu từ rất nhiều đời kiếp trước đây.
Trong kinh sách Phật giáo vẫn có những ví dụ về các bậc cao tu như Mục Kiền Liên, cuối đời vẫn phải trả cho nốt nghiệp mạng của mình, hoặc vua Tần Bà Sa la dẫu cả đời làm thật tốt công việc trợ lan tỏa Phật pháp, vẫn kết thúc bằng cái chết trong tù ngục do chính con trai mình ra tay…
Tâm cần định trước sóng gió để làm gì?
Vì vậy, đã khá lâu rồi, mình đã biết nhìn ra, hãy nhìn về những điều đó với cái nhìn chấp nhận. Tận nhân lực – cố gắng hết sức để sám hối, gột rửa bớt đi những ác nghiệp đã phạm; nhưng bên cạnh đó, tập chấp nhận những điều bất ý đến với mình, để coi như trả nốt cho xong cái nghiệp đã phạm…, trong khi chúng ta vẫn còn ngụp lặn trong sinh tử luân hồi và chưa thể ‘tự tỉnh giác’ khỏi ‘Giấc mơ Siêu khổng lồ’ này.
Vậy thì, trong những giây phút sinh tử ấy, việc giữ cho mình tâm định tĩnh, không bấn loạn trước những biến động của xung quanh, cũng chính là giữ cho ta một ‘sự ra đi không sợ hãi’. Một sự ra đi không sợ hãi sẽ giữ thần thức chúng ta không bị cột chặt vào trong những thống khổ, đau đớn của giây phút ta có lìa đời…, và vì vậy, sẽ không làm cho ta bị rơi vào những ‘tầng thức xấu’, ảnh hưởng tới một con đường ta sẽ đi dài về sau nữa, sau khi ta không còn thân mạng này trên cõi đời.
Hơn thế nữa, trong những phút ngặt nghèo đó, việc ta giữ tâm ta định tĩnh, một lòng hướng về Chư Phật, về Chư Bồ tát mà bạn hết lòng tin tưởng thương kính, sẽ giữ phần tâm thức ta được nhẹ nhàng, thanh tĩnh, nói một cách nào đó, sẽ được Chư Vị bảo bọc che chở, ngay khi ta không giữ được phần thân mạng, thì cũng được che chở, bảo bọc phần tâm hồn, để không bị đọa vào những ‘con đường xấu’ – mà Phật pháp gọi là ‘ba đường ác’.
… Nhưng mà, thật lòng, đó là cái mình nhìn ra được Sau khi đã vượt qua cảnh sinh tử, chớ lúc đó, không có kịp nghĩ nhiều, chỉ một lòng biết nghĩ đến Mẹ Quán Thế Âm, một lòng gắn tâm mình với Mẹ, vậy thôi!
Và một giây sau khi mình vượt thoát cảnh này, thêm một lần thực sự biết ơn Mẹ Quán Thế Âm đã chở che cho chúng mình thêm một lần vượt thoát cảnh hiểm, trong lòng mình tự nhiên bật lên một ý niệm: Vậy chứ những người bình thường sống không có đức tin, khi hiểm nghèo như vậy, bạn sẽ biết bám víu vào ai?
Cái tên nào, hồng danh nào, hình ảnh nào kịp nhảy vào đầu bạn, để bạn kịp bám vào đó để giữ tâm mình định tĩnh? Hay những lúc như vậy, bạn chỉ còn biết bị lôi kéo theo những phản xạ của bản năng: lo sợ, bấn loạn, hoảng hốt, … và kêu khóc? Để rồi, lỡ mà, phút giây mình không ‘trở tay kịp’ và phải ‘ra đi’, đó sẽ là một sự ra đi đầy đau đớn, hoảng loạn, khốn khổ?
Chia sẻ với bạn một câu chuyện có thật đã diễn ra cho chính mình và các chị em thân thương của nhà MayQ tụi mình, để mình thật lòng khuyên bạn, những ai hữu duyên tin mình và nghe mình: Xin hãy chủ động tập cho mình một đức tin tâm linh vững vàng, ngay từ lúc mình đang vui – khỏe – bình thường.
Bởi cuộc đời, như chúng ta nhìn thấy, vốn dĩ không thể nào tránh khỏi những thăng trầm. Những người giỏi giang cỡ nào cũng sẽ không thể nào tránh khỏi đôi ba lần rơi vào hiểm cảnh – mình nói, ở đây là hiểm cảnh của chuyện sinh tử, của bệnh tật, của tai nạn…
Những lúc đó, chỉ có một đức tin hết sức kiên cố, một hình ảnh thiêng liêng của một chư Ơn Trên nào đó hữu duyên với bạn – không nhất thiết phải chỉ có riêng bên đạo Phật mới có, một hành động bạn phải thực hành thường xuyên, liên tục hàng ngày, một việc bạn đưa được thẳng vào ‘phản xạ có điều kiện’, bằng cả ý thức lẫn vô thức, mới thực sự ‘cứu’ bạn được những lúc ấy mà thôi…
Thay lời kết
Thay cho phần kết bài viết này, mình kể cho bạn nghe thêm một câu chuyện từ một trong những vị Thầy mình kính trọng. Gần hai năm sau ngày chúng mình trải qua kinh nghiệm sinh-tử kia, một ngày tụi mình nghe được một bài pháp giảng của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Trong đó, Thầy có kể, những ngày xã hội cũ biến động, rối ren trong tháng 4.1975, rất nhiều người hoảng sợ, kể cả các vị cùng tu tập với Thầy tại ngôi chùa ngày ấy. Mọi người rủ Thầy cùng chạy trốn, Thầy không theo, chỉ điềm nhiên mang bản Kinh Pháp Hoa lên chánh điện tập trung ngồi tụng. Nhiều người sốt ruột: “Chết tới nơi rồi mà còn ngồi đó đọc kinh!” Thầy trả lời, “Chết tới nơi rồi mới càng ngồi đọc kinh.”
Tình hình càng căng, Thầy càng tập trung tụng Pháp Hoa. Vì Thầy nghĩ, chết thì đằng nào cũng chết, lúc mình chết đi, mà có Phật cứu độ mình, thì không cứu được phần xác thân này, cũng cứu được mình phần hồn, để mình không bị ‘đọa’… Thầy hay khép lại câu chuyện xưa này bằng ý: Vậy mà tôi vẫn còn sống cho tới tận bây giờ đấy thôi. Và Thầy cười, một nụ cười thật hiền.
Có lẽ vì đích thân trải qua cảm giác như trên, nên mình nghe câu chuyện Thầy kể với một sự thẩm thấu đặc biệt. Và vì vậy, thêm một lần biết ơn Ơn Trên biết bao, vì trong giây phút sinh tử đó, mặc dù mình nào đã được ai chính thức chỉ dạy nên làm gì đâu, vẫn theo trực giác mà biết tự tìm đến những cách thức thiêng liêng, để mà ráng giữ được tâm bình tĩnh giữa dòng hỗn loạn, để mà lại thêm một lần vượt qua hiểm cảnh.
Còn nếu bạn chưa từng đích thân trải qua cảnh này, câu chuyện này mong sẽ làm một ví dụ cho bạn tham khảo, để bạn có cái để luôn chuẩn bị tinh thần…
Bởi như chúng ta đang thấy, thế giới này đang trải qua rất nhiều những cuộc bể dâu, mà, ở trong đó, sự giàu sang, thành đạt hay trí thông minh đời thường cũng không thể giúp nhiều gì được cho bạn trong những cơn khốn cùng.
Đôi khi, giữa hỗn loạn, giữa sóng gió, giữa những phút giây dễ tạo cho con người ta những cơn suy sụp tinh thần nhất, chỉ có sự nương nhờ một giá trị về Đức tin hay niềm tin mới có thể là chỗ dựa lớn nhất của bạn mà thôi…
Gửi niệm lành cho tất cả.
Lê Đỗ Quỳnh Hương
(30.7.2021 – QH & MayQ Team)